Vừa bước lên căn gác nhỏ chưa đầy hai chục mét vuông, cả một thế
giới tranh thúc đồng sống động hiện ra. Tương phản bộ bàn ghế tuềnh
toàng, kệ tủ cũ kỹ là vẻ sang trọng vừa mang nét hiện đại, vừa mang nét
cổ kính của những bức tranh đồng lồng khung treo trang trọng trên
tường. Vẫn là hình ảnh quen thuộc của dòng tranh Ðông Hồ, tranh dân
gian Hàng Trống, song những cảnh như mục đồng thổi sáo, đàn lợn âm
dương, đánh ghen, hứng dừa... hay hình ảnh của chùa Một Cột, Khuê Văn
Các khi được phóng tác thành tranh thúc đồng bỗng mang một hồn vía mới,
tươi hơn, động hơn, có chiều sâu hơn và căng tràn nhựa sống. Nếu không
tận mắt chứng kiến, có lẽ khó ai có thể nghĩ những tác phẩm nghệ thuật
tinh xảo đó được làm nên từ đôi tay tài hoa của người nghệ nhân già đã
ngoài tuổi 70. Càng khó tin hơn khi biết chúng được tạo tác từ những
dụng cụ thúc, đục, chạm thô sơ đến mức khó tưởng.
Rót trà mời khách, nghệ nhân Lê Văn Phú cho chúng tôi xem bộ đồ nghề
làm tranh thúc đồng có tới gần 300 dụng cụ của ông. Toàn những
bu-lông, ốc vít, những chiếc đinh cũ kỹ đủ kích cỡ đa phần gỉ sét bởi
đã theo ông suốt gần 30 năm tuổi nghề. Ðơn giản chỉ có vậy nhưng vẫn đủ
để người nghệ nhân già tự hào bởi ấy là bộ đồ nghề có một không hai do
ông tự chế qua nhiều tháng năm cuộc đời mà dù có đi khắp những làng
nghề chuyên chạm đồng như Ðồng Xâm, Ðại Bái cũng không thể kiếm được.
Ông kể, có những chiếc ve được ông chế lại từ mũi khoan bê-tông, từ
trục trước xe đạp, từ cần gương xe máy..., và cũng có cả những dụng cụ
ông lượm lặt được ở hàng sắt vụn hay nhặt được dọc đường cho tới tận
bây giờ ông cũng chưa biết gọi tên chính xác. Thế mới biết những bức
tranh thúc đồng tươi rói chân thực kia không chỉ là thành quả của sự
khéo tay mà còn là sự cộng dồn của óc sáng tạo, cảm quan mỹ thuật, tình
yêu và sự say nghề nơi nghệ nhân Lê Văn Phú.
Nghệ nhân Lê Văn Phú tại triển lãm ở Tokyo, Nhật Bản tháng 8-2004.
Ông tâm sự, ngay từ khi còn là cậu bé 11 tuổi, đã được theo cha học
nghề chạm bạc. Nhưng vì đặc biệt hào hứng với hội họa cho nên năm 16
tuổi, ông quyết tâm đi học vẽ. Dù sau đó phải trải qua khoảng thời gian
dài đi nghĩa vụ quân sự, vào chi viện cho chiến trường miền nam, rồi
trở ra bắc công tác tại Bộ Tư lệnh Thủ đô, chàng đại úy quân đội vẫn
không thôi tha thiết với hội họa. Vì thế, từ năm 1985, ngay sau khi cầm
sổ hưu, ông đã bắt tay vào nghiên cứu và sáng tạo ra dòng tranh mới,
từ đó trở thành "ông tổ" nghề tranh thúc đồng Việt Nam. Tác phẩm đầu
tay là bức thúc đồng Tứ bình gắn trên nền gỗ lát được ông thực hiện thử
nghiệm suốt gần bốn tháng, vừa hoàn thiện xong đã có người tìm mua.
Ðiều này đã trở thành động lực để ông làm tiếp bức Tứ bình thứ hai và
đoạt giải B (không có giải A) trong Cuộc thi mẫu hàng mới thủ công mỹ
nghệ do Liên hiệp Hợp tác xã Hà Nội tổ chức. Kể từ đó, tranh của ông
năm nào cũng xuất hiện trong các cuộc thi, các kỳ triển lãm trong
nước, quốc tế và lần nào cũng đoạt giải cao. Năm 1988, ở tuổi 46, ông
là người duy nhất được TP Hà Nội phong tặng danh hiệu nghệ nhân. Năm
2010, ông tiếp tục được Nhà nước vinh danh là Nghệ nhân Ưu tú. Mới đây,
tháng 9-2013, ông được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là "Người
Việt Nam đầu tiên làm tranh thúc đồng".
Không phải ngẫu nhiên mà những bức tranh thúc đồng của nghệ nhân Lê
Văn Phú lại thu hút người chiêm ngưỡng đến vậy. Mỗi tác phẩm đều là sự
kết hợp nhuần nhụy giữa tư duy mỹ nghệ và tư duy hội họa. Nếu mỹ nghệ
thiên về khoe sự tỉ mỉ, nuột nà, khéo tay của người thợ thì hội họa lại
thiên về gợi, ước lệ, khái quát. Là người có nghề mỹ nghệ, lại am
tường hội họa, cho nên nghệ nhân Lê Văn Phú luôn có ý thức đưa hội họa
vào mỹ nghệ, tìm cách giản lược những chi tiết không cần thiết của mỹ
nghệ mà chú ý nhiều đến bố cục, mảng khối của bức tranh, nhấn kỹ vào
những điểm quan trọng nhất, sao cho tranh vừa tinh xảo đến từng đường
nét mà vẫn chân thực, sinh động. Nếu như những người thợ chạm đồng
truyền thống sau khi dán bản vẽ mẫu lên miếng đồng phải đi công-tua
theo hình vẽ để tránh chạm lạc, mất nét khi thao tác thì nghệ nhân Lê
Văn Phú chỉ cần đặt bản vẽ lên giấy than, can lại hình rồi tiến hành
thúc âm bản từ mặt trái lên mặt phải, vừa thúc mặt trái vừa hình dung
ra mặt phải, sao cho khi hoàn thiện, độ nổi của từng nét thúc trên
tranh phải sắc sảo nhất, sống động nhất.
Nếu như tranh mỹ nghệ chỉ sử dụng 30% kỹ thuật thúc, còn lại là chạm
từ mặt phải, thì tranh thúc đồng của nghệ nhân Lê Văn Phú hầu hết đều
được thúc từ mặt trái lên mặt phải. Bởi thế, tranh của ông luôn bám
hình mẫu nhưng không bao giờ câu nệ hình mẫu. Người nghệ nhân luôn dành
cho mình một khoảng để mặc sức thể hiện sự sáng tạo, óc tưởng tượng
riêng. Rất hiếm ai dám chạm tranh trên những tấm đồng mỏng bởi khi
chạm, tranh dễ bị rách, thủng, song với nghệ nhân Lê Văn Phú, dù là chỉ
thúc trên một chất liệu đồng duy nhất dày bốn đến năm rem (một rem
bằng khoảng 1/10 mm) nhưng người xem vẫn cảm nhận được độ căng khối, độ
xa-gần của khoảng cách, độ nông-sâu của từng chi tiết đặt trong bối
cảnh không gian ba chiều. Ông nói, thúc trên đồng mỏng khó nhưng phải
thúc trên đồng mỏng thì khối mới lên bắt nét, tác phẩm mới không bị
"chết cứng". Người thúc giỏi phải biết cách tạo độ nổi cho tranh sao
cho người xem có cảm giác những mảng khối đó được đắp lên một mặt phẳng
chứ không phải được thúc từ mặt sau lên. Ðó cũng chính là lý do khiến
những bức tranh "đơn mầu" của nghệ nhân Lê Văn Phú có sức hút diệu kỳ
đến vậy. Ông quan niệm, mỗi một bức vẽ cũng giống như một bản nhạc gốc,
khi sử dụng mỗi một nhạc cụ khác nhau để chơi thì cần có sự chuyển
soạn riêng cho loại nhạc cụ đó. Thế nên dùng chất liệu đồng để chuyển
tải tranh bằng phương pháp thúc đồng, người nghệ nhân cần có cách xử lý
riêng với từng tác phẩm. Trong hàng trăm bức tranh thúc đồng của ông,
không bức nào giống bức nào, mỗi tác phẩm đều là đơn chiếc cho nên có
tính "độc bản" cao. Người nghệ nhân dùng tư duy hội họa và trí tưởng
tượng để thúc tranh cho nên mỗi tác phẩm lại có sự sáng tạo mới so với
bản vẽ gốc. Không chỉ thúc tranh trên đồng, nghệ nhân Lê Văn Phú còn có
nhiều sáng tạo để làm phong phú thêm dòng tranh thúc đồng của mình.
Khi thì đóng khung, khi lại chạm thêm các đường bo với họa tiết cổ chạy
chung quanh tranh, khi lại đục rỗng các họa tiết để treo tường, khi
không dùng nền, khi lại gắn các chi tiết tranh đồng lên nền sơn mài,
nền gỗ lát để làm mới tranh. Và cho đến nay, bí quyết gắn tranh của ông
lên các chất liệu khác vẫn còn là một lời thách đố cho những người làm
nghề trong, ngoài nước.
Thúc tranh đã khó, thúc tranh để bản thân cảm thấy hài lòng, ưng ý
lại càng khó hơn. Phải có hứng, có cảm xúc và tìm được hướng xử lý cho
bức tranh trên chất liệu đồng mới có thể tạo ra một bức tranh thúc đồng
hoàn chỉnh. Bởi thế mà dù cả đời tâm huyết với tranh thúc đồng nhưng
nghệ nhân Lê Văn Phú chỉ sáng tác vì sự đam mê chứ hoàn toàn không để
kinh doanh. Có khi đằng đẵng cả tháng, thậm chí vài tháng mới xong
được một bức. Vì vậy, có những người thật sự yêu tranh thúc đồng, khi
đặt ông làm tác phẩm đều không dám định thời gian bởi họ hiểu, chỉ khi
nào người nghệ nhân nói rằng tranh đã xong thì khi đó, họ mới có được
một tác phẩm ưng ý nhất.
Tranh thúc đồng là dòng tranh kén người chơi và kén cả người làm, do
đó truyền dạy không dễ. Người nghệ nhân già vẫn nung nấu ý muốn truyền
nghề cho lớp trẻ để nghề tranh thúc đồng có cơ hội phát triển song
dường như lực bất tòng tâm. Ông có đủ năng lực nhưng không đủ vật lực
để dạy nghề rộng rãi. Cũng đã có một số người đến tìm ông theo học
nhưng người có chí thì không có duyên, mà người có duyên thì chẳng mấy
ai đủ kiên nhẫn. Ðến nay, mới chỉ có người con trai của ông là có khả
năng và hứng thú theo cha học nghề. Âu cũng là niềm hy vọng cho dòng
tranh thúc đồng Việt Nam, và cũng là niềm vui, niềm an ủi cho người
nghệ nhân già đã ở tuổi xế chiều.