Thứ Bảy, 5/10/2024
Cùng suy ngẫm
Thứ Năm, 6/9/2018 10:38'(GMT+7)

Chọn việc

- Ông xem, tôi theo dõi địa bàn này đã quen, xây dựng được nhiều mối quan hệ, việc cứ thế trôi. Nay giao việc mới, tôi phải làm lại từ đầu... Chưa kể, công việc mới khó hơn và thu nhập có thể không bằng hiện tại.

- Đây là yêu cầu bắt buộc, là đòi hỏi của quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo nghị quyết của cấp trên. Theo tôi, thay vì than thở, ông nên học cách thích nghi và thay đổi bản thân. Biết đâu...

- Tôi không thích nghi được, nếu “sếp” cứ ép, tôi sẽ xin chuyển bộ phận khác - bạn đáp lời.

Tôi không muốn tranh luận, bởi tôi biết với quan hệ của mình, bạn có thể “chọn việc” bạn muốn. Nhưng câu chuyện đó đặt ra vấn đề, nếu ai cũng so đo, chọn việc dễ, thu nhập cao thì việc khó dành ai? Tổ chức bộ máy tồn tại những cán bộ, công chức có tư tưởng thấy khó thì tránh, thấy lợi lại giành, thì liệu nội bộ có bảo đảm đoàn kết? Ở góc độ quản lý, nếu những yêu cầu, đòi hỏi vô lý như trường hợp nêu trên được đáp ứng thì liệu kỷ luật cơ quan, đơn vị có giữ được?

Tình huống này có lẽ không hiếm gặp ở nhiều cơ quan, đơn vị trong quá trình tái cơ cấu, tinh giản biên chế. Mới đây, một hội thảo chuyên đề xây dựng bộ máy công quyền hiệu lực, hiệu quả, đã đưa ra nhận định: Dù có tinh giản nhưng thực chất vẫn khó đưa ra khỏi đội ngũ những cán bộ, công chức năng lực yếu. Ý kiến của một chuyên gia cho rằng, cần làm tốt ngay từ quá trình rà soát bộ máy tổ chức để có sự sàng lọc công bằng. Theo đó, cần phân loại các nhóm nhân lực dựa trên mức độ nhiệt tình đóng góp và năng lực chuyên môn: nhóm năng lực chưa sẵn sàng; nhóm tâm thế chưa sẵn sàng; nhóm “ngôi sao” và nhóm “thanh lý”. Dựa trên sự phân loại này, cấp ủy, lãnh đạo đơn vị có hình thức tư vấn, góp ý để cán bộ, công chức cố gắng, vươn lên; hoặc bố trí, đào tạo, huấn luyện, giao nhiệm vụ để phát triển và có chế độ đãi ngộ hấp dẫn nếu thật sự xứng đáng. Đối với những cán bộ, công chức không thể đáp ứng thì cần kiên quyết đưa vào diện tinh giản. Nhưng yếu tố tiên quyết để quá trình này đạt hiệu quả là tình người trên cơ sở có lý, thẳng thắn và minh bạch.

Xây dựng bộ máy tinh gọn hiệu lực, hiệu quả không thể tách rời nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong thu hút và sử dụng người có năng lực, cần thay đổi tư duy về chế độ đãi ngộ, không nên chỉ tính bằng giá trị vật chất mà cần chú trọng tạo điều kiện để cán bộ, công chức phát triển hết khả năng, tự nguyện cống hiến, thực hiện nhiệm vụ với tư duy học hỏi và thích nghi, chứ không phải làm cho có, cho xong. Một bộ máy chuyên nghiệp sẽ tự có khả năng loại thải, và khi đó sẽ không có chỗ cho tư tưởng “ỷ thân, cậy thế” “dễ làm, khó chuyển” như vẫn thấy đâu đó trong bộ máy công quyền.

Theo Nhân dân

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất