Thứ Ba, 26/11/2024
Diễn đàn
Thứ Năm, 18/8/2011 20:49'(GMT+7)

Tăng lương để mọi người được hưởng thành quả tăng trưởng

Tăng lương tối thiểu sẽ giúp công nhân ổn định cuộc sống

Tăng lương tối thiểu sẽ giúp công nhân ổn định cuộc sống

Từ 1/10 tới, lương tối thiểu khối doanh nghiệp sẽ được tăng lên sớm hơn 3 tháng so với lộ trình đã định trước. Dự kiến lương tối thiểu 2 triệu đồng/tháng ở vùng 1, thấp nhất ở vùng 4 là 1,440 triệu đồng/tháng, áp dụng chung cho mọi loại hình sở hữu doanh nghiệp. Tuy lần này lương tối thiểu tăng nhiều hơn và sớm hơn, nhưng do lạm phát cao nên đời sống của số đông người lao động vẫn chưa được đảm bảo như mong muốn.

Theo số liệu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, 6 tháng đầu năm nay, đã có hàng trăm vụ ngừng việc tập thể, đình công xảy ra tại 23 tỉnh, thành phố trong cả nước. Lý do chính là tiền lương trung bình của người lao động không đảm bảo được mức sống tối thiểu. Chính vì thế, quyết định điều chỉnh mức lương tối thiểu khối doanh nghiệp sớm hơn 3 tháng là đúng đắn và kịp thời. Tuy nhiên, không ít ý kiến lo ngại rằng, tiền lương tối thiểu tăng trong lúc lạm phát cao như hiện nay sẽ không đạt được mục tiêu như mong muốn, thậm chí có thể còn dẫn tới tiêu cực. Dễ thấy nhất là nguy cơ tăng tỷ lệ thất nghiệp và thu nhập thực tế của người lao động không đuổi kịp tốc độ tăng giá tiêu dùng.

Song, nhìn trên tổng thể không hẳn là như vậy. Tăng lương tối thiểu đương nhiên làm tăng chi phí lao động của doanh nghiệp, dẫn tới giảm cầu về lao động, nên người lao động ít cơ hội tìm việc làm hơn. Nhưng nếu người lao động có khả năng đàm phán về tiền công thì việc tăng lương tối thiểu sẽ hạn chế được tác động tiêu cực ấy. Khi được trả công thoả đáng hơn và phù hợp với mặt bằng giá tiêu dùng ở từng vùng, từng khu vực, người lao động sẽ làm việc tốt hơn, giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, cả đôi bên đều có lợi. Về phía doanh nghiệp, tuy phải trả thêm tiền công, tiền bảo hiểm xã hội và một số khoản có liên quan, nhưng do giữ được lao động nên tiết kiệm được chi phí đào tạo nhân công mới.

Khoảng 10 năm trở lại đây, có nhiều lần tiền lương tối thiểu tăng đúng vào lúc lạm phát cao, nhưng hầu hết các doanh nghiệp đều chấp hành đúng quy định và không bị tăng đột biến tổng chi phí sản xuất kinh doanh. Chưa thấy doanh nghiệp nào phá sản vì tăng lương tối thiểu. Cũng chưa thấy sự liên quan trực tiếp nào giữa việc tăng tiền lương tối thiểu và tăng tỷ lệ thất nghiệp. Ngược lại, tiền công được các doanh nghiệp trả thoả đáng cho người lao động còn thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng và nhu cầu sản xuất, từ đó tạo thêm việc làm mới và góp phần giảm số người hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Về định lượng thì mức lương tối thiểu hiện nay đã quá lạc hậu so với mặt bằng giá tiêu dùng. Thực tế trên thị trường lao động, đa số doanh nghiệp đã phải trả tiền công cao hơn nhiều so với mức lương tối thiểu, vậy mà cuộc sống của số đông người lao động vẫn còn vô vàn khó khăn. Chính vì vậy mà cùng với đề xuất tăng lương tối thiểu với mức cao hơn những lần trước và làm sớm 3 tháng, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội còn kiến nghị Chính phủ có quy định về việc doanh nghiệp hỗ trợ tiền ăn giữa ca cho người lao động mức tối thiểu 15.000 đồng/bữa/người.

Do lạm phát cao ảnh hưởng tới tất cả mọi nguời, nên không chỉ đối với khối doanh nghiệp, mà những người hưởng lương từ ngân sách cũng cần được hỗ trợ. Theo quyết định 471 của Thủ tướng Chính phủ, cán bộ công nhân viên chức, lực lượng vũ trang, người về hưu có mức lương thấp, người hưởng trợ cấp ưu đãi, người có công, hộ nghèo có đời sống khó khăn đã được trợ cấp đột xuất trong quý 2 vừa qua. Còn Quyết định 21 của Thủ tướng Chính phủ đã giảm bớt khó khăn về thuế cho hơn 20 vạn trong tổng số khoảng 36 vạn doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các đối tượng khác như nông dân, ngư dân, lao động tự do, sinh viên… cũng đều được hỗ trợ ít nhiều, hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp thông qua “Quỹ bình ổn giá”, “Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn”… cùng nhiều hình thức hỗ trợ thiết thực khác và sự lồng ghép các chương trình, dự án khác nhau.

Trong khó khăn chung cần có chính sách kịp thời và phù hợp. Tuy nhiên, để việc hỗ trợ có tác dụng tích cực trên thực tế thì cần có những giải pháp hữu hiệu để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, làm cho mọi người cùng được hưởng thành quả tăng trưởng. Đối với những người lao động làm công ăn lương, họ mong muốn chính sách tiền lương có thay đổi mạnh mẽ, khắc phục tình trạng lương chưa tăng giá cả đã tăng, lương tăng giá cả lại tăng theo./.

(Theo: VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất