Thứ Bảy, 21/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 2/3/2014 20:58'(GMT+7)

Cầu Long Biên cần được ứng xử như một di sản văn hóa

Cầu Long Biên là di sản văn hóa quý giá của Hà Nội và cả nước.

Cầu Long Biên là di sản văn hóa quý giá của Hà Nội và cả nước.

Ủng hộ cầu mới cách cầu cũ gần 200m

Nhiều ngày nay dư luận quan tâm tới “số phận” cầu Long Biên, khi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) có văn bản gửi liên Bộ: Xây dựng; Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) cùng UBND TP Hà Nội về phương án vị trí xây cầu vượt sông Hồng thuộc dự án xây dựng đường sắt đô thị số 1 Yên Viên-Ngọc Hồi (Hà Nội) giai đoạn I, trong đó đưa ra 3 phương án liên quan đến việc xây mới, bảo tồn cầu Long Biên do tuyến đường sắt này có hướng tuyến trùng với tuyến đường sắt hiện có từ Hà Nội sang Gia Lâm (qua cầu Long Biên).

3 phương án này được dư luận cho là vừa không hợp lòng dân, lại vừa thể hiện thái độ thiếu trách nhiệm với di sản và đi ngược lại kết luận của Chính phủ.

Ngày 21-2, Bộ GTVT tiếp tục có Văn bản số 1787 gửi TP Hà Nội, kiến nghị lựa chọn phương án xây cầu đường sắt ở phía thượng nguồn sông Hồng, cách cầu Long Biên 30m. Rất nhiều chuyên gia, kiến trúc sư, nhà nghiên cứu văn hóa trong cuộc tọa đàm khoa học “Bảo tồn cầu Long Biên trong phát triển đô thị”, do Khoa Kiến trúc công trình (Trường Đại học Phương Đông) tổ chức hôm 25-2 đã phản đối phương án này và lên tiếng đề nghị, nếu cây cầu đường sắt được xây mới phải đặt cách cầu cũ gần 200m để không phá vỡ các yếu tố cảnh quan và lịch sử.

Tại cuộc tọa đàm này, PGS, KTS Nguyễn Hồng Thục, Viện trưởng Viện định cư (Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) cho biết, năm 2009, cơ quan tư vấn JICA (Nhật Bản) đã giới thiệu với Hà Nội 3 phương án xây dựng cầu đường sắt mới tại các vị trí cách cầu Long Biên 30m, 186m và 500m. Đây là kết quả của một công trình nghiên cứu 7 năm về quy hoạch giao thông Hà Nội. Các chuyên gia Nhật Bản rất tôn trọng di sản văn hóa Hà Nội. Họ khuyến cáo chúng ta giữ cầu Long Biên bằng mọi giá, bởi đây là 1 trong 4 hệ thống kiến trúc tiêu biểu nhất của lịch sử Thủ đô, bao gồm cầu Long Biên, khu phố cổ, khu phố Pháp cũ và Hoàng thành.

Là một trong những KTS trực tiếp làm việc với JICA tại dự án trên, KTS Nguyễn Hồng Thục cho biết, các chuyên gia trong và ngoài nước đều lên tiếng đề nghị Hà Nội chọn phương án xây cầu mới cách 186m. Kết quả nghiên cứu và khảo sát của JICA cho rằng, việc xây cầu mới chỉ cách Long Biên 30m sẽ tạo ra nhiều tác động tiêu cực cả về cảnh quan lịch sử, không gian phố cổ, ô nhiễm môi trường và cả việc vận hành đường sắt trong tương lai. Đặc biệt, theo số liệu do JICA đưa ra, việc xây dựng cầu theo phương án cách cầu cũ 186m chỉ tốn thêm 2,1% so với kinh phí trong phương án 30m; đồng thời phương án 186m chỉ cần giải tỏa 140 hộ dân, so với 150 hộ của phương án 30m.

Trong Thông báo số 200/TT-VPCP ngày 15-7-2010, thông báo về Kết luận của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải - Trưởng ban Chỉ đạo tại phiên họp Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải, nêu rõ: “Đồng ý phương án vị trí cầu đường sắt vượt sông Hồng cách cầu Long Biên cũ 186m, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thống nhất với UBND TP Hà Nội để xử lý cụ thể”.

Các KTS và chuyên gia tại cuộc tọa đàm lên tiếng, ngành giao thông nên công khai chi tiết 3 phương án xây cầu mới mà JICA đề nghị, kèm theo đó là những số liệu về kinh phí đầu tư, để dư luận cùng tiếp tục có ý kiến.

Cần ứng xử như một di sản văn hóa

GS, KTS Nguyễn Việt Châu, Phó tổng biên tập Tạp chí Kiến trúc, nguyên Viện trưởng Viện Kiến trúc (Bộ Xây dựng) thẳng thắn cho rằng, cả 3 phương án của Bộ GTVT đối xử với cầu Long Biên như thời gian qua là quá phũ phàng. Nó là một di sản văn hóa mà chúng ta lại chỉ coi nó như một cây cầu, hỏng thì chữa, nát quá thì đập đi xây lại. Những chuyên gia hay kỹ sư về giao thông ở dự án này chỉ nghiên cứu để xây dựng một cây cầu bền chắc và bảo đảm nhu cầu về giao thông, chứ chưa nghĩ đến việc ứng xử với nó như một di sản văn hóa. GS Nguyễn Việt Châu nói, ông khá ngạc nhiên khi cầu Long Biên chưa được công nhận là di sản văn hóa, trong khi đó, các chuyên gia Nhật Bản khi lập dự án nghiên cứu cách đây 7 năm đã đánh giá các mặt về kiến trúc, văn hóa, lịch sử… và cho rằng, nó xứng đáng là di sản văn hóa thế giới.

PGS, KTS Nguyễn Quốc Thông, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam lại bày tỏ hy vọng, cầu Long Biên là tuyến liên kết các thành phần, các không gian văn hóa của Hà Nội trong tương lai. Ông lấy ví dụ, ở Pa-ri (Pháp), người ta đã bỏ đi những tuyến đường sắt, đầu ga trở thành bảo tàng, còn toàn bộ tuyến đường sắt trên cao thành điểm hẹn, đường đi dạo, khớp nối giữa các khu phố, bên dưới là những gallery hiện đại. Đó là một cách chuyên nghiệp trong bảo tồn.

Cũng theo PGS Nguyễn Quốc Thông, không thể có một tuyến đường sắt đi xuyên trong một thành phố hàng triệu người, nguyên lý là đi bên cạnh chứ không phải là đi xuyên qua, chẳng may thành phố phát triển thì nó nằm ở giữa. Đường sắt lại đi xuyên qua chính trái tim của thành phố thì đó là điều tối kỵ và phi lý. Giải quyết trước mắt thì tốt nhưng về lâu dài thì khó. Đối với cầu Long Biên, nên tính cái lâu dài, cái bền vững hơn là cái trước mắt. Do vậy, nếu muốn giữ Hà Nội với tư cách là một đô thị di sản văn hóa thì ưu tiên thứ nhất là giá trị văn hóa, thứ hai mới là giá trị giao thông chứ không thể làm ngược.

“Với cầu Long Biên, Hội Kiến trúc sư sẽ lên tiếng bằng văn bản một cách chính thức khi có hồ sơ. Cầu Long Biên là di sản của lòng người, di sản của trí nhớ thì cũng nên lấy ý kiến của người dân. Cần phải đánh giá đúng mức chứ mọi người cũng đừng quá khích” - KTS Nguyễn Quốc Thông nói.

KTS Hoàng Đạo Kính bày tỏ: "Cầu Long Biên là công của người Pháp nhưng đã được “Việt hóa”, “Hà Nội hóa” như thân phận người Việt, chắp vá, cũ kỹ, chịu đựng nhưng rất thân thương. Chuyển nó từ thiết chế giao thông sang thiết chế văn hóa lịch sử. Xây dựng đề án để bảo tồn và trùng tu. Tạo dựng nó thành con phố đi bộ, con phố du ngoạn. Yêu nhau ở đấy, kết hôn ở đấy, mua hàng ở đấy, thưởng thức ẩm thực Hà Nội ở đấy"./.

Vương Hà-Thảo Sang (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất