Chủ Nhật, 15/9/2024
Thi đua yêu nước
Thứ Bảy, 12/12/2015 8:33'(GMT+7)

Đi lên từ những phong trào của nhà trường anh hùng

Quán triệt mục đích ý nghĩa của phong trào thi đua học tập, hàng ngày mỗi cán bộ, hội viên đã thi đua thực hành tiết kiệm thông qua những việc làm cụ thể như: xây dựng các tổ, nhóm tiết kiệm để góp vốn quay vòng; tích cực tăng gia sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế... Ngoài ra Hội phụ nữ còn vận động chị em thực hành tiết kiệm trong sử dụng vật tư, trang bị, điện, nước, thời gian... Những việc làm tuy nhỏ bé nhưng đã cuốn hút mọi người và mang lại hiệu quả thiết thực.

Trên cơ sở định hướng của thủ trưởng nhà trường, các đơn vị đã vận dụng sáng tạo, linh hoạt các phong trào phù hợp với đặc điểm nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Đội ngũ ban chấp hành Hội luôn năng động, sáng tạo, tích cực chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động phong trào thi đua chặt chẽ, khoa học, sát với thực tiễn. Bên cạnh đó, các hội viên ở cơ sở đã nhận thức đầy đủ về ý nghĩa hoạt động của phong trào, có động cơ phấn đấu đúng đắn, hết lòng vì tập thể, vì sự phát triển của phong trào, tham gia hưởng ứng tích cực, lòng nhiệt tình, trách nhiệm cao. 

Mỗi mô hình có hình thức thể hiện khác nhau nhưng có điểm chung hướng đến là xây dựng tình đoàn kết gắn bó, trách nhiệm san sẻ trong cán bộ, hội viên. Đặc biệt là hiệu quả của các mô hình trong phong trào giúp nhau phát triển kinh tế gia đình đã góp phần chia sẻ những khó khăn, động viên về tinh thần, tạo điều kiện về vật chất; qua đó góp phần tăng thêm niềm tin, uy tín của tổ chức Hội đối với chị em, giúp đỡ nhiều gia đình phụ nữ vượt qua khó khăn, cải thiện cuộc sống, yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xây dựng gia đình hạnh phúc. Vì vậy, mỗi năm phụ nữ nhà trường đã tiết kiệm trên 100.000.000đ từ các hoạt động phong trào nhằm cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho gia đình từ 2 - 4 triệu đồng. Từ nguồn tiết kiệm này, Hội phụ nữ đã có kế hoạch hỗ trợ các hội viên có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo; tổ chức thăm hỏi gia đình các hội viên nhân dịp lễ, tết hoặc do thiệt hại bởi thiên tai gây ra; hỗ trợ hội viên xây nhà “Nghĩa tình đồng đội”; chữa bệnh, tu sửa nhà ở. Qua 5 năm thực hiện phong trào đến nay, nhà trường đã hỗ trợ xây dựng mới 09 ngôi nhà “Nghĩa tình đồng đội”, mỗi nhà từ 35-55.000.000đ, sửa chữa 07 ngôi nhà trị giá trên 50.000.000đ.

Với những tập thể tiêu biểu

Từ trong phong trào thi đua đã xuất hiện điểm sáng là Hội phụ nữ Tiểu đoàn 4. Đi đôi với phong trào “Phụ nữ thực hành tiết kiệm” đó là: phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”. Hội đã chủ động huy động vốn nhàn rỗi của cán bộ, hội viên phụ nữ để hoạt động. Tính đến nay tổng số tiền huy động của  hội là được trên 50.000.000đ để giải quyết cho 7 lượt chị em vay vốn với lãi suất thấp nhất so với quy định Nhà nước để tăng gia, phát triển kinh tế gia đình. Số tiền lãi thu được nhập vào quỹ hội hàng tháng. 

Bên cạnh đó, Hội còn vận động chị em góp vốn quay vòng từ 500.000 đến 1.000.000đ mỗi tháng/người, tiếp tục mở rộng vốn tạo điều kiện cho các hộ gia đình có nhu cầu vay mượn. Không chỉ cán bộ, hội viên phụ nữ, mà các hội còn vận động được cả nam giới tham gia. Lúc đầu các anh chỉ tham gia lấy lệ, sau thấy mô hình thực sự có hiệu quả, thường xuyên giúp người lại giúp mình, nên mọi người tham gia rất nhiệt tình. Ngoài ra, các tổ còn tận dụng khu đất trống của cơ quan, đơn vị để trồng rau, chăn nuôi, mỗi năm tăng thêm thu nhập hàng chục triệu đồng. Từ nhiều nguồn thu khác nhau, hội đã có đủ kinh phí để duy trì thường xuyên các hoạt động phong trào; đồng thời khẳng định vai trò tham mưu đề xuất với lãnh đạo các cơ quan, đơn vị và nhà trường để triển khai thực hiện phong trào thi đua có hiệu quả.

Khác với Hội phụ nữ Tiểu đoàn 4, Hội phụ nữ cơ sở Tiểu đoàn 6 đã chứng tỏ cách làm thuyết phục trong phong trào. Đó là sự đoàn kết nhất trí, đầu tư cho mượn vốn (không tính lãi), quy hoạch nơi trồng rau và xây dựng chuồng heo trong khu chăn nuôi của cơ quan. Hội đã mua 25 con heo, tận dụng thức ăn dư thừa tại bếp ăn để chăm sóc phát triển, tăng thu nhập. Sau khi hoàn trả vốn cho đơn vị, Hội đã thu được 40.000.000đ. Ngoài ra còn huy động mỗi chị em 500.000 đến 1.000.000đ/tháng để góp vốn quay vòng. Tổng số tiền hội thu được mỗi năm trên 70.000.000đ.

Cán bộ, hội viên của Tiểu đoàn 11 luôn quan tâm “nâng chất” hoạt động phong trào, nhất là học tập và làm theo gương Bác, gắn với chủ đề “Nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm"; đồng thời thực hiện tốt cuộc vận động “Cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Đến nay có 100% cán bộ, hội viên đạt 3 tiêu chuẩn: “Phụ nữ Quân đội tích cực học tập, lao động sáng tạo; hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn; xây dựng gia đình hạnh phúc” (kết quả phân loại xuất sắc, tốt). Phong trào luôn có bước phát triển toàn diện, thường xuyên đạt giải A các hội thi do nhà trường phát động, thực sự là điểm sáng về phong trào hoạt động của công đoàn, phụ nữ ở cơ sở. 

Điển hình khối cơ quan là cán bộ, hội viên phụ nữ Phòng Kĩ thuật đã tích cực hưởng ứng và thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Quản lí, khai thác vũ khí trang bị kĩ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông”. Ở bất cứ cương vị công tác nào, cán bộ, hội viên cũng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, làm tốt việc quản lí, cấp phát vật chất huấn luyện, bảo dưỡng, niêm cất vũ khí đạn, khí tài quân sự đúng quy trình, đảm bảo vệ sinh an toàn lao động và phòng chống cháy nổ tốt. Là đơn vị dẫn đầu về phong trào xây dựng nhà “Nghĩa tình đồng đội”, hàng năm có từ 1-2 ngôi nhà được xây dựng từ nguồn quỹ tiết kiệm của hội tặng cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tích cực ủng hộ phong trào đền ơn đáp nghĩa.

Thật thiếu công bằng nếu không nói đến “Phong trào thi đua dạy tốt, công tác tốt” ở Khoa Công tác Đảng, công tác chính trị. Khoa có 100% cán bộ, hội viên trình độ đại học (40% trình độ sau đại học). Với tinh thần vượt khó vươn lên, mỗi hội viên (giảng viên) là một tuyên truyền viên của Đảng, Quân đội và nhà trường. Các chị đã tích cực đổi mới nội dung, phương pháp, nâng cao chất lượng dạy học, truyền thụ tri thức khoa học cho học viên, thực hiện tốt phong trào “Dạy-học thực chất, thi, kiểm tra và đánh giá kết quả thực chất, nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục-đào tạo”. Bằng trí tuệ, tình cảm và lòng nhiệt huyết của người “thầy”, nhiều đồng chí đạt danh hiệu giảng viên giỏi cấp cơ sở; chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học ngày càng khẳng định. Đặc biệt, Cuộc thi viết tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2015 đã có 3 cá nhân đạt giải Nhất, Nhì, Ba toàn quân; giải Nhì tập thể toàn quân; giải Nhì tập thể toàn quốc. 
 
Có thể khẳng định, những yếu tố cơ bản để hội phụ nữ nhà trường thực hiện phong trào có hiệu quả chính là sự nắm bắt và định hướng kịp thời của cơ quan chính trị, cùng với lãnh đạo, chỉ huy các cấp ở đơn vị luôn tạo điều kiện thuận lợi về vật chất, tinh thần, bảo đảm cơ sở trang, thiết bị phục vụ tốt nhất cho hoạt động phong trào của hội ngày càng đi vào chiều sâu.

“Sự cuốn hút, thiết thực và hiệu quả”, đó là những đánh giá của thủ trưởng nhà trường và cơ quan Chính trị về phong trào thực hành tiết kiệm của hội phụ nữ nhà trường thời gian qua. Với những thành quả đạt được trong 5 năm qua, toàn trường có 2.011 lượt cán bộ, hội viên được các cấp khen thưởng (03 hội viên được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 10 hội viên được tặng Bằng khen của Bộ Quốc phòng, 37 hội viên được tặng Bằng khen của Tổng cục Chính trị, 20 hội viên được tặng Bằng khen của tỉnh Đồng Nai, 02 danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp Bộ, gần 300 danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở). Là một trong những tổ chức quần chúng của Nhà trường được Trung ương Hội Phụ nữ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị tặng Bằng khen, cờ thi đua Đơn vị vững mạnh xuất sắc và được Thủ trưởng Nhà trường luôn đánh giá cao trong tổ chức hoạt động và thực hiện phong trào thi đua. 

Và kinh nghiệm rút ra 


Từ những kết quả đạt được trong trào thi đua của hội phụ nữ cơ sở Trường Đại học Nguyễn Huệ, có thể rút ra một số kinh nghiệm chủ yếu sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và cán bộ chủ trì các cấp; sự hướng dẫn của cơ quan cấp trên trong tổ chức và thực hiện, bảo đảm phát huy tốt vai trò xung kích của các tổ chức quần chúng trong các phong trào thi đua, cuộc thi và các cuộc vận động lớn ở nhà trường. 

Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trách nhiệm cho mọi đối tượng về vị trí, vai trò của tổ chức đoàn thanh niên, công đoạn, phụ nữ và hội đồng quân nhân; xây dựng cho cán cộ, nhân viên có động cơ phấn đấu đúng đắn, tinh thần tự giác tích cực thực hiện các mục tiêu phong trào thi đua.

Ba là, bám sát các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, kế hoạch công tác Đảng, công tác chính trị của nhà trường; không ngừng đổi mới nội dung, hình thức hoạt động của các tổ chức quần chúng; tổ chức các hoạt động và phong trào thi đua gắn với phong trào thi đua Quyết thắng, tạo khí thế sôi nổi thường xuyên trong hoạt động của nhà trường.

Bốn là, động viên, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong các hoạt động phong trào, nhân rộng điển hình tiên tiến; đồng thời thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; kết hợp chặt chữ giữa thi đua với khen thưởng, bảo đảm quyền lợi, lợi ích chính đáng của tập thể hội và từng thành viên.   

Với truyền thống "Trung dũng, sáng tạo, đoàn kết, kỉ luật, dạy tốt, học giỏi" trong 55 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của nhà trường anh hùng, toàn trường đã gắn phong trào thi đua với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”. Phong trào thi đua xây dựng “Đại đội 3 nhất”, “Bộ môn 3 tốt”, “Ban 3 tốt” thường xuyên duy trì có hiệu quả; phong trào thi đua của các tổ chức quần chúng diễn ra sôi nổi, rộng khắp, thực sự trở thành động lực cổ vũ, động viên mọi tổ chức, cá nhân phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của nhà trường./.

Lê Văn Tùng - Nguyễn Ngọc Sáng
Trường Đại học Nguyễn Huệ 


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất