Thứ Hai, 30/12/2024
Thi đua yêu nước
Thứ Ba, 25/4/2017 20:19'(GMT+7)

Hoà Bình thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở góp phần củng cố hệ thống chính trị và phát triển kinh tế - xã hội

Quy chế dân chủ ở các doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần, công ty TNHH được nêu cao (Ảnh minh họa)

Quy chế dân chủ ở các doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần, công ty TNHH được nêu cao (Ảnh minh họa)

Nhận thức về dân chủ và tầm quan trọng của việc thực hiện QCDC ở cơ sở trong các cấp uỷ Đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân đã được nâng lên.  Các cấp, các ngành tạo điều kiện để cán bộ, công chức và nhân dân phát huy dân chủ. Quyền làm chủ của nhân dân và cán bộ công chức được xác lập ngày càng rõ ràng, cụ thể. Nhân dân và cán bộ công chức phấn khởi khi thấy quyền làm chủ của mình được đảm bảo và phát huy, từ đó trách nhiệm đối với cộng đồng dân cư, với cơ quan, đơn vị được nâng lên.

Chính quyền các cấp đã thể chế hoá nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là các chính sách về kinh tế giúp nhân dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, tạo điều kiện để nhân dân phát huy quyền làm chủ của mình. Đặc biệt là các cấp chính quyền đã quan tâm cải tiến lề lối làm việc, công khai thủ tục hành chính, niêm yết  công khai các loại văn bản cần thiết như: Đăng ký kết hôn, nhập khẩu, khai sinh, hộ khẩu, các khoản lệ phí ...xây dựng quy chế làm việc của cơ quan, những vấn đề nâng lương, đề bạt, tuyển dụng, khen thưởng kỷ luật, các chế độ chính sách liên quan đến người lao động, thu, chi tài chính ....đã được công khai hoá và đi vào nề nếp. Các cấp chính quyền đã gắn thực hiện QCDC với cải cách hành chính.

Đến nay, các xã, phường, thị trấn xây dựng được QCDC, các xóm, tổ dân phố xây dựng được quy ước, hương ước. Hầu hết số Quy chế, Quy ước đã được các cấp chính quyền phê duyệt. Quy ước, hương ước được chỉnh sửa hàng năm cho phù hợp với thực tế của từng địa phương. 100% xã, phường, thị trấn đã bầu được trưởng thôn và Ban thanh tra nhân dân. Hiện nay, 210/210 xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã có phòng tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền. Phòng tiếp dân được bố trí thuận tiện, đầy đủ tiện nghi và bố trí cán bộ tiếp dân có đủ trình độ, năng lực giải quyết các yêu cầu kiến nghị của dân. hàng tuần lãnh đạo HĐND, UBND phân công lịch trực tiếp dân để lắng nghe ý kiến và trực tiếp giải quyết các yêu cầu chính đáng của nhân dân. các đơn thư của nhân dân đều được thụ lý giải quyết theo đúng thẩm quyền và các quy định của Luật khiếu nại tố cáo. Lãnh đạo xã, phường, thị trấn tăng cường đối thoại trực tiếp với nhân dân; những vấn đề nổi cộm, bức xúc được quan tâm chỉ đạo giải quyết ngay từ cơ sở thông qua hệ thống tổ hoà giải. Do vậy số đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp hàng năm ở nhiều địa phương giảm.

Đến nay đã có 100% đơn vị xây dựng được Quy chế thực hiện dân chủ và các quy định nhằm thực hiện dân chủ trong nội bộ đơn vị. Như: Quy chế công khai tài chính, quản lý và sử dụng tài sản cơ quan; Quy chế về giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo; Quy chế tuyển dụng, đề bạt, nâng lương, khen thưởng, kỷ luật... Việc xây dựng các quy chế, quy định đảm bảo được yêu cầu là: Cụ thể hoá nội dung Nghị định số 71 của Chính phủ, các hướng dẫn của Bộ, Ban, Ngành Trung ương...Giải quyết được những vấn đề bức xúc trong cơ quan, đặc biệt là các nội dung “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Phát động và khơi dậy tinh thần làm chủ, tinh thần trách nhiệm và tính năng động, sáng tạo của cán bộ công chức. Các quy chế, quy định được ban hành không trái với chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; chọn chủ đề, chọn nội dung xây dựng Quy chế, quy định cho phù hợp với đơn vị. Đồng thời việc xây dựng quy chế dân chủ đảm bảo theo quy trình dân chủ, công khai, được toàn thể cán bộ công chức trong cơ quan tham gia thảo luận, nhất trí và thông qua tại Hội nghị cán bộ công chức hàng năm sau đó thủ trưởng cơ quan mới ban hành.

Nhận thức rõ tầm quan trọng trong thực hiện Quy chế dân chủ ở các doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần, công ty TNHH là một trong những động lực để thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội các cấp, các ngành đã quan tâm chỉ đạo. QCDC được xây dựng và có sự tham gia đóng góp của cán bộ công nhân viên chức (CNVC), người lao động thông qua Đại hội CNVC - LĐ, Đại hội cổ đông. Cơ sở để xây dựng Quy chế là Bộ luật Lao động, Luật Doanh nghiệp, các Nghị định của Chính phủ. Hầu hết các doanh nghiệp đã xây dựng Nội quy, Quy chế hoạt động, thoả ước lao động tập thể. Từ Hội đồng quản trị, Ban giám đốc đến các đơn vị, xí nghiệp đều xây dựng và ban hành được QCDC. Ngoài ra, các doanh nghiệp tạo điều kiện để Ban thanh tra nhân dân làm tốt chức năng giám sát, kiểm tra việc thực hiện các Quy chế, Quy định của cơ quan, đơn vị đã đề ra.

100% công ty cổ phần có Ban Thanh tra nhân dân. Trong những năm qua, hoạt động thanh tra nhân dân đã bám sát những quy định trong Pháp lệnh Thanh tra và Nghị định số 241/HĐBT. Thông qua công tác giám sát, thanh tra nhân dân đã phát hiện những nội dung chưa phù hợp có ý kiến kiến nghị và  đề xuất để đơn vị có biện pháp giải quyết. Nhiều vụ việc ban thanh tra nhân dân được giao kiểm tra đã xác minh, đề xuất hướng giải quyết thích hợp giúp giám đốc doanh nghiệp có quyết định đúng đắn, giải quyết có tình, có lý. Ban Thanh tra nhân dân thực sự là cầu nối giữa lãnh đạo và công nhân viên chức lao động.

Các cơ quan, đơn vị đã xây dựng quy chế, quy định về thực hiện dân chủ phù hợp với đặc điểm tình hình đơn vị. Những quy chế, quy định đã tạo ra khuôn khổ pháp pháp lý để thủ trưởng cơ quan quản lý các hoạt động của cơ quan một cách dân chủ, công khai. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phát huy tốt quyền và nghĩa vụ của mình như: Xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ và công khai tài chính; Quy chế tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm, nâng lương, nâng ngạch đối với cán bộ, công chức, viên chức; Quy định chức năng, nhiệm vụ của Trưởng phòng trong cơ quan hành chính; Quy chế thi đua, khen thưởng; Quy định về tiếp công dân trong hoạt động cơ quan; Quy định về chế độ lấy ý kiến của lãnh đạo trước khi ra quyết định.

Công an tỉnh đã chỉ đạo Đội quản lý chứng minh – hộ khẩu, Phòng PC64, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Phòng Cảnh sát giao thông duy trì "một cửa liên thông", làm việc ngày thứ 7 với khẩu hiệu "Ngày thứ 7 vì nhân dân phục vụ", "làm hết việc chứ không hết giờ", chuyển kết quả cấp Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu qua đường bưu điện; giảm thời gian cấp Giấy chứng minh nhân dân còn từ 1 đến 2 ngày, khắc dấu còn từ 2 đến 5 ngày, cấp biển số xe môtô trong ngày; đội quản lý hành chính về trật tự xã hội – Công an thành phố Hòa Bình, Công an Huyện Lạc Sơn cử cán bộ xuống các đại bàn cơ sở làm thủ tục cấp giấy chứng minh nhân dân cho người cao tuổi, người tàn tật, các cháu học sinh.

Cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tiếp tục được duy trì tại 16/20 Sở, Ban, Ngành; 11/11 đơn vị cấp huyện và 210/210 đơn vị cấp xã. Số TTHC thực hiện theo cơ chế một cửa là 241, số TTHC thực hiện theo cơ chế một cửa liên thông là 19. Cả tỉnh có 02 đơn vị cấp huyện quyết định đầu tư triển khai mô hình một cửa hiện đại từ nguồn ngân sách của địa phương, là Ủy ban nhân dân huyện Lương Sơn và thành phố Hòa Bình. Nhiều cơ quan, đơn vị đã ưu tiên bố trí phòng làm việc của bộ phận một cửa rộng rãi, có nơi ngồi chờ cho tổ chức, cá nhân đến giao dịch, phân công công chức có năng lực chuyên môn, khả năng giao tiếp tốt làm việc tại bộ phận này.

Nhân dân rất tán thành việc cải cách thủ tục hành chính của các cấp chính quyền qua đó đã giảm đi rất nhiều sự phiền hà và tiết kiệm thời gian, công sức cho nhân dân như: đưa công tác chứng thực về UBND xã, phường, thị trấn, đưa việc đăng ký xe về công an huyện... được nhân dân địa phương đồng tình, hoan nghênh.

Thực hiện QCDC từng bước đã có tác động tích cực đến việc phát triển kinh tế - xã hội.  Đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm. Cơ cấu kinh tế  có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng nông lâm nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Các phong trào hành động cách mạng ngày càng sâu rộng và vững chắc, được các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực. Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã phát huy quyền làm chủ của mình trong việc bàn bạc, quyết định và tổ chức thực hiện những nội dung quan trọng nhằm phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị./.

Nguyễn Thị Phượng
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất