Thứ Tư, 25/9/2024
Môi trường
Thứ Hai, 23/9/2013 17:23'(GMT+7)

Chủ động "4 tại chỗ"

Nhà dân ở huyện biên giới Ea Súp, Đắc Lắc ngập hoàn toàn trong nước lũ (Ảnh: Dantri.com)

Nhà dân ở huyện biên giới Ea Súp, Đắc Lắc ngập hoàn toàn trong nước lũ (Ảnh: Dantri.com)

Trận lũ xảy ra trên địa bàn xã Ia Jlơi, huyện Ea Súp (Đắc Lắc) vào trưa 17-9 trong chốc lát đã cuốn trôi 12 người. Những ngày qua, công tác tìm kiếm, cứu nạn người mất tích đã được lực lượng quân đội, công an, biên phòng và nhân dân địa phương triển khai tích cực, khẩn trương với nỗ lực cao nhất. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền địa phương và LLVT đã có nhiều việc làm thiết thực nhằm sẻ chia đau thương, mất mát với thân nhân những người thiệt mạng, nạn nhân mất tích và hỗ trợ số người may mắn thoát nạn sớm ổn định cuộc sống.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn ở huyện Ea Súp trong trận lũ vừa qua chúng tôi thấy, phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư - phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ) đã không được phát huy, thậm chí còn bộc lộ nhiều yếu kém cần khắc phục. Trong đó yếu nhất vẫn là chưa chủ động được lực lượng, phương tiện tại chỗ. Ea Súp cũng như nhiều địa phương khác ở Tây Nguyên có địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn cách trở, nên việc bảo đảm lực lượng, phương tiện phòng, chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tại chỗ thường không đạt yêu cầu. Những xã được xác định là “rốn lũ”, nhưng do không có kinh phí nên chưa trang bị được ca nô, xuồng máy, nên khi lũ, lụt xảy ra rất lúng túng, ứng phó không hiệu quả, chủ yếu vẫn phải nhờ đến sự hỗ trợ về lực lượng, phương tiện của huyện và tỉnh. Trong khi đó, huyện, tỉnh lại cách xa từ vài chục đến hàng trăm ki-lô-mét, rất khó để điều động kịp thời lực lượng và phương tiện. Một số cơ quan là thành viên trong Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão của huyện được trang bị phương tiện chuyên dùng cứu nạn, cứu hộ, nhưng do công tác bảo quản, bảo dưỡng không thường xuyên, phương tiện bị hư hỏng nên khi xảy ra thiên tai, cần huy động thì lại không sử dụng được(!).

Thực tế đã cho thấy, chỉ khi nào chủ động được lực lượng, phương tiện tại chỗ mới triển khai có kết quả công tác phòng, chống, ứng cứu kịp thời, hiệu quả. Đặc biệt, đối với những thôn, xã ở vùng “tâm bão, rốn lũ”, nơi gần sông, suối, địa bàn thường càng phải chủ động về lực lượng, phương tiện. Lực lượng phòng, chống bão, lũ phải được huấn luyện, diễn tập thuần thục các phương án, tình huống để tránh bị động, bất ngờ. Phương tiện cần bảo quản, bảo dưỡng thường xuyên, để khi điều động là sử dụng được ngay. Đối với nhân dân, nhất là bà con ở địa bàn thường xảy ra bão, lũ, phải được tuyên truyền, tập huấn các kỹ năng ứng phó phòng, chống và cứu nạn, cứu hộ. Bà con cũng nên trang bị cho mình những công cụ, phương tiện cần thiết như thuyền, bè mảng, áo phao, phao cứu sinh, can nhựa, để chủ động cứu được chính mình.

Trận lũ ở Ea Súp không phải là lũ lịch sử, nhưng lại xảy ra bất ngờ, gây hậu quả nghiêm trọng còn do công tác vận hành, xả lũ của các hồ thủy lợi, thủy điện trên thượng nguồn đã không thực hiện đúng quy trình, cần phải làm rõ, xử lý nghiêm và khắc phục kịp thời.


Từ thực tế giao thông và địa hình ở Tây Nguyên, nhiều ý kiến cho rằng, để công tác cứu nạn, cứu hộ ở địa bàn này được triển khai kịp thời, hiệu quả, trong những tình huống cần thiết, Ban Chỉ huy PCLB &TKCN Trung ương nên bố trí, điều động trực thăng cứu hộ mới đạt kết quả./.


Kiều Bình Định (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất