Chủ Nhật, 8/12/2024
Xã hội
Thứ Tư, 30/11/2022 14:36'(GMT+7)

Đề xuất một số giải pháp phân luồng và hướng nghiệp

Thời gian qua, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS và THPT chọn học nghề chưa đạt mục tiêu đề ra.

Thời gian qua, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS và THPT chọn học nghề chưa đạt mục tiêu đề ra.

Phân luồng trong giáo dục là biện pháp tổ chức hoạt động giáo dục trên cơ sở thực hiện hướng nghiệp trong giáo dục, tạo điều kiện để học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông tiếp tục học ở cấp học, trình độ cao hơn hoặc theo học giáo dục nghề nghiệp hoặc tham gia lao động phù hợp với năng lực, điều kiện cụ thể của cá nhân và nhu cầu xã hội, góp phần điều tiết cơ cấu ngành nghề của lực lượng lao động phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước

1. Một số nghiên cứu về giáo dục hướng nghiệp và phân luồng trên thế giới

Tại các quốc gia phát triển, học sinh được khuyến khích đi theo các con đường học vấn và sự nghiệp khác nhau và có một hệ thống tư vấn trường học hoặc đánh giá xác định khả năng học vấn để có khuyến cáo cho các gia đình và học sinh đi theo học nghề hay tiếp tục học lên cao như ở một số bang của Đức.

Ở nhiều quốc gia học sinh có thể lựa chọn học các chương trình học nghề (vocational Program) cùng với học các môn văn hóa (general program). Chương trình giáo dục hướng nghiệp được tích hợp vào các môn học khác hoặc chỉ dành cho những học sinh có khiếm khuyết về sức khỏe và người ta dạy luôn kỹ năng nghề cho học sinh để có thể được công nhận ở thị trường lao động hoặc được miễn trừ khi vào học ở trường nghề. Tỷ lệ học sinh tham gia các chương trình học nghề trong trường trung học biến động theo các quốc gia dao động trong khoảng 30-70%.

 

Ảnh minh họa.

Tại Hoa Kỳ học sinh có thể được phân luồng (pathway) theo nhiều cách. Đặc biệt có thể vào nhà trường mà cũng có thể vào doanh nghiệp có đến 5 luồng và Chính phủ chi tiền cho công việc này.

Hiện nay đang có tranh luận về phân luồng sớm ở châu Âu trước dư luận rằng phân luồng sớm sẽ tạo ra sự mất bình đẳng cơ hội học tập của học sinh, việc đo lường tư vấn tại thời điểm phân luồng có thể chưa chính xác, lợi ích của người theo học chương trình phổ thông trong dài hạn sẽ lớn hơn so với người học nghề...Ở Indonesia thì phân luồng chủ động học sinh vào học nghề với mục tiêu tham vọng đưa đến 70% học sinh vào học nghề. Hàn Quốc trước đây cũng định đưa 40% học sinh vào học nghề nhưng tỷ lệ này không đạt được. Sinhgapore dùng cơ chế kế hoạch phát triển nhân lực để chủ động phân luồng vào giáo dục nghề nghiệp đến 25%.

Trong một nghiên cứu có tiêu đề: Mơ ước và những hiện thực của phân luồng và giáo dục nghề nghiệp năm 2020 các tác giả viết rằng: “Động lực thị trường lao động mới đòi hỏi một số kỹ năng rất nhanh thay thế các kỹ năng khác, nhưng cũng đòi hỏi các kỹ năng luôn mới cho các ngành kinh doanh và công nghệ mới và đang phát triển. Vì vậy, ngoài việc theo dõi trường học và những ảnh hưởng của nó, giáo dục nghề nghiệp dường như đang ở ngã ba đường. Trong bối cảnh đó, một số quốc gia đã đối phó với thách thức này bằng cách tái cấu trúc hệ thống giáo dục nghề nghiệp của họ theo hướng học văn hóa hơn là đào tạo nghề nghiệp, đặc biệt bằng cách giảm mức độ phân hóa chương trình giảng dạy, cho phép mở rộng chương trình giáo dục nghề nghiệp hơn và bằng cách giảm số lượng ngành nghề đào tạo”.

Như vậy, phân luồng trên thế giới tùy theo điều kiện kinh tế, chính trị, giáo dục, văn hóa và thế chế khác nhau mà có đa dạng các con đường phát triển sự nghiệp. Nhìn chung chưa có nghiên cứu đánh giá mối quan hệ giữa giáo dục hướng nghiệp và phân luồng vào giáo dục nghề nghiệp. Bộ Giáo dục của Bỉ thiết kế các chương trình trung học theo mô đun (hoặc các đơn vị học tập) gắn với nhu cầu kỹ năng của doanh nghiệp. Học sinh chỉ cần học hai hoặc ba mô đun (unit) là có thể tham gia thị trường lao động. Ở Úc hiện nay không còn giáo dục hướng nghiệp mà học đào tạo kỹ năng nghề gắn với ngành kinh tế trong trường trung học.

Qua nghiên cứu về giáo dục hướng nghiệp và phân luồng ở một số quốc gia có thể tóm tắt một số vấn đề chung sau đây:

- Việc giáo dục hướng nghiệp ở THCS đã bị loại bỏ do tạo ra sự bất bình đẳng về cơ hội cho học sinh có năng lực học tập khác nhau và thiếu hiệu quả.

- Việc tổ chức giáo dục hướng nghiệp ở trường trung học do hạn chế về đội ngũ, cơ sở vật chất và chương trình khiến học sinh có động lực học tập thấp, tương lại việc làm chưa rõ. Hầu hết các quốc gia đã tổ chức các khóa đào tạo nghề nghiệp ngay ở trường THPT với chuẩn đầu ra, nội dung chương trình gắn với tiêu chuẩn kỹ năng lực mà ngành kinh tế cần (kinh nghiệm châu Âu, Úc) có sự hợp tác với doanh nghiệp cùng tham gia đào tạo.

- Cấu trúc chương trình ở phổ thông theo hướng mô đun hóa, tích hợp kiến thức văn hóa với nghề nghiệp (Hàn Quốc bắt đầu thực hiện vào năm 2008) và công nhận khối lượng học tập (learning volume) theo tín chỉ để dễ tạo điều kiện chuyển đổi tín chỉ lên bậc học sau trung học (cao đẳng, đại học).

- Việc giáo dục nghề nghiệp ở trình độ trung học vẫn có vai trò lớn trong đảm bảo cơ cấu trình độ nhân lực của một xã hộ công nghiệp. Tỷ lệ này ở châu Âu vào khoảng 47% vào năm 2020 (Future skill needs in Europe: critical labour force trends. CEDEFOP 2016). 

Các trường phổ thông tăng cường giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề cho HS.

- Vai trò của Chính phủ quan trọng trong việc dự báo nhu cầu nhân lực, đưa ra những định hướng theo mục tiêu phát triển kinh tế xã hội và có cơ chế, qui hoạch để các chính quyền địa phương cùng hệ thống tham gia.

2. Đề xuất một số giải pháp thực hiện phân luồng

Nhằm đẩy mạnh công tác giáo dục hướng nghiệp, giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng, liên thông trong giáo dục. Khuyến khích sáng tạo, hỗ trợ khởi nghiệp đối với học sinh phổ thông gắn với nhu cầu xã hội, chuẩn bị nguồn nhân lực cho chuyển đổi số, phát triển kinh tế số; thực hiện tốt chủ trương “Phát triển giáo dục và đào tạo là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Học đi đôi với hành; lý luận gắn với thực tiễn; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội”; “Đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo. Chuẩn hóa, hiện đại hóa giáo dục và đào tạọ”; “Công tác hướng nghiệp, phân luồng, liên thông trong giáo dục, đào tạo gắn với nhu cầu xã hội”; “Tiến tới phổ cập trung học phổ thông gắn với phân luồng trong giáo dục”, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Việc nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp khả thi khắc phục bất cập, tồn tại, hạn chế trong việc tổ chức triển khai thực hiện chủ trương phân luồng, hướng nghiệp trong giáo dục như sau:

Thứ nhất, Nhóm giải pháp về chính sách và cơ chế:

- Rà soát lại các qui định trong Luật Giáo dục nhất là điều khoản liên quan về hướng nghiệp và phân luồng, mục điêu giáo dục, cấu trúc chương trình. Quan niệm phân luồng sau THCS nên hiểu không chỉ với học sinh vừa tốt nghiệp mà cho cả lực lượng trong độ tuổi có học vấn THCS miễn là với mục tiêu có việc làm và thu nhập là phân luồng. Khi đó doanh nghiệp cũng tham gia vào phân luồng và đào tạo tại doanh nghiệp.

- Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch đầu tư triển khai quy hoạch nhân lực theo các nhóm ngành nghề đến năm 2025-2030 để làm cơ sở cho quy hoạch phát triển giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Kinh nghiệm Singapore Bộ Nhân lực của quốc gia này có kế hoạch chỉ tuyển vào cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Singapore 25% (Viện Giáo dục kỹ thuật ITE) còn lại phân bổ cho các trường cao đẳng, đại học với tỷ lệ phù hợp.

- Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp chỉ đạo các địa phương rà soát các trường THPT, trường nghề để hình thành các trường cao đẳng cộng đồng (ở nơi có điều kiện) hoặc các trường trung học kỹ thuật, trung học nghề trên địa bàn quận huyện. các trường này sẽ thực hiện phân luồng tại chỗ và có thể là các trường vệ tinh để kết nối với các trường cao đẳng công nghệ, ĐH nằm ở thành phố. Cùng xây dựng cơ chế công nhận trình độ tương đương trung học phổ thông cho học sinh ở các trường này

- Khuyến khích thành lập các trường trung học kỹ thuật ở những nơi học sinh có nguy cơ bỏ học nhiều ở THCS và sau THCS bằng cơ chế kế hoạch và tài chính. Trong mô hình này cần lấy trường nghề làm trung tâm tuyển nhân sự giáo viên phổ thông vào dạy tích hợp các môn văn hóa và nghề. Chú trọng đào tạo các ngành nghề về nông nghiệp.

- Chuyển một số các trường THPT sang hướng trung học kỹ thuật để dạy các kỹ năng nghề theo tiêu chuẩn côg nghiệp. Yêu cầu doanh nghiệp cùng tham gia xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề từ đó xây dựng chuẩn đầu ra và đào tạo theo nhu cầu thị trường lao động.

 

Tiếp tục đẩy mạnh công tác phân luồng, hướng nghiệp.

- Phát triển việc đào tạo tại doanh nghiệp theo chế độ kèm việc, học nghề với sự hỗ trợ tài chính của nhà nước. Kinh nghiệm ở các quốc gia châu Âu và Hoa Kỳ doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong đào tạo kỹ năng, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động.

Thứ hai, Nhóm giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp:

- Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp là khâu then chốt để thu hút người học vào học nghề. Vì thế mọi giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đều là cách để cải thiện tình trạng phân luồng.

- Thiết kế lại chương trình giáo dục nghề nghiệp cho hệ tuyển sinh sau THCS theo cấu trúc mô đun, linh hoạt và tích hợp cao nhất các mô đun học văn hóa với mô đun kiến thức nghề. Đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp, vận dụng linh hoạt các hình thức tư vấn hướng nghiệp phù hợp với lứa tuổi học sinh; cung cấp kịp thời thông tin về các trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, , xu hướng thị trường lao động và nhu cầu sử dụng của thị trường lao động.

- Đảm bảo chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu thị trường lao động theo hướng đào tạo rộng mà không đào tạo nghề hẹp. Sớm triển khai Khung trình độ quốc gia, thiết kế chương trình, thực hiện chính sách đảm bảo chất lượng tạo tối đa cơ hội cho người học liên thông. Giáo dục nghề nghiệp không phải là con đường cùng mà chỉ là con đường dẫn đến việc làm và thu nhập trong thế giới việc làm.

- Thực hiện kiểm định và thanh tra chuyên môn các chương trình đào tạo nghề.

Thứ ba, Nhóm giải pháp hỗ trợ tài chính cho học sinh người dân tộc, học sinh nghèo và những cơ sở đào tạo tuyển học sinh tốt nghiệp THCS để vào học nghề.

Bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh học liên thông giữa các trình độ đào tạo, lên các cấp học cao hơn; có cơ chế chính sách khuyến khích học sinh đi học nghề; hỗ trợ kinh phí cho học sinh dân tộc thiểu số, học sinh nghèo, học sinh thuộc diện chính sách và những cơ sở đào tạo học sinh sau tốt nghiệp THCS vào học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; chính sách ưu đãi cho học sinh học khởi nghiệp, tìm kiếm việc làm sau khi học các bậc trình độ của giáo dục nghề nghiệp.

Thứ tư, Nhóm giải pháp đẩy mạnh truyền thông và thay đổi phương pháp giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông

- Việc giáo dục hướng nghiệp ở nhà trường phổ thông cần tích hợp giáo dục cho học sinh tìm hiểu và khám phá thế giới nghề nghiệp để hình thành dần nhận thức ban đầu về nghề nghiệp và cuộc sống. Khi học ở sau THCS thì chỉ nên đào tạo kỹ năng kết hợp với các môn học văn hóa gắn với nhu cầu của thị trường.

- Tăng cường hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các trường THPT để dạy nghề và đánh giá, công nhận kỹ năng nghề cho học sinh theo Khung trình độ quốc giaViệt Nam. Như vậy, ở cấp địa phương việc hợp tác giữa các sở ngành và doanh nghiệp rất quan trọng trong việc thu hút người hoc nghề ở trường trung học. 

Buổi tư vấn trực tuyến hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh sau THCS từ điểm cầu Phòng GD-ĐT Lương Tài (tháng 4-2022).

   - Nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông. Đổi mới và tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cơ quan quản lý giáo dục các cấp, các cơ sở giáo dục phổ thông, cha mẹ học sinh, học sinh về ý nghĩa, tầm quan trọng của giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông. Tiến hành tổ chức các hoạt động tuyên truyền về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng cho học sinh phổ thông, huy động được sự tham gia của học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục với các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nhân.

Trước bối cảnh với phát triển mạnh của khoa học, kỹ thuật và công nghệ, sự xuất hiện và phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ đã tác động lớn đến mọi mặt đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của toàn thế giới và đến từng khu vực, quốc gia. Cơ cấu, trình độ sản xuất thay đổi gây ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường lao động. Một số ngành nghề lao động truyền thống sẽ có biến động mạnh, được thay thế bởi máy móc, dây chuyền tự động; một số ngành nghề mới xuất hiện đòi hỏi người lao động phải có năng lực nhất định; phân công lao động, tuyển dụng lao động ngày càng vượt khỏi giới hạn địa phương, quốc gia, khu vực v.v…

Việt Nam cũng như các nước trên thế giới, thị trường lao động trong nước có những biến đổi tương tự. Ngoài ra, quan niệm về ngành nghề, quan niệm về chọn nghề cũng có những thay đổi khác với truyền thống. Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng không nhỏ tới giáo dục, đào tạo và ngày càng lan rộng, diễn biến phức tạp, khó lường và hậu quả nghiêm trọng. Những biến đổi, đổi mới này được dự báo sẽ tác động mạnh đến hoạt động giáo dục hướng nghiệp, phân luồng trong giáo dục.

Vì vậy, công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng trong giáo dục vừa phải tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 522/QĐ-TTg vừa phải có những đổi mới cho phù hợp nhằm đạt được các mục tiêu đề ra trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030; chiến lược phát triển giáo dục; chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045./.

Hoàng Ngọc Vinh, Vũ Bá Toản

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất