Trong công tác xây dựng Ðảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm đến vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trong tác phẩm Sửa đổi lề lối làm việc, Người viết: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc... Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém". Trước khi từ biệt chúng ta, trong Di chúc, Người đã căn dặn: "Ðảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Ðảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân". Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những luận điểm rất quan trọng về đạo đức cách mạng; tính tiên phong gương mẫu của người cán bộ, đảng viên; công tác cán bộ; công tác tự phê bình và phê bình; công tác kiểm tra đối với cán bộ, đảng viên mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị, vẫn còn nóng hổi tính thời sự trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên vừa hồng vừa chuyên, xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã suốt đời không ngừng chăm lo xây dựng Ðảng ta cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, kiểm tra, nhưng vẫn chú trọng hơn đến tư cách, đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên, Người nói: "Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân". Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ đề ra một hệ thống chuẩn mực đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên học tập mà bản thân Người đã suốt đời gương mẫu thực hiện.
Nhờ tấm gương cao đẹp của Người và của các lãnh tụ tiền bối xung quanh Người, đa số cán bộ, đảng viên các thế hệ đã hình thành được một nếp sống trọng đạo đức, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Vì vậy, trong diễn văn kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Ðảng, Người đã khẳng định: Ðảng ta là đạo đức, là văn minh.
Thời kỳ chuẩn bị thành lập Ðảng và đấu tranh giành chính quyền, đầu năm 1927, trong trang đầu cuốn Ðường cách mệnh, Người đã nêu những yêu cầu về "Tư cách một người cách mệnh", trong đó xác định về đạo đức mà người cách mạng phải có: vị công vong tư; không hiếu danh, không kiêu ngạo; nói thì phải làm; giữ chủ nghĩa cho vững; hy sinh; ít lòng tham muốn về vật chất; trực mà không táo bạo; quyết đoán; dũng cảm; phục tùng đoàn thể.
Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, khi trở thành Ðảng cầm quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn thấy trước hoàn cảnh mới, người cán bộ, đảng viên có chức, có quyền dễ bị quan liêu, hách dịch, tha hóa, biến chất, Người nói: "Có những người trong lúc đấu tranh thì hăng hái, trung thành, không sợ nguy hiểm, không sợ cực khổ, không sợ quân địch, nghĩa là có công với cách mạng. Song đến khi có ít nhiều quyền hạn trong tay thì đâm ra kiêu ngạo, xa xỉ, phạm vào tham ô, lãng phí, quan liêu, không tự giác, mà biến thành người có tội với cách mạng". Người luôn nhấn mạnh phải nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, xem tham ô, lãng phí, quan liêu,... là "thứ giặc nội xâm", chung quy tất cả những thói hư tật xấu đều do từ chủ nghĩa cá nhân mà ra và cần kiên quyết chống. Người nhắc nhở, cảnh báo: "Một dân tộc, một Ðảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân".
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh về đạo đức là gốc của người cách mạng nhưng không coi nhẹ tài năng. Người nói: người có đức mà không có tài thì dùng vào việc gì cũng khó, nhưng người có tài mà không có đức thì không dùng vào việc gì được cả. Với mọi cán bộ, đảng viên, Người yêu cầu: vững về chính trị, giỏi về chuyên môn; nghề nào cũng phải học, phải thông thạo. Người nhắc nhở: không thể lãnh đạo chung chung được nữa, chỉ có nhiệt tình không thôi thì chưa đủ, phải có tri thức nữa.
Ngoài phẩm chất, năng lực, Người còn yêu cầu người cán bộ cách mạng phải có phong cách công tác khoa học, chống chủ quan, khoe khoang, kiêu ngạo, quan liêu đại khái, phô trương, ham chuộng hình thức; chống lối làm việc gặp đâu hay đấy, thiếu kế hoạch, thiếu kiểm tra.
Người căn dặn "Ðạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống, nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong", vì vậy, người cán bộ đảng viên phải thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng ở mọi lúc, mọi nơi, mọi lĩnh vực và môi trường công tác.
Ðánh giá về vị trí, vai trò về công tác cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Khi đã có chính sách đúng thì sự thành công hay thất bại của chính sách đó là do nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài thì chính sách đúng mấy cũng vô ích".
Hiểu rõ và đánh giá đúng cán bộ mới phát hiện được người có tài để sử dụng, đề bạt và mới có cơ sở để bồi dưỡng cán bộ. Trước khi cất nhắc, đề bạt cán bộ phải nhận xét rõ ràng, phải xem xét cả công tác và cách sinh hoạt; cách nói, cách viết và việc làm; cách đối xử với mọi người, biết cả ưu điểm và khuyết điểm của cán bộ. Ðồng thời tránh rụt rè hoặc quá khắt khe, cũng như tránh vội vàng, thiếu nghiên cứu, cân nhắc khi bố trí, sắp xếp, đề bạt cán bộ. Sử dụng cán bộ và đặt người phải đúng việc, vì việc mà đặt người chứ không vì người mà định việc. Người nói: "Người đời ai cũng có chỗ hay chỗ dở. Ta phải dùng chỗ hay của người và giúp người chữa chỗ dở" và phê phán: "Không biết tùy tài mà dùng người... Thợ rèn thì bảo đi đóng tủ, thợ mộc thì bảo đi rèn dao. Thành thử hai người đều lúng túng. Nếu biết tùy tài mà dùng người, thì hai người đều thành công". Phải công tâm, có lòng yêu thương cán bộ và nắm vững yêu cầu của tổ chức, "Ðảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta".
Trong công tác cán bộ, Người còn lưu ý giải quyết quan hệ giữa cán bộ trẻ và cán bộ già, cán bộ cũ và cán bộ mới, phải biết "tôn trọng nhau, giúp đỡ nhau, học lẫn nhau, đoàn kết chặt chẽ với nhau". Phải bố trí sao để cán bộ trẻ và cán bộ già, cán bộ mới và cán bộ cũ có thể đoàn kết, bổ sung, giúp nhau cùng hoàn thành nhiệm vụ.
Người còn luôn luôn chú ý đến việc không ngừng chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau. Ngay từ năm 1925, khi trực tiếp tuyên truyền, tổ chức lực lượng nòng cốt cho cách mạng Việt Nam, Người đã phát hiện và tập trung trước hết vào thanh niên. Sau khi nước nhà giành được độc lập, trước nhiệm vụ kháng chiến, kiến quốc, trong Thư gửi thanh niên, Người viết: "Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà... Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên". Người nói: "Vì lợi ích 10 năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. Chúng ta phải đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho nước nhà".
Trước khi từ biệt thế giới này, Người còn căn dặn: Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết. Với thanh niên, Ðảng phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng" vừa "chuyên".
Ðảng lãnh đạo không phải chỉ bằng chủ trương, đường lối, chính sách... mà còn bằng sự nêu gương, phát huy tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ "cộng sản" mà ta được họ yêu mến... Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước", Người nói: Ðối với dân tộc phương Ðông thì "một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền". Trong lịch sử đấu tranh của Ðảng ta qua mỗi thời kỳ cách mạng, rất nhiều tấm gương cán bộ, đảng viên trong chiến đấu, lao động và học tâp đã gương mẫu trước quần chúng và làm nên những thành tích vẻ vang.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra phương pháp công tác của người cán bộ, đảng viên, Người viết: "Ðảng viên đi trước, làng nước theo sau". Sự gương mẫu đi đầu, lời nói đi đôi với việc làm mẫu mực là sự thuyết phục, cảm hóa để lôi cuốn nhân dân vào các phong trào cách mạng. Theo Người, cán bộ, đảng viên phải làm gương cho nhân dân cả về lời nói và việc làm, để cho dân tin, dân phục, dân yêu, từ đó làm cho dân tin Ðảng, phục Ðảng, yêu Ðảng và làm theo chính sách của Ðảng và Chính phủ. Ðảng lãnh đạo, Ðảng cầm quyền thì người lãnh đạo cấp cao, người có chức vụ càng cao phải thể hiện là tấm gương càng sáng, để cấp dưới và quần chúng noi theo, Người nói: "Nhất là những người cán bộ và lãnh tụ, càng phải làm cho xứng đáng lòng tin cậy của Ðảng, của dân tộc. Càng phải làm gương cho cả đảng viên, tất cả quần chúng noi theo". Mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng rèn luyện, phấn đấu: "đặt lợi ích cách mạng của Ðảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết". Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quán triệt và vận dụng sáng tạo học thuyết Mác - Lê-nin về tự phê bình và phê bình vào hoàn cảnh cụ thể và truyền thống của dân tộc Việt Nam, Người chỉ rõ: Tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển tất yếu của một đảng, là "vũ khí rất cần thiết và sắc bén nhất để sửa chữa khuyết điểm và phát triển ưu điểm".
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ mục đích của tự phê bình và phê bình là nhằm xây dựng, thúc đẩy sự tiến bộ của mỗi cán bộ, đảng viên, mang tính văn hóa, nhân văn. Người viết: "Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ". Ðồng thời, Người cũng phê phán "Sợ mất oai tín và thể diện mình, không dám tự phê bình. Lại nói: nếu phê bình khuyết điểm của mình, của đồng chí mình, của Ðảng và Chính phủ thì địch sẽ lợi dụng mà công kích ta. Nói như vậy là lầm to. Khuyết điểm cũng như chứng bệnh. Phê bình cũng như uống thuốc. Sợ phê bình cũng như có bệnh mà giấu bệnh. Không dám uống thuốc. Ðể đến nỗi bệnh ngày càng nặng, không chết "cũng la lết quả dưa".
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh "Tự phê bình và phê bình phải đi đôi với nhau". Tự phê bình phải thật thà, có khuyết điểm gì nói hết, không giấu giếm và kiên quyết sửa chữa khuyết điểm. Phê bình phải trung thực, ngay thẳng, thành thật, không giấu giếm, không thổi phồng. Người cũng yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải tự phê bình và phê bình thường xuyên, phải tự sửa chữa khuyết điểm như rửa mặt, hít thở không khí hàng ngày. Nhưng hiện nay tình trạng tự phê bình và phê bình còn rất yếu, tại sao chúng ta không sợ mất lòng dân, không sợ mất lòng Ðảng, lại sợ mất lòng nhau, dẫn đến nể nang, né tránh, ngại va chạm còn khá phổ biến ở trong Ðảng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ mục đích và ý nghĩa tác dụng của công tác kiểm tra: "Nếu tổ chức việc kiểm tra cho chu đáo thì cũng như có ngọn đèn "pha". Bao nhiêu tình hình, bao nhiêu ưu điểm và khuyết điểm, bao nhiêu cán bộ chúng ta đều thấy rõ, có thể nói rằng: chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra". Kiểm tra không chỉ giúp cho lãnh đạo nắm chắc được chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, ngăn ngừa khuyết điểm, sai lầm, chống được bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy, xa rời thực tiễn, mà còn giúp cán bộ, đảng viên phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm, thúc đẩy và giáo dục cán bộ, đảng viên hoàn thành nhiệm vụ được giao, nêu cao tính tiền phong gương mẫu trước quần chúng. Trong các hình thức và phương pháp kiểm tra, Người đặc biệt đề cao kiểm tra thường xuyên đối với cán bộ, đảng viên: "Giao công việc mà không kiểm tra, đến lúc thất bại mới chú ý đến. Thế là không biết yêu dấu cán bộ".
Qua thực tiễn, Người đã phê phán hai loại cán bộ, đảng viên: một là, cậy mình là công thần cách mạng rồi đâm ra ngang tàng, không giữ gìn kỷ luật, không thực hiện Nghị quyết của Ðảng và Chính phủ. Họ kiêu ngạo, bất chấp kỷ luật, kỷ cương. Với những người này, cần phải đưa xuống công tác hạ tầng, khép vào kỷ luật của Ðảng và Chính phủ; hai là, những người nói suông. Hạng người này tuy thật thà, trung thành nhưng không có năng lực làm việc, chỉ biết nói suông.
Trong lịch sử đấu tranh của Ðảng ta qua mỗi chặng đường cách mạng, với Cương lĩnh chính trị, phương pháp đấu tranh thích hợp và sáng tạo, với sức mạnh tổ chức, kỷ luật, năng lực tổ chức thực tiễn và sự chiến đấu ngoan cường, hy sinh anh dũng, gian khổ đi trước, hưởng thụ đi sau, gương mẫu trước quần chúng, đa số cán bộ, đảng viên đã luôn luôn được nhân dân tin yêu, hết lòng bảo vệ, đùm bọc. Tuy nhiên, cùng với những ưu điểm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, hiện nay "Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và nhân dân và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu chưa được ngăn chặn, đẩy lùi". Các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện âm mưu diễn biến hòa bình với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt để chống phá Ðảng ta và chế độ ta.
Quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước sẽ làm thay đổi cơ cấu nền kinh tế, cơ cấu xã hội, cơ cấu tổ chức Ðảng và đảng viên. Ðội ngũ cán bộ được tôi luyện, trưởng thành trong kháng chiến dần dần sẽ không tham gia lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị; đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý mới được đào tạo cơ bản, có kiến thức chuyên môn cao, nhiều người được đào tạo ở nước ngoài, thích ứng với kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, song cần chú ý nâng cao bản lĩnh chính trị, rèn luyện phẩm chất, đạo đức lối sống để bảo đảm sự kế thừa và phát triển. Ðó là những thách thức lớn đối với công tác xây dựng Ðảng nói chung và công tác giáo dục cán bộ, đảng viên nói riêng trong giai đoạn cách mạng hiện nay.
Thấm nhuần và thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác xây dựng Ðảng, cần đặc biệt coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ phẩm chất và năng lực, xứng đáng là người lãnh đạo và là người đày tớ thật trung thành của nhân dân, theo đúng lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh./.