* Phóng viên: Sau
nhiều năm nghiên cứu văn hóa, ông có thể chia sẻ những hiểu biết của
mình về các lễ hội trong đời sống cộng đồng người Việt ở thế kỷ này?
* PGS-TS BÙI XUÂN ĐÍNH: Hội làng (gắn với các di tích) ngày nay có những ý nghĩa và giá trị sau:
-
Là không gian và khoảng thời gian tĩnh lặng cần thiết để mỗi người dịu
bớt những căng thẳng của nhịp sống kinh tế thị trường, của nhịp sống đô
thị và lao động công nghiệp; để gửi gắm niềm tin, lời cầu ước cho mình.
-
Vẫn giữ nguyên giá trị là biểu tượng của sức mạnh cộng đồng, tạo nên sự
cố kết cộng đồng; tạo nên niềm cộng sinh, cộng cảm của sức mạnh cộng
đồng.
- Là nơi bảo lưu các giá trị lịch sử - văn hóa truyền thống
trước tác động của xã hội hiện đại và của văn hóa ngoại lai; giáo dục
truyền thống cho thế hệ trẻ.
- Có giá trị phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
* Lễ hội truyền
thống được duy trì, bảo tồn và phát huy từ ngàn đời xưa đến nay, vậy mỗi
công dân tham gia lễ hội cần phải ứng xử như thế nào để chứng tỏ là
người hiểu biết văn hóa?
* Cần phải hiểu rõ nội dung, bản
chất của các loại hình hội, các lễ thức trong hội, các quy định của từng
hội, tham khảo và làm theo những tinh tế của cha ông ta trong việc tổ
chức hội, tham dự hội.
* Ngày nay, chúng tôi thấy các cá
nhân, gia đình, cơ quan thường tổ chức đi lễ đầu năm ở những danh lam
thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng. Điều đó đáng mừng không
thưa ông?
* Việc có nhiều tập thể, gia đình, cá nhân đi lễ
tại danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng để vừa hành
lễ, vừa hiểu biết thêm các giá trị lịch sử văn hóa của những nơi đó là
điều đáng khích lệ, đáng mừng. Còn có thật mừng hay không thì cần xem
xét cách hành xử cụ thể của các tập thể, cá nhân với di tích, danh lam,
với các lễ thức, với hội, với những người khác trong không gian đó.
Không thể mừng được khi có những người đi hội nhưng xâm phạm di tích,
làm ô nhiễm môi trường…
* Theo quan sát của chúng tôi, tâm lý
chung của du khách đi lễ đầu năm thường chú trọng đến việc “cầu” và
“xin” các đấng tối cao?
* Cầu và xin là mong muốn, ước nguyện
chung của người đi lễ. Song có cầu và xin được hay không thì không hẳn,
vì nhiều người cầu xin không đúng chỗ. Ví dụ, đi lễ chùa thì không thể
cầu xin tài lộc, thăng quan tiến chức được, vì Phật khuyên răn con người
chớ tham vọng. Vả lại, chưa có cơ sở khoa học nào lý giải có mối liên
hệ mật thiết giữa việc đạt được thành công nào đó trong năm của một
người với lời cầu xin khi đi lễ tại một cơ sở thờ cúng nào đó.
* Và nếu có chuyện “cầu” được, và “xin” được thì chắc hẳn số người đi lễ năm sau sẽ tăng hơn năm trước, ông có nghĩ vậy?
*
Đúng như vậy, song hiệu nghiệm của việc cầu xin tại một cơ sở thờ cúng
nào đó thường do yếu tố tâm lý và do dư luận lan truyền (chẳng hạn việc
“vay tiền” ở đền bà Chúa Kho), dẫn đến lượng người đi lễ càng gia tăng,
di tích trong kỳ lễ, hội càng quá tải, tạo ra những bất cập, tiêu cực.
*
Vậy, theo ông các nhà nghiên cứu và giới truyền thông cần có những định
hướng và tuyên truyền như thế nào để giúp du khách hiểu đúng bản chất
của lễ hội? Từ đó mới có cách ứng xử sao cho văn hóa?
* Tùy
từng di tích, tùy từng loại hình lễ hội, ban quản lý di tích, ban tổ
chức lễ hội phải có những tuyên truyền, giải thích (bằng nhiều hình thức
khác nhau) về nội dung, bản chất của di tích và hội đó; đồng thời phải
đề ra những quy định phù hợp, có lực lượng hướng dẫn mọi người làm theo;
kiên quyết xử lý các sai phạm.
* Những điều bức xúc và trăn trở nhất của ông trong mùa lễ hội năm nay đã diễn ra là gì?
*
Người đi dự hội, đi lễ trong hội coi việc này đồng nghĩa với việc “cầu
được ước thấy”, nên mới có hiện tượng “nhầm cửa” trong việc khấn vái,
cầu xin, rồi nhét, gài tiền vào tay Phật, đầu Phật, hoa lễ thần Phật;
cướp lộc, xô vào kiệu để được sờ tay vào thần. Bên cạnh đó là nhiều hành
vi phản cảm trong một số lễ thức ở một số hội như giành giật cầu may,
thậm chí lợi dụng hội để giải quyết mâu thuẫn ở một vài nhóm thanh niên.
Ban tổ chức nhiều hội chỉ nhằm thu được nhiều tiền, nên mới thả sức
“khoán thu”, vô tình tiếp tay cho các loại hình dịch vụ hám lợi và trục
lợi, chặt chém du khách vô tội vạ.
Điều trăn trở nhất của tôi là
người đi hội không hiểu hội và mục đích cao cả của đi hội, chỉ vì vụ
lợi. Công tác tuyên truyền, quản lý về hội rất kém.
PHÙNG HOÀNG ANH/SGGP