Thứ Bảy, 23/11/2024
Vĩnh Phúc
Thứ Năm, 16/8/2018 14:25'(GMT+7)

Cần tạo sự đồng thuận trong sáp nhập thôn, tổ dân phố

Chi bộ thôn Lực Điền, xã Hoàng Lâu họp bàn về việc sáp nhập thôn Đồng Ké, Lực Điền thành thôn Đồng Lực

Chi bộ thôn Lực Điền, xã Hoàng Lâu họp bàn về việc sáp nhập thôn Đồng Ké, Lực Điền thành thôn Đồng Lực

Xã Hoàng Lâu, huyện Tam Dương có diện tích đất tự nhiên hơn 664 ha, dân số gần 8.500 người. Trước đây, Hoàng Lâu có 12 thôn đều có dưới 400 hộ, trong đó 6 thôn có quy mô nhỏ dưới 200 hộ dân là: Đồng Ké, Vườn Chùa, Cây Da, thôn Lau, thôn Gia và thôn Mới. Các thôn có quy mô dân số nhỏ, ít nhân khẩu, ít đảng viên, đoàn viên, hội viên dẫn đến khó khăn trong việc huy động các nguồn lực từ cộng đồng và ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở.

Được chọn thực hiện thí điểm việc sáp nhập, thành lập thôn mới theo Kế hoạch số 2177 của UBND tỉnh và Chương trình hành động số 49 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Đảng ủy, chính quyền địa phương đã quyết liệt vào cuộc, tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận, thống nhất thực hiện. Đến nay, xã đã hoàn thành việc sáp nhập 12 thôn dân cư thành 5 thôn gồm: Thư Lâu, Hoàng Chuế 1, Hoàng Chuế 2, Hoàng Chuế 3, Đồng Lực; giảm 7 thôn so với trước khi sáp nhập.

Bà Phạm Thị Hiền, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hoàng Lâu cho biết: “Để hoàn thành nhiệm vụ này, Đảng ủy, UBND xã chỉ đạo các thôn tiến hành rà soát diện tích đất, nhân khẩu, số hộ, cơ sở vật chất, phong tục tập quán, nguyện vọng của cán bộ, quần chúng nhân dân; phát huy vai trò của các đoàn thể và Ban công tác mặt trận thôn nhằm đẩy mạnh tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng, chủ trương của Đảng, Nhà nước trong công tác này. Đồng thời, tổ chức lấy ý kiến của cán bộ, đảng viên, các thôn dân cư; thống nhất các phương án, giải pháp để thực hiện.”  

Huyện Tam Dương có 145 thôn, tổ dân phố; trong đó có 116 thôn, tổ dân phố không đủ điều kiện theo quy mô hộ gia đình. Thực hiện chủ trương sáp nhập thôn, tổ dân phố, huyện đã chọn xã Hoàng Lâu thực hiện thí điểm. Các xã còn lại trên cơ sở điều kiện hiện có nếu tiến hành được trong năm 2018 sẽ đăng ký với UBND huyện để thực hiện, còn lại sẽ tiếp tục thực hiện theo lộ trình sau khi có hướng dẫn, chỉ đạo của UBND tỉnh. Theo đánh giá của UBND huyện, việc sáp nhập thôn, tổ dân phố là tiền đề để các chi bộ Đảng, hệ thống chính trị ở cơ sở hoạt động hiệu quả; giúp tinh gọn bộ máy, giảm kinh phí cho các chức danh cán bộ không chuyên trách ở thôn; giúp các thôn dân cư dễ lựa chọn nhân sự cho các chức danh, nâng cao chất lượng cán bộ thôn. Đồng thời, giúp các địa phương tập trung nguồn nhân lực, tạo sức mạnh tổng hợp trong nhân dân, góp phần đẩy mạnh phong trào tập hợp nhân dân thực hiện các nhiệm vụ chính trị, đảm bảo các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, ổn định an ninh trật tự tại địa phương.

Đến thời điểm này, xã Tân Lập, huyện Sông Lô cũng đã cơ bản hoàn thành sáp nhập các thôn. Toàn xã có 8 thôn, trong đó 3 thôn: Cẩm Bình, Cẩm Bình Kha, thôn Xy không đạt tiêu chuẩn theo quy định. Trên cơ sở rà soát, tính toán về quy mô dân số, vùng lãnh thổ và tập quán sinh hoạt của nhân dân từng vùng, UBND xã quyết định giữ nguyên 4 thôn, tiến hành sáp nhập 4 thôn: Cẩm Bình, Cẩm Bình Kha, Xy Thượng và thôn Xy thành 2 thôn: Cẩm Bình và thôn Xy. Theo ông Hoàng Văn Huân, Phó Chủ tịch UBND xã: “Việc sắp xếp lại thôn trên địa bàn xã là việc làm cần thiết, có ý nghĩa quan trọng nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của thôn và giảm số lượng người hoạt động không chuyên trách, giảm ngân sách của địa phương. Đồng thời, phát huy vai trò tự quản, tự chủ và hiệu quả huy động nguồn lực từ cộng đồng dân cư trong xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa cơ sở. Tuy nhiên, sau sáp nhập đi vào hoạt động sẽ có một số vấn đề cần cân nhắc đó là: Công tác quản lý địa bàn dân cư, việc bố trí cán bộ làm công tác ở thôn, các giải pháp giúp người dân thay đổi mọi thủ tục hành chính...”

Theo kế hoạch, huyện Sông Lô có 146 thôn không đủ điều kiện cần phải sáp nhập. Mặc dù xã Tân Lập đã thực hiện thí điểm, trước mắt cơ bản hoàn thành mọi quy trình, thủ tục cho việc sáp nhập, tuy nhiên, một số địa phương trong huyện vẫn mong muốn được giữ nguyên các thôn dân cư như cũ bởi diện tích lãnh thổ rộng sau khi sáp nhập sẽ gây khó khăn trong việc sinh hoạt cộng đồng.

So với quy định, toàn tỉnh có 1.137/1.385 thôn, tổ dân phố không đạt tiêu chuẩn cần phải thực hiện sáp nhập. Đến nay, 9/9 huyện, thành phố đã hoàn thành việc rà soát quy mô các thôn, tổ dân phố. Theo lộ trình, các huyện, thành phố sẽ thực hiện thí điểm sáp nhập tại 13 xã, phường trong năm 2018. Dự kiến sau khi sáp nhập, các xã, phường này sẽ giảm 63 thôn, tổ dân phố.

Tuy nhiên, sau khi thực hiện thí điểm tại một số địa phương, theo phản ánh của UBND các huyện, thành phố, việc sáp nhập thôn, tổ dân phố còn gặp nhiều khó khăn về quy định pháp luật; thiết chế văn hóa, xã hội; vị  trí địa lý, số hộ gia đình của các thôn và quyền lợi đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố…Khó khăn lớn nhất là quy định về số hộ gia đình theo Thông tư số 09 của Bộ Nội vụ đối với thôn vùng đồng bằng phải có từ 400 hộ gia đình trở lên, miền núi có từ 200 hộ gia đình trở lên; đối với tổ dân phố ở vùng đồng bằng đảm bảo có từ 500 hộ gia đình trở lên và miền núi từ 300 hộ trở lên. Điều này không phù hợp với tình hình thực tế tỉnh Vĩnh Phúc. Một số địa phương trên địa bàn mật độ dân số các thôn không đồng đều; nhiều thôn có số hộ gia đình ít nhưng dân cư thưa thớt, có thể sáp nhập 2,3 thôn hoặc nhiều hơn nữa nhưng vẫn không đủ số hộ gia đình theo quy định.

Để đạt mục tiêu giảm trên 20% (tương đương từ 250-300 thôn, tổ dân phố), thời gian tới, tỉnh tiếp tục khuyến khích sáp nhập để trở lại các thôn, làng truyền thống; giữ nguyên những thôn có vị trí địa lý độc lập hoặc có đặc thù về tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục truyền thống lâu đời. Đối với khu đô thị, sáp nhập cơ bản đảm bảo tiêu chuẩn về số hộ gia đình theo quy định, có tính đến yếu tố về sự tập trung dân cư theo địa bàn của khu dân cư hoặc đô thị, khu chung cư theo hiện trạng. Bên cạnh đó, chỉ đạo các tổ chức chính trị, chính trị xã hội cùng vào cuộc để đẩy mạnh tuyên truyền công tác này; phát huy trách nhiệm của người đứng đứng đầu cấp ủy, chính quyền; đôn đốc, chỉ đạo các địa phương có kế hoạch giải quyết đối với nhà văn hóa dôi dư do sáp nhập để tránh lãng phí cơ sở vật chất văn hóa tại các địa phương./.

Hồng Yến

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất