Dự thảo Đề án “Tăng cường quản lý
phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn
thành phố Hà Nội” do Sở Giao thông vận tải Hà Nội phối hợp Viện Chiến
lược phát triển giao thông vận tải xây dựng, mới được công bố, đang gây
xôn xao dư luận những ngày gần đây.
Theo số liệu thống kê của Viện Chiến lược giao thông vận tải, tại Hà Nội, hiện có hơn năm triệu xe máy, gần 550 nghìn ô-tô, hơn một triệu xe đạp và hơn 10 nghìn xe đạp điện, chưa kể một số lượng lớn các phương tiện ngoại tỉnh hoạt động trên địa bàn. Nếu cứ để các phương tiện giao thông cá nhân phát triển với tốc độ tăng số lượng xe máy 7,66%/năm, ô-tô con tăng 12,9% như hiện tại, mà không áp dụng biện pháp hạn chế nào thì đến năm 2020, Hà Nội sẽ có gần một triệu xe ô-tô và 6,2 triệu xe máy, vượt khả năng đáp ứng của hệ thống giao thông năm lần. Còn đến năm 2025, các phương tiện sẽ không thể di chuyển trên đường.
Việc hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân ở các đô thị lớn là hết sức cần thiết và sớm muộn sẽ phải triển khai. Nhưng trước thông tin Hà Nội sẽ hạn chế việc sử dụng xe máy và ô-tô cá nhân theo lộ trình ở khu vực trung tâm thành phố, dư luận vẫn có nhiều ý kiến trái chiều. Theo lộ trình của đề án, dự kiến vào năm 2020 sẽ hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ vào cuối tuần và dịp lễ, Tết. Năm 2021, không cho xe máy hoạt động trong khu vực từ đường vành đai 1 vào trung tâm thành phố, từ 7 giờ đến 19 giờ hằng ngày. Từ năm 2023, diện hạn chế hoạt động của xe máy sẽ được mở rộng, cấm xe máy hoạt động trong khu vực từ vành đai 2 trở vào trung tâm thành phố. Đến năm 2025, sẽ cấm xe máy một số địa điểm từ đường vành đai 3 trở vào trung tâm. Ô-tô cá nhân cũng sẽ bị hạn chế hoạt động theo giờ tại một số tuyến đường, khu vực. Một số khu vực trung tâm, cho phép ô-tô cá nhân đi vào giờ cao điểm, nhưng thu phí cao. Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, bởi cho rằng việc cấm sử dụng phương tiện giao thông cá nhân sẽ giảm tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, phần lớn mọi người vẫn nghi ngại, việc không cho phép xe máy hoạt động trên diện rộng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới việc đi lại, sản xuất, kinh doanh của người dân. Những lo ngại này không phải là không có cơ sở. Thực tế việc triển khai không gian đi bộ chung quanh hồ Hoàn Kiếm trong những ngày cuối tuần gần đây cho thấy, khi cấm các phương tiện hoạt động trên 16 tuyến phố, xe máy, ô-tô con dồn lại ở các tuyến phố chung quanh, gây tình trạng hỗn loạn. Nếu cấm các ngày trong tuần trên phạm vi rộng như vậy, sẽ phức tạp hơn nhiều. Mặt khác, nếu kết cấu hạ tầng giao thông và các phương tiện vận tải hành khách công cộng ở Hà Nội vào thời điểm áp dụng lộ trình cấm xe máy không bảo đảm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, thì việc hạn chế xe máy cũng khó khả thi. Nhiều ý kiến cho rằng, chỉ khi các tiêu chí về hạ tầng giao thông hoàn chỉnh, từ việc bố trí các điểm trông giữ phương tiện, hoàn chỉnh hệ thống giao thông nội đô, đến việc vận hành hiệu quả các phương tiện vận tải hành khách công cộng… mới nên tiến hành cấm hoặc hạn chế phương tiện cá nhân.
Dự thảo Đề án hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân tại Hà Nội lần này được xây dựng khá bài bản, với năm nhóm giải pháp khá căn cơ. Tuy nhiên, những ý kiến nêu trên cũng cần được đơn vị xây dựng dự thảo đề án tiếp thu, chỉnh sửa, trước khi hoàn thiện trình HĐND thành phố phê duyệt. Và cần nhất là nhận được sự đồng thuận của đông đảo người dân đang sinh sống và làm việc tại các khu vực nêu trên, rộng hơn là người dân cả nước vì Hà Nội là một đô thị đặc biệt - Thủ đô của đất nước. Hy vọng rằng, việc triển khai các nhóm giải pháp được thực hiện nhịp nhàng, đồng bộ, đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, hoàn thành mục tiêu của đề án, góp phần hạn chế việc sử dụng các phương tiện giao thông, bắt kịp xu thế phát triển của các đô thị trên thế giới.
Theo Kiều Hương/Nhân dân