Chính sách, quy định gì cũng không thể ngẫu hứng, không thể là
những “đề án, dự án, chuyên đề” “thảo ra, vẽ ra” từ phòng máy lạnh.
Chính sách phải từ lòng dân, “bắt trúng” thực tế mới đi vào được cuộc
sống!
Càng nhìn vào thực tiễn, càng thấy cuộc sống như tấm gương soi cho mọi chính sách!
Chính
sách, quy định nào “ban ra” mà bắt trúng ý dân, lòng dân, thì chính
sách, quy định ấy, chẳng cần hô hào vẫn cứ như con sông chảy đúng dòng
êm ả. Còn chính sách, quy định nào áp xuống dân, xuống doanh nghiệp (DN)
mà xa thực tế, lạ với dân, thì chẳng khác gì nước chảy nghẽn dòng.
Khi
Hà Nội đưa ra đề xuất cấm xe máy ngoại tỉnh, những tiếng nói phản biện
lập tức “nảy lửa”: Hà Nội là thủ đô của cả nước chứ đâu phải của riêng
người Hà Nội mà cấm xe ngoại tỉnh. Làm thế là phân biệt, là vi hiến. Hà
Nội lại chỉnh sang: Cấm tất! Chỉ có cấm xe máy mới có thể xử lý được
tình trạng nghẽn tắc giao thông của Thủ đô!
Cái
từ “cấm” nghe sao mà khô khốc, khắc nghiệt tựa như cơn nắng rát làm héo
hắt lòng dân. 80% người dân di chuyển bằng xe máy, nếu cấm tất thì họ
đi lại bằng gì? Có phải ai cũng đủ điều kiện mua sắm ô tô trong lúc giao
thông công cộng ở Thủ đô còn quá nhiều chuyện phải bàn. Các “quân sư”
của Thủ đô có hay: Chính những chiếc xe máy của người ngoại tỉnh ngày
mỗi ngày cần mẫn chở rau, cá, thịt, gạo… vào phục vụ hơn 7 triệu người
Hà Nội. Người sử dụng xe máy đâu phải là những “tội đồ” để “gánh” trên
vai cái lệnh “cấm” của chính quyền Thủ đô ban ra.
Giảm
xe máy trên đường phố Thủ đô là đúng, nhưng làm thế nào cho nhẹ lòng
dân? Nói xe máy gây nghẽn, thì ô tô có gây nghẽn tắc không? Nhìn thẳng,
chính ô tô mới là căn nguyên gây ra tắc nghẽn. Hay chiến lược xây dựng
quy hoạch Thủ đô chưa đủ tầm chăng? Nhìn kỹ hơn, lại do việc cho xây quá
nhiều cao ốc 40 - 50 tầng ở các khu trung tâm nên gây ách tắc.
Suy đến cùng phải giãn dân, chuyển nhanh
các cơ quan, trường học, bệnh viện ra ngoại vi. Nếu cơ quan bộ, ngành
hay các đơn vị của Hà Nội còn cố “bám trụ”, sợ “xa trung tâm”, thì còn
tắc nghẽn. Không lo tháo gỡ cái nút thắt đó mà nhăm nhăm cái gì cũng đổ
xuống đầu dân, nghĩ đến chuyện cấm đoán dân, liệu có nên?
Các
đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh mà cứ tư duy cái gì không quản
được là cấm, càng thể hiện quản trị, điều hành yếu kém. Từ khi thảo quy
hoạch, cách làm thiếu tầm dài hạn, nên hạ tầng quá tải. Nghẽn đường, tắc
cống thoát nước, có cả cái tư duy nghẽn, tư duy chưa thoát nằm trong đó
không? Quy hoạch các TP lớn mà không bài bản, cứ chạy theo nhiệm kỳ,
hết “nắn” quy hoạch đường, lại “vuốt chỉnh” quy hoạch xây dựng, rồi vung
bút “ký tá” mở loạn cao ốc, hỏi sao thành phố không chen chật chân
người?
Nhiều cư dân TP Hồ Chí Minh
lên tiếng phàn nàn về không khí nặng mùi xú uế, nhưng rác cứ lấp thủ
công, thì ô nhiễm sẽ còn khủng khiếp khó lường. Cái gì cũng nói học thế
giới mà sao Hà Nội và TP Hồ Chí Minh không học các nước tiên tiến xây
các nhà máy xử lý rác công nghệ hiện đại đi? Khi nào còn chưa xây được
nhà máy đốt rác bằng đèn plasma 3.000 - 7.000 độ C trong điều kiện thiếu
ôxy, thì ô nhiễm rác thải ở các TP lớn còn nan giải. Đừng đổ cho thiếu
tiền, hãy nhìn cả “núi tiền” ném vào xây biệt thự, chung cư và bao công
trình “đội vốn” lãng phí khác đang chềnh ềnh cả kia, thì tiền bạc ở đâu
ra?
Nhìn lại không thiếu những quy
định ban ra mà có đi nổi vào cuộc sống đâu. Nào chuyện ngực lép, chuyện
phạt xe không chính chủ, đội mũ bảo hiểm không đúng chuẩn. Nào chuyện
ngành GD ưu tiên cộng thêm 2 điểm đối với Mẹ Việt Nam anh hùng. Nào Bộ
NN - PTNT quy định thịt sống chỉ bán trong 8 giờ...
Mới
hay: Chính sách, quy định gì cũng không thể ngẫu hứng, không thể là
những “đề án, dự án, chuyên đề” “thảo ra, vẽ ra” từ phòng máy lạnh.
Chính sách phải từ lòng dân, “bắt trúng” thực tế mới đi vào được cuộc
sống!
Hà Phương (daibieunhandan)