Cần xác định rõ tiền lương tối thiểu dựa trên cơ sở có căn cứ khoa học
PV: Vừa qua, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã chốt phương án đề xuất tăng lương tối thiểu vùng bình quân năm 2019 là 5,3%. Đồng chí đánh giá như thế nào về mức tăng này?
Đồng chí Bùi Sỹ Lợi:
Sau 3 phiên đàm phán, Hội đồng tiền lương Quốc gia đã chốt phương án đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 là 5,3%. Theo tôi, đây là con số đã có sự chia sẻ của người sử dụng lao động và người lao động.
Năm 2017, Hội đồng đã "chốt" mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 là 6,5%. Theo đánh giá của các cơ quan, nếu tăng như mức của năm 2018, mức tiền lương tối thiểu mới “bù đắp” được 92% mức sống tối thiểu.
Năm 2018, mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 tăng 5,3% thì đến năm 2020, chúng ta tiếp tục phải tăng mức lương tối thiểu để thực hiện được cam kết “tiền lương tối thiểu phải đảm bảo được mức sống tối thiểu” theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương.
Với con số 5,3%, chúng ta đã bù được mức trượt giá. Người sử dụng lao động không bị bức bách về mặt tăng giá thành. Đối với người lao động, mong muốn của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam là 8%, nhưng với mức 5,3%, cơ bản đã giải quyết được mức sống cho người lao động, để hướng tới năm 2020, mức tiền lương tối thiểu phải đảm bảo được mức sống tối thiểu.
PV: Vậy theo đồng chí, đâu là yếu tố quan trọng, quyết định trong việc cải cách chính sách tiền lương có hiệu quả?
Đồng chí Bùi Sỹ Lợi:
Trong Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương, Đảng ta đã xác định chính sách tiền lương là một bộ phận đặc biệt quan trọng, quan hệ chặt chẽ với các chính sách khác trong hệ thống chính sách kinh tế - xã hội, liên quan trực tiếp đến các cân đối kinh tế vĩ mô, thị trường lao động và đời sống người hưởng lương, góp phần xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phòng, chống tham nhũng.
Xác định như vậy có nghĩa là tiền lương có quan hệ đa chiều với nhiều nội dung quan trọng của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội. Cải cách chính sách tiền lương phải tính đến nhiều mặt, phải bảo đảm tính tổng thể, hệ thống, đồng bộ, kế thừa và phát huy những ưu điểm, khắc phục hiệu quả những hạn chế, bất cập của chính sách tiền lương hiện hành; tuân thủ nguyên tắc phân phối theo lao động và quy luật khách quan của kinh tế thị trường, lấy tăng năng suất lao động là cơ sở để tăng lương; đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; có lộ trình phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội và nguồn lực của đất nước và nội dung cải cách chính sách tiền lương cần đồng bộ, theo đúng các quy luật của kinh tế xã hội, nhất là trong bối cảnh chúng ta chuyển mạnh mẽ sang kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Để cải cách chính sách tiền lương có hiệu quả, trước hết, cần phải hiểu rằng, tiền lương tối thiểu là mức tiền lương thấp nhất, trả công cho lao động giản đơn, làm việc trong điều kiện bình thường. Tiền lương tối thiểu không phải là tiền lương được xác định trên tăng năng suất lao động.
Tăng năng suất lao động là tăng số lượng sản phẩm trong một đơn vị thời gian, hoặc là giảm thời gian trên một đơn vị sản phẩm hay một khối lượng công việc được giao. Tăng cường độ lao động hoặc tăng thời gian lao động không phải là tăng năng suất lao động. Đây là điều chúng ta hiện đang nhầm lẫn trong khu vực có quan hệ lao động, đó là tăng giờ làm, kéo dài thời gian lao động và tăng cường độ lao động. Đó là một trong những yếu tố làm hại đến người lao động.
Tăng cường độ lao động và kéo dài thời gian lao động là tạo áp lực, ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động, có thể dẫn tới tai nạn lao động.
Hội đồng tiền lương Quốc gia đã chốt phương án đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 là 5,3%. Theo đó, mức tăng tương ứng của lương tối thiểu vùng ở vùng 1 là 200.000 đồng (lên 4,18 triệu đồng/tháng); vùng 2 là 180.000 đồng; vùng 3 và 4 đều là 160.000 đồng. |
|
Như vậy, để cải thiện đời sống của người lao động, cần tập trung tăng năng suất lao động bằng các giải pháp:
Thứ nhất, doanh nghiệp tiếp tục đầu tư tăng công nghệ, cải tiến công nghệ, đầu tư thiết bị, cải thiện điều kiện làm việc của người lao động.
Thứ hai, người lao động phải cố gắng tổ chức sản xuất để tăng năng suất lao động, vừa được tiền lương thu nhập tăng lên do năng suất lao động tăng lên.
Đây cũng chính là mối quan hệ tạo ra sự tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế.
Vấn đề đặt ra là Chính phủ phải chỉ ra được mức tiền lương tối thiểu tương ứng với nhóm/rổ hàng hóa bảo đảm nhu cầu cho người lao động trên cơ sở xác định bằng các yếu tố lương thực, phi lương thực và các điều kiện khác.
Vậy làm thế nào để xác định được mức sống tối thiểu trong điều kiện hiện nay bằng các căn cứ và cơ sở khoa học? Hiện nay, chưa có một cơ quan nào của Nhà nước được giao nhiệm vụ này. Hiện tại, đề cập tới tiền lương tối thiểu và mức sống tối thiểu, chúng ta mới chỉ căn cứ vào một số khảo sát, đánh giá của công đoàn và các cơ quan nghiên cứu.
Theo tôi, cần lựa chọn một cơ quan làm nhiệm vụ xác định rõ tiền lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu bằng bao nhiêu dựa trên cơ sở có căn cứ khoa học.
Rà soát sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung để đáp ứng yêu cầu cải cách chính sách tiền lương
PV: Để Nghị quyết số 27-NQ/TW khóa XII về cải cách chính sách tiền lương được triển khai một cách hiệu quả, thiết thực, theo đồng chí, cần quan tâm đến những nhiệm vụ trọng tâm như thế nào?
Đồng chí Bùi Sỹ Lợi: Theo tôi, để Nghị quyết 27-NQ/TW sớm đi vào cuộc sống, trước tiên, cần phải làm thay đổi nhận thức về bản chất của tiền lương hiện nay. Hiện nay, chúng ta hiểu chưa đúng về bản chất của tiền lương.
Thứ nhất, tiền lương chính là giá cả của sức lao động và được biểu hiện thông qua giá trị sức lao động và được thể hiện trên thị trường, theo cung cầu lao động.
Tiền lương phải trả theo đúng số lượng và chất lượng lao động.
Hiện nay, chúng ta đang trả lương theo một cách hình thức, trả lương không ngang nhau cho các lao động như nhau, tạo ra sự bất bình đẳng trong xã hội. Bên cạnh đó, có rất nhiều thang lương, bảng lương, vị trí việc làm nhưng chúng ta không khẳng định được rằng, một công việc được thực hiện trong một thời gian thì đáp ứng công việc như thế nào.
Thứ hai, tiền lương phải xuất phát từ điểm gốc, đó là mức tiền lương tối thiểu. Ở khu vực công, tiền lương tối thiểu được gọi là tiền lương cơ sở, để xác định, ở một ngành nghề bình thường, với một lao động bình thường phải đáp ứng nhu cầu sống. Còn lao động có đào tạo, lao động qua học nghề, có kỹ thuật, phải được trả theo mức cao hơn. Đã là người lao động, dù làm công nhân hay làm khoa học, kỹ thuật thì phải có một sàn tối thiểu.
Phải xác định được mức sống tối thiểu. Mức sống tối thiểu và tiền lương cơ sở phải được xác định trên những căn cứ có cơ sở khoa học. Như tôi đã nói ở trên, phải giao nhiệm vụ xác định những căn cứ có cơ sở khoa học cho một cơ quan Nhà nước.
Thứ ba, muốn cải cách chính sách tiền lương kể cả khu vực công và khu vực tư, phải giảm tối đa lực lượng lao động hiện nay đang dư thừa. Trong khu vực nhà nước, vẫn còn tình trạng công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”. Trong khu vực doanh nghiệp, cần quan tâm, nâng cao chất lượng quản trị nhân sự.
Thứ tư, cần phải có nguồn lực ở cả 2 khu vực công và tư để cải cách tiền lương.
Ở khu vực công, phải tạo được ngân sách để chi trả tiền lương đúng theo vị trí việc làm, trả lương “đúng người, đúng việc” theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Đây là việc chúng ta phải làm, mặc dù còn có nhiều vướng mắc. Nếu không cải cách, sắp xếp tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, sẽ không thể cải cách chính sách tiền lương. Chính việc tinh giản biên chế là nguồn lực cơ bản để cải cách tiền lương. Sau đó, mới tính đến các nguồn lực khác.
Trong doanh nghiệp, muốn cải cách tiền lương, cần phải giảm giá thành sản phẩm, tăng khối lượng sản phẩm, tạo giá trị sản phẩm hàng hóa lớn, giống như chúng ta đang thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Điều này chính là tạo ra chuỗi giá trị hàng hóa và sản phẩm sản xuất ra trở thành hàng hóa, hàng hóa sản xuất ra phải xuất khẩu được, và tăng thêm giá trị của yếu tố tiền lương.
Giảm thời gian lao động, giảm giá thành sản phẩm, số lượng sản phẩm tăng lên thì tiền lương sẽ tăng lên.
PV: Thế về phía Quốc hội, thưa đồng chí?
Đồng chí Bùi Sỹ Lợi: Hiện nay, Đảng đoàn Quốc hội đã ban hành 2 Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương và Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách bảo hiểm chính sách xã hội.
Trong đó, Đảng đoàn Quốc hội đã đặt ra các nhiệm vụ giải pháp là phải rà soát hệ thống pháp luật để sửa đổi và điều chỉnh bổ sung, xây dựng luật mới để đáp ứng yêu cầu của cải cách chính sách tiền lương. Ví dụ, cần phải sửa một số luật như Luật Công chức, viên chức; bộ luật Lao động…
Cụ thể, trong Điều 91 của bộ luật Lao động, có ghi là “mức sống tối thiểu phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động”. Cần phải sửa lại thành “tiền lương tối thiểu phải đảm bảo mức sống tối thiểu” chứ không phải “nhu cầu tối thiểu” vì “nhu cầu sống tối thiểu” là một khái niệm khó xác định.
Bên cạnh đó, cần phải sửa đổi các luật có liên quan và những luật nào phải sửa đổi sẽ được rà soát để trình ra Quốc hội, ghi vào chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh. Làm thế nào để đến thời điểm năm 2021, tất cả các luật có liên quan đến cải cách chính sách tiền lương phải được sửa đổi thì chúng ta mới vận hành được.
Song hành cùng với đó, Quốc hội phải giám sát việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; giám sát việc thực hiện cơ chế tiền lương trong doanh nghiệp; giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
Có thể khẳng định, đầu tư cho tiền lương là đầu tư cho sự phát triển vì con người. Việc quyết tâm thực hiện thành công Nghị quyết 27-NQ/TW vừa thể hiện quá trình nhận thức, vừa là thực tiễn tạo cơ hội cho đất nước phát triển.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Thu Hằng (thực hiện)