Thứ Hai, 30/9/2024
Tuyên giáo các cấp
Chủ Nhật, 18/9/2011 14:0'(GMT+7)

Chủ động – linh hoạt – sáng tạo – thuyết phục trong công tác tuyên giáo Thủ đô

 

Ba năm sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, đời sống kinh tế-văn hóa-xã hội Thủ đô có nhiều đổi thay và chuyển dịch lớn. Bên cạnh những cơ hội và điều kiện thuận lợi để phát triển, Hà Nội vẫn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức rất gay gắt và nhiều vấn đề mới nảy sinh, đòi hỏi một nỗ lực lớn lao, sự đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ của cả hệ thống chính trị, với một tinh thần vào cuộc mới.

Để làm được điều này, điểm mấu chốt là phải nâng cao nhận thức, tăng cường sự thống nhất trong Đảng, tạo sự đồng thuận cao và tin tưởng của toàn xã hội, trong đó công tác tuyên giáo phải thực sự đóng vai trò “chủ công”, thể hiện rõ vị trí quan trọng trong toàn bộ hoạt động lãnh đạo của Đảng; không ngừng nâng cao tính chiến đấu, tính thiết thực, tính thuyết phục, bám sát thực tiễn, kịp thời giải đáp những vướng mắc trong tư tưởng cán bộ, đảng viên và nhân dân, tích cực góp phần xây dựng Đảng bộ thành phố Hà Nội vững mạnh trên các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức, củng cố và phát triển Đảng, từ đó phát huy sức mạnh tổng hợp để hoàn thành những nhiệm vụ to lớn và nặng nề của Thủ đô Hà Nội trong quá trình hội nhập, phát triển.

Hà Nội là trái tim của cả nước. Đây là địa bàn đặc biệt, nơi tỏa sáng hình ảnh đất nước một cách tập trung nhất, tiêu biểu nhất; đồng thời cũng là nơi các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị luôn tập trung tìm cách chống phá trên mọi lĩnh vực, tăng cường các hoạt động “diễn biến hoà bình” hòng làm suy yếu thể chế chính trị XHCN, giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Trong hoàn cảnh đó, ngay khi thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội về mở rộng địa giới hành chính, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, Hà Nội cùng lúc vừa phải giải quyết một khối lượng công việc khổng lồ, vừa phải đối mặt với những khó khăn, thách thức lớn như: khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu; thiên tai, dịch bệnh; những vấn đề “nóng” của quá trình đô thị hoá... Đồng thời, thành phố phải nỗ lực khắc phục những hạn chế, bất cập trong một số lĩnh vực: quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng, giải phóng mặt bằng, quản lý đất đai, môi trường, quản lý dân cư, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội bức xúc, cải cách hành chính, công bằng xã hội, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo... Trước những khó khăn, thách thức mới, đội ngũ những người làm công tác tuyên giáo Thủ đô đã phát huy tính chủ động, linh hoạt, sáng tạo, phối hợp cùng với các ban, ngành thành phố hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Năm 2010 và 6 tháng đầu năm 2011 là khoảng thời gian rất đặc biệt của Thủ đô với nhiều nhiệm vụ chính trị quan trọng, như: tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011–2016... Việc tổ chức thành công những sự kiện trên có thể được xem như một cuộc “sát hạch” nghiêm khắc, một mức thang đánh giá chất lượng hoạt động trên nhiều lĩnh vực của guồng máy Thủ đô, trong đó có công tác tuyên giáo. Công tác tuyên giáo Thủ đô vừa bảo đảm hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, đồng thời phải làm tốt các công việc thường nhật trong điều kiện Thủ đô đã mở rộng, bộn bề những việc mới, việc khó, việc chưa có tiền lệ. Thật đáng mừng, hiệu quả công tác tuyên giáo thời gian qua đã góp phần xứng đáng vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô, nhất là những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm!

Các nội dung công việc mang tính thường xuyên, như: công tác tham mưu, chỉ đạo tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; tổ chức đánh giá kết quả thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”... và các nội dung công tác khác như: báo chí-xuất bản, giáo dục lý luận chính trị, lịch sử Đảng, dư luận xã hội, khoa giáo, thông tin công tác tư tưởng, văn hoá văn nghệ luôn được ngành tuyên giáo triển khai đồng bộ với tinh thần tích cực, sáng tạo và thu được nhiều kết quả tích cực, có tác dụng hỗ trợ trực tiếp cho việc hoàn thành những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm.

Công tác tuyên giáo luôn đi trước, đi trong và đi sau các công việc thường nhật cũng như trong các sự kiện quan trọng; phối hợp hiệu quả với các cơ quan, ban ngành hữu quan thành phố, tham mưu, đề xuất các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, giải quyết những vấn đề phát sinh của Thủ đô đang trong quá trình hội nhập và phát triển như: ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường; một bộ phận nông dân bị thu hồi đất trong khi tồn đọng không ít dự án treo, sản xuất gặp khó khăn, công nhân mất việc làm; tình trạng quá tải bệnh viện, thiếu trường học, gay gắt nhất là trường mẫu giáo công lập... Trong quá trình giải quyết nhiều “điểm nóng”, “việc nóng” kéo dài như: giải phóng mặt bằng đường vành đai 3, tẩy trừ tệ đổ rác ra đường, xóa quảng cáo rao vặt bừa bãi, tăng cường trật tự xây dựng và trật tự đô thị, xây dựng nếp sống văn hóa, phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch... đều có sự vào cuộc kịp thời và hiệu quả của công tác tuyên giáo.

Từ thực tiễn triển khai công tác tuyên giáo trên địa bàn Hà Nội mở rộng thời gian qua, có thể rút ra một số kinh nghiệm bổ ích để từ đó nâng cao hơn nữa chất lượng công tác quan trọng này trong tình hình mới.

Thứ nhất, công tác tuyên giáo phải chú trọng đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động với phương châm: chủ động - linh hoạt - sáng tạo - thuyết phục. Theo đó, không ngừng đổi mới lề lối, tác phong làm việc, bám sát cơ sở, kịp thời phát hiện những vấn đề mới nảy sinh, nắm bắt tư tưởng, tâm lý xã hội, tăng cường sự kết nối với các cấp uỷ Đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội, nhất là sự phối hợp giữa các “binh chủng” làm công tác tuyên giáo để kịp thời triển khai các biện pháp phù hợp. Chỉ có như vậy, công tác tuyên giáo mới thực sự là nhiệm vụ của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị, của mọi ngành, mọi cấp. Chúng ta có thể làm công tác tuyên giáo ở mọi tổ chức, đơn vị, trong mọi tế bào xã hội. Có thể nói, đây là “bí quyết” và cũng là bài học sâu sắc đối với công tác tuyên giáo.

Thứ hai, bối cảnh mới càng đòi hỏi những người làm công tác tuyên giáo cần khắc phục tình trạng thấy việc khó, vấn đề phức tạp, nhạy cảm là né tránh, đùn đẩy. Phải hết sức tránh “bỏ trống trận địa” thông tin, tư tưởng vì đó chính là cơ hội, điều kiện thuận lợi để kẻ xấu và các thế lực thù địch tung ra những thông tin sai lệch, những luận điệu sai trái gây phân tâm, nghi ngờ trong xã hội.

Hiện nay, Thủ đô và đất nước đang tiến hành một cuộc kiến tạo lớn, huy động mọi nguồn lực cho phát triển. Khi thực hiện một số công trình, dự án lớn sẽ khó tránh khỏi sự đụng chạm đến lợi ích của người dân. Thực tế cho thấy, trong quá trình giải quyết bất cứ một việc gì, nếu làm có lý, có tình, đúng quy trình pháp luật, bảo đảm hài hòa lợi ích cộng đồng, Nhà nước và người dân thì chắc chắn sẽ được dư luận rộng rãi đồng tình, ủng hộ. Muốn làm được như vậy, trước hết những người làm công tác tuyên giáo phải chủ động vào cuộc, làm tốt vai trò “cầu nối” để người dân hiểu, thông cảm và chia sẻ trách nhiệm với Nhà nước; mặt khác bộ máy công quyền cần thể hiện rõ hơn trách nhiệm với người dân, giải quyết hiệu quả những việc chính đáng mà người dân mong đợi. Một khi chúng ta đạt được sự thống nhất trong Đảng, làm cơ sở để tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của các cấp chính quyền thì việc dẫu khó khăn, phức tạp đến mấy cũng giải quyết được. Thực tế giải quyết một số “điểm nóng” ở Hà Nội thời gian qua đã minh chứng rõ điều đó.

Thứ ba, công tác tuyên giáo cần gắn với những cuộc vận động lớn, làm cho các cuộc vận động đó thực sự đi vào cuộc sống một cách thiết thực, hiệu quả. Sức sống của công tác tuyên giáo không phải ở nghệ thuật “đăng đàn diễn thuyết”, càng không phải từ những lời hô hào, những luận thuyết giáo điều, áp đặt, duy ý chí mà phải bắt nguồn từ thực tiễn sống động, từ việc giải quyết những khúc mắc, đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của nhân dân và những yêu cầu của cuộc sống. Chính hiệu quả từ hoạt động thực tiễn sẽ là sức hút để tập hợp lực lượng, tạo nên sức mạnh mới. Thước đo hiệu quả của công tác tuyên giáo chính là sức thuyết phục. Chỉ riêng hoạt động tuyên giáo đơn lẻ không thể tạo được tính thuyết phục. Thành công trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội và hiệu quả trong việc giải quyết trên thực tế các vấn đề nổi cộm, bức xúc tự nó tạo ra “sức thuyết phục không lời”.

Hiện nay, đời sống chính trị-xã hội, kinh tế quốc tế và khu vực tiếp tục có những diễn biến rất phức tạp như: tình hình Trung Đông, Bắc Phi, khủng hoảng nợ công tại nhiều nước, nhất là tình hình Biển Đông. Trong khi đó, lạm phát, giá cả tăng cao đang làm cho đời sống của người dân, nhất là những người có thu nhập thấp, các đối tượng chính sách gặp khó khăn. Đồng thời, nhiều vấn đề bức xúc chưa được giải quyết dứt điểm như: nhu cầu học hành, chữa bệnh, ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông; đây đó còn hiện tượng mất dân chủ... gây tâm lý không thuận trong các tầng lớp nhân dân. Quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa và đô thị hóa đã, đang và sẽ có những mặt trái làm tổn thương một số đối tượng nhất định trong xã hội. Tất cả, đang là những vấn đề gây tác động không nhỏ đến tư tưởng, tình cảm của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Thứ tư, Thủ đô Hà Nội đang đứng trước cơ hội lịch sử và tiềm năng phát triển lớn sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 - tầm nhìn đến năm 2050”, “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020- định hướng đến năm 2030”. Bên cạnh những thuận lợi cơ bản cũng nảy sinh không ít khó khăn, thách thức kể cả trước mắt cũng như lâu dài, đặt ra nhiều yêu cầu, đòi hỏi rất cao đối với các cấp, các ngành, trong đó ngành tuyên giáo Thủ đô tiếp tục phải giữ vai trò “chủ công” trong mặt trận chính trị-tư tưởng.

Trước tình hình mới như vậy, đội ngũ làm công tác tuyên giáo phải là lực lượng nòng cốt trong việc bảo vệ vững chắc trận địa chính trị-tư tưởng của Đảng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc xung quanh Đảng Cộng sản Việt Nam; phát huy sức mạnh tổng hợp, đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ XV và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI thực sự đi vào cuộc sống, xây dựng Thủ đô giàu đẹp-văn minh-hiện đại, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

HỒ QUANG LỢI

Ủy viên Ban Thường vụ-Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất