Không giống những kỳ họp trước, phần chất vấn và trả lời chất vấn thường được lựa chọn cùng lúc nhiều vấn đề, yêu cầu lãnh đạo các ngành lần lượt đăng đàn trả lời khiến không ít nội dung còn mang tính hình thức, chưa đi vào trọng tâm. Ở kỳ họp này, chủ tọa đã quyết định dành trọn phiên chất vấn và trả lời chất vấn yêu cầu người đứng đầu ngành Nội vụ tỉnh làm rõ vấn đề xã hội đang quan tâm liên quan đến sắp xếp tổ chức, bộ máy, tinh giản biên chế và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập. Sự đổi mới này đã nhận được phản hồi tích cực khi phần chất vấn nhận được tới 25 câu hỏi của đại biểu, không ít đại biểu đã tranh luận tới cùng những vấn đề chưa được trả lời thỏa đáng.
Theo báo cáo của Sở Nội vụ, trong giai đoạn 2016 - 2018, toàn tỉnh đã sắp xếp, giảm 128 đầu mối cơ quan, đơn vị. Một số mô hình tổ chức được tỉnh triển khai thực hiện trước khi có hướng dẫn của Trung ương, như: Giải thể phòng thanh tra, pháp chế tại một số chi cục; giải thể Phòng Dân tộc thuộc UBND thành phố Phúc Yên, phòng Y tế cấp huyện; thành lập 9 chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai đặt tại các huyện, thành phố trực thuộc Văn phòng Đăng ký đất đai, Sở TN&MT; sáp nhập các trường trung cấp vào trường cao đẳng và các trường học có quy mô nhỏ, địa điểm gần nhau. Cũng trong giai đoạn này, để ổn định biên chế trong các cơ quan, đơn vị, đồng thời, tạo điều kiện cho các đơn vị bố trí, sắp xếp người làm việc, UBND tỉnh đã chủ động giao biên chế sự nghiệp cho từng đơn vị, tổ chức. Qua đó, đã tinh giản 1.432 biên chế, trong đó, cắt giảm 821 chỉ tiêu công chức, viên chức, hợp đồng theo Nghị định số 68; tinh giản 248 biên chế; cho nghỉ thôi việc theo Nghị quyết 363 trường hợp; giảm 10.704 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố theo Nghị quyết 22 của HĐND tỉnh. Với tỷ lệ này, việc tinh giản biên chế đảm bảo sẽ hoàn thành mục tiêu do Chính phủ đề ra.
Tuy nhiên trên thực tế, hiện số lượng các phòng, ban thuộc các sở, ban, ngành hầu hết vẫn bố trí số lượng tối đa theo quy định của Trung ương; số đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi mô hình hoạt động còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu; việc cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập gặp nhiều khó khăn. Trong quá trình triển khai thực hiện tinh giản biên chế, một số đơn vị chưa tích cực, chủ động, quyết liệt thực hiện tinh giản biên chế, kết quả tinh giản biên chế đạt thấp. Công tác tuyển dụng viên chức còn dàn trải, manh mún; thực hiện đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức ở một số cơ quan chưa thể hiện đầy đủ vai trò trách nhiệm của người đứng đầu. Một số cơ quan chưa quyết liệt trong việc thực hiện sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức và người lao động theo đúng Đề án vị trí việc làm được phê duyệt. Đây cũng chính là những nội dung khiến cử tri, đại biểu HĐND tỉnh quan tâm, đề nghị ông Phạm Quang Tuệ, Giám đốc Sở Nội vụ giải trình, làm rõ.
Trả lời câu hỏi của các đại biểu liên quan đến công tác sắp xếp, sáp nhập các đơn vị giáo dục trên địa bàn huyện Yên Lạc; việc cổ phần hóa đơn vị công lập còn chậm, ông Tuệ khẳng định, hợp nhất, sáp nhập các đơn vị công lập trên địa bàn tỉnh nói chung, 6 đơn vị giáo dục tại huyện Yên Lạc nói riêng là việc làm cần thiết nhằm thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết 19 của Trung ương về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị công lập. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình thực tế, địa phương có thể đề xuất hướng cắt giảm phù hợp, không ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học của các nhà trường, sau đó các cơ quan liên quan sẽ bàn bạc và đi đến thống nhất. Đối với việc cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp, đến nay, toàn tỉnh có 20 đơn vị cấp tỉnh, 9 đơn vị cấp huyện đã tự chủ 100%, dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ có 86 đơn vị cấp tỉnh, 90 đơn vị cấp huyện tự chủ một phần, vượt chỉ tiêu được giao.
Đối với tình trạng thừa - thiếu giáo viên tại một số địa phương trong tỉnh, ông Tuệ cho biết, năm 2017, Sở Giáo dục và Đào tạo và các địa phương được giao tuyển 660 chỉ tiêu biên chế nhưng qua thi tuyển chỉ khoảng gần 50% trúng tuyển. Nhiều nơi sắp xếp, bố trí số lớp học, giáo viên và học sinh chưa phù hợp với tình hình thực tiễn, Sở Nội vụ đã rà soát và nắm rõ tình hình. Song theo chỉ đạo của Bộ Nội vụ, từ nay đến năm 2021 sẽ dừng giao chỉ tiêu biên chế Giáo dục nên ngành Giáo dục phải tự điều chỉnh, cân đối, bổ sung giáo viên phù hợp giữa các trường, khu vực. Để tháo gỡ khó khăn, giải pháp tỉnh đưa ra là thực hiện sắp xếp, sáp nhập các đơn vị giáo dục. Sau khi hoàn thành việc sáp nhập, thực hiện tốt việc phân luồng học sinh, bố trí giáo viên hợp lý; khuyến khích xã hội hóa, chuyển các trường học tại một số nơi thích hợp ra ngoài công lập… Nếu vẫn thiếu, Sở Nội vụ sẽ phối hợp với ngành Giáo dục thực hiện tuyển dụng giáo viên theo hình thức ký hợp đồng có thời hạn, tuy nhiên, việc ký hợp đồng sẽ chỉ thực hiện với các đơn vị còn chỉ tiêu biên chế.
Về câu hỏi của đại biểu Trương Văn Đào, Tổ đại biểu HĐND tỉnh huyện Bình Xuyên và một số đại biểu về việc có hay không tình trạng cán bộ, công chức đang làm việc trong các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh “sáng cắp ô đi, tối cắp về”; giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức? Ông Tuệ thừa nhận, trên thực tế vẫn có những cơ quan, đơn vị chưa coi trọng việc đánh giá, phân loại chất lượng thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức; còn làm theo kiểu đối phó, hình thức, gây khó khăn trong quá trình tinh giản biên chế. Khắc phục tình trạng này, năm 2018, Sở đã tham mưu UBND tỉnh thành lập các Tổ công tác kiểm tra công vụ tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Qua kiểm tra, đã kịp thời phát hiện, lập biên bản những sai phạm và yêu cầu người đứng đầu có văn bản giải trình cụ thể. Khi có kết quả, Sở sẽ công bố công khai và xem đây là một trong những tiêu chí bình xét thi đua hằng năm. Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức viên, viên chức, tỉnh đang thực hiện tuyển dụng theo hình thức thi tuyển, sát hoạch với những yêu cầu ngày càng cao hơn. Bên cạnh sự vào cuộc của tỉnh, ông Tuệ cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị nghiêm túc thực hiện đánh giá, phân loại đúng chất lượng cán bộ, công chức, viên chức tại cơ quan, đơn vị mình.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề sau sắp xếp các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn tỉnh, số người làm việc trong các đơn vị này giảm không đáng kể; mục tiêu của tinh giản biên chế là đưa ra khỏi tổ chức bộ máy những người có năng lực yếu song thực tế số biên chế được giảm thời gian qua chủ yếu vẫn tập trung ở những người sắp nghỉ hưu; việc bố trí số người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố và giải quyết chế độ, chính sách cho những người thôi không tham gia hoạt động; phân cấp trong chuyển ngạch giữa cán bộ, công chức xã, phường với công chức huyện… cũng đã được lãnh đạo UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ và thủ trưởng một số cơ quan liên quan giải trình, đưa ra các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Theo đó, làm rõ trách nhiệm của UBND tỉnh trong việc đánh giá việc sắp xếp, sáp nhập tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế đối với chất lượng sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh thời gian qua, ông Lê Duy Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Tỉnh đã triển khai thực hiện đúng theo tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị và các chủ trương Nghị quyết 18, 19 của Hội nghị Trung ương 6. Cho đến thời điểm này, không có nội dung nào trái với các quy định của pháp luật, một số nội dung trước đây chưa được siết chặt nay được nghiêm túc thực hiện tốt hơn. Đơn cử, cùng với tinh giản biên chế, tỉnh đã mạnh tay xử lý hàng hoạt những cán bộ, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở khi để xảy ra sai phạm. Qua đó, làm thay đổi thận thức của người đứng đầu cũng như đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan Nhà nước trên địa bàn trong thực thi nhiệm vụ được giao.
Liên quan đến việc sắp xếp các tổ chức hội, ông Thành khẳng định, về quan điểm tỉnh, vẫn khuyến khích các hội hoạt động, tuy nhiên, sẽ không sáp nhập cơ học các tổ chức hội vào các cơ quan Nhà nước mà yêu cầu các tổ chức hội cần đổi mới phương thức hoạt động theo hình thức tự nguyện, tự chủ về tài chính. Theo đó, đối với các tổ chức hội còn biên chế vẫn sẽ được cấp kinh phí hoạt động theo đúng quy định; các tổ chức hội còn lại sẽ phải tự xây dựng chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ hoạt động theo nhu cầu của xã hội cần và được cấp có thẩm quyền phê duyệt, quản lý, trả kinh phí theo nguyên tắc chất lượng công việc được giao.
Khẳng định trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn, cả người hỏi và các cơ quan trả lời đều đi thẳng vào các nhóm vấn đề đã lựa chọn, nhận được nhiều sự quan tâm của cả hệ thống chính trị về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh. Tuy nhiên, trong phần trả lời một số nội dung còn dài, đưa ra giải pháp còn chung chung, chưa nêu rõ trách nhiệm và thời hạn phải giải quyết các nội dung chất vấn. Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Vinh yêu cầu ngành Nội vụ tiếp tục phát huy kết quả đạt được, khắc phục hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra; phối hợp chặt chẽ với các địa phương và các ngành liên quan làm tốt chức năng là cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời, yêu cầu cử tri, các đại biểu HĐND tỉnh tiếp tục dành thời gian theo dõi, giám sát việc thực hiện các giải pháp, lời hứa mà UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ đã đưa ra tại kỳ họp.
Bích Phượng/Cổng thông tin điện tử tỉnh Vĩnh Phúc