Thứ Hai, 23/9/2024
Diễn đàn
Thứ Sáu, 19/8/2011 9:56'(GMT+7)

Chính quyền hiểu dân, vì dân

Đúng ngày này cách đây 66 năm, tại Hà Nội đã diễn ra một sự kiện “long trời lở đất”: Nhân dân và các LLVT ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ đã tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa, giành chính quyền tại Hà Nội, rồi trên cả nước, lật đổ ách thống trị của thực dân, phong kiến, tiến tới khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - một Nhà nước công nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam châu Á. Một trong những nguyên nhân góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại này là đội ngũ cán bộ, đảng viên lúc đó luôn gần dân, gắn bó sâu sát và đồng cam cộng khổ với nhân dân.

Chính quyền của ta là chính quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Sức mạnh của chính quyền bắt nguồn từ sức mạnh của nhân dân. Bác Hồ đã khẳng định: “Gốc có vững, cây mới bền/ Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”. Bởi vậy, muốn xây dựng chính quyền vững mạnh, trước hết phải quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ chính quyền các cấp thực sự vì dân, lấy dân làm gốc, trọn đời “tận trung với nước, tận hiếu với dân”.

Sinh thời, Bác Hồ là tấm gương mẫu mực về tác phong gần dân, trọng dân. Mỗi khi Bác đến thăm các nhà máy, nông trường, bệnh viện, đơn vị bộ đội, Người thường hay xuống các bếp ăn, phòng ngủ, chỗ tắm giặt, thậm chí có lúc kiểm tra cả nhà vệ sinh ở nơi đó. Với tác phong sâu sát như vậy, Bác đã biết được điều kiện thực tế về ăn, ở, sinh hoạt, vệ sinh của công nhân, nông dân, thầy thuốc, bộ đội để nhắc nhở cán bộ cần chú trọng chăm lo đời sống những người lao động ngày càng tốt hơn. Bác đã nhắc lại nhiều lần rằng, chỉ có gần dân, thương dân thì cán bộ, đảng viên mới hiểu được lòng dân. Ngược lại, nếu cán bộ sống xa dân, không thường xuyên gần gũi, sâu sát với cơ sở, không coi trọng nhân dân trong suy nghĩ, việc làm thì tự biến mình thành “ông quan cách mạng” quan liêu, xa rời quần chúng.

Trong thời chiến trước đây, cán bộ gần dân để được nhân dân nuôi dưỡng, chở che, bảo vệ đồng thời tuyên truyền, lôi cuốn người dân cùng tham gia kháng chiến, góp công góp sức giải phóng dân tộc. Còn trong thời bình, cán bộ gần dân không phải để nhờ dân “chăm sóc” như xưa, mà để lắng nghe ý kiến của dân, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và cả những băn khoăn, vướng mắc, trăn trở của bà con. Chỉ có thường xuyên gắn bó với dân, cán bộ mới có điều kiện, cơ hội thấu hiểu tâm can, nỗi lòng, mong muốn của họ để từ đó tìm cách sẻ chia, giúp đỡ và tháo gỡ những khó khăn cho bà con.

Gần dân, vì dân vừa là một phẩm chất cần thiết trong phong cách lãnh đạo, quản lý của người cán bộ, vừa là yêu cầu đòi hỏi bức thiết của cuộc sống hiện nay. Nhưng muốn vì dân phải thực sự đi sâu, đi sát quần chúng. Bởi thời gian qua, cũng có một số cán bộ tuy xuống với dân, nhưng lại chưa hiểu lòng dân. Thực trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, song cơ bản là do cán bộ chưa tận tụy với dân, chưa thực lòng san sẻ lợi ích chính đáng, thiết thân với dân. Thậm chí vẫn còn một bộ phận cán bộ chính quyền “nói hay, làm dở”, “nói nhiều, làm ít”, “hứa rồi bỏ đấy”, hay trong giải quyết công việc thì cái dễ nhận về mình, cái khó đẩy về phía người dân… Những biểu hiện đó, nếu không nhanh chóng khắc phục sẽ trở thành “rào cản vô hình” tạo hố sâu ngăn cách giữa cán bộ với người dân, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với chính quyền.

Gần dân, phải là việc hằng ngày của cán bộ, đảng viên để vun đắp chính quyền cách mạng từ gốc./.

(Theo: Nguyễn Văn Hải/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất