Thứ Ba, 26/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Ba, 27/4/2010 21:1'(GMT+7)

NS Dương Thụ: Làm nghệ thuật cần phải thông sáng, thanh sạch...

Nhạc sĩ trong quán Cà phê Thứ Bảy của mình tại TP HCM

Nhạc sĩ trong quán Cà phê Thứ Bảy của mình tại TP HCM

- Chân dung số 10 của đêm nhạc vừa diễn ra tại Hà Nội (ngày 24/4) là Dương Thụ- Họa mi hót trong mưa. Vì sao, thưa ông?

Tôi hơi ngạc nhiên khi VTC chọn tôi làm chân dung âm nhạc số 10 và đề nghị tôi làm khách mời của chương trình. Nhạc của tôi bây giờ ít người nghe lắm và nó lại hơi không thích hợp với trình diễn sân khấu, nó chủ yếu để nghe chứ không phải để xem, nên thú thật lúc đầu tôi đã từ chối.

Từ lâu tôi muốn làm riêng một đêm nhạc của mình theo kiểu của mình (để nghe) cho bạn bè và người nghe, nhưng khốn nỗi nhạc của tôi không thể kinh doanh được nên không có người đầu tư. Tự mình làm thì không đủ tiền, còn để người khác làm thì sợ...

Đêm nhạc “Dương Thụ-Họa mi hót trong mưa” là ý tưởng của VTC và Nhà hát Ca Múa Nhạc Nhẹ Việt Nam. Nhà Đài, Nhà Hát họ chủ động tất cả từ chuyện đặt tên chương trình, viết kịch bản, đạo diễn. Họ chỉ nhờ tôi gợi ý về bài vở và ca sĩ thôi. Khi họ đặt tên “Dương Thụ-Họa mi hót trong mưa” chắc là có ý muốn nói rằng bài hát của tôi như tiếng hót của con chim họa mi trong một ngày mưa buồn. Tôi hỏi lại, các anh ấy bảo đúng vậy.

Có một sự trùng lặp. Cũng vào khoảng thời gian này cách đây 17 năm (1993), cũng tại Nhà Hát Lớn Hà Nội, lần đầu tiên tôi ra mắt khán giả Thủ đô và cũng giới thiệu đúng 17 bài hát. Chỉ khác năm ấy có Hồng Nhung, Lê Dung, Minh Đức và chưa có Mỹ Linh, còn bây giờ ba người này vì những lý do khác nhau đã không có mặt. Thay thế họ là những tên tuổi mới: Nguyên Thảo, Khánh Linh, Tùng Dương, và Mỹ Linh xuất hiện như một nhân vật chính bên cạnh Thanh Lam, người chưa bao giờ vắng mặt trong các chương trình của tôi cùng Đinh Mạnh Ninh, một ca sĩ trẻ mà tôi muốn “lăng xê”. Và năm ấy tôi chủ động còn bây giờ tôi bị động.

Từ năm 14, 15 tuổi đã phải tự mình kiếm sống, nên sống vất vả lắm. Bài hát tôi thường có nỗi buồn giấu kín ở bên trong, bộc lộ cái nhu cầu muốn được yêu thương, muốn được dịu dàng mà các ca sĩ đôi khi không nhận ra. Dù sao trong đêm diễn họ đã cố gắng thể hiện và khán giả ít nhiều cũng đã cảm nhận được chân dung âm nhạc của tôi.

- Phẩm chất quan trọng nhất của người làm nghệ thuật nói chung và người sáng tác nhạc nói riêng theo ông quan niệm?

Người làm nghệ thuật phải thông sáng, thanh sạch và thật. Cái phẩm chất đầu (thông sáng) thuộc về trí tuệ, cái thứ hai (thanh sạch) thuộc về tâm hồn, còn cái cuối (thật) thuộc về mục đích, về sự hướng tới. Người thông sáng và thanh sạch thì luôn hướng tới cái thật nên họ cận chân. Và mọi giá trị nằm ở chỗ này.

Được trở về Hà Nội, được cùng khán giả nghe lại những bài hát của mình, ở một nơi đầy ắp những kỷ niệm âm nhạc như Nhà Hát Lớn, đó là một hạnh phúc không dễ gì có được.

- Người nghe cảm nhận giai điệu và ca từ trong âm nhạc Dương Thụ trong, sáng, sâu và có những yếu tố triết học. Ông thấy cảm nhận của thính giả đúng hay sai, hay vừa đúng vừa sai?

Trong sáng, sâu sắc và có những yếu tố triết học là nhận xét của người nghe. Còn bản thân tôi bảo rằng nhạc của mình là như thế thì tôi không dám. Bài hát cũng như bông hoa, người thấy đẹp thì hái về cắm lọ, người không thấy đẹp thì bỏ qua. Hoa, mãi mãi cũng chỉ là hoa thôi. Nhưng cảm nhận của mỗi người về nó lại có thể rất khác nhau.

Tôi viết nhạc không có mục đích phô diễn tài năng hoặc để chứng tỏ học vấn và cái đẳng cấp văn hóa của mình, mà là để sống với phần sâu nhất của tâm hồn mình. Với một người làm nghệ thuật thật sự, thì “nhạc tức là người”. Người thế nào thì nhạc thế ấy. Tất nhiên nhạc là nhạc, tôi chẳng bao giờ làm văn chương hay triết lý trong âm nhạc cả, nếu có đó chỉ là cái “văn”, cái “triết” toát ra từ “tình thế” từ cảm xúc tự nhiên.

Nghệ thuật là cái ảo được xây dựng lên từ chất liệu thật. Nó giầu tính biểu tượng và có vô số cái được ẩn dấu. Nếu nắm được các biểu tượng này và khám phá ra được những ẩn dấu thì ta sẽ nhận ra cái “văn”, cái “triết” của nó. Các tác giả khi viết nhiều người (trong đó có tôi) cũng không ý thức được một cách rõ ràng những điều trên, tác phẩm bí mật ngay chính với người sinh ra nó.

- Cách đây không lâu, khán giả Hà Nội được xem chương trình MTV Exit tại sân vận động Mỹ Đình. Cá nhân tôi hết sức ngạc nhiên khi chứng kiến ban nhạc Super Jounior (Hàn Quốc) xuất hiện đã làm hàng vạn khán giả trẻ rùng rùng đứng dậy hát theo? Theo quan sát của ông tác phẩm âm nhạc Việt Nam và tác giả Việt Nam nào đã (hoặc có thể) đạt đến sự cộng hưởng của giới trẻ như vậy?

Nói giới trẻ ở đây có vẻ chưa ổn lắm, tuổi teen thì phải hơn. Nên coi đây là một hiện tượng của xã hội của văn hóa, hơn coi nó là một hiện tượng nghệ thuật. Văn hóa đại chúng có những đặc điểm riêng không thể giải thích bằng tư duy văn hóa thông thường, và cái tâm lý đám đông của tuổi teen cũng thế. Ở một đất nước đang trên đà đổi mới mà thiếu cái nền tảng văn hóa cơ bản như nước ta, lẽ đương nhiên sẽ có rất nhiều sự vồ vập.

Bạn đừng ngạc nhiên. Cách đây hơn mười năm tôi làm chương trình Nghe mưa với anh Bảo Chấn, đi xuyên Việt. Diễn ở đâu khán giả cũng đông nghẹt. Riêng ở sân vận động Đà Lạt, có tới gần hai vạn người tới xem, xô đổ cả cửa ra vào. Nhưng điều đó cũng chẳng nói lên gì nhiều.

- Ông từng ý kiến về nhạc thị trường và nhạc nghiêm túc. Theo ông, làm thế nào để nhạc thị trường có yếu tố nghiêm túc và nhạc nghiêm túc có yếu tố thị trường để thu hút được số đông công chúng thưởng thức, đặc biệt là những người trẻ?

Ở đây có một sự hiểu lầm, thật ra không có khái niệm nhạc thị trường và nhạc nghiêm túc, mà chỉ có nhạc dở, thiếu tính nghệ thuật với nhạc hay, giầu tính nghệ thuật mà thôi. Trong nền kinh tế thị trường, văn hóa không thể đứng ngoài để giữ cho mình những luật lệ riêng. Các sản phẩm văn hóa cũng phải trở thành hàng hóa. Mỗi sản phẩm phải đi tìm thị phần cho riêng mình.

Cái nặng về học thuật, sâu sắc đòi hỏi người thưởng thức (khách hàng) phải có trình độ thì không thể thu hút công chúng số đông. Cái nặng về giải trí thì làm sao có thể thu hút công chúng số ít. Vậy cái “số đông” và “số ít” ở đây có nghĩa khác, nó không phải là một tương quan số học. Và yếu tố thị trường ở đây cũng chẳng dính dáng gì đến nghệ thuật cả mà chỉ là chuyện tìm thị phần, chuyện PR, và nằm ở cách bán hàng mà thôi.

- Ông đồng thời tham gia nhiều vai trò, ông chủ Cafe thứ Bảy, người sản xuất âm nhạc, người sáng tác, người tổ chức các chương trình hòa nhạc... Ông có thể tiết lộ bí quyết lấy ở đâu nguồn năng lượng và tổ chức để có thể thực hiện nhiều "vai" một lúc như vậy?

Thật ra nguồn năng lượng của tôi rất có hạn, nhưng nó không bị tiêu hao bởi những cái không đâu. Tôi không tham dự những gì “không có tôi” trong đó: những cái không cần có mình, những cái không hợp với mình, những cái mất thì giờ mà chẳng để làm gì. Trước những cái đó tôi thường lảng tránh, nếu không lảng tránh được thì “tắt đài” để bảo toàn năng lượng.

Muốn nạp năng lượng mình cần phải “rỗng không”. Tôi chỉ tư duy khi cần thiết, còn lại tôi tranh thủ để cơ thể mình được sống: con mắt được nhìn, cái tai được nghe, cái mũi được ngửi, cái lưỡi được nếm, cái làn da được động chạm. Cái đầu thì trống rỗng không suy nghĩ, còn cơ thể thì sống tràn đầy, ấy chính là lúc năng lượng nó vào và mình nạp.

Mô tả ảnh.
NS Dương Thụ: "Thật ra nguồn năng lượng của tôi rất có hạn...". Ảnh: Lê Tám

- Ông có dành được thời gian nghỉ ngơi cho riêng mình và gia đình? Thú vui khi nghỉ ngơi của ông là gì?

Phải cố gắng dành thời gian để nghỉ ngơi. Cũng có cách nghỉ bằng thay đổi công việc. Viết thấy mệt , lội xuống ao vớt bèo, hoặc bón phân, tưới tắm cho cây cối trong vườn chẳng hạn. Nhưng cách nghỉ tốt nhất là đi xa để thay đổi môi trường sống. Không phải là đi theo tour du lịch, mà tự đi đến những chỗ mình chưa biết để sống với những cái mình chưa bao giờ được sống: thời tiết, khí hậu, con người, cảnh vật, đồ vật, nếp sống, tập tục v.v. Và tôi không đi một mình, lúc nào cũng hai vợ chồng.

- Nguyên tắc sống của ông?

Nói nguyên tắc thì cũng hơi quá. Tôi nghĩ rằng mình luôn cố gắng sống theo cái phương châm mình cho là hợp với mình:

1. Tự biết mình để không ngồi vào chỗ không phải của mình, không nói lời không phải của mình, không cầm vật không phải của mình.

2. Thông sáng (cái gì cũng phải mạch lạc, sáng sủa, không mù mờ rắc rối vẽ rắn thêm chân), thanh sạch (trong sáng, sạch sẽ trong tình cảm, suy nghĩ, trong công việc và trong quan hệ), thành phác (sống chân thành, giản dị) và nhàn nhã ( sống chậm,nhẹ nhàng, thư thả)

3. Sống không phải chỉ với con người mà còn với đồ vật, với con vật và với hoa cỏ, cây cối, thiên nhiên (thiết lập được mối quan hệ đa chiều như thế chúng ta sẽ bớt thấy cô đơn trong thế giới này).

Hữu Việt-Vietnamnet

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất