Chủ Nhật, 8/12/2024
Xã hội
Thứ Hai, 28/11/2022 11:21'(GMT+7)

Những vấn đề đặt ra đối với công tác đào tạo nghề cho nông dân, nông thôn hiện nay

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

1. Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là ba thành tố có quan hệ mật thiết, gắn bó, không thể tách rời; có vai trò, vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là cơ sở, lực lượng to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Thời gian tới, nông nghiệp, nông dân, nông thôn tiếp tục là một nội dung quan trọng trong chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, trong đó nâng cao chất lượng lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững là một trong những trọng tâm được quan tâm. Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021 - 2030 xác định tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động, nhất là ở vùng nông thôn.

Chú trọng đào tạo lại, đào tạo thường xuyên lực lượng lao động. Hình thành đội ngũ lao động lành nghề, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và sử dụng lao động; đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, khai thác và phát huy lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, vùng chuyên canh hàng hóa chất lượng cao. Phát triển mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh học…; tiếp tục triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững, an sinh xã hội…

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã từng bước gắn với quy hoạch phát triển sản xuất, quy hoạch xây dựng nông thôn mới.

Nghị quyết số 16/2021/QH15 ngày 27/7/2021 của Quốc hội khóa XV về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 đề ra mục tiêu phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược và cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Phấn đấu đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.

2. Nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn 10 năm tới bước vào quá trình phát triển mới dựa trên nền tảng những thành tựu nổi bật và lan tỏa của giai đoạn trước, cùng với đó là những bối cảnh mới. Đặc biệt, những tác động mạnh mẽ của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, hội nhập quốc tế, sự phát triển khoa học - công nghệ và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, công tác đào tạo nghề cho nông dân, nông thôn trong tình hình mới đứng trước một số vấn đề như sau:

Thứ nhất, Sự biến đổi của kết cấu cư dân nông thôn gắn với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa. Nông dân và lao động khu vực nông thôn sẽ bị phân hóa nhanh hơn. Nông nghiệp sẽ chuyển đổi từ nền tảng kinh tế hộ nhỏ lẻ sang dựa vào đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, hợp tác xã và doanh nghiệp. Di cư nông thôn - thành thị sẽ diễn ra sôi nổi ở cả 2 chiều, đòi hỏi sự thích ứng trong công tác quản lý dân cư và giải quyết tạo việc làm, nâng cao thu nhập và an sinh xã hội ở khu vực nông thôn;

Thứ hai, Sự thay đổi trong chức năng và đặc điểm của nông nghiệp do ảnh hưởng của quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa. Nguồn lực cho sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp, nông nghiệp không thể tiếp tục duy trì lợi thế bằng khai thác tài nguyên và giá rẻ. Để nông nghiệp vẫn tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng và đổi mới mô hình tăng trưởng của đất nước theo hướng bền vững, cần thiết phải nâng cao năng lực cạnh tranh của lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Điều này đòi hỏi nông nghiệp phải tiếp tục được cơ giới hóa - hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, rút mạnh lao động ra khỏi nông nghiệp và tăng mạnh di cư nông thôn - đô thị. Ngoài ra, sẽ xuất hiện các chức năng mới của nông nghiệp, nông thôn về môi trường, văn hóa như vành đai xanh, nông nghiệp thư giãn, nông nghiệp bảo tồn, du lịch sinh thái, văn hóa nông thôn;

Thứ ba, Phát triển văn hóa, cộng đồng nông thôn phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế, công nghiệp hóa và đô thị hóa. Quá trình đô thị hóa dưới tác động của hội nhập quốc tế đòi hỏi những yêu cầu mới, đặc biệt là vấn đề quy hoạch, phát triển cảnh quan, làng nghề, dịch vụ nông thôn, gắn với phát triển du lịch. Bảo tồn và phát triển “nông thôn trong lòng thành thị” trở thành yêu cầu trong quá trình xây dựng nông thôn mới ổn định và bền vững;

Thứ tư, Tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ ràng đến môi trường nông thôn. Điều này sẽ khiến các chính sách phát triển nông nghiệp phải chuyển dần từ các mục tiêu kinh tế, coi nhẹ môi trường sang bảo vệ môi trường, phát triển cảnh quan nông thôn. Phát triển môi trường trở thành ngành kinh doanh có lợi, bảo vệ môi trường thành tiêu chuẩn sống của nhân dân;

Thứ năm, Yêu cầu của khoa học - công nghệ trong quản trị và phát triển nông nghiệp. Khoa học - công nghệ đang phát triển vượt bậc, đặc biệt với cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ tư mở ra cơ hội cho ngành nông nghiệp nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên, quản lý sản xuất, nâng cao năng suất, an toàn vệ sinh thực phẩm và giá trị gia tăng cho sản phẩm. Đồng thời, các tiến bộ cũng giúp cơ giới hóa, tự động hóa, giải phóng sức lao động. Bên cạnh đó, với các tiến bộ của khoa học - công nghệ ngày càng sử dụng ít lao động, nguy cơ một lực lượng lớn mất việc và quay trở lại nông nghiệp nông thôn cần phải được tính đến trong dài hạn. Đổi mới mô hình tăng trưởng nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, gắn với phát triển bền vững (tăng trưởng xanh, tăng trưởng bao trùm) đòi hỏi phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, rút ngắn khoảng cách nhân lực qua đào tạo giữa khu vực thành thị và nông thôn. Đặc biệt là mở rộng hoạt động đào tạo cho lao động nông thôn và các vùng, miền, các nhóm đối tượng yếu thế, góp phần bảo đảm an sinh xã hội;

Việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị của cho công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn chưa phù hợp với chương trình, đối tượng đào tạo của Đề án 1956.

Thứ sáu, Quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp và chương trình xây dựng nông thôn mới được đẩy nhanh và chuyển sang giai đoạn mới với sự hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung lớn, các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp có quản trị và chương trình OCOP được mở rộng liên tục. Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ có thể chiếm 5% - 10% diện tích, chiếm 1/3 sản lượng nông nghiệp; quá trình hiện đại hóa ngành nông nghiệp gắn với cơ giới hóa, tin học hóa, xu thế phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sản xuất theo quản trị chất lượng; phát triển du lịch nông nghiệp được thúc đẩy ở các địa phương; dịch vụ kinh doanh nông nghiệp phát triển;

Thứ bảy, Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ của Việt Nam còn thấp, đặc biệt là khu vực nông thôn thấp chưa bằng ½ so với khu vực thành thị (17,8% so với 40,7% ở khu vực thành thị) điều này ảnh hưởng lớn đến chất lượng lao động khu vực nông thôn và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới cũng như tái cơ cấu ngành nông nghiệp;

Thứ tám, Từ năm 2020, tình hình dịch bệnh Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến thị trường lao động, tình hình lao động bị mất việc làm gia tăng, áp lực di cư lao động từ các thành phố lớn, các khu công nghiệp về các địa phương đòi hỏi phải có chính sách để hỗ trợ người lao động trong đào tạo, giải quyết việc làm, ổn định sản xuất.

Từ những tác động trên, để thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh đặt ra yêu cầu phải đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho nông dân và cư dân để giúp người nông dân chuyển từ sản xuất nông nghiệp truyền thống thành người nông dân hiện đại, có kỹ năng nghề nghiệp phù hợp, vừa hiểu biết về khoa học, kỹ thuật, đồng thời hiểu biết về kinh tế thị trường, sản xuất theo chuỗi giá trị và các kỹ năng mềm cũng như có ý thức bảo vệ môi trường để phát triển bền vững; biết phát huy tri thức bản địa với ứng dụng tri thức khoa học, công nghệ, phát huy lợi thế bản sắc văn hóa của từng cộng đồng cư dân nông thôn; giúp tổ chức lại đời sống xã hội nông thôn văn minh, hiện đại gắn với bảo vệ bản sắc văn hóa tốt đẹp của mình và loại trừ hủ tục lạc hậu.

3. Một số định hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho nông dân, nông thôn.

Một là, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã thông qua Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, định hình mô hình phát triển đất nước theo hướng trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại (năm 2030) và là nước phát triển (năm 2045), trong đó một lần nữa nhấn mạnh phát triển nguồn nhân lực là một trong ba đột phá chiến lược và đã nêu rõ định hướng xây dựng hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở và linh hoạt, đẩy mạnh đào tạo lại, đào tạo thường xuyên lực lượng lao động.

Hai là, Đổi mới mô hình tăng trưởng nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, gắn với phát triển bền vững (tăng trưởng xanh, tăng trưởng bao trùm) đòi hỏi phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, rút ngắn khoảng cách nhân lực qua đào tạo giữa khu vực thành thị và nông thôn. Đặc biệt là, mở rộng hoạt động đào tạo cho lao động nông thôn và các vùng, miền, các nhóm đối tượng yếu thế, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Ba là, Thị trường lao động trong mô hình tăng trưởng mới ở nước ta với quy mô đến năm 2025 gần 66 triệu người, trong đó 75% làm việc trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ sẽ là thị trường lao động hiện đại với nhiều ngành nghề mới, nhiều phân lớp thị trường nhân lực, đòi hỏi những tiêu chuẩn lao động mới, kỹ năng mới. Điều này là cơ hội, nhưng cũng là yêu cầu hệ thống giáo dục nghề nghiệp phải đổi mới mạnh mẽ, có đủ năng lực để đáp ứng các nhu cầu đa dạng của thị trường việc làm.

Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam diễn ra nhanh, sâu rộng. Cho đến hết năm 2020, Việt Nam đã tham gia 15 hiệp định tự do thương mại đa phương và song phương và đang đàm phán 2 hiệp định khác. Trong đó, có các hiệp định thế hệ mới như hiệp định tự do thương mại Việt Nam - Liên minh châu Âu, hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Các hiệp định thế hệ mới không chỉ điều chỉnh về thuế quan, các biện pháp phi thuế quan (hàng rào kỹ thuật) mà còn đề cập đến các vấn đề như sở hữu trí tuệ, năng lực của người sản xuất, nguồn gốc suất xứ sản phẩm, lao động trẻ em, bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên. Đây là các vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến tổ chức sản xuất và thương mại nông sản của Việt Nam trong thời gian tới. Để đáp ứng các tiêu chuẩn này, đòi hỏi người sản xuất phải có thêm những hiểu biết, kỹ năng mới.

Bốn là, Quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa đang diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam, đặt ra yêu cầu phải đào tạo để chuyển đổi sản xuất cho một bộ phận người lao động bị mất ruộng đất chuyển sang làm công nghiệp, dịch vụ, đồng thời phải đào tạo để người nông dân với diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp phải ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, điều này đặt ra yêu cầu vừa phải mở rộng quy mô đào tạo, vừa phải tập trung nâng cao chât lượng đào tạo.

Năm là, Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động tới chuyển dịch sản xuất theo hướng từ nền kinh tế năng suất thấp sang nền kinh tế năng suất cao; tạo ra những thay đổi lớn trong cơ cấu của các ngành kinh tế, đặc biệt là công nghiệp cũng như đóng góp của mỗi ngành trong tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế của nước ta thời gian tới. Quá trình cơ giới hóa nông nghiệp dưới tác động của công nghệ 4.0 cũng có sự phát triển mới, hiệu quả sử dụng máy móc sẽ cao hơn rất nhiều so với hiện nay. Việc ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp sẽ ngày càng phổ biến.

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với chủ trương xây dựng xã hội học tập.

Sáu là, Biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, nước biển dâng đang và sẽ tác động mạnh đến sản xuất nông nghiệp như chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, ứng dụng các công nghệ, thiết bị mới vào sản xuất để giảm thiểu tác động xấu của biến đổi khí hậu và thích ứng tốt hơn với hoàn cảnh mới. Đồng thời, tác động của biến đổi khí hậu cũng đặt ra yêu cầu phải đào tạo chuyển đổi cho một bộ phận người dân làm nông nghiệp sang các lĩnh vực khác.

Bảy là, Quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp và Chương trình xây dựng Nông thôn mới được đẩy nhanh và chuyển sang giai đoạn mới với sự hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung lớn, các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp có quản trị và chương trình OCOP được mở rộng liên tục. Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ có thể chiếm 5-10% diện tích, chiếm 1/3 sản lượng nông nghiệp; Quá trình hiện đại hóa ngành nông nghiệp gắn với cơ giới hóa, tin học hóa, xu thế phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sản xuất theo quản trị chất lượng; phát triển du lịch nông nghiệp được thúc đẩy ở các địa phương; dịch vụ kinh doanh nông nghiệp phát triển.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ của Việt Nam còn thấp, đặc biệt là khu vực nông thôn thấp chưa bằng ½ so với khu vực thành thị (17,8% so với 40,7% ở khu vực thành thị) điều này ảnh hưởng lớn đến chất lượng lao động khu vực nông thôn và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn và xây dựng nông thôn mới cũng như tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Từ năm 2020, tình hình dịch bệnh Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến thị trường lao động, tình hình lao động bị mất việc làm gia tăng, áp lực di cư lao động từ các thành phố lớn, các khu công nghiệp về các địa phương đòi hỏi phải có chính sách để hỗ trợ người lao động trong đào tạo, giải quyết việc làm, ổn định sản xuất.

Tám là, Sau một thời gian năm thực hiện Đề án đào tạo nghề cho nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 theo Quyết định 1956-QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ, đã mang lại những kết quả, hiệu quả của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đây là những tiền đề quan trọng để đẩy mạnh việc đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho nghề cho lao động nông thôn trong giai đoạn mới./.

Hoàng Đức Hà

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất