Thứ Ba, 26/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Hai, 26/4/2010 14:22'(GMT+7)

Lạc quan về hồ sơ “Tín ngưỡng và Lễ hội Hùng Vương”

Lễ hội Đền Hùng năm 2010

Lễ hội Đền Hùng năm 2010

Di sản độc đáo

Có ý kiến cho rằng sự thiêng liêng và đức tin là hai yếu tố cơ bản của tín ngưỡng. Đến với Đền Hùng như đến bên bàn thờ tổ tiên trong gia đình với ý nghĩa nhà là nước, nước cũng là nhà và ước nguyện của mỗi người cũng là ước nguyện của dân tộc. "Do đó, tín ngưỡng và Lễ hội Hùng Vương vừa có sự tập trung, vừa có sức lan tỏa" - ông Nguyễn Ngọc Ân, Giám đốc Sở VH,TT&DL Phú Thọ nhận định.

Ông Ân nói về đất Tổ: Ngoài Lễ hội Đền Hùng thu hút hàng triệu đồng bào hành hương về đất Tổ mỗi dịp tháng ba về, 40 làng của các huyện Phong Châu, Lâm Thao, thành phố Việt Trì… cũng tổ chức lễ hội vào dịp đầu xuân với tinh thần hướng về nguồn cội. Các làng rước kiệu từ đình làng về chầu ở chân núi Hùng, rồi tổ chức chấm thi, làng có kiệu được xếp nhất thì được rước lên Đền Thượng, thay mặt cả đoàn kiệu đứng tế Tổ. Đám rước kiệu lên Đền Thượng được tổ chức hết sức công phu, gồm 3 cỗ kiệu đi liền nhau. Cỗ đi đầu bày hương, hoa, đèn nến, trầu cau, bình nước và nậm rượu. Cỗ thứ hai rước nhang án, bài vị thánh có lọng che. Cỗ thứ ba rước đầy bánh chưng, thịt lợn. Đi trước nhất là viên quan dịch cầm loa báo cho nhân dân hai bên đường và khách bộ hành biết cỗ kiệu sắp tới để họ nghênh đón. Tiếp đến là phường chèo, vừa đi vừa hát gióng đường, sau đó là dàn trống nện theo nhịp. Dịch loa, phường chèo và chiêng trống có thể xem là một ê kíp tiền trạm. Đây là một trong những yếu tố khẳng định sinh hoạt tín ngưỡng thờ Tổ rất trang nghiêm, tôn kính và có lề lối hẳn hoi.

Bằng chứng sinh động để khẳng định hệ tín ngưỡng thờ Hùng Vương là hơn 80 triệu con Lạc cháu Hồng sinh sống trên dải đất hình chữ S đã lập tới 1.417 di tích thờ các vua Hùng, rồi tổ chức lễ hội hằng năm để bày tỏ tấm lòng tri ân tiên tổ. Hơn thế, trước anh linh 18 vị vua Hùng trên đất Phong Châu, dù là người Việt Nam hay khách quốc tế đều trào dâng một cảm xúc thiêng liêng. Như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã viết trong sổ lưu niệm Bảo tàng Hùng Vương: "Về đây, thắp nén hương tưởng nhớ các vua Hùng, lại thấy bâng khuâng khó tả, lại nhắc nhớ về một cội nguồn oanh liệt mãi mãi là niềm tự hào của cộng đồng dân tộc Việt Nam...".

Một vị tướng đã viết: "Về đất Tổ, nhìn núi xưa, sông cũ, nhớ ơn công lao các vua Hùng đã có công dựng nước, chúng con không chỉ bày tỏ lòng biết ơn, sự chung thủy, ngưỡng mộ đối với công đức tổ tiên mà còn được tiếp thêm sức mạnh, nguồn lực thiêng liêng, vô giá. Chúng con nguyện cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân làm hết sức mình phấn đấu để xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh". Sinh viên Kwandee Attavatichai, Trường Đại học Thammasat - Bangkok (Thái Lan) chia sẻ: "Đến Phú Thọ - nơi đất Tổ vua Hùng, tôi hiểu hơn về văn hóa Việt cổ qua những hiện vật, hình ảnh quý giá trong Bảo tàng Hùng Vương. Về nước, tôi sẽ giới thiệu cho bạn bè biết về những điều tôi được thấy, được cảm nhận và tôi tin họ cũng có cảm xúc như tôi. Tôi xin chúc nhân dân Việt Nam mãi giữ gìn được truyền thống tốt đẹp mà tổ tiên các bạn đã gây dựng nên"…

Hy vọng trở thành tài sản nhân loại

Với sự kiện đề cử "Tín ngưỡng và Lễ hội Hùng Vương" là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, ông Phạm Sanh Châu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa đối ngoại, Tổng Thư ký Ủy ban UNESCO Việt Nam đánh giá: "Trên thế giới chưa có đất nước nào có tín ngưỡng thờ Tổ như Việt Nam. Do đó, tôi tin hồ sơ độc đáo này sẽ thuyết phục được các thành viên Hội đồng UNESCO thế giới. Ủy ban UNESCO Việt Nam và UNESCO Hà Nội sẽ đồng hành cùng Bộ VH,TT&DL và UBND tỉnh Phú Thọ xây dựng xong hồ sơ trước ngày 31-8 năm nay".

Khẳng định về giá trị của tín ngưỡng và Lễ hội Đền Hùng, GS Ngô Đức Thịnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa tín ngưỡng Việt Nam cho biết: "Vua Hùng đã trở thành một biểu tượng, mà biểu tượng thì còn cao hơn cả sự kiện, mang tính tâm linh thống nhất của quốc gia. Dân tộc Việt Nam, quốc gia Việt Nam rất may mắn có một biểu tượng như thế làm chỗ dựa niềm tin trong quá trình xây dựng quê hương, đất nước. Vì thế, theo tôi, các chuyên gia nên nhấn mạnh tới chi tiết này trong hồ sơ đề cử "Tín ngưỡng và Lễ hội Hùng Vương" là di sản văn hóa".

Với vai trò là người tham gia lập hồ sơ, ông Nguyễn Tiến Khôi - Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng cho hay: Việt Nam có nhiều di tích thờ vua Hùng, gia quyến và tướng lĩnh nhưng tập trung nhiều nhất ở khu di tích núi Hùng (hay núi Nghĩa Lĩnh) thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương và các địa phương phụ cận như thành phố Việt Trì, huyện Phù Ninh, Lâm Thao. Đó là điều rất thuận tiện trong việc nghiên cứu, điều tra và khảo sát để lập hồ sơ. Ngoài ra, những hình ảnh, hoạt động phong phú tại Lễ hội Đền Hùng năm 2010 sẽ là những luận chứng sinh động chứng minh giá trị nổi bật của tín ngưỡng và Lễ hội Hùng Vương, đồng thời khẳng định di sản độc đáo này đã, đang và mãi mãi được Việt Nam trân trọng giữ gìn.

Với những giá trị có một không hai trên, hy vọng hồ sơ "Tín ngưỡng và Lễ hội Hùng Vương" sẽ được thế giới tôn vinh vào năm 2011.


Minh Ngọc -HNM0
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất