Thứ Ba, 26/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Tư, 28/4/2010 10:44'(GMT+7)

Ngày xuân, chợt nghĩ...

Các đại biểu tham dự Hội nghị Lý luận phê bình văn học nghệ thuật toàn quốc - năm 2006 (Ảnh minh hoạ).

Các đại biểu tham dự Hội nghị Lý luận phê bình văn học nghệ thuật toàn quốc - năm 2006 (Ảnh minh hoạ).

1. Tư duy tổng kết

Hình như mọi người đã quen nghĩ phê bình văn chương là phải tổng kết thực tiễn rồi đúc kết thành lý luận kịp thời chỉ đạo thực tiễn sáng tác. Điều ấy là quá lớn đối với giới phê bình. Tôi thiển nghĩ, phải là những nhà phê bình lớn, thiên tài thì mới nắm được "hồn vía" của nền văn chương. Chứ đa số các nhà phê bình cũng chỉ giống như các nhà văn hiện tại thôi, đâu phải là thiên tài, đâu phải đã là nhà văn lớn!

Nhìn vào lịch sử lý luận phê bình văn chương nhân loại, tôi thấy những tác phẩm lớn, tác giả lớn cũng rất khó nói rằng đương thời họ có theo kịp đời sống sáng tác hay không? Từ "Nghệ thuật thi ca" của Arixtốt, "Văn tâm điêu long" của Lưu Hiệp, đến những tác phẩm phê bình của Kim Thánh Thán, Viên Mai... Bảo là tổng kết thì là tổng kết, bảo là vụn vặt thì là vụn vặt. Bởi vì giá trị của những kiệt tác này không phải ở độ lớn tư duy tổng kết, không phải ở việc bám sát, theo kịp hay vượt trước đời sống sáng tác.

"Nghệ thuật thi ca" của Arixtốt và "Văn tâm điêu long" của Lưu Hiệp thì là lý luận văn chương. Còn Kim Thánh Thán và Viên Mai thì phần lớn là những bài bình văn, bình thơ nhỏ lẻ. Nhưng đó là những viên ngọc được kết tinh ở những dạng khác nhau. Nó đẹp ở độ sáng chứ không phải độ lớn. Và nó đẹp bởi vẻ đẹp của chính nó chứ không phải sự sôi động hay tĩnh lặng của đời sống văn chương! Tác phẩm "Thi nhân Việt Nam" của Hoài Thành và Hoài Chân cũng vậy, thật khó nói giá trị của nó là ở bài tổng kết "Một thời đại mới trong thi ca" hay ở những bài giới thiệu ngắn đặc sắc về các nhà Thơ Mới, hoặc do chọn lọc được những bài thơ hay...

Có một thời, phê bình văn chương mang tư duy tổng kết. Tổng kết về một tác giả, tổng kết sáng tác về một đề tài, tổng kết về một giai đoạn văn chương. Chẳng hạn "Từ tác phẩm A đến tác phẩm B là một bước tiến lớn của nhà văn H", "Tiểu thuyết về đề tài nông thôn, những thành tựu mới", "Nền văn học chống Mỹ chặng đường đã qua, hứa hẹn bước đường sắp tới"...

Ai cũng đánh giá cao ý đồ và nhiệt tình của người viết. Chỉ có điều đến nay sau một thời gian cũng chưa dài mà những bài tổng kết đó đã không còn sức sống. Mà những bài phê bình đó đương thời luôn được coi là những bài phê bình "trực chiến" theo kịp sáng tác. Như vậy, theo kịp sáng tác không chỉ có nghĩa là bám sát đời sống văn chương, và cắt nghĩa lý giải về nó, mà trước hết, mà trên hết các nhà phê bình phải có tài năng, phải có tầm nhìn xa rộng, phải có trái tim đập nhịp cùng cuộc sống để kết ngọc câu chữ trong nhận định, bình giá tác phẩm.

Thì có bài lý luận phê bình nào nằm ngoài đời sống văn chương đâu! Và theo tôi, do đặc thù của văn học nghệ thuật không nên đòi hỏi nó phải luôn theo kịp đời sống xã hội. Theo kịp thì rất tốt. Theo kịp thì có tác dụng trực tiếp, kịp thời. Nhưng đi sau đời sống xã hội cũng có điều tốt riêng. Đi sau như "Chiến tranh và hòa bình" của Lép Tônxtôi, đi xa như "Truyện Kiều" lấy đề tài tận bên Trung Quốc, đi khác đời sống như "Truyền kỳ mạn lục" của Nguyễn Dữ... đều là những tác phẩm của muôn đời. Còn lý luận phê bình đi sau đời sống ư? Thì hãy như "Nghệ thuật thi ca" của Arixtốt, "Văn tâm điêu long" của Lưu Hiệp... Đi sau mà lại đến trước cũng là luôn luôn đi trước, vẫn có tác dụng chỉ đạo đời sống văn chương hiện đại bởi tính chất kinh điển của nó.

Nghĩ cho cùng, sáng tác cũng như phê bình văn chương, tất cả đều có giá trị độc lập. Đừng nói phê bình phụ thuộc sáng tác hay sáng tác phụ thuộc phê bình. Chả có thứ nào đi trước hay đi sau thứ nào. Tất cả đều đồng hành trong một nền văn chương. Còn mỗi thể loại rực rỡ ở những giai đoạn khác nhau là một điều bình thường.

2. Nền và đỉnh

Có nền thì mới có đỉnh, đó là một quy luật thông thường. Nền càng vững chắc thì dễ tạo được đỉnh cao đồ sộ, và ngược lại đã có đỉnh cao thì không thể trên một nền mềm yếu. Đó là quy luật của vật chất, của kinh tế, của các phong trào xã hội... Còn văn hóa, văn học nghệ thuật thì quy luật này có chi phối? Nói chung đã là quy luật thì hầu hết các lĩnh vực đều không thể nằm ngoài. Nhưng dẫu là quy luật thì trong từng thời điểm, từng giai đoạn vẫn có ngoại lệ. Hay nói cách khác là những ngoại lệ nằm trong quy luật nên khi xem xét không thể nhìn nhận máy móc.

Văn chương Việt Nam từ thế kỷ X đến thế kỷ XV thuộc các triều đại Lý - Trần - Lê phát triển trên một nền tảng khá vững chắc của ba cuộc kháng chiến chống Tống - Nguyên - Mông, đã sản sinh ra các thiên cổ hùng văn "Nam quốc sơn hà", "Hịch tướng sĩ", "Thuật hoài", "Phò giá về kinh", "Bạch Đằng giang phú", mà đỉnh cao là "Bình Ngô đại cáo". Còn văn chương giai đoạn thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX, đến nay vẫn được đánh giá là thời kỳ phục hưng rực rỡ nhất của văn chương dân tộc với các tên tuổi: Lê Hữu Trác, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Gia Thiều, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, và đỉnh cao nhất là Nguyễn Du và "Truyện Kiều".

Văn chương thế kỷ XX với các biến động lớn của lịch sử nửa đầu thế kỷ, hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ và công cuộc đổi mới, mở cửa, hội nhập thế giới cuối thế kỷ, đã tạo nên những tên tuổi lớn: Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Hoài Thanh, Tô Hoài...

Đấy là nhìn một cách khái quát. Nếu nhìn cụ thể, cũng có những điều nằm ngoài quy luật. Như văn chương thế kỷ XVII trên một nền bình thường lại có đỉnh cao Nguyễn Bỉnh Khiêm. Văn chương chống thực dân Pháp cuối thế kỷ XIX chủ yếu là thơ Đường luật, ca dao hò vè đuổi giặc, lại có đỉnh cao Nguyễn Đình Chiểu. Nền phê bình văn chương mới mẻ đầu thế kỷ XX lại sinh ra nhà phê bình kiệt xuất Hoài Thanh.

Ở một chừng mực nào đó, văn chương đổi mới non trẻ của chúng ta ngay thời kỳ đầu lại sinh ra được một Nguyễn Huy Thiệp!... Và văn chương thiếu nhi nước ta do các em sáng tác thời kỳ chống Mỹ, nay nhìn lại tuy có phong trào nhưng cái nền cũng rất thấp, lại sinh ra đỉnh cao "Góc sân và khoảng trời". Trên thế giới cũng vậy thôi, có những dân tộc nhỏ đã sản sinh ra các nhà văn, nhà thơ lớn. Nền văn học của Liên bang Xôviết trước đây, nửa cuối của nó tuy có nhiều nhà văn nhà thơ nổi lên, nhưng nay nhìn lại thì chỉ có hai người có sự nghiệp độc đáo vững chắc là nhà thơ Raxun Gamdatốp của nước cộng hòa nhỏ bé Đaghextan và nhà văn T.S. Aimatốp ở miền núi nước Cộng hòa Kitghinia... Vậy chúng ta phải dùng quy luật nào để lý giải?

Văn chương nghệ thuật vừa có quy luật chung lại vừa có quy luật riêng. Quy luật chung là nền càng vững chắc thì đỉnh càng cao. Quy luật riêng là những đột biến bất ngờ. Có đột biến bất ngờ mới thành nghệ thuật. Nhà văn Nguyễn Đình Thi đã rất bực mình khi người ta cứ nhìn vào thành phần xuất thân của ông là trí thức tiểu tư sản thành thị để nói rằng ông viết về nông thôn không hay. Đấy là một quan niệm rất trực quan. Danh họa Picátxô từng nói: "Tôi vẽ những điều tôi nghĩ chứ không phải những điều tôi thấy". Văn học nghệ thuật là tuân theo quy luật của trí tưởng tượng, mà trí tưởng tượng thì không thể nhìn thấy đáp án có sẵn.

Đối với văn chương nghệ thuật, quy luật về nền và đỉnh chỉ là tương đối. Bởi sáng tạo nghệ thuật là công việc độc lập của mỗi cá nhân. Đỉnh cao nghệ thuật, đấy là những tài năng lớn thì lại càng có những bất ngờ mà đến nay vẫn là một điều bí ẩn. Nhưng nhiệm vụ xây nền vẫn là những công việc cần thiết của các thế hệ có trách nhiệm xưa nay.

Ở Trung Quốc đầu thế kỷ XX, văn hào Lỗ Tấn cũng từng hô hào phải chuẩn bị cho các thiên tài xuất hiện. Ở Việt Nam, nhà thơ Chế Lan Viên đã viết: "Ta hãy rèn khối óc/ Để xúc tiến việc xuất hiện hàng loạt nhân tài cho ngàn vạn năm sau". Và khi nhà thơ Chế Lan Viên qua đời, thi sĩ Tố Hữu đã viết về một quy luật sâu sắc: "Mai sau những cánh đồng thơ lớn/ Chắc có tro anh bón sắc hồng"... Hiểu quan hệ giữa nền và đỉnh là phải hiểu xa và rộng như vậy./.

(Theo: Đinh Quang Tốn/CAND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất