Chủ Nhật, 8/9/2024
Vĩnh Phúc
Thứ Sáu, 3/8/2018 16:41'(GMT+7)

Để du lịch Vĩnh Phúc “cất cánh”

 

Mỗi du khách đến du lịch tiêu không quá 300.000 đồng

Cuối tháng 7 vừa rồi, tôi cùng gần chục người bạn thời học đại học lên Tam Đảo chơi. Trong tiết trời mát mẻ, nắng nhẹ, mây trôi bồng bềnh, ai cũng thích thú được hòa mình, check in những tấm ảnh đủ mọi tư thế ở nhà thờ đá Tam Đảo, thác Bạc, tháp truyền hình...Thế nhưng đến gần trưa là chúng tôi đã khám phá hết các địa điểm vui chơi ở thị trấn mây bay này. Sau bữa ăn trưa nhẹ nhàng từ các loại bánh, hoa quả, đồ uống được mang sẵn từ nhà, chúng tôi lượn một vòng ra khu chợ Tam Đảo để mua quà tặng người thân. Với diện tích nhỏ, dãy nhà lụp xụp và có khoảng gần 20 hộ kinh doanh, ngoài mua hơn 20kg rau su su với giá 20.000 đồng – 25.000 đồng/kg, hầu như các bạn tôi chẳng ai lựa thêm được mòn quà nào ưng ý. Bởi họ cho rằng, tất cả các loại đồ lưu niệm, từ túi xách, khăn, đồ chơi, hoa quả...bán ở đây, ở chợ nào dưới xuôi cũng có, thậm chí giá còn rẻ hơn.

Quan sát nhiều nhóm bạn trẻ, nhất là các học sinh, sinh viên đang du lịch ở đây, chúng tôi được biết, họ cũng chọn cách đi du lịch bằng xe máy, mang sẵn đồ ăn lên đây từ sáng sớm và không thuê nhà nghỉ, không đặt ăn tại các nhà hàng, khách sạn và không nghỉ qua đêm...để tiết kiệm tiền.

 

Hầu hết các du khách khi đến Tam Đảo chỉ mua rau su su về làm quà

Khu du lịch Tam Đảo được phát hiện và xây dựng từ những năm đầu thế kỷ 20. Nhờ khí hậu trong lành, mát mẻ, từ lâu khu du lịch này luôn được coi là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và người nước, nhất là vào mùa hè. Đặc biệt, để đánh thức tiềm năng du lịch, nhiều năm qua, Vĩnh Phúc đã quan tâm đầu tư, xây dựng hạ tầng, thu hút và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đến đầu tư, xây dựng các khách sạn, nhà hàng, phát triển thêm các loại dịch du lịch tại đây. 

Theo báo cáo của Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, những năm qua, nhất là sau 20 năm tái lập tỉnh, với các khu du lịch nổi tiếng như Tam Đảo, Đải Lải, Tây Thiên...du lịch Vĩnh Phúc đã từng bước xây dựng được thương hiệu và dần trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách. Nếu như năm 2011, du lịch Vĩnh Phúc chỉ đón được 1,7 triệu lượt khách thì đến hết năm 2017 là 4,4 triệu lượt khách, với tổng doanh thu 1.470 tỷ đồng và riêng 6 tháng đầu năm 2018 là 2.552.000 lượt khách, tăng 13% so với cùng kỳ, với tổng doanh thu từ du đạt gần 910 tỷ đồng. Du lịch phát triển đã giải quyết việc làm cho trên 6.000 lao động trực tiếp và trên 5.000 lao động gián tiếp. Tuy nhiên, nếu so sánh, tính bình quân số lượng khách đến du lịch với tổng số tiền thu được từ thì du lịch Vĩnh Phúc còn rất nhiều việc phải làm, bởi hiện nay, bình quân mỗi du khách đến du lịch tiêu không quá 300.000 đồng/người.

Ông Đỗ Hoàng Dương, Trưởng phòng nghiệp vụ Du lịch, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch cho biết: Tính đến nay, toàn tỉnh có 352 cơ sở lưu trú du lịch, với 5.994 phòng. Trong đó có 2 khách sạn 5 sao là khu nghỉ dưỡng FLC Vĩnh Thịnh và khu nghỉ dưỡng Flamingo Đại Lải; 2 khách sạn 4 sao là khu nghỉ dưỡng Sông Hồng thủ đô và Westlake Hotel; 32 khách sạn 2 sao; 23 khách sạn 1 sao và 293 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn quốc gia. Nếu so sánh với các tỉnh có lợi thế về phát triển du lịch tương đồng như: Lào Cai, Ninh Bình, Hà Giang, Thanh Hóa...thì nguyên nhân dẫn đến bình quân mỗi du khách đến du lịch Vĩnh Phúc tiêu không quá 300.000 đồng là do sản phẩm du lịch của tỉnh hiện chưa phong phú, chưa có những sản phẩm du lịch chất lượng cao, tạo được sự đa dạng cho du khách. Hoạt động đi xúc tiến quảng bá, du lịch Vĩnh Phúc vẫn chỉ có sản phẩm thô là những danh lam thắng cảnh, di tích sẵn có để mời chào du khách, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các dịch vụ đi kèm như dịch vụ chăm sóc sức khỏe, y tế, thương mại.. còn hạn chế. Các loại hình du lịch mạo hiểm, du lịch đồng quê chưa hấp dẫn, mới thu hút được khoảng 500.000 lượt khách/4,4 triệu lượt khách trong năm 2017.

Cũng theo ông Dương, hiện Vĩnh Phúc đứng thứ 14/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về lượng khách du lịch. Thế nhưng, doanh thu từ hoạt động này chỉ đạt 8% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh là do có lượng khách quốc tế đến du lịch không cao, mới đạt 33.500 lượt khách/4,4 triệu lượt khách năm 2017 và 16.950 lượt khách/2.552.000 lượt khách trong 6 tháng đầu năm 2018. Số ngày lưu trú của du khách chỉ bình quân từ 0,5 - 2 ngày. Cùng với đó, việc không có sản phẩm du lịch đặc trưng, quà lưu niệm riêng biệt không chỉ mất đi nguồn thu mà còn bỏ lỡ cơ hội quảng bá hình ảnh du lịch Vĩnh Phúc đến với du khách trong và ngoài nước. Hiện khách du lịch đến tỉnh có mức chi dùng rất thấp, các sản phẩm lưu niệm chỉ đáp ứng được 5 đến 10% sức mua của khách du lịch.

Để Vĩnh Phúc trở thành trung tâm du lịch của khu vực phía Bắc

Thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mỗi nhọn và Nghị quyết số 01 của BCH Tỉnh ủy khóa XV về phát triển dịch vụ, du lịch tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2011-2020 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI nhằm đảm bảo thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, giải pháp phù hợp định hướng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, ngày 31/8/2018, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 41, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 trở thành trung tâm du lịch của khu vực phía Bắc, thu hút 50.000 lượt khách quốc tế và 6,5 triệu khách nội địa, với doanh thu 2.600 tỷ đồng; 2030 thu hút 150 ngàn lượt khách quốc tế và 15,6 triệu lượt khách nội địa, doanh thu 10.000 tỷ đồng.

Theo nhiều chủ nhà hàng, khách sạn ở Tam Đảo, năm nay tỉnh đang đầu tư, mở rộng hệ thống đường
nên lượng khách đến du lịch, nghỉ dưỡng không cao

Để đạt được các mục tiêu này, Vĩnh Phúc sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của ngành du lịch đối với sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh. Tiếp tục nghiên cứu, cơ cấu lại ngành du lịch đảm bảo tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, trong đó sẽ chú trọng phát triển thị trường khách du lịch, xây dựng phát triển các khu, điểm du lịch. Cùng với đó, tỉnh sẽ ưu tiên nguồn lực để đầu tư, phát triển hạ tầng cơ sở, hạ tầng giao thông, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách để thu hút các nhà đầu tư ; tăng các tuyến phục vụ du lịch từ Vĩnh Yên đi Tây Thiên, Tam Đảo, Đại Lải. Tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch để thu hút khách du lịch quốc tế, nhất là ở các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga và nước trong khối Asean.

Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, ngành du lịch Vĩnh Phúc đang tập trung phát triển theo 3 hướng chính: Phát triển du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần và du lịch sinh thái rừng; du lịch văn hoá, lịch sử, thắng cảnh, làng quê, làng nghề; du lịch công vụ mua sắm, hội nghị hội thảo. Để hiện thực hóa mục tiêu này, đúng dịp kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh (1/1/1997-1/1/2017), Vĩnh Phúc đã khởi công xây dựng dự án khu du lịch Tam Đảo 2 do Tập đoàn SunGroup làm chủ đầu tư. Đồng thời, tiếp tục đầu tư, nâng cấp, phát triển khu du lịch Tam Đảo, Đại Lải, Tây Thiên; khai thác các tour du lịch vùng quê nhằm đánh thức tiềm năng du lịch sẵn có ở các địa phương.

Theo trưởng phòng nghiệp vụ Du lịch, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Đỗ Hoàng Dương, đến nay, Vĩnh Phúc đã hình thành nhiều sản phẩm du lịch nhưng  trên thực tế mới có 2 sản phẩm thu hút được nhiều du khách là du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần và du lịch lễ hội. Do đó, để níu chân và để khách mở ví chi tiêu khi đến du lịch, nghỉ dưỡng, trước mắt, tỉnh cần thu hút được các nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực tài chính đầu tư vào các địa bàn trọng điểm, vùng có tiềm năng du lịch, sản phẩm du lịch đặc thù.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã xây dựng được phần mềm quản lý du lịch; tổ chức cuộc thi Ảnh đẹp du lịch Vĩnh Phúc diễn ra từ tháng 4/2018 và sẽ kết thúc vào tháng 9/2018. Đồng thời ,tham mưu UBND tỉnh tổ chức cuộc thi thiết kế sản phẩm lưu niệm, quà tặng nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng của tỉnh. Đẩy mạnh quảng bá về lễ hội, điểm du lịch, tiềm năng du lịch của Vĩnh Phúc trên các phương tiện truyền thông của địa phương và trung ương; tham gia các sự kiện trong khuôn khổ Năm du lịch quốc gia Quảng Ninh 2018; tổ chức Hội chợ du lịch, ẩm thực và thương mại các tỉnh vùng Đông Bắc, phụ cận Vĩnh Phúc 2018; triển lãm ảnh đẹp du lịch Vĩnh Phúc trong khuôn khổ ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc năm 2018.

Bên cạnh đó, Sở đã tăng cường hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện các quy định, chính sách, pháp luật tại các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh. Đưa các hoạt động dịch vụ, phục vụ cho các đoàn khách du lịch lữ hành tại các trung tâm du lịch lớn của tỉnh, như thành phố Vĩnh Yên, Tam Đảo, Phúc Yên...đi vào nền nếp, đảm bảo một môi trường du lịch an toàn, văn minh, thân thiện và phát triển bền vững.

Thanh Nga/Công Thông tin Vĩnh Phúc

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất