(TG)-Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương tại Lễ khai giảng Lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp khóa V.
Ngày 8-10, tại Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã tổ chức Lễ khai giảng Lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp khóa V. Đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã tới dự và phát biểu chỉ đạo tại Lễ khai giảng.
Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Tô Huy Rứa nhiệt liệt chào mừng 92 học viên đã được Trung ương và các cấp ủy, tổ chức Đảng tin tưởng cử tham dự lớp học lần này. Đây là các cán bộ đã được các cấp ủy, tổ chức đảng tín nhiệm, giới thiệu, đưa vào quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt của các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương. 4 tháng học tập trung tại Học viện, các học viên sẽ được trang bị hệ thống kiến thức cơ bản về lý luận, thực tiễn và một số kỹ năng, góp phần củng cố nhận thức về chính trị - xã hội, lập trường cách mạng; xây dựng tầm nhìn và tư duy chiến lược, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý; rèn luyện, bồi dưỡng đạo đức cách mạng, tác phong, trách nhiệm công vụ của người cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước trước yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.
Đồng chí Tô Huy Rứa cũng đã đề nghị Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cần bảo đảm thật tốt nội dung của từng chuyên đề và toàn bộ chương trình của lớp học; vừa cung cấp những kiến thức cơ bản, vừa bổ sung những kiến thức mới về lý luận và thực tiễn, phù hợp với đối tượng của Lớp bồi dưỡng. Về thực tiễn, cần hết sức coi trọng trau dồi về kỹ năng lãnh đạo, quản lý; khả năng nghiên cứu tổng kết thực tiễn và kỹ năng xử lý tình huống trong chỉ đạo, điều hành; tăng cường các báo cáo điển hình từ thực tế công tác.
Đồng chí lưu ý cần chủ động và tích cực gắn bồi dưỡng lý luận, quan điểm, đường lối với nghiên cứu, tổng kết thực tiễn. Yêu cầu về nghiên cứu, tổng kết thực tiễn đối với học viên của lớp học phải được coi là một trong những yêu cầu quan trọng hàng đầu. Những buổi thảo luận phải trở thành diễn đàn mà ở đó các học viên phân tích, tìm lời giải cho các vấn đề thực tiễn nóng bỏng, cấp bách trong đó có nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia, nhiệm vụ chống tự diễn biến, tự suy thoái, lợi ích nhóm.
Đối với các học viên, đồng chí Tô Huy Rứa nhấn mạnh việc học tập và rèn luyện đạo đức cách mạng theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh phải được thực hiện một cách nghiêm túc, công phu, thấu đáo; thể hiện ở mọi nơi, mọi lúc, ngay cả những buổi học trên lớp, trong sinh hoạt hàng ngày, trong các chuyến đi thực tế cũng như nhiều hoạt động khác của lớp học. Đồng chí cũng đề nghị các đồng chí học viên khóa V nghiêm túc thực hiện Quy chế học viên dành riêng cho lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp để việc học tập và rèn luyện đạt được các mục đích, yêu cầu đề ra.
Chương trình đi thực tế cần thiết thực, khuyến khích tổ chức đi đến những nơi có thực tiễn sôi động, đến vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nơi có nhiều khó khăn. Các học viên phải đến tận cơ sở để cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nhân dân, hoà nhập với đời sống ở cơ sở, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu của nhân dân và thực trạng đội ngũ cán bộ ở cơ sở. Mỗi học viên có trách nhiệm giúp đội ngũ cán bộ ở cơ sở nâng cao kiến thức, năng lực công tác; đề xuất được cho cấp ủy, chính quyền địa phương các giải pháp hữu hiệu, cụ thể, khả thi, góp phần giải quyết các vấn đề đang tồn tại, những tình huống phức tạp nảy sinh.
Đồng chí Tô Huy Rứa cũng cho rằng, cần thống nhất áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực đối với các lớp cán bộ dự nguồn cao cấp và nghiêm túc trong chấm điểm, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của từng học viên. Trước và sau khi nghe bài thuyết trình của giảng viên, mỗi học viên phải tự mình nghiên cứu chuyên đề, tìm tài liệu để mở rộng phạm vi nghiên cứu, liên hệ, trăn trở nhìn nhận vấn đề dưới nhiều góc độ khác nhau để tìm cách giải quyết của riêng mình. Làm thế nào để mỗi buổi học trên lớp sẽ không còn là buổi thuyết trình thuần túy, mà là một không gian đối thoại, trao đổi đa chiều giữa giảng viên và các học viên, giữa các học viên với nhau trên cơ sở thực tiễn công tác. Đó là cách tốt nhất để gắn lý luận với thực tiễn, gắn nhà trường với nhịp sống sinh động của xã hội và thực tiễn xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, ban, bộ, ngành Trung ương.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 324 học viên của 4 lớp dự nguồn cán bộ cao cấp đã hoàn thành chương trình học tập, nghiên cứu và được đánh giá là những lớp kiểu mẫu trong học tập, nghiên cứu, rèn luyện đạo đức cách mạng đối với đội ngũ cán bộ được quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt của hệ thống chính trị.
Thu Hằng