Thứ Hai, 7/10/2024
Tin hoạt động
Chủ Nhật, 15/11/2009 21:23'(GMT+7)

Cao Nguyên ngân vang cồng chiêng

Đội cồng chiêng dân tộc Bahnar trình diễn tại Lễ Đâm trâu mừng chiến thắng.

Đội cồng chiêng dân tộc Bahnar trình diễn tại Lễ Đâm trâu mừng chiến thắng.

Tinh hoa cồng chiêng các dân tộc Việt Nam

Có lẽ, hiếm khi nào nơi phố núi vốn lặng lẽ, êm đềm lại bất ngờ trở nên nhộn nhịp, náo nhiệt như những ngày qua. Ba địa điểm du lịch có tiếng ở thành phố Plây Cu như Công viên Văn hóa Đồng Xanh, Khu du lịch sinh thái Về Nguồn và Công viên Diên Hồng, đâu đâu cũng vang vọng tiếng cồng chiêng rộn rã.


Đội cồng chiêng dân tộc Mường (Phú Thọ).

Cùng một thời gian, tại ba địa điểm trên là nơi các đoàn cồng chiêng tham dự Festival lần này biểu diễn các hoạt động như: trình diễn cồng chiêng, trình diễn chỉnh chiêng, trình diễn tạc tượng, cũng như tổ chức phục dựng các lễ hội dân tộc như Lễ đâm trâu, Lễ mừng lúa mới,..

Mỗi dân tộc khác nhau lại có những cách thể hiện các điệu cồng chiêng riêng, không thể trộn lẫn. Từ trang phục, điệu múa đến cách đánh cồng, đánh chiêng, tất cả tạo nên một sắc màu không gian văn hóa đa dạng, sống động.


Đội cồng Mường (huyện Thạch Thất, Hà Nội).

Giữa đất trời Tây Nguyên, đoàn cồng chiêng của các nữ nghệ nhân dân tộc Mường đến từ huyện Tiến Xuân (Thạch Thất, Hà Nội), như một luồng gió mới làm dịu mát vùng đất đỏ bazan. Với dàn chiêng gồm nhiều chiếc chiêng to, nhỏ khác nhau, mỗi khi đoàn biểu diễn đều thu hút được sự chú ý không chỉ của du khách, mà cả những đoàn cồng chiêng khác cũng háo hức đón xem.

Đến từ miền đất phương nam, các đoàn nghệ nhân của Sóc Trăng, Cần Thơ cũng làm phong phú thêm điệu nhạc cồng chiếng với các màn trình diễn độc đáo của đồng bào dân tộc Khơ Me.


Màn trình diễn của đồng bào Kh’mer.

Ngoài ra, cũng độc đáo không kém là các màn trình diễn của đồng bào các dân tộc Jrai, Chơ Ru, Mơ Nông,... đến từ vùng đất Tây Nguyên hùng vỹ. Với trang phục độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc, với bàn tay múa dẻo, đôi chân nhảy khỏe khoắn, mạnh mẽ, cùng đôi tay đánh cồng, gõ chiêng dứt khoát, vang vọng, các chàng trai cô gái dân tộc đã cuốn hút người xem đến tận phút cuối cùng của màn diễn.

Độc đáo cồng chiêng Đông Nam Á


Đội cồng chiêng dân tộc Chơ Ru.

Đến với Festival Cồng chiêng lần này, còn có sự góp mặt của các đoàn nghệ nhân cồng chiêng đến từ năm nước: Myanmar, Cam-pu-chia, Lào, Indonesia và Philippines. Các màn trình diễn cồng chiêng của các nghệ nhân nước ngoài cũng gây ấn tượng khá mạnh mẽ đối với người xem.

Đoàn Myanmar gồm 10 nghệ nhân, với một dàn chiêng khổng lồ 70 chiếc chiêng lớn nhỏ khác nhau, đã đem đến cho người xem những màn trình diễn đặc sắc. Theo nhận xét của GS.TS Khoa học Tô Ngọc Thanh: Đây là dàn nhạc mang tính chất nghi lễ cung đình  được đào tạo bài bản trong các nhạc viện, được chuyên nghiệp hóa có chức năng như nhã nhạc Việt Nam.


Đội cồng chiêng dân tộc
Mơ Nông Gar (Đác Nông).

Cùng với đoàn Myanmar, đoàn cồng chiêng Philippines gồm tám nghệ nhân cồng chiêng cũng mang tới Festival bảy tiết mục đặc sắc, nhằm giới thiệu nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Đoàn nghệ nhân đến từ Campuchia cũng không hề thua kém các nước bạn khi họ mang tới lễ hội ba bộ cồng chiêng đồ sộ, gồm một bộ sáu chiếc, một bộ 11 chiếc và bộ còn lại có hình bán nguyệt gồm hai vòng lớn với 15 chiếc chiêng nhỏ ở mỗi vòng. Các nghệ nhân đoàn Indonesia với khoảng 10 nhạc cụ diễn tấu cùng cồng chiêng, đoàn nghệ nhân của nước Lào với bộ cồng chiêng tám chiếc,... cũng đều say sưa hết mình khi trình diễn các tiết mục đặc sắc của dân tộc mình.


Đội nghệ nhân cồng chiêng đến từ Myanmar.

Festival Cồng chiêng quốc tế 2009 sắp tới hồi khép lại. Phố núi Plây Cu sẽ trở về với vẻ yên bình vốn có. Nhưng những gì mà các đoàn nghệ nhân cồng chiêng Tây Nguyên nói riêng, Đông- Nam Á nói chung, thể hiện trong những ngày qua sẽ để lại ấn tượng vô cùng mạnh mẽ cho những người được xem, được tận mắt chứng kiến.

Nghệ nhân Ksor Năm, dân tộc Jrai (huyện Đức Cơ, Gia Lai) trình diễn chỉnh chiêng.

* Trong khuôn khổ các hoạt động của Festival Cồng chiêng quốc tế 2009, trong hai ngày 14 và 15-11 tại Công viên Diên Hồng (TP Plây Cu, tỉnh Gia Lai) đã diễn ra những màn trình diễn chỉnh chiêng đặc sắc của 26 nghệ nhân đến từ các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Tại đây, người xem đã được thưởng thức những màn trình diễn độc đáo của các nghệ nhân mà những ngày thường, không phải ai cũng có dịp biết tới. Các nghệ nhân đã biểu diễn khả năng thẩm âm, chỉnh sửa âm thanh của từng chiếc chiêng, đồng thời, vừa chỉnh vừa giải thích cụ thể về từng dụng cụ chỉnh chiêng, cũng như từng cách chỉnh âm thanh cho từng loại chiêng sao cho khi cất lên, không chiêng nào bị lạc điệu.

Ông George Paley.

Buổi trình diễn chỉnh chiêng đã thu hút rất đông du khách tới xem. Ông George Paley, khách du lịch đến từ bang Kansas, Hoa Kỳ tỏ ra rất thú vị khi được tận mắt chứng kiến màn trình diễn chỉnh chiêng của các nghệ nhân. Ông tâm sự: Đây là lần đầu tiên ông tham dự một sự kiện văn hóa đặc sắc như thế này tại Việt Nam. Tại đây đã diễn ra rất nhiều sự kiện sôi động, hấp dẫn, có nhiều điều mới mẻ mà ông có thể khám phá được qua Festival này./.

(TG - Tổng hợp theo NDĐT)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất