Thứ Tư, 25/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 30/1/2011 10:20'(GMT+7)

Lễ hội hay, đẹp từ lòng người

Đốt đồ mã, vàng mã không đúng quy định sẽ bị xử phạt trong mùa lễ hội 2011

Đốt đồ mã, vàng mã không đúng quy định sẽ bị xử phạt trong mùa lễ hội 2011

Cùng với quy định, phải là ý thức cộng đồng

Dự thảo Thông tư quy định chi tiết các quy định về lễ hội đang được Bộ VH - TT&DL lấy ý kiến, đã đưa ra nhiều điều cấm, như: Cấm tổ chức các hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xin ấn, xóc thẻ, yểm bùa... và các hình thức khác có tính chất mê tín; cấm phục hồi hủ tục trái với thuần phong mỹ tục Việt; cấm đưa đồ mã vào nơi thờ tự, bán và đốt đồ mã tại nơi tổ chức lễ hội; cấm tổ chức các dịch vụ ăn nghỉ và bán hàng trong khu vực nội tự... Nhưng bắt đầu từ ngày 1-9-2010, Nghị định 75/2010/NĐ-CP có hiệu lực, quy định tổ chức lên đồng không thuộc trong nội dung của lễ hội, phục dựng lễ hội sẽ bị phạt từ 1 đến 3 triệu đồng, đốt đồ mã ở nơi công cộng sẽ bị phạt từ 500 nghìn đến  1 triệu đồng… Như vậy, trong lễ hội 2011, Nghị định này sẽ được áp dụng.

Ông Vũ Xuân Thành cho biết, khi đã vận động không được thì bắt buộc phải đưa ra những quy định bằng văn bản, nhằm đề cao ứng xử văn hóa trong nhân dân. Mặc dù có nhiều ý kiến phản hồi từ việc cấm lên đồng, nhưng cấm lên đồng hiện nay là đúng. Tuy nhiên, lên đồng nằm trong nội dung lễ hội, phục dựng lễ hội, múa theo kiểu hát chầu văn thì được, bởi điều này là bản sắc của lễ hội. Còn lên đồng tuyên truyền mê tín dị đoan gây ảnh hưởng không tốt với xã hội thì phải cấm. Việc cấm đốt đồ mã, hiểu là vật thể có hình người, hình động vật, nhà ở, hình khối vàng, bạc, đá quý, tư liệu sản xuất, tư liệu sinh hoạt của con người… đưa vào nơi thờ tự đốt là không thể được và rất phản cảm nên buộc phải cấm triệt để.

Cũng theo ông Thành, có quy định cấm rõ ràng rồi, nhưng muốn quản lý tốt thì phụ thuộc vào toàn bộ hệ thống từ ý thức người dân đến các cấp chính quyền xã, huyện phải vào cuộc, một mình thanh tra thì không thể quản lý xuể.

Ông Nguyễn Chí Thanh - Trưởng ban Quản lý di tích danh thắng chùa Hương khẳng định: “Chúng tôi có kế hoạch tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, mong người dân hạn chế đốt đồ mã ở đền, chùa và lễ hội. Trong kế hoạch chuẩn bị cho mùa lễ hội 2011, Ban tổ chức dành hai ngày cuối tuần của tháng 12 tập huấn cho người dân sáu thôn thuộc xã Hương Sơn trong khu vực danh thắng chùa Hương. Ngoài kiến thức về luật giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, thì đặc biệt nhấn mạnh đến việc thực hiện các Luật Di sản Văn hóa, Luật Du lịch và quy tắc ứng xử văn hóa trong lễ hội”.

Phát huy giá trị nhân văn

Lễ hội khai ấn đền Trần (Nam Định) vào tối 14 tháng Giêng (Âm lịch) trước kia là nét đẹp văn hóa, có giá trị nhân văn sâu sắc. Nhưng vài năm trở lại đây lễ hội này “biến tướng”, vượt quá sức tưởng tượng khi đêm khai ấn năm 2010 nơi đây thu hút hàng vạn người chen lấn xô đẩy, khiến nhiều người ngất xỉu phải đi viện cấp cứu. Trước tình hình này, nhiều ý kiến đề xuất bỏ lễ khai ấn đền Trần để tránh những hậu quả đáng tiếc cho các mùa lễ năm sau. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu văn hóa, đây là lễ hội đặc biệt, không thể không tổ chức.

Khi vấn đề bỏ hay vẫn tiếp tục tổ chức khai ấn chưa ngã ngũ trên cấp Trung ương, thì mùa lễ hội 2011 đã đến. Ở cấp tỉnh, trước thềm năm mới, ông Đỗ Thanh Xuân – Giám đốc Sở VH-TT&DL Nam Định khẳng định rằng, năm nay đền Trần vẫn sẽ phát ấn. Đây là một tục lệ đẹp, tồn tại cả mấy trăm năm nay, không thể bỏ được. Đây cũng là một sản phẩm du lịch đặc trưng của Nam Định mỗi dịp Tết đến. Đáp lại những thắc mắc về bất cập của những mùa khai ấn trước, ông Đỗ Thanh Xuân cho biết, để tránh tình trạng lộn xộn như mọi năm, lễ khai ấn sẽ được tổ chức rất khoa học: Sau khi đóng ấn, BTC sẽ bố trí nhiều bàn phát ấn cho du khách ngay từ cửa đền, thay vì hai bàn phát ấn như mọi khi để giảm tải tình trạng quá đông người tập trung vào một điểm. Việc phát ấn rộng rãi này bảo đảm  ai đi hội đền Trần cũng xin được ấn, vì thế tình trạng vừa xin được ấn đã bị cướp hay bán ấn với giá cao sẽ không có đất tồn tại. Việc phát ấn hoàn toàn miễn phí.

Bàn về việc đặt hòm công đức tại các di tích, đền, chùa trong năm qua cũng đã từng làm “nóng” diễn đàn. Có nhiều ý kiến cho rằng, mỗi đình, chùa chỉ nên đặt một hòm công đức, và nên áp dụng ngay mùa lễ hội năm 2011. Ông Vũ Xuân Thành khẳng định, quy định về số lượng hòm công đức chưa được vận dụng, bởi đây mới chỉ là chủ trương.  Tuy nhiên, Bộ VH-TT& DL cũng đưa ra những quy định nhằm hạn chế việc đặt hòm công đức tràn lan; vận động nhân dân đi lễ nên đặt tiền vào hòm công đức. Ông Thành cũng cho rằng sau nhiều đợt vận động, các địa phương đã có những chuyển biến tích cực trong việc đặt hòm công đức. Ví dụ như ở đền Sóc (Sóc Sơn), toàn bộ khu đền nơi đây có 12 hòm công đức được làm thống nhất theo một mẫu. Trong năm 2011, Bộ VH-TT&DL sẽ đẩy nhanh thông tư bảo đảm văn minh lễ hội, cưới, tang. Chính vì thế, năm 2011, Bộ sẽ áp dụng việc khen thưởng đối với các địa phương làm tốt công tác tổ chức lễ hội, bảo đảm an toàn, văn minh lễ hội.

Mùa lễ hội đã đến, ngoài những thông tư, quy định ban hành nhằm quản lý và kiểm tra lễ hội, bản thân những nhà quản lý di tích danh thắng cũng như các cấp thanh tra văn hóa đều mong mỏi từ chính ý thức của người dân, du khách, mỗi người hãy tự xây dựng cho mình văn hóa đi lễ hội, phát huy những giá trị nhân văn của lễ hội. Lễ hội hay, đẹp phải từ lòng người, không phải từ những thứ lỉnh kỉnh, phù phiếm, đua nhau giành giật.

(Theo Vương Hà/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất