(TG) - Ngày 9/12, tại Hà Nội, Trung ương Hội Người mù Việt Nam tổ chức khai mạc chuỗi sự kiện “Hướng tới bình đẳng, tiến bộ, hòa nhập cho người mù ASEAN”.
Mở đầu chuỗi sự kiện này là một số cuộc hội thảo, tọa đàm về thúc đẩy giáo dục đại học gắn với tạo việc làm, thúc đẩy bảo đảm quyền cho người khuyết tật nói chung, người khiếm thị nói riêng. Điểm nhấn của chuỗi sự kiện là chương trình đi bộ diễu hành với hình ảnh người khiếm thị cầm cây gậy trắng, diễn ra sáng ngày 10/12, tại khu vực hồ Hoàn Kiếm.
Tại sự kiện, Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam Đinh Việt Anh cho biết: “Với sáng kiến của Hội Người mù Thái Lan, từ năm 2013, Diễn đàn Cộng đồng người mù ASEAN đã được tổ chức hằng năm, tạo điều kiện để các tổ chức của và vì người mù tại các nước trong khu vực trao đổi kinh nghiệm, thảo luận về những vấn đề quan tâm và đề ra phương hướng, giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần giúp người mù trong khu vực khắc phục khó khăn, phát huy khả năng, vươn lên hòa nhập cộng đồng”.
Tại sự kiện, các đại biểu đã nghe nói chuyện chuyên đề về tổng kết thập kỷ người khuyết tật khu vực châu Á-Thái Bình Dương 2013-2022, Kế hoạch tổng thể của ASEAN đến năm 2025 về lồng ghép quyền của người khuyết tật, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về quá trình gia nhập và thực thi Hiệp ước Marrakesh, thúc đẩy giáo dục đại học gắn với tạo việc làm, thảo luận tuyên bố chung và đưa ra các khuyến nghị dành cho Chính phủ các nước ASEAN trong việc tạo điều kiện thúc đẩy bảo đảm quyền cho người khuyết tật nói chung, người khiếm thị nói riêng.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Hà khẳng định: “Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ ghi nhận, kiến nghị và cùng Chính phủ, Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, giải quyết các vấn đề khuyến nghị của cộng đồng người mù ASEAN tại chuỗi sự kiện này, quan tâm thực hiện Kế hoạch tổng thế của ASEAN đến năm 2025 về lồng ghép quyền của người khuyết tật, các vấn đề trọng tâm được nêu lên trong Tuyên bố Jakarta về thực hiện quyền của người khuyết tật cần thúc đẩy trong thập kỷ người khuyết tật khu vực châu Á-Thái Bình Dương 2023-2032 cũng như chú trọng chủ đề của ngày Quốc tế Người khuyết tật năm nay là “Đổi mới vì một thế giới bình đẳng và tiếp cận cho người khuyết tật”.
Theo đánh giá, việc gia nhập Hiệp ước Marrakesh sẽ giúp những người không có khả năng đọc chữ in được tiếp cận với kho thông tin, kiến thức rộng lớn, từ đó tăng cơ hội việc làm, giảm áp lực cho bản thân họ, gia đình và xã hội. Đó cũng là cách bảo đảm quyền tiếp cận kiến thức, thông tin của người khuyết tật phù hợp với những cam kết quốc tế.
Chia sẻ tại các cuộc hội thảo, tọa đàm, đại diện các nước thành viên trong Cộng đồng người mù ASEAN đánh giá cao kết quả, hướng đi phù hợp trong việc quan tâm, chăm lo cho người khuyết tật nói chung, người khiếm thị nói riêng của Việt Nam.
Các đại biểu thống nhất cho rằng, con đường tốt nhất để người khiếm thị hòa nhập là trang bị kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cho họ. Muốn làm được điều này, trước hết mỗi người cần nỗ lực vươn lên, còn gia đình cần quan tâm, động viên, tạo điều kiện để người khiếm thị học tập, vui chơi phù hợp với tình trạng sức khỏe, khả năng nhận thức, không nên nhìn họ là đối tượng yếu thế, phải chăm sóc, nuôi dưỡng cả đời…
Tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về quá trình gia nhập và thực thi Hiệp ước Marrakesh, các đại biểu vui mừng khi nhận thông tin, sau nhiều nỗ lực của các cơ quan quản lí nhà nước, đặc biệt là Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam, cùng Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, Hội Người mù Việt Nam, các tổ chức của và vì người khuyết tật…, ngày 6/12 vừa qua, đại diện Nhà nước Việt Nam đã nộp văn kiện gia nhập Hiệp ước Marrakesh về tạo điều kiện cho người khiếm thị và người khuyết tật chữ in khác tiếp cận với các tác phẩm đã công bố cho Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO).
Sự kiện được tổ chức nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Người khuyết tật 3/12 hướng tới thập kỷ Người khuyết tật khu vực châu Á-Thái Bình Dương 2023-2032, đồng thời thúc đẩy thực hiện Công ước Quốc tế về quyền của Người khuyết tật của Liên hợp quốc, chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và Kế hoạch tổng thể ASEAN 2025 về lồng ghép quyền của Người khuyết tật.
Sự kiện có sự tham dự của các tổ chức và đại diện lãnh đạo hội người mù các nước Brunei, Lào, Myanmar, Malaysia, Philippines và Thái Lan./.
Vân Khánh