Thứ Ba, 24/9/2024
Diễn đàn
Chủ Nhật, 6/3/2011 12:52'(GMT+7)

Chống lạm phát và vấn đề an sinh

Cần đa dạng hình thức hỗ trợ người nghèo. (Ảnh minh hoạ).

Cần đa dạng hình thức hỗ trợ người nghèo. (Ảnh minh hoạ).

Ngày 1/3, giá điện mới với mức tăng bình quân 15,28% chính thức được áp dụng. Cùng với một loạt vật tư nguyên liệu đầu vào của nền kinh tế đã tăng giá mạnh, việc giá điện tăng sẽ thêm tác động làm chỉ số giá tiêu dùng thời gian tới sẽ tăng cao.

Với quyết tâm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ đã ra Nghị quyết, với các nhóm giải pháp quyết liệt như thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, cắt giảm đầu tư công, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu…, đồng thời tiếp tục thực hiện lộ trình điều hành giá xăng dầu, điện theo cơ chế thị trường gắn với hỗ trợ hộ nghèo.

Thông điệp của Chính phủ thể hiện rõ qua Nghị quyết trên: Các giải pháp an sinh xã hội được đặt ở vị trí quan trọng không kém các giải pháp điều hành kinh tế trong cuộc chiến chống lạm phát.

Kể từ 1/3/2011, hàng tháng, mỗi hộ nghèo được hỗ trợ 30.000 đồng tiền điện, khoản tiền này được trích từ ngân sách Nhà nước. Số tiền trên không phải là nhiều, nhưng đây là khoản hỗ trợ trực tiếp, thiết thực cho hộ nghèo, giúp họ bớt khó khăn trong cơn bão giá.

Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, với khoảng 3,2 triệu hộ nghèo cả nước, mỗi năm, riêng về khoản hỗ trợ tiền điện, ngân sách Nhà nước chi ra khoảng 1.120 tỷ đồng cho người nghèo. Với các hộ thu nhập thấp, dùng không quá 50 số điện một tháng, khi đăng ký với ngành điện, sẽ được tính giá điện chỉ bằng 80% giá điện bình quân trong bậc thang giá đầu. Với nhóm đối tượng công nhân, sinh viên phải thuê nhà trọ, ngành điện đã tính tới phương án hỗ trợ bằng cách phát hành thẻ trả trước, ví như thẻ điện thoại, để mua điện trực tiếp từ các điện lực, tránh tình trạng chủ cho thuê trọ bán điện giá cao trái quy định…

Mỗi năm, riêng về khoản hỗ trợ tiền điện, ngân sách Nhà nước chi ra khoảng 1.120 tỷ đồng cho người nghèo.

Có thể thấy, chính sách hỗ trợ tiền điện cho người nghèo là sự hỗ trợ mới, được đặt trong tổng thể các chương trình, giải pháp thực hiện chính sách an sinh xã hội đã được Nhà nước ta tiến hành bấy lâu nay.

Chủ trương, chính sách đã rõ ràng, vấn đề là triển khai thế nào cho hiệu quả. Đây là lúc phát huy tính năng động, sáng tạo và sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền địa phương, là lúc các ngành phải có cách triển khai chỉ đạo điều hành hiện đại, tránh thủ tục hành chính rườm rà, cấp dưới đợi cấp trên, vô cảm với nỗi khổ dân sinh. Đây cũng là lúc để đánh giá năng lực cán bộ rõ ràng nhất.

Đừng để chính sách hỗ trợ người nghèo bị lợi dụng, để chính sách không tới được đúng đối tượng. Bài học kinh nghiệm đã có từ những vụ việc tham nhũng ở các chương trình xóa đói giảm nghèo 134, 135, cho tới việc ăn chặn tiền cứu trợ người nghèo, người gặp thiên tai, hoạn nạn…, làm giảm niềm tin của người dân vào các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước.

Cần đa dạng hình thức hỗ trợ người nghèo, tăng cường hỗ trợ trực tiếp. Một số chuyên gia kinh tế đã đưa ra hình thức: Nhà nước, hoặc địa phương phát phiếu mua hàng cho người nghèo, thay vì kiểu hỗ trợ gián tiếp qua các chương trình bình ổn giá đang được tiến hành rầm rộ ở một số địa phương, mà thực tế người nghèo, người thu nhập thấp hầu như chẳng được hưởng lợi gì, bởi hàng bình ổn với số lượng có hạn, điểm bán có hạn, chưa phủ được tới khu vực nông thôn, khu công nghiệp tập trung.

Ngoài chính sách của Nhà nước, mỗi địa phương, tùy từng hoàn cảnh cụ thể mà có thêm những chương trình an sinh phù hợp, hiệu quả, kêu gọi sự chung tay của cộng đồng, phát huy truyền thống “bầu ơi thương lấy bí cùng”… sẽ giúp người nghèo, đối tượng chịu tác động trực tiếp và nhanh nhất của lạm phát vượt qua khó khăn.

Trong khó khăn chung, nhiều nghĩa cử của cộng đồng với người nghèo, trong đó có các doanh nghiệp làm chúng ta cảm động, thấy thêm niềm tin vào cuộc sống. Như chuyện ngay đầu năm mới, một loạt doanh nghiệp trong Câu lạc bộ Hàng Việt Nam chất lượng cao kết hợp với nhau đưa những chuyến hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vừa vừa bán hàng khuyến mãi, vừa giới thiệu sản phẩm, rồi thông qua chính quyền địa phương tặng quà – là những sản phẩm thiết yếu trong đời sống hàng ngày cho người nghèo.

Việc triển khai chính sách an sinh, bên cạnh quá trình kiểm soát tốt, khi được làm với cái tâm, tấm lòng của từng người, ở từng vị trí nhiệm vụ được xã hội phân công, thì các chủ trương, chính sách của Nhà nước sẽ nhanh đi vào cuộc sống, kịp thời, đúng đối tượng./.

(Ngọc Diệu/VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất