Ngày 3-3 năm nay, nhân dân ta kỷ niệm lần thứ 60 Ngày thành lập Mặt trận Liên Việt (3-3-1951 – 3-3-2011). Đây là dịp tốt để nhân dân ta cùng nhau ôn lại những trang sử vẻ vang và vô cùng hào hùng của dân tộc ta, đoàn kết trong Mặt trận dân tộc thống nhất nói chung, trong Mặt trận Liên Việt nói riêng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại trong cuộc đấu tranh vì độc lập, thống nhất Tổ quốc, tự do, hạnh phúc của nhân dân.
Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã chứng minh: Với lòng yêu nước nồng nàn, trải qua quá trình chiến đấu lâu dài và gian khổ chống hết thiên tai đến địch hoạ, dân tộc ta sớm có ý thức đoàn kết, vì “Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết”.
Kế thừa và phát huy truyền thống đoàn kết yêu nước đó, ngay từ khi mới ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh tụ của Đảng đã khẳng định: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”; “Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”.
Vì vậy, Đảng và Hồ Chủ tịch luôn luôn coi trọng việc củng cố, tăng cường và mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng và phát triển Mặt trận dân tộc thống nhất, phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh quốc tế, sức mạnh truyền thống với sức mạnh thời đại và đã giành được những thắng lợi vĩ đại trong cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân ta.
Giữa lúc Xôviết Nghệ - Tĩnh – cao trào cách mạng đầu tiên do Đảng Cộng sản lãnh đạo - nổ ra rầm rộ và sôi nổi, ngày 18-11-1930 Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị về việc thành lập Hội Phản đế đồng minh – hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam.
Từ đó đến nay, ở mỗi thời kỳ cách mạng, với những hình thức tổ chức và tên gọi khác nhau, phù hợp với nhiệm vụ của từng giai đoạn cách mạng, Mặt trận dân tộc thống nhất luôn luôn tồn tại và phát triển, thực sự là nơi tập hợp, đoàn kết các giai tầng xã hội vì mục tiêu hoà bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Năm 1951, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta bước sang một giai đoạn phát triển mới – giai đoạn Tổng phản công. Yêu cầu cấp bách đặt ra cho cách mạng nước ta lúc đó là thực hiện cho được “Một dân tộc, một Mặt trận”.
Sau gần 3 năm chuẩn bị và thực hiện sự thống nhất về tổ chức từ cơ sở, ngày 3-3-1951 Đại hội toàn quốc thống nhất Việt Minh – Liên Việt đã thành lập Mặt trận Liên Việt với mục đích:
“... tiêu diệt thực dân Pháp xâm lược, đánh bại bọn can thiệp Mỹ, trừng trị Việt gian phản quốc, củng cố và phát triển chế độ dân chủ nhân dân, xây dựng một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ tự do, phú cường và góp sức cùng nhân dân thế giới bảo vệ hoà bình lâu dài”.
Mặt trận có nhiệm vụ vận động các tầng lớp nhân dân xây dựng và bảo vệ chính quyền; các đoàn thể trong Mặt trận hoạt động thống nhất theo Chương trình chung.
Đại hội khẳng định sự đoàn kết giữa các giai cấp, các tầng lớp nhân dân trong Mặt trận là đoàn kết lâu dài. Đoàn kết các tầng lớp nhân dân, lấy công-nông làm nền để kháng chiến, kiến quốc; vừa kháng chiến vừa kiến quốc; vừa kháng chiến vừa cải thiện dân sinh; kết hợp tinh thần yêu nước chân chính với tinh thần quốc tế đúng đắn; gắn kháng chiến của Việt Nam với phong trào bảo vệ hoà bình thế giới. Đại hội cử ra Uỷ ban Mặt trận toàn quốc gồm 53 vị do Cụ Tôn Đức Thắng làm Chủ tịch.
Đánh giá sự kiện quan trọng này, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Rừng cây đoàn kết đã nở hoa, kết quả và gốc rễ của nó đã ăn sâu, lan rộng khắp toàn dân. Nó có một tương lai “trường xuân bất lão”.
Với phương châm “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi” và “Kháng chiến toàn dân, toàn diện, toàn quốc”, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ban hành nhiều sắc lệnh, nghị định về kinh tế, tài chính và xã hội để đảm bảo và cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm sự đóng góp của nhân dân được công bằng, hợp lý và qua đó huy động tối đa sức người, sức của cho tiền tuyến, cho cuộc chiến đấu lâu dài.
Song song với việc dùng quân sự để đánh phá ác liệt vào vùng tự do, vùng giải phóng, thực dân Phápc đẩy mạnh chính sách tuyên truyền, xuyên tạc, lừa bịp, mua chuộc, chia rẽ lương giáo, gây mâu thuẫn giữa các dân tộc, thành lập cái gọi là “xứ tự trị” của người Mường, người Thái, người Nùng; dụ dỗ trí thức bỏ vùng tự do về vùng tạm chiếm do địch kiểm soát.
Trước âm mưu thâm độc đó của kẻ thù, các chính đảng, các đoàn thể thành viên của Mặt trận đã tuyên truyền, vận động, giáo dục các giới đồng bào tăng cường đoàn kết, giúp đỡ, đùm bọc lẫn nhau khắc phục những khó khăn, thực hành tốt các chính sách của Nhà nước, thực hiện cuộc vận động 3 không “không nghe, không tin, không theo địch”, quyết đập tan mọi hành động tàn bạo và âm mưu thâm độc của địch.
Trên mặt trận đối ngoại, mặc dầu trong hoàn cảnh hết sức khó khăn về nhiều mặt đặc biệt là điều kiện tài chính, Mặt trận đã chủ động và tích cực tham gia các hội nghị quốc tế, qua đó có điều kiện tiếp xúc với đại diện nhân dân thế giới, các tổ chức dân chủ, nhất là các đoàn thể dân chủ, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới.
Ngày 30-1-1953 Trung ương Đảng Lao động Việt Nam quyết định tiến hành cải cách ruộng đất trong kháng chiến và phát động giảm tô, thực hiện giảm tức.
Tháng 11-1953 Hội nghị toàn quốc của Đảng thông qua Cương lĩnh cải cách ruộng đất, quyết định cải cách ruộng đất ở vùng tự do. Ngày 1-12-1953 Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thông qua Luật Cải cách ruộng đất.
Hưởng ứng chủ trương của Đảng, Mặt trận một mặt tích cực tham gia phát động giảm tô, giảm tức và cải cách ruộng đất nhằm động viên khí thế cách mạng của nông dân, tăng cường liên minh công nông; mặt khác, thực hiện những chính sách và biện pháp cụ thể để tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các nhà tư sản, các nhân sĩ dân chủ, thân sĩ yêu nước, triệt để phân hoá giai cấp địa chủ, ổn định tư tưởng và đoàn kết những địa chủ kháng chiến cùng con em họ tham gia công tác ở hậu phương hay đang chiến đấu ngoài tiền tuyến.
Kế tục sự nghiệp vẻ vang của các hình thức Mặt trận trước đó, đặc biệt là của Mặt trận Việt Minh, của Việt Nam độc lập đồng minh Hội, Mặt trận Liên Việt đã góp phần quan trọng vào việc động viên toàn dân, toàn quân xây dựng và bảo vệ chính quyền và là một trong những trụ cột của Nhà nước dân chủ nhân dân, là sức mạnh vô biên của cuộc kháng chiến, kiến quốc, là cơ sở quần chúng rộng rãi làm thành một “áo giáp” bền vững của Đảng để đánh thắng bọn xâm lược và tay sai của chúng(1), đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, buộc thực dân Pháp và bè lũ tay sai ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 công nhận chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, giải phóng một nửa đất nước, đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương vững chắc cho tiền tuyến lớn miền Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược.
Theo Nguyễn Túc/Đại đoàn kết