Thứ Năm, 28/11/2024
Diễn đàn
Thứ Ba, 4/5/2010 20:18'(GMT+7)

“Ổn định chính trị là một lợi thế của Việt Nam”

Sự ổn định chính trị là một trong những yếu tố không thể thiếu, góp phần giúp Việt Nam có thể kiên trì chính sách phát triển kinh tế.

Sự ổn định chính trị là một trong những yếu tố không thể thiếu, góp phần giúp Việt Nam có thể kiên trì chính sách phát triển kinh tế.

Tiến sỹ kinh tế người Pháp Philippe Delalande là một trong những nhà nghiên cứu kinh tế và chính trị có nhiều hiểu biết về Việt Nam. Ông từng là Giám đốc Văn phòng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Cơ quan liên chính phủ Pháp ngữ tại Hà Nội trong 5 năm và từng viết nhiều sách về Việt Nam.

Xin giới thiệu đến bạn đọc những đánh giá của ông Philippe Delalande đối với kinh tế Việt Nam và triển vọng hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Pháp (Phỏng vấn của Phóng viên VOV thường trú tại Pháp)
 
PV: Là người theo dõi và nghiên cứu lâu năm về kinh tế Việt Nam, ông đánh giá như thế nào về tình hình phát triển kinh tế Việt Nam khoảng 20 năm trở lại đây?

Tiến sỹ kinh tế người Pháp Philippe Delalande

Ông Philippe Delalande: Từ năm 1990, kinh tế Việt Nam đã có bước phát triển đáng kinh ngạc với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 7,5%. Ngay cả trong cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997-1998 khiến nhiều nước Đông Nam Á chao đảo, kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng. Năm 1999, tỷ lệ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam là 4,5%, trong khi kinh tế các nước khác như Indonesia hay Thái Lan lâm vào khủng hoảng.

Tôi nghĩ rằng, một trong những lý do mang lại sự tăng trưởng này là việc kiên trì chính sách kinh tế theo hướng hội nhập dần dần vào kinh tế thế giới, phù hợp với một quốc gia có nền kinh tế còn yếu như Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam đã duy trì chính sách kinh tế vĩ mô một cách dũng cảm từ hai chục năm qua, trong đó có nỗ lực giảm nợ công, giảm lạm phát, đảm bảo cân đối ngân sách, kiểm soát lượng tiền mặt lưu thông…

PV : Trong các cuốn sách và bài viết của mình, ông nhấn mạnh rằng, một trong những lợi thế của Việt Nam là sự ổn định chính trị. Xin ông giải thích rõ hơn về điều này ?

Ông Philippe Delalande: Sự ổn định chính trị là một trong những yếu tố không thể thiếu, góp phần giúp Việt Nam có thể kiên trì chính sách phát triển kinh tế. Nền chính trị ổn định tạo cho Việt Nam có được một nền hoà bình và thịnh vượng. Nếu nhìn sang một số quốc gia trong khu vực, dễ thấy rằng, trừ Singapore, thì từ năm 1990 trở lại đây, hầu hết các nước khu vực đều trải qua các cuộc đảo chính hay khủng hoảng chính trị. Trong khi đó, nền chính trị của Việt Nam luôn ổn định, đây là một đảm bảo cho sự gắn kết để thực hiện chính sách kinh tế nhất quán. Tôi cho rằng, thành công của sự nghiệp đổi mới của Việt Nam cũng là dựa trên sự ổn định chính trị này.

PV: Quả thực, kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng vẫn còn thách thức phía trước. Theo đánh giá của ông, khó khăn lớn nhất của kinh tế Việt Nam lúc này là gì?

Ông Philippe Delalande: Tôi cho rằng một trong những yếu kém của kinh tế Việt Nam hiện nay là thâm hụt cán cân thanh toán. Để giải quyết vấn đề này, một trong những việc mà Việt Nam phải làm là tăng cường khả năng cạnh tranh. Nhưng tăng cường khả năng cạnh tranh không phải bằng cách giảm lương của nhân công, mà bằng cách hiện đại hoá các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp phải có các bộ phận chuyên về nghiên cứu và phát triển để tăng năng suất và chất lượng của sản phẩm.

PV: Được biết, ông là một thành viên trong Ban tổ chức Hội thảo Nghiên cứu về tiềm năng đầu tư ở Việt Nam có tên gọi “Việt Nam hướng tới tương lai” diễn ra ở Paris vào ngày 5/5. Ông đánh giá như thế nào về tiềm tăng hợp tác kinh tế giữa Pháp và Việt Nam?

Ông Philippe Delalande: Vào những năm 1994 - 1995, khi sự nghiệp đổi mới của Việt Nam tạo ra những kết quả ấn tượng, các doanh nghiệp Pháp đã rất hào hứng và đổ xô vào Việt Nam để đầu tư. Nhưng nhiều công ty đã thất vọng vì thủ tục hành chính liên quan tới việc phê duyệt, cấp phép đầu tư quá nặng nề, khiến nhiều doanh nghiệp phải bỏ cuộc.

Tiếp đó, sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1997-1998, các doanh nghiệp Pháp và châu Âu đã bỏ Đông Nam Á để hướng về Trung Quốc. Điều mà chúng tôi muốn làm thông qua hội thảo sắp tới là thuyết phục các doanh nghiệp Pháp một lần nữa hướng về Việt Nam, nhất là vào lúc này. Từ Việt Nam, các doanh nghiệp Pháp có thể xuất khẩu sang các nước khác ở Đông Nam Á và thậm chí là cả Trung Quốc, khi mà khu vực mậu dịch tự do giữa ASEAN và Trung Quốc có hiệu lực.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

(Theo: VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất