Thứ Hai, 9/12/2024
Tư tưởng
Thứ Ba, 13/10/2020 13:48'(GMT+7)

Chiếc quạt của phong trào Thi đua yêu nước!

Tư tưởng Hồ Chí Minh về Thi đua yêu nước

Tư tưởng Hồ Chí Minh về Thi đua yêu nước

Nhân kỷ niệm 1000 ngày Toàn quốc kháng chiến, để động viên nhân dân cả nước hăng hái thi đua, đem hết “tinh thần và lực lượng” ủng hộ sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi Thi đua ái quốc.

Là Người khởi xướng và phát động phong trào Thi đua yêu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc triển khai và sự phát triển của phong trào quần chúng rộng lớn này. Trước đó, theo sáng kiến của Người, Trung uơng Đảng đã có chỉ thị Phát động phong trào thi đua ái quốc, trong đó nêu rõ “mục đích của thi đua ái quốc là làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc chóng thành công”. Sau đó, ngày 1/5/1948, Người viết Lời kêu gọi Thi đua yêu nước và ghi chú rất rõ mục đích: Lời này để đăng trước chương trình thi đua.

Từ nhận thức sâu sắc rằng, “cán bộ là gốc của mọi công việc”, “là tiền vốn của đoàn thể” và mọi công việc của cách mạng thành hay bại là do cán bộ mà nên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt lưu tâm đến việc lựa chọn cán bộ cho phong trào quần chúng rộng lớn này. Ngày 1/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 195/sl về việc thành lập Ban vận động Thi đua ái quốc Trung ương Ban vận động Thi đua ái quốc các cấp. Cùng ngày, Người ký Sắc lệnh 196/sl, cử một số vị đại diện cho Quốc hội, Chính phủ và các đoàn thể nhân dân tham gia vào Ban vận động Thi đua ái quốc Trung ương.

Tiếp đó, để chuẩn bị cán bộ nòng cốt cho việc tổ chức, triển khai phong trào thi đua sâu rộng của quần chúng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Bác Tôn - Trưởng ban vận động Thi đua ái quốc Trung ương để bàn về việc lựa chọn, huấn luyện cán bộ làm công tác thi đua. Theo Người, để làm tốt công tác này, người cán bộ đảm nhiệm công việc ngoài lòng nhiệt tình, còn phải có kinh nghiệm thực tế, vì theo Người: nếu tài giỏi mà không có kinh nghiệm thực tế, cũng không thể làm tốt công tác thi đua. Bởi rằng, muốn mọi người đều hăng hái tham gia phong trào thi đua, thì việc đầu tiên đối với người cán bộ làm công tác thi đua là phải giúp cho mọi người thông về tư tưởng. Phải làm cho mỗi người dân hiểu rõ thi đua là rất cần thiết, vì: Thi đua không chỉ đem lại ích lợi cho đất nước, cho xã hội, mà thi đua thiết thực mang lại ích lợi cho bản thân mình, cho gia đình mình. Trong bức thư “Ý kiến sơ lược về Thi đua ái quốc” (1) gửi Cụ Tôn Đức Thắng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Trước hết cần có cán bộ. Cán bộ của phong trào thi đua phải giỏi cả lý luận và thực hành. Trên tinh thần đó, Người đã gửi thư cho ông Hoàng Đạo Thuý (6/1948) khi đó đang công tác ở Cục quân huấn (Bộ Quốc phòng), mời ông về làm Tổng Bí thư Ban vận động Thi đua ái quốc Trung ương. Trong thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết cho “Lão đồng chí” Thuý ngắn gọn, cụ thể và chân tình như sau: “Nay có một việc rất quan trọng, cần một người có sáng kiến, nhiều kinh nghiệm và tính xốc vác. Tức là làm Tổng Bí thư cho Ban Thi đua Trung ương. Tôi muốn nhờ đồng chí phụ trách việc ấy, chắc đồng chí sẽ không từ chối. Vẫn biết bên Quốc phòng và Tổng chỉ huy cũng cần đồng chí giúp. Song nếu đồng chí bằng lòng, thì tôi sẽ tìm cách thu xếp” (2).

Nhận và đọc thư của vị Chủ tịch nước, ông Hoàng Đạo Thuý đã nhận lời, và ngày 20/8/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 207/sl cử ông Hoàng Đạo Thuý về làm Tổng Bí thư Ban vận động Thi đua ái quốc Trung ương. Trong buổi gặp mặt để nhận nhiệm vụ mới, ông Hoàng Đạo Thuý đã nhận được từ Chủ tịch Hồ Chí Minh một chiếc quạt giấy cùng lời căn dặn: Chú dùng cái quạt này để quạt phong trào lớn mạnh lên.

Từ đó, chiếc quạt đầy kỷ niệm, gắn bó với “Lão đồng chí Thúy” suốt cuộc đời hoạt động này, đã trở thành kỷ vật vô giá của ông và gia đình. Và sau 30 năm nâng niu, giữ gìn, chiếc quạt đã được ông Hoàng Đạo Thuý tặng lại cho Bảo tàng Hồ Chí Minh (27/9/1978).

Đã có rất nhiều tài liệu, hiện vật, phim ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh, liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, gắn liền với phong trào thi đua yêu nước rộng lớn của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong những năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ xâm lược và xây dựng CNXH ở miền Bắc, song chiếc quạt thước Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng đồng chí Hoàng Đạo Thuý từ những ngày đầu phát động phong trào Thi đua yêu nước luôn là một kỷ vật đặc biệt.

Theo Hồi ký của ông Hoàng Đạo Thuý (hiện lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh): Chiếc quạt giấy này vốn là quà tặng của thanh niên làng Canh Hoạch, Hà Đông, gửi tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946 (nhân kỷ niệm 56 năm ngày sinh của Người). Là quạt giấy, nhưng chiếc quạt có kích thước không giống những chiếc quạt bình thường (dài 0,76m, có 18 nan xương, trong đó 2 xương ngoài được làm bằng sừng và 16 xương kia bằng tre), nên còn được gọi là quạt thước. Giấy quạt màu nâu, trên hai mặt của quạt, các nghệ nhân châm kim làng Canh Hoạch đã châm trên đó những nét hoa văn và những câu thơ có hàm ý sâu xa. Bởi vậy, đây không chỉ là một chiếc quạt giấy bình thường, đó còn là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, thể hiện tâm tư, tình cảm và tấm lòng của nhân dân đối với vị lãnh tụ kính yêu.

Nhìn vào mặt trước của quạt, mọi người dễ dàng nhìn thấy các nét châm kim nghệ thuật làm nổi lên dòng chữ Hán: Hồ Chủ tịch vạn tuế ở chính giữa. Phía trên mép quạt là dòng chữ: Việt Nam dân chủ cộng hoà, còn bên trái là các câu thơ: Gió xuân hây hẩy ba kỳ mát. Muỗi cỏ vo ve, một phẩy tan. Gia cát quạt lông, Hồ quạt giấy. Trước sau quét sạch lũ tham tàn và bên phải là những câu thơ: Ra tay quạt gió, xua nồng, Cho dân bức bối thoải lòng ước mong. Quạt hồng Nam, Bắc, Tây, Đông, Quạt cho hoà khí xuân phong gió về (Tất cả những câu thơ này đều bằng tiếng Việt). Nhìn vào mặt sau của quạt: phía dưới bên trái có 7 chữ Nôm: Liên kết yên an thành Hà Nội và phía dưới bên phải có 4 chữ nôm: Thanh niên Canh Hoạch.

Nội dung những dòng chữ và những câu thơ được châm trên quạt biểu đạt một kỳ vọng, một lời nhắn gửi sâu sắc, đồng thời cũng là “ước mong” của nhân dân cả nước nói chung và thanh niên làng Canh Hoạch nói riêng đến Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hàm chứa một giá trị tinh thần to lớn, chiếc quạt thước Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng đồng chí Hoàng Đạo Thúy, với kỳ vọng: Chú dùng cái quạt này để quạt phong trào lớn mạnh lên là một minh chứng cụ thể, sinh động cho sự quan tâm, theo dõi và chỉ đạo sát sao của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với phong trào Thi đua ái quốc. Có một ý nghĩa lịch sử sâu sắc, gắn với một sự kiện lịch sử sâu rộng trong thời kỳ cả nước dồn trí lực, tinh lực và vật lực cho sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc, chiếc quạt giấy của thanh niên làng Canh Hoạch kính tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tặng phẩm thiêng liêng, và hơn cả mọi lời nói cùng những kỳ vọng, Người đã dành tặng chiếc quạt này cho ông Tổng Bí thư ban vận động Thi đua ái quốc Trung ương.

Được nhận một món quà quý từ Chủ tịch Hồ Chí Minh là một vinh dự, và trước nhiệm vụ phải “quạt cho phong trào mạnh lên” của Bác Hồ kính yêu đã trao, ông Hoàng Đạo Thuý và cụ Trưởng ban Tôn Đức Thắng, cùng các vị của Ban vận động Thi đua ái quốc các cấp, đã tận tâm, tận lực làm tròn lời Người dặn. Phong trào Thi đua yêu nước của nhân dân ta đã được tổ chức, triển khai sâu rộng trong cả nước. Không chỉ chuẩn bị nội dung, chương trình, cách thức thi đua sát thực, phù hợp điều kiện thực tế, rộng khắp trong tất cả các cấp, các địa phương, các ngành, các giới, các đoàn thể,v.v.. dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban vận động Thi đua ái quốc Trung ương và các cấp, phong trào Thi đua yêu nước đã không chỉ được nhân rộng, mà còn được thổi “mạnh lên” thực sự. Ông Thuý cùng các vị trong Ban vận động đã cố gắng vừa làm thực tế, vừa rút kinh nghiệm, “sau một thời gian tìm tòi và chuẩn bị, và mặc dầu gặp nhiều khó khăn” phong trào “Thi đua ái quốc của ta đã có kết quả đầu tiên” (3).

Đánh giá về phong trào Thi đua yêu nước trong những năm kháng chiến và kiến quốc, nêu rõ tác động và ý nghĩa to lớn của phong trào này, tại Đại hội chiến sĩ thi đua và gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất (1/5/1952), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Phong trào thi đua là một trong những thắng lợi lớn của nhân dân ta trong mấy năm kháng chiến này. Nó sẽ làm đà cho những thắng lợi to lớn hơn nữa vẻ vang hơn nữa về quân sự, chính trị, kinh tế” (4).

Chào mừng Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII (28-30/11/2010) tại thủ đô Hà Nội, nhớ về một kỷ vật, một minh chứng cho những ngày khởi đầu và triển khai phong trào Thi đua yêu nước theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta càng thấy thấm thía hơn ý nghĩa tư tưởng những lời nhắn nhủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh với ông Hoàng Đạo Thuý. Hơn 60 năm sau, chiếc quạt giấy cùng lời căn dặn của Người: “chú dùng chiếc quạt này để quạt cho phong trào mạnh lên” vẫn nóng hổi tính thời sự, và đây thực sự là một hiện vật quý giá góp phần tuyên truyền về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng và tấm gương đạo đức của Bác Hồ.

Là một trong nhiều kỷ vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn liền với những sự kiện lịch sử, với những chặng đường phát triển của phong trào Thi đua yêu nước, hy vọng rằng: Cùng với thời gian, chiếc quạt thước Người dành tặng ông Hoàng Đạo Thuý cùng tư tưởng của Người về Thi đua yêu nước: “Thi đua phải có sự lãnh đạo chặt chẽ”, “lãnh đạo phải cụ thể, phải kịp thời, phải thiết thực, phải có trọng điểm và nắm tình hình. Phải chống tư tưởng ngại khó khăn, tư tưởng ỷ lại”; “Toàn thể quốc dân ta, vô luận ở địa vị nào, làm công việc gì, phải ra sức tham gia cuộc Thi đua yêu nước”; và những tấm gương tiêu biểu của phong trào Thi đua yêu nước là “những người tiên phong trong sản xuất, mà cũng là gương mẫu về đạo đức cách mạng. Họ đặt lợi ích chung của dân tộc trên lợi ích của cá nhân. Họ toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân” có mặt tại mỗi Đại hội thi đua yêu nước, và chưa có điều kiện góp mặt tại Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ VIII, cũng sẽ được nhân rộng trên mọi lĩnh vực. Họ thực sự là những bông hoa đẹp, ngát hương, sẽ góp phần thúc đẩy phong trào Thi đua yêu nước trong thời kỳ đổi mới và hội nhập ngày càng phát triển, cổ vũ nhân dân cả nước hăng hái thi đua, thực hành tiết kiệm, xây dựng thành công CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời./.

 

TG

-------------

Chú thích:

1. Báo Nhân Dân, ngày 14/5/1995

2. Tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh

3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 1996, t. 6, tr.236

4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr.476

 

 

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất