Thứ Sáu, 20/9/2024
Giáo dục
Chủ Nhật, 13/3/2016 20:48'(GMT+7)

Chọn ngành đã gần hơn với thị trường lao động

Học sinh tìm hiểu thông tin trực tiếp tại bàn tư vấn của các trường

Học sinh tìm hiểu thông tin trực tiếp tại bàn tư vấn của các trường

Đó là trao đổi của PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội với phóng viên, tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp, do Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức ngày 13-3, tại Hà Nội.

Hàng chục ngàn học sinh Hà Nội và các tỉnh lân cận đã tới tham dự để được nghe tư vấn, tìm hiểu các thông tin cụ thể về phương thức xét tuyển, điều kiện học tập, chỉ tiêu tuyển sinh, các ngành đào tạo của gần 70 trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp.

 

Ngành không “hot” được quan tâm

Trước kỳ thi tuyển sinh THPT quốc gia 2016 sắp đến, nên mối quan tâm của thí sinh chủ yếu là tập trung cho các phương thức của kỳ thi, như cấu trúc đề thi, cách thức đăng ký thi tuyển như thế nào. Tuy nhiên, khác với mọi năm, việc chọn ngành của thí sinh dường như mới chỉ tập trung tính toán ở đầu vào mà chưa có đủ thông tin để cân đối với đầu ra, năm nay các em đã quan tâm nhiều hơn về vấn đề cần gì để phục vụ cho ngành mình đã chọn. Những nhóm ngành về khoa học - công nghệ, lâm nghiệp, mỏ địa chất và ngành y được các em thí sinh quan tâm hỏi nhiều. Khối ngành quân đội năm nay vẫn được nhiều thí sinh Hà Nội quan tâm, đặc biệt là các thí sinh nữ.

Những ngành “hot” trong vòng năm năm gần đây là Công nghệ thông tin, cơ điện tử... điểm chuẩn luôn cao. Nhưng nếu xét về khả năng tìm kiếm việc làm, việc làm có thu nhập cao thì thực tế cho thấy những ngành không được coi là “hot” khi thí sinh lựa chọn nhưng lại rất “hot” về nhu cầu tuyển dụng, PGS.TS Nguyễn Phong Điền cho biết thêm và nhận xét buổi tư vấn đã có dấu hiệu rất tích cực khi các em quan tâm đến những ngành mà thị trường đang cần. Đặc biệt, như là ngành Kỹ thuật vật liệu, rất cần thiết, nhưng không được coi là những ngành “hot” đã được nhiều em quan tâm. Như vậy, việc chọn ngành đã có những bước chuyển biến và nó gần hơn với thị trường lao động, không còn là sự lựa chọn cảm tính.

Em Trần Thị Hải, học sinh Trường THPT Thạch Thất, Hà Nội cho biết: Em đến để được nghe tư vấn và có sự lựa chọn tốt nhất, phù hợp nhất với khả năng của em. Mặt khác, hiểu rõ hơn nhu cầu của thị trường lao động, để biết ngành nghề mình học sau 4 năm nữa được dự báo ra sao. Em hy vọng mình sẽ thu thập được nhiều thông tin bổ ích và những lời khuyên chính xác về nghề nghiệp tương lai cho bản thân.

Ghi nhận của phóng viên cho thấy, năm nay những trường ở top giữa cũng được thí sinh quan tâm nhiều, nhất là những ngành xã hội đang cần nhiều nhân lực, ngành mới lạ. Đặc biệt, hệ thống trường cao đẳng cũng được thí sinh dừng chân tìm hiểu các ngành dễ xin việc, có thu nhập cao.

Kỹ năng lựa chọn còn yếu

Trước đây, thí sinh rất hay hỏi về 1 số ngành “hot” như kinh tế, thương mại, tài chính nhưng năm nay dàn đều ra nhiều lĩnh vực, các em quan tâm nhiều hơn đến công việc cụ thể. Tuy đã có sự mở rộng nhưng học sinh vẫn chỉ tập trung sự quan tâm một số ngành nghề, lĩnh vực mà các em biết, còn thực tế có hàng trăm các trường trong lĩnh vực đó mà các em chưa tìm hiểu.

Đến với ngày hội tư vấn, Lương Thị Mai, học sinh Trường THPT Quốc Oai, Hà Nội đã xác định rõ ngành học mình sẽ theo đuổi, tuy nhiên em lại chưa chắc chắn về khả năng của mình nên muốn nhờ các thầy trong ban tư vấn để biết sâu hơn về các ngành đào tạo, từ đó có điều chỉnh cần thiết cho quyết định của mình.

 

Khác với Mai, em Nguyễn Thu Trang, học sinh Trường THPT Nhân Chính, Hà Nội lại tỏ ra khá bối rối với việc sẽ chọn lựa ngành nghề nào, bởi môn học nào em cũng học khá như nhau. Em hy vọng buổi tư vấn sẽ giúp em biết được đâu là sở trường thực sự của mình.

Gỡ rối tâm lý, tư vấn lựa chọn nghề nghiệp luôn là vấn đề được các thí sinh quan tâm, với số lượng lớn câu hỏi không ngừng nghỉ. Trao đổi với phóng viên về những vấn đề mà nhiều thí sinh quan tâm, TS Phạm Mạnh Hà, Phó trưởng khoa Công tác thanh niên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam cho biết, năm nay số lượng thí sinh đến tư vấn đông hơn. Các em chủ yếu khó khăn trong quyết định chọn nghề, bởi cơ hội đỗ của thí sinh ngày càng cao, dẫn đến xác suất lựa chọn sai càng nhiều.

Một vấn đề đặc trưng là các em hay có suy nghĩ “đóng đinh” vào một ngành nghề cụ thể nào đó để hỏi và khi mở rộng ra lĩnh vực chuyên môn để tự mình có sự lựa chọn, lại cho thấy kỹ năng lựa chọn rất yếu, dẫn đến sự lựa chọn sai, TS Phạm Mạnh Hà chia sẻ.

Về vấn đề “rút-nộp” hồ sơ xét tuyển khiến nhiều thí sinh lo lắng, TS Phạm Mạnh Hà lưu ý thí sinh cần chú ý tới sở trường và khả năng của mình để đưa ra sự lựa chọn. Bên cạnh đó, thí sinh căn cứ vào uy tín, điều kiện cơ sở vật chất, chất lượng đào tạo, điểm chuẩn... của trường, và yên tâm gửi vào, chắc chắn rằng xác suất trúng sẽ cao. Nếu trượt thì vẫn có sự lựa chọn tiếp theo, không nên quá lo lắng. Việc cứ rút ra rút vào dễ dẫn đến bị dao động, làm cho quyết định vội vàng, không chính xác.

Thông tin hiện nay nhiều nhưng công tác hướng nghiệp trong nhà trường chưa được chú trọng hoặc có trường hợp học sinh bị bội thực thông tin, do các trường đến giới thiệu tuyển sinh rất nhiều. Họ chỉ giới thiệu những điểm mạnh của trường làm cho học sinh bị hướng theo những lĩnh vực đó mà không tìm hiểu những lĩnh vực khác, dẫn đến loạn thông tin.

Mặt khác, đối với cả học sinh và cha mẹ, mục tiêu quan trọng nhất là đỗ đại học chứ không phải chọn nghề, nên chỉ đầu tư cho việc học tập, việc đầu tư của cha mẹ giúp con hiểu biết về nghề nghiệp, lĩnh vực liên quan là không nhiều, TS Phạm Mạnh Hà nhận xét.

Nhiều thí sinh “ngại” khối Công an

Theo chủ trương chung của Chính phủ về tinh giản biên chế Nhà nước, Bộ Công an năm 2016 chỉ có 5.000 chỉ tiêu (giảm 50% so với năm 2015). Theo như dự báo, điểm xét tuyển sẽ rất cao, đó chính là một phần nguyên nhân khiến thí sinh có tâm lý “ngại” khối ngành này.

Thiếu tá Bùi Thành Đạt, Phó trưởng phòng kế hoạch và hợp tác đào tạo, Cục Đào tạo – Bộ Công an cho biết: Năm ngoái, tổng chỉ tiêu là 9.500, năm nay chỉ có 5.000 chỉ tiêu. Trong 5.000 chỉ tiêu tuyển mới, cơ cấu tuyển mới và đào tạo các học viện, trường đại học là 3.200; hệ cao đẳng 600; hệ trung cấp 1.000; 200 chỉ tiêu cho các trường văn hóa.

Như vậy là chỉ tiêu rất ít. Các em nên cân nhắc lực học của mình như thế nào. Học lực khá cũng khó có khả năng đỗ vì chỉ tiêu ít, số lượng thí sinh đăng ký dự thi đông. Bên cạnh đó, thí sinh lưu ý, chỉ có thí sinh đoạt giải kỳ thi học sinh giỏi quốc tế mới được tuyển thẳng, còn thí sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, kỳ thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia chỉ được cộng điểm ưu tiên xét tuyển vào các trường Công an nhân dân. Thí sinh này bắt buộc phải đủ điểm trúng tuyển, gồm kết quả điểm thi, điểm ưu tiên khu vực, đối tượng, điểm thưởng giải. Nếu không đạt mức điểm quy định thì sẽ không được tiếp nhận, Thiếu tá Bùi Thành Đạt lưu ý.

Bài, ảnh: THU HÀ/QĐND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất