Thứ Hai, 25/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 13/11/2009 20:16'(GMT+7)

Cần đánh giá đầy đủ các tác động khi xây dựng thuỷ điện Lai Châu

ĐBQH yêu cầu nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng công trình thủy điện Sơn La. (Ảnh:VNN)

ĐBQH yêu cầu nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng công trình thủy điện Sơn La. (Ảnh:VNN)

Phải đánh giá cụ thể về mức độ an toàn của công trình

Đa số ý kiến đại biểu đều tán thành về chủ trương xây dựng Nhà máy thủy điện Lai Châu, nhằm đáp ứng nhu cầu về năng lượng ngày càng tăng của đất nước. Tuy nhiên, vấn đề nhiều đại biểu còn băn khoăn, đó là Báo cáo của Chính phủ còn thiếu những phân tích cụ thể, chắc chắn về hiệu quả kinh tế-xã hội, tuổi thọ cũng như tính an toàn tuyệt đối của công trình, các phương án ứng phó khi có biến cố xảy ra, việc lựa chọn công nghệ, công tác di dân tái định cư, vấn đề môi trường, văn hóa…

Theo đại biểu Giàng A Chu (đoàn Yên Bái), do vị trí lựa chọn để xây dựng Nhà máy thủy điện Lai Châu nằm trong khu vực có cấu trúc địa chất và kiến tạo phức tạp, xác suất xảy ra động đất khá cao, do vậy để có thể yên tâm về tính ổn định của công trình, đề nghị các cơ quan chức năng cần có sự đánh giá cụ thể, rõ ràng về những ảnh hưởng của hoạt động địa chấn ở khu vực này đến độ an toàn của công trình, đặc biệt sau vụ động đất ở Tứ Xuyên (Trung Quốc) năm 2007.

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân (đoàn Tây Ninh) nhấn mạnh, với khu vực có xác suất xảy ra động đất cao như vậy cần phải tính tới khả năng vỡ đập, phương án ứng phó khi xảy ra sự cố, phương án diễn tập và xây dựng kinh phí dự trù cho những hoạt động đó.

Đồng tình với quan điểm của đại biểu Nguyễn Đình Xuân, các đại biểu Cầm Chí Kiên (đoàn Sơn La), Trần Thị Kim Phương (đoàn Hà Nội) cùng nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, để đảm bảo tuổi thọ của công trình, cần quan tâm giải pháp phát triển và bảo vệ rừng. Bảo vệ rừng, phát triển rừng phải được tính trên giá thành của mỗi kW điện, trên lợi ích của người dân. Đại biểu Trần Thị Kim Phương phân tích, để có được 1 kW điện phải mất một diện tích rừng tương đối lớn, trong khi ảnh hưởng của rừng đối với kinh tế-xã hội, đời sống nhân dân cũng rất lớn. Mất rừng đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ phải hứng chịu những ảnh hưởng của thiên tai. Đại biểu Trần Thị Kim Phương kiến nghị Chính phủ cần phân tích, làm rõ vấn đề này.

Ổn định đời sống của nhân dân vùng tái định cư phải đặt lên hàng đầu

Một nội dung cũng được đông đảo đại biểu quan tâm đó là công tác di dân tái định cư. Đa số đại biểu đều thống nhất cho rằng cần tăng đầu tư hơn nữa cho công tác tái định cư, chứ không chỉ theo mức hỗ trợ của dự án thủy điện Sơn La. Đại biểu Giàng A Chu nhấn mạnh, công tác di dân tái định cư phải được đặt lên hàng đầu bởi đây là phần công việc khó khăn nhất khi tiến hành xây dựng công trình thủy điện, bởi có làm tốt công tác này mới có thể giải phóng được mặt bằng. Tuy nhiên đại biểu băn khoăn, các điểm tái định cư chủ yếu phân bố ở huyện Mường Tè, trong khi đây là vùng đất cao, thiếu đất, nước phục vụ sản xuất, phương án hỗ trợ đặt ra chỉ quy định trong thời gian 2-3 năm thì chưa đủ thời gian để bà con có thể tự sản xuất, ổn định cuộc sống. Các đại biểu Giàng A Chu, Nguyễn Đình Xuân đề nghị nâng thời gian hỗ trợ cho người dân tái định cư thời gian ít nhất là 5 năm trở lên, thậm chí có thể nhiều hơn nữa, đồng thời cũng cần có phương án không chỉ hỗ trợ về cơ sở hạ tầng mà phải đảm bảo quỹ đất cho sản xuất, có phương án để chuyển đổi ngành nghề cho dân, giúp họ có thu nhập. Các đại biểu cũng tán thành với phương án tái định cư tập trung theo nhóm các dân tộc để người dân phát huy bản sắc của dân tộc mình.

Đại biểu Bế Xuân Trường (đoàn Bắc Cạn) lưu ý việc xây dựng Nhà máy thủy điện Lai Châu phải được gắn kết với nhiều dự án, công trình trong khu vực để khi hoàn thành, có thể xếp vào dãy công trình văn hóa, tham quan, giải trí, làm tăng tính hiệu quả của công trình.

Tiếp tục bố trí NSNN để hoàn thành các dự án trọng điểm

Cũng trong buổi sáng nay, với 83% ý kiến tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2010. Theo đó, tổng số thu cân đối ngân sách trung ương năm 2010 là 303.472 tỷ đồng; tổng số thu cân đối ngân sách địa phương là 265.219 tỷ đồng; tổng số chi cân đối ngân sách trung ương năm 2010 là 370.436 tỷ đồng, tính cả 52.736 tỷ đồng bổ sung cân đối, bổ sung từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương để điều chỉnh tiền lương tối thiểu năm 2007, 2008, 2009 theo quy định thì tổng chi ngân sách trung ương là 423.172 tỷ đồng.

Trong dự toán NSNN năm 2010 có bố trí NSNN cho một số tập đoàn, tổng công ty và các ngân hàng thương mại nhà nước để hoàn thành nhiệm vụ của Nhà nước đã giao trong những năm trước đây; không phải là các khoản chi NSNN hỗ trợ trực tiếp cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của đơn vị. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam: 3.500 tỷ đồng để đầu tư một số dự án trọng điểm dầu khí và bổ sung Quỹ tìm kiếm thăm dò dầu khí từ nguồn lãi dầu, khí được chia cho nước chủ nhà theo Nghị quyết của Bộ Chính trị và đã được Quốc hội cho phép trong mấy năm gần đây. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam: 1.190 tỷ đồng (trong đó vốn trong nước là 240 tỷ đồng, vốn ngoài nước là 950 tỷ đồng) để đầu tư hạ tầng nâng cao an toàn đường sắt trên tuyến đường sắt Thống nhất; đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1; hiện đại hóa hệ thống thông tin tín hiệu đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn, Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên và khu đầu mối Hà Nội...; Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam: 54 tỷ đồng để nâng cấp cảng Hải Phòng giai đoạn 2, dự án kết thúc năm 2010; Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam: 60 tỷ đồng để thực hiện 02 dự án mạng truyền dữ liệu của các cơ quan Đảng và Nhà nước, dự án hệ thống thông tin phòng, chống thiên tai trên biển; Tập đoàn Điện lực Việt Nam: 141 tỷ đồng để thanh toán phần vốn NSNN phải đóng góp để xây dựng thủy điện Rào Quán (Quảng Trị) và thực hiện dự án cung cấp điện cho đồng bào vùng Tây Nguyên, đồng bào Khmer và phục vụ mục đích an ninh và quốc phòng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị không bố trí vốn đầu tư cho Tập đoàn Dệt may Việt Nam số tiền 10 tỷ đồng để đầu tư dự án nâng cấp hệ thống thiết bị và phòng thí nghiệm sinh thái môi trường dệt may giai đoạn 2008-2010; Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản 28 tỷ đồng để thực hiện 2 dự án là: Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm công nghệ chế tạo máy năng lượng và mỏ; đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm hiệu suất năng lượng cho thiết bị điều hòa không khí và tủ lạnh. Các Tập đoàn này sẽ sử dụng từ nguồn lợi nhuận sau thuế để đầu tư. Số kinh phí cắt giảm trên bổ sung đầu tư cho Chương trình Biển Đông, hải đảo.

Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường, cho ý kiến về chủ trương xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận./.

VOVNews

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất