(TCTG) - Ngay từ ngày đầu xây dựng chính quyền cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quan tâm đến vấn đề chống tham ô, lãng phí. Trong thư gửi UBND các kỳ, tỉnh, huyện và làng, Người đã phê phán một số lỗi lầm mà những cán bộ chính quyền đã mắc phải như trái phép, cậy thế, hủ hoá, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo; đồng thời chỉ ra nguyên nhân và tác hại của bệnh tham ô, và cảnh báo ai vi phạm những lỗi lầm này, thì phải hết sức sửa chữa; nếu không tự sửa chữa thì Chính phủ sẽ không khoan dung.
Người cho rằng "Đứng về phía cán bộ mà nói, tham ô là: ăn cắp của công làm của tư; đục khoét của nhân dân...". "Đứng về phía nhân dân mà nói, tham ô là: Ăn cắp của công, khai gian, lậu thuế"(1). Chính bản chất tham ô là lợi dụng quyền hành và sơ hở để lấy cắp của công làm của riêng. Những người có hành vi tham ô thường là những người hám lợi, ích kỷ, hẹp hòi, chỉ biết mình mà không biết người, không biết tập thể. Tham ô được biểu hiện rất đa dạng như: trộm cướp của công, đục khoét, ích kỷ, hẹp hòi, thiếu trung thực. Tham ô được diễn ra dưới nhiều hình thức, mức độ khác nhau. Hồ Chí Minh cho rằng tham ô vốn là căn bệnh của xã hội thực dân phong kiến để lại. Tuy chúng ta đã lật đổ được chính quyền cũ, song những "nọc xấu" của nó vẫn bám theo quá trình chúng ta tiến hành xây dựng chế độ mới. Tham ô diễn ra trong cán bộ và trong nhân dân. Những người tham ô có chức, có quyền thì lợi dụng chức tước, quyền hành để bòn rút của cải của tập thể, của nhân dân làm của riêng. Đó là những người dối trên, lừa dưới, lợi dụng những sơ hở của tổ chức, luật pháp, chính sách để thu lợi bất chính cho cá nhân. Đối với những người không có chức, có quyền thì hành vi tham ô của họ là ăn cắp của công, khai gian, lậu thuế. Những người này thường lợi dụng sơ hở trong quản lý để ăn cắp tài sản chung cho riêng mình.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng tham ô và lãng phí là những căn bệnh rất nguy hiểm, đều là "kẻ thù của nhân dân…", "…nó không mang gươm mang súng mà nó nằm ngay trong các tổ chức của ta"(2). Người coi tham ô là thứ "giặc ở trong lòng". "Giặc bên ngoài" không đáng sợ bằng "giặc bên trong" vì nó phá hoại từ bên trong phá ra, nó làm hỏng công việc của ta, làm chậm trễ công cuộc kháng chiến và kiến quốc, làm hỏng tinh thần trong sạch và ý chí vượt khó khăn của cán bộ, phá hoại đạo đức cách mạng, phá tan sự liên kết thống nhất tổ chức, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân. Nếu không sớm được ngăn chặn thì tham ô sẽ từ hiện tượng phát triển thành cái phổ biến, thành quốc nạn đe doạ đến sự tồn tại của chế độ mới mà nhân dân ta đang xây dựng. Vì tính chất nguy hiểm của nạn tham ô nên Hồ Chí Minh coi những người tham ô là những con sâu, con mọt, nó giống như tội của những kẻ làm "Việt gian, mật thám"(3).
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, một trong những nguyên nhân trực tiếp của tham ô là bệnh quan liêu, biểu hiện ở chỗ cá nhân và cơ quan lãnh đạo, cơ quan quản lý từ cấp trên đến cấp dưới không sát sao công việc thực tế, không theo dõi và giáo dục cán bộ, không gần gũi quần chúng, không bám sát các vấn đề, không kiểm tra đến nơi đến chốn. Do mắc bệnh quan liêu thành thử "có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững. Kết quả là những người xấu, những cán bộ kém tha hồ mà tham ô, lãng phí"(4). Vì vậy muốn trừ tham ô thì phải trừ được bệnh quan liêu. Chủ nghĩa cá nhân là tư tưởng ích kỷ, hẹp hòi, chỉ nghĩ đến mình mà không nghĩ đến người khác, chỉ chăm lo lợi ích riêng mà không chăm lo cho lợi ích chung. Hồ Chí Minh cho rằng chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: quan liêu, tham ô, nó trói buộc, nó bịt mắt những nạn nhân của nó, những người này bất kỳ việc gì cũng xuất phát từ lòng ham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân mình, chứ không nghĩ đến lợi ích giai cấp, nhân dân. Do vậy đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân cũng chính là chống tham ô. Theo Người, vấn đề cơ bản trong đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, trừ khử nạn tham ô chính là phải ra sức tu dưỡng và nâng cao đạo đức cách mạng. Bởi theo Người "Có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại cũng không sợ sệt, rụt rèlùi bước. Vì lợi ích chung của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc và của loài người mà không ngần ngại hy sinh tất cả lợi ích riêng của cá nhân mình…"; "… không kèn cựa về mặt hưởng thụ; không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hoá"(5).
Có thể nói, trong suốt 24 năm giữ trọng trách cao nhất trong cơ quan Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là tấm gương sáng ngời về tu dưỡng đạo đức cách mạng, là con người hình mẫu: cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Trong suốt những năm tháng chỉ đạo sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc, Hồ Chí Minh luôn có thái độ đúng đắn đối với những cán bộ mắc tội tham ô. Người luôn đề cao vấn đề tự rèn luyện, khuyên họ tự sửa chữa khuyết điểm, tu dưỡng đạo đức để trở thành người có ích cho xã hội. Với những người tham ô nghiêm trọng, Người luôn xem xét công tâm, luôn đặt lợi ích của dân tộc, của nhân dân lên trên hết để xem xét và quyết định đúng đắn các trường hợp vi phạm pháp luật, chỉ đạo các cơ quan pháp luật xét xử đúng người, đúng tội.
Theo Hồ Chí Minh, tham ô là hiện tượng xã hội nảy sinh từ rất sớm. Nó xuất hiện trong chế độ ta ngay khi Đảng mới cầm quyền, Người coi tham ô là một trong những "căn bệnh" nguy hiểm gây ra bao tác hại khôn lường nếu không sớm phát hiện và phòng trừ; và đấu tranh chống tham ô là một nhiệm vụ cần kíp, quan trọng không kém đánh giặc ngoài mặt trận. Tham ô là những tư tưởng và hành động hám lợi, vị kỷ, tư túi tồn tại ngay trong nhiều cơ quan Đảng và Nhà nước. Đó là một loại "giặc bên trong" vô hình trong xã hội ta.
Để cuộc đấu tranh chống tham ô đi đến kết quả tốt, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng phải chống từ bên trong, phải tiệt trừ tận gốc những tư tưởng và hành vi tham ô. Bên cạnh biện pháp tự tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cá nhân, Người còn cho rằng phải phát huy sức mạnh của mọi lực lượng trong toàn xã hội, trong đó cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần phê bình và tự phê bình, kịp thời phát hiện và đấu tranh ngăn chặn các biểu hiện tham ô. Tham ô nảy sinh từ những kẽ hở của chủ trương, chính sách, pháp luật, vì vậy theo Người, cuộc đấu tranh chống tham ô phải gắn liền với hoàn thiện chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Đấu tranh loại trừ "căn bệnh tham ô" phải được tiến hành thường xuyên, lâu dài chứ không phải chỉ là chủ trương, biện pháp nhất thời. Hồ Chí Minh chỉ rõ trong đấu tranh chống tham ô cần phải kết hợp chặt chẽ hai liệu thuốc "phòng và chống", xét về lâu dài, Người cho rằng "phòng bệnh" vẫn là hơn cả./.
------------
(1),(2),(3),(4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.6, Nxb CTQG, H, 2000, tr.488, 490.
(5) Sđd, t.9, tr.284.
Phùng Quốc Việt