Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có đại diện các vụ, đơn vị thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương, lãnh đạo Ban Tuyên giáo, giảng viên chuyên trách Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương, Đảng ủy khối các Doanh nghiệp Trung ương; đại diện Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, lãnh đạo các trung tâm chính trị, giảng viên chuyên trách của các quận, huyện thuộc thành phố Hà Nội.
Hội nghị có sự kết nối của 140 điểm cầu trong cả nước, trong đó cấp huyện có 77 điểm cầu với trên 4900 đại biểu.
Báo cáo kết quả công tác giáo dục lý luận chính trị năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2022, TS. Đoàn Văn Báu, Vụ trưởng Vụ Lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương nêu rõ: Năm 2021 là năm dịch bệnh COVID-19 diễn biến rất phức tạp, cả nước thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 trong một thời gian dài. Nhưng với tinh thần chủ động, linh hoạt, sáng tạo, bám sát các hướng dẫn, chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương đã chủ động tham mưu giúp cấp ủy tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ theo đúng tiến độ, kế hoạch. Do đó, công tác giáo dục lý luận chính trị đã đạt được những kết quả nổi bật.
Về tổ chức giảng dạy, học tập, Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, các trung tâm chính trị cấp huyện đã thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo đúng sự chỉ đạo của Ban Tuyên bo sung, cập nhật nội dung phù hợp tình hình cụ thể của từng địa phương, vùng, miền; bổ sung yêu cầu bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh ủy, thành ủy tìm tòi, sáng tạo nhằm thích nghị, phù hợp với tình hình dịch bệnh và giãn cách xã hội xây dựng đề giảng dạy, giáo án điện tử... giúp giảng viên tổ chức học trực tuyến và kết hợp học cương trực tuyến và trực tiếp.
Nhiều Ban Tuyên giáo tỉnh ủy, thành ủy đã đẩy mạnh việc phối hợp với trường chính trị tỉnh, thành phố nghiên cứu, đưa nội dung lịch sử đảng bộ cấp tỉnh vào giảng dạy trong chương trình đào tạo, bồi dưỡng của trường chính trị tỉnh, thành phố. Ban Tuyên giáo cấp huyện phối hợp với trung tâm chính trị cấp huyện nghiên cứu đưa lịch sử đảng bộ cấp huyện vào giảng dạy trong chương trình đào tạo, bồi dưỡng, hoặc xây dựng một chuyên đề riêng để giảng dạy.
Ngoài các chương trình do Ban Tuyên giáo Trung ương hướng dẫn, một số trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện còn thực hiện nhiều chương trình bồi dưỡng khác theo yêu cầu của cấp uỷ địa phương như: chuyên đề tình hình kinh tế - xã hội địa phương; bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải viên cơ sở; tuyên truyền, giáo dục về pháp luật, đồng thời, chủ động bổ sung một số nội dung về tình hình của địa phương, đơn vị.
Việc đổi mới phương pháp giáo dục lý luận chính trị cũng được các địa phương chú trọng, đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học tích cực theo hướng tăng thực hành kỹ năng, giảm tải thời lượng lý thuyết, gắn lý luận với thực tiễn, tăng tương tác, đối thoại giữa giảng viên và học viên, kết hợp phương pháp giáo dục truyền thống với phương pháp giáo dục hiện đại, tạo khả năng thu hút, hấp dẫn người học.
Về nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở, Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương đã chủ động tham mưu cho cấp ủy xây dựng đề án, kế hoạch nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị tại các trung tâm chính trị cấp huyện; đổi mới nội dung, hình thức giáo dục lý luận chính trị, nghiên cứu bổ sung các giải pháp mới; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các trung tâm chính trị cấp huyện thực hiện tốt chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hằng năm.
Về nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị cấp huyện, Ban Tuyên giáo tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ giảng dạy cho giảng viên của các trung tâm chính trị cấp huyện, với nhiều hình thức khác nhau: hội nghị, tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm; phối hợp với trường chính trị mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giảng viên chuyên trách và kiêm nhiệm của trung tâm. Nhiều địa phương cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động dự giờ, thao giảng nhằm tạo điều kiện trao đổi kinh nghiệm về chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy. Nhiều cấp ủy tạo điều kiện để cán bộ, giảng viên trung tâm chính trị cấp huyện tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học, phục vụ công tác giảng dạy.
Cùng với đó, các địa phương tiếp tục kiện toàn và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Phòng Lý luận chính trị và Lịch sử Đảng trong ban tuyên giáo cấp tỉnh theo Quy định số 04-QĐ/TW, ngày 25/7/2018 của Ban Bí thư quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc tỉnh ủy, thành ủy và các văn bản hiện hành. Trên toàn quốc hiện nay có 44/49 tỉnh ủy báo cáo đều thống nhất tên gọi là Phòng Lý luận chính trị và Lịch sử Đảng. Việc kiện toàn, thống nhất về cơ bản chức năng, nhiệm vụ của các phòng trên toàn quốc giúp cho việc chỉ đạo, phối hợp thực hiện các nhiệm vụ được thuận lợi.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giáo dục lý luận chính trị tại các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện còn một số hạn chế bất cập. Một số tỉnh ủy, thành ủy đã sáp nhập trung tâm chính trị với ban tuyên giáo cấp huyện nên việc nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên ở cơ sở còn bị buông lỏng, chất lượng đào tạo nhiều nơi không đảm bảo. Việc cấp, ký giấy chứng nhận, văn bằng đào tạo gặp nhiều khó khăn, chưa đúng với quy định. Công tác xây dựng, hoàn thiện tổ chức, bộ máy, bổ sung cán bộ cho các trung tâm chính trị còn chậm, chưa đảm bảo về số lượng, chất lượng theo Quy định.
Việc biên soạn, bổ sung, hướng dẫn một số chương trình; cập nhật kiến thức mới vào các tài liệu tuy đã có nhiều cố gắng nhưng còn chậm so với yêu cầu của cơ sở. Tại cơ sở, khi có những vấn đề phát sinh, chưa thực sự chủ động, sáng tạo, tham mưu, đề xuất, còn trông chờ vào Trung ương.
Năng lực và nghiệp vụ giảng dạy của một số giảng viên chuyên trách trẻ tuổi còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm thực tiễn, chưa đáp ứng được yêu cầu. Một số đồng chí giảng viên tuy có kinh nghiệm nhưng ngại đổi mới, cập nhật nội dung và phương pháp. Một số giảng viên kiêm chức thiếu nhiệt tình, trách nhiệm, đầu tư thời gian chưa nhiều cho nghiên cứu tài liệu, soạn giáo án nên chất lượng bài giảng còn hạn chế.
Cùng với đó, phương tiện kỹ thuật phục vụ cho việc giảng dạy và học tập tại các trung tâm chính trị cấp huyện còn thiếu và chưa đồng bộ, nhất là ở các huyện vùng sâu, vùng xa; việc áp dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy và học tập còn hạn chế, nhiều địa phương chưa có điều kiện cơ sở kỹ thuật để thực hiện. Có tỉnh ủy, nhiều trung tâm chưa có cơ sở cố định hoặc trong tình trạng xuống cấp, gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình tổ chức lớp học.
Một số quy định về chế độ chính sách đối với cán bộ, giảng viên, học viên của các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện còn bất hợp lý, nhưng chưa được giải quyết.
Trong thời gian tới, Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ tiếp tục tổ chức các lớp nghiên cứu, quán triệt các nghị quyết hội nghị Trung ương khoá XIII; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về nội dung và phương pháp giảng dạy lý luận chính trị cho giảng viên; kiểm tra thực hiện nhiệm vụ giáo dục lý luận chính trị.
Bên cạnh đó, tiếp tục kiện toàn và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của phòng lý luận chính trị và lịch sử đảng, trung tâm chính trị cấp huyện; giao ban và tập huấn công tác giáo dục lý luận chính trị; thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị và bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ, đảng viên các cấp...
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe PGS.TS. Nguyễn Viết Thông, nguyên Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương trao đổi về 03 cuốn tài liệu: Tài liệu Bồi dưỡng nhận thức về Đảng; Tài liệu Bồi dưỡng lý luận chính trị dành cho đảng viên mới; Tài liệu Bồi dưỡng nghiệp vụ công tác đảng dành cho bí thư chi bộ và cấp ủy viên cơ sở. Thông qua nội dung truyền đạt và thông tin của báo cáo viên trong Hội nghị, các đại biểu đã hiểu rõ hơn, sâu sắc hơn những nội dung cơ bản, những điểm mới, về phương pháp giảng dạy nội dung trong 3 tài liệu mới vừa được cập nhật, góp phần quan trọng giúp các giảng viên trung tâm chính trị cấp huyện trong cả nước tiếp thu, sử dụng những thông tin bổ ích đó trong quá trình giảng dạy ở cơ sở.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, PGS.TS Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương ghi nhận tinh thần trách nhiệm, sự nghiêm túc của các đồng chí lãnh đạo, cán bộ Ban Tuyên giáo cấp tỉnh, cấp huyện và các đồng chí giảng viên các trung tâm chính trị cấp huyện trong công tác phối hợp tổ chức, tham dự Hội nghị, lắng nghe, tiếp thu các thông tin truyền đạt của báo cáo viên.
Theo đồng chí Lê Hải Bình, hiện nay, có rất nhiều nguồn tài liệu chính thống như: Trang thông tin điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, cổng thông tin điện tử của Chính phủ; các địa phương, bộ, ngành đều có cổng thông tin điện tử; Ban Tuyên giáo Trung ương có Tạp chí Tuyên giáo, và rất nhiều báo in, tạp chí cùng các phương tiện phát thanh, truyền hình đa phương tiện… Đây là điều kiện thuận lợi giúp các giảng viên trung tâm chính trị tra cứu thông tin lý luận của Đảng, Nhà nước và các địa phương.
Đồng chí Lê Hải Bình đề nghị các đồng chí giảng viên các Trung tâm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chủ động tìm kiếm, cập nhật thông tin chính thức làm phong phú thêm bài dạy, thu hút, thuyết phục, và định hướng người học hiểu và nắm vững quan điểm, tư tưởng, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tạo sự đồng thuận, đoàn kết trong Đảng, trong xã hội thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, phấn đấu đến năm 2045, đưa nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa./.
Tin, ảnh: Nhật Minh