(TG) - Sáng 19/12, tại Hà Nội, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thảo “Trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng đối với người trẻ tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí” nhằm nâng cao chất lượng tuyên truyền về công tác trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng đối với trẻ tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí.
Hội thảo “Trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng đối với người trẻ tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí” nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người thân, gia đình và cộng đồng trong việc chăm sóc, giúp đỡ và phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí; đưa ra các định hướng, giải pháp để triển khai và thực hiện hiệu quả hơn công tác này trong thời gian tới.
Các đồng chí: Trần Doãn Tiến, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam; Bùi Ngọc Quý, Vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Công Dũng, Phó Tổng Biên tập Thường trực Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam; Tô Đức, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì hội thảo.
Hội thảo thu hút sự tham dự của khoảng 200 đại biểu là các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, các chuyên gia của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế; một số Trung tâm trợ giúp xã hội đối với người tâm thần; Trung tâm phục hồi chức năng đối với trẻ tự kỷ; đại diện lãnh đạo các cơ quan, trường học và một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, đồng chí Nguyễn Công Dũng, Phó Tổng Biên tập Thường trực Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nêu rõ, một trong những vấn đề xã hội rất cần được quan tâm hiện nay là vấn đề trẻ tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí. Bởi theo các chuyên gia, số lượng trẻ tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí ngày càng tăng mạnh. Tại Việt Nam, số liệu của Tổng cục Thống kê công bố vào tháng 1/2019 cho biết, có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên (chiếm khoảng 6,5% dân số), trong đó có khoảng 1 triệu người tự kỷ. Tỉ lệ trẻ em mắc chứng tự kỷ ước tính là 1% số trẻ em sinh ra. Thực tế số lượng trẻ được chẩn đoán và điều trị tự kỷ ngày càng tăng theo từng năm, đang trở thành một vấn đề xã hội rất đáng quan tâm, bởi không chỉ riêng trẻ em mà kể cả những người tự kỷ trưởng thành, cho đến nay vẫn chưa thể hòa nhập cộng đồng do những rào cản hay định kiến xã hội.
Bên cạnh bệnh tự kỷ, bệnh rối nhiễu tâm trí cũng nhiều người mắc phải trong xã hội phát triển ngày nay. Thống kê trên thế giới có từ 15-20% dân số đang mắc một hay nhiều chứng rối nhiễu tâm trí. Ở Việt Nam, căn bệnh này chiếm tỷ lệ khoảng 10% và có xu hướng ngày càng tăng. Do vậy, căn bệnh này rất cần được xã hội quan tâm bởi tầm ảnh hưởng rộng cả ở phạm vi cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội. Trên thực tế, người bị rối nhiễu tâm trí do những biểu hiện bệnh không rõ ràng, nên thường không được phát hiện kịp thời, đặc biệt ở trẻ em, phụ nữ mang thai hay sau sinh, thậm chí chính bản thân người mắc cũng không biết mình mắc, gây khó khăn nhiều cho công tác điều trị, phục hồi.
Theo đồng chí Nguyễn Công Dũng, trong những năm gần đây, Nhà nước đã có nhiều cơ chế, chính sách, nhiều văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng với mục tiêu trợ giúp xã hội, trợ giúp người yếu thế cũng như trẻ tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí được can thiệp và hỗ trợ. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chăm sóc, trợ giúp phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí còn nhiều khó khăn, hạn chế. Số trẻ được chẩn đoán tự kỉ và người rối nhiễu tâm trí ngày càng tăng, độ tuổi được chẩn đoán ngày càng nhỏ trong khi việc phát hiện sớm còn nhiều hạn chế; nơi thăm khám và điều trị chỉ có ở các thành phố lớn, còn ở những khu vực vùng sâu, vùng xa khó khăn. Các cơ sở bảo trợ xã hội thực hiện việc chăm sóc, phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí hiện đang rất thiếu về số lượng, thiếu các trang thiết bị phục hồi chức năng; cán bộ, nhân viên công tác xã hội làm việc tại cộng đồng và trong các cơ sở chăm sóc trẻ tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí còn thiếu. Đặc biệt chưa hình thành được mạng lưới cán bộ công tác xã hội nên hiệu quả công tác chăm sóc và phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí tại trung tâm, gia đình và cộng đồng còn thấp... Vì vậy, rất cần những giải pháp thiết thực cụ thể để phát hiện sớm, chăm sóc sức khoẻ và phục hồi chức năng cũng như tạo môi trường hoà nhập cho trẻ tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí.
Đồng chí Nguyễn Công Dũng nêu rõ, để chăm sóc và phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí hiệu quả cần nhiều giải pháp đồng bộ. Ngoài điều trị y tế, các dịch vụ công tác xã hội trong lĩnh vực chăm sóc cũng rất quan trọng. Đó là các dịch vụ tư vấn, trị liệu tâm lý, tham vấn, sử dụng ngôn ngữ trị liệu, tổ chức trò chơi mang tính chất hướng ngoại và trợ giúp khác tại cộng đồng. Đặc biệt, truyền thông với vai trò và trách nhiệm xã hội đối với trẻ tự kỷ và người rỗi nhiễu tâm trí cần đem lại nhận thức đúng đắn và nêu bật được tầm quan trọng của việc chăm sóc, can thiệp sớm, toàn diện đối với trẻ tự kỉ và người rối nhiễu tâm trí. Tuy nhiên, nhìn nhận lại, hoạt động tuyên truyền cho căn bệnh tự kỷ, rối nhiễu tâm trí vẫn còn nhiều hạn chế, dẫn đến việc hiểu về những căn bệnh này trong xã hội còn khá mù mờ. Trên các báo, trang thông tin điện tử, còn ít các nội dung tuyên truyền về phổ biến chính sách các kiến thức, kỹ năng về chăm sóc sức khỏe tâm thần; việc phát hiện, chẩn đoán, điều trị sớm cho căn bệnh tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí… Đặc biệt, nhiều phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí còn thiếu kiến thức, kỹ năng cần thiết tuyên truyền về mảng đề tài này nhằm tránh mặc cảm, kỳ thị đối với trẻ tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí…
Việc tổ chức hội thảo lần này nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người thân, gia đình và cộng đồng trong việc chăm sóc, giúp đỡ và phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí tại cộng đồng; đưa ra các, định hướng, giải pháp, kiến nghị để triển khai và thực hiện hiệu quả hơn công tác trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng đối với nhóm đối tượng này.
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung làm rõ những kết quả thực hiện công tác chăm sóc, trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng đối với trẻ tự kỷ, người tâm thần rối nhiễu tâm trí trong thời gian qua (những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc). Đồng thời chia sẻ kiến thức, kỹ năng cần thiết để trợ giúp trẻ tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí tại cộng đồng. Trang bị cho gia đình, cộng đồng một số kỹ năng sàng lọc, phát hiện và hỗ trợ can thiệp sớm giúp trẻ tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí hoà nhập cộng đồng.
Bên cạnh đó, tập trung nêu rõ vai trò của các cơ quan thông tấn báo chí; kỹ năng truyền thông phù hợp trong tuyên truyền về lĩnh vực trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng đối với trẻ tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí. Đề xuất các giải pháp, kiến nghị hoàn thiện chính sách pháp luật đối với trẻ tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí; định hướng triển khai thực hiện công tác trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng đối với trẻ tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí trong thời gian tới.
Ban Tổ chức Hội thảo cũng kỳ vọng kết quả của Hội thảo hôm nay sẽ là những cơ sở, tiền đề quan trọng để Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổng hợp báo cáo Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành hữu quan tham khảo để có những quyết sách, định hướng thông tin tuyên truyền và bổ sung, hoàn thiện các quy định về lĩnh vực này trong thời gian tới./.
Tuấn Đạt