Thứ Bảy, 21/9/2024
Tuyên truyền
Thứ Ba, 7/7/2009 18:4'(GMT+7)

Chủ tịch Xuphanuvông-tấm gương sáng ngời của tình đoàn kết đặc biệt Việt - Lào

Thưa các đồng chí !

Hôm nay, đoàn cán bộ cấp cao Việt Nam vinh dự được đến Thủ đô Viêng Chăn tươi đẹp và cổ kính, tham dự Hội thảo "Thân thế và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Xuphanuvông". Hội thảo quan trọng này vừa để tưởng nhớ cố Chủ tịch, vừa góp phần làm sáng tỏ thêm những cống hiến to lớn của Chủ tịch Xuphanuvông với sự nghiệp cách mạng Lào; những tình cảm cao quý của đồng chí đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và cách mạng Việt Nam; làm giàu có thêm nguồn tư liệu phong phú trong lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.

Trong niềm phấn khởi và xúc động, chúng ta thành kính tưởng nhớ Chủ tịch Xuphanuvông - người con ưu tú của dân tộc Lào, nhà lãnh đạo cách mạng anh dũng, kiên cường có uy tín ở trong và ngoài nước, được quảng đại quần chúng kính trọng, thương yêu; người bạn lớn rất thân thiết, thuỷ chung, người đồng chí chiến đấu của nhân dân Việt Nam, đã có nhiều cống hiến to lớn và quý báu cho quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào.

Nhân dịp này, cho phép tôi thay mặt Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và nhân dân Việt Nam tri ân và chân thành tưởng nhớ đồng chí Xuphanuvông, chân thành tưởng nhớ các nhà lãnh đạo cách mạng, trước hết là cố Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào Cayxỏn Phômvihẳn, các chiến sĩ Cộng sản kiên cường, các anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hy sinh trong cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài vì sự nghiệp trường tồn và tương lai rạng rỡ của hai dân tộc chúng ta.

Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam biết ơn sâu sắc Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào với tất cả tấm lòng son sắt đã dành của cải vật chất, đất và người, miếng cơm và manh áo, thậm chí cả xương máu nuôi dưỡng, che chở, bảo vệ quân tình nguyện Việt Nam, hết lòng giúp đỡ cách mạng Việt Nam trong những ngày gian khó nhất để đi đến thắng lợi vẻ vang của cả hai dân tộc chúng ta.

Kính thưa các đồng chí !

Trong Hội thảo này, chắc chắn các nhà khoa học của Lào và Việt Nam bằng những kết quả nghiên cứu của mình, sẽ tiếp tục làm sáng tỏ hơn nữa thân thế, sự nghiệp cách mạng của đồng chí Xuphanuvông với cách mạng Lào; những tình cảm và công lao của đồng chí trong xây dựng, vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị và liên minh chiến đấu đặc biệt của hai dân tộc Việt - Lào chống kẻ thù chung, giải phóng, xây dựng và bảo vệ đất nước; làm rõ hơn tinh thần quốc tế trong sáng của đồng chí... Trong bài phát biểu này, tôi chỉ xin bày tỏ một số suy nghĩ để khẳng định những giá trị về phẩm chất cách mạng của Chủ tịch Xuphanuvông, công lao và tình cảm của đồng chí đối với nhân dân Việt Nam.

1. Chủ tịch Xuphanuvông từ một trí thức yêu nước trở thành nhà lãnh đạo cách mạng kiên trung, suốt đời cống hiến trí tuệ, sức lực cho độc lập dân tộc và phồn vinh của đất nước Lào

Xuất thân trong một gia đình hoàng tộc, lớn lên trên đất nước Lào, từ khi mới 11 tuổi, Xuphanuvông đã đến Việt Nam học tập tại trường Anbe Xarô, Hà Nội. 10 năm sau, năm 1920 Xuphanuvông sang học tại Pháp. Tốt nghiệp đại học quốc gia cầu đường Pari, Hoàng thân Xuphanuvông trở thành kỹ sư cầu đường đầu tiên ở Đông Dương.

Trong những năm học tại Pháp, Xuphanuvông miệt mài tìm hiểu, trau dồi kiến thức về lịch sử của Tổ quốc và về Đông Dương với khát vọng làm "một cái gì đó" cho tương lai tươi đẹp của đất nước Lào. Xuphanuvông biết đến Nguyễn Ái Quốc là nhà yêu nước qua “Bản yêu sách” của nhân dân Việt Nam gửi tới Hội nghị Véc xây năm 1919, là người đã từng tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp tại Đại hội Tua (Tours) năm 1920 và viết nhiều bài báo trên báo Le Paria (Người cùng khổ) do Người làm chủ bút; sau này, là người tổ chức, rèn luyện và tập hợp các nhóm Cộng sản ở Việt Nam hợp nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 1930.

Năm 1945, ở Việt Nam, Cách mạng Tháng Tám giành được chính quyền về tay nhân dân. Lúc này, trên khắp đất nước Lào, nhân dân Lào cũng đứng lên làm cách mạng đánh đuổi phát xít Nhật và đế quốc Pháp xâm lược. Sau Cách mạng Tháng Tám, với tầm nhìn xa, trông rộng và sự nhạy cảm sâu sắc, ngày 4/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời Hoàng thân Xuphanuvông đến Hà Nội bàn việc liên minh tương trợ giữa hai nước Việt Nam - Lào. Chính cuộc gặp lịch sử ấy, như một "mệnh trời", khát vọng được làm "một cái gì đó" cho đất nước và nhân dân Lào của Hoàng thân Xuphanuvông đã bắt đầu trở thành hiện thực. Đó cũng chính là bước ngoặt lớn mở ra những trang mới trong lịch sử đoàn kết chiến đấu giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào chống kẻ thù chung.

Tiếp thu tư tưởng của Hồ Chí Minh, Hoàng thân Xuphanuvông đã gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương và bắt đầu sự nghiệp cách mạng của mình. Xuphanuvông nhận thấy rõ giá trị cao cả trong tư tưởng của Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc. "Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc thì chẳng những toàn thể quốc gia, dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được"[1]. Tư tưởng Hồ Chí Minh đã đáp ứng nguyện vọng sâu xa nhất của các tầng lớp nhân dân yêu nước Việt Nam và Lào. Đồng thời, phản ánh sâu sắc nhu cầu, trách nhiệm của mỗi dân tộc trên bán đảo Đông Dương: "Muốn đánh đuổi kẻ thù chung không chỉ dân tộc này hay dân tộc kia mà đủ, mà phải có một lực lượng thống nhất của tất thảy các dân tộc Đông Dương họp lại" [2].

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng và hành động cách mạng của Xuphanuvông, đã biến ông từ một hoàng tử của Hoàng gia Lào thành người chiến sĩ cách mạng đầy nhiệt huyết, luôn đặt lợi ích của đất nước và nhân dân lên trên lợi ích bản thân và gia đình, đúng như lời đồng chí đã viết "Lúc này, tôi chỉ có Tổ quốc là lớn hơn cả"[3].

Với biệt danh "Hoàng thân đỏ", Xuphanuvông đã trở thành nhà lãnh đạo Pathét Lào và Đảng Nhân dân Lào, trở thành Chủ tịch đầu tiên của nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào và được Đảng, Nhà nước Lào trao giữ nhiều trọng trách quan trọng khác. Những mốc son thắng lợi trong lịch sử cách mạng Lào đều có công lao đóng góp to lớn của đồng chí.

2. Chủ tịch Xuphanuvông, một hiện thân cao đẹp của tình đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào

Học tập ở Việt Nam từ thuở niên thiếu, Hoàng thân Xuphanuvông có nhiều tình cảm đặc biệt với Việt Nam. Xinava Xuphanuvông - con trai út của Hoàng thân, trong một bài báo của mình đã viết "Ba tôi qua Pháp học, nhưng Người vẫn nhớ Hà Nội, nhớ bạn bè Việt Nam khôn nguôi...".

Sau khi tốt nghiệp Đại học ở Pháp, về Trung kỳ công tác, những năm tháng ở Việt Nam, Xuphanuvông đã từng đảm nhận chức vụ Kiến trúc sư trưởng khu Công chánh Nha Trang, ông đã dành tất cả tâm trí cho việc thiết kế và phụ trách thi công nhiều công trình thuỷ lợi trên đất Việt Nam, trong đó có 7 công trình cho đến nay vẫn đang còn sử dụng, tiêu biểu như đập Bái Thượng ở Thanh Hoá, là công trình “sống cùng thế kỷ”, không chỉ hữu ích trong việc điều hoà nguồn nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp mà còn là cảnh quan hấp dẫn khách du lịch, đã từng là biểu tượng đẹp nhất của "Tem Việt Nam" thời Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà; công trình Tháp nước Phan Thiết do Hoàng thân Xuphanuvông vẽ thiết kế, được giới kiến trúc đánh giá là đẹp và độc đáo nhất trong các tháp nước được xây dựng ở Việt Nam bởi sự thanh thoát, sang trọng kiểu kiến trúc phương Đông, đã trở thành biểu trưng chính thức của tỉnh Bình Thuận. Đây là những công trình mang đậm dấu ấn lịch sử, thể hiện sự gắn bó sâu nặng giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào.

Được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hoàng thân Xuphanuvông bắt đầu sự nghiệp đấu tranh cách mạng. Từ đó, trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, Xuphanuvông luôn mang nặng ân tình với Bác Hồ kính yêu và tình cảm sâu đậm hơn với nhân dân Việt Nam, Xuphanuvông đã từng trìu mến gọi Bác Hồ là Papa Hồ, tức cha Hồ. Và, luôn phấn đấu không mệt mỏi cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân, đồng chí trở thành tấm gương sáng ngời, một hiện thân cao đẹp của tình đoàn kết keo sơn, thuỷ chung, trong sáng Việt Nam - Lào.

Sau này, với nhiều cương vị lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Mặt trận đoàn kết Lào, đồng chí Xuphanuvông càng có điều kiện quan tâm, chăm lo xây dựng, vun đắp tình đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào ngày càng xanh tươi và bền vững. Đặc biệt, từ sau khi nước Lào hoàn toàn độc lập, với trọng trách Chủ tịch nước kiêm Chủ tịch Hội đồng nhân dân tối cao nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào, tinh thần ấy càng được nhân lên, mà kết quả là hai nước đã ký kết “Hiệp ước hữu nghị hợp tác toàn diện” với những cam kết "Hết lòng ủng hộ và giúp đỡ nhau, hợp tác chặt chẽ với nhau trên tất cả các lĩnh vực”.

Đánh giá công lao của đồng chí Xuphanuvông, đồng chí Cayxỏn Phômvihẳn đã nói: “Đồng chí Xuphanuvông đã cùng với tập thể ban lãnh đạo của Đảng từ những năm đầu của cuộc cách mạng, tham gia xây dựng cơ sở cách mạng và căn cứ địa vững chắc trong cả hai cuộc kháng chiến lâu dài của nhân dân ta... góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc đấu tranh vì hoà bình, hoà hợp dân tộc, thống nhất đất nước và đoàn kết quốc tế”[4]

Trong điện chia buồn gửi tới Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Quốc hội, Chính phủ nước Cộng hoà nhân dân Lào, Uỷ ban Mặt trận Lào xây dựng đất nước trong ngày lễ tang Chủ tịch Xuphanuvông (ngày 11/1/1995), Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã khẳng định: "Đồng chí Xuphanuvông là nhà lãnh đạo cách mạng anh dũng kiên cường, đã suốt đời cống hiến trí tuệ, sức lực cho độc lập dân tộc và phồn vinh của đất nước Lào; người bạn lớn rất thân thiết, thuỷ chung của nhân dân Việt Nam, đã có nhiều đóng góp quan trọng vào việc xây dựng, củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào.

Đồng chí Xuphanuvông mất đi là một tổn thất lớn của Đảng, Nhà nước, các bộ tộc Lào và gia đình đồng chí; đồng thời là nỗi đau buồn của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam". [5]

Với những đóng góp to lớn của đồng chí cho quan hệ hợp tác hữu nghị và liên minh chiến đấu đặc biệt Việt Nam – Lào, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã trân trọng trao tặng đồng chí Xuphanuvông phần thưởng cao quý nhất của Việt Nam: Huân chương Sao vàng Huân chương Hồ Chí Minh cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

Trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Xuphanuvông lần này, Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam đã thiết kế một chương trình "Theo dấu chân Hoàng thân Xuphanuvông", tổ chức cho đoàn cán bộ của Hội Hữu nghị Lào - Việt, các nhà báo, phóng viên, giảng viên Trường Đại học Xuphanuvông và gia đình của Chủ tịch sang thăm Việt Nam, đến những nơi Xuphanuvông đã từng sống, làm việc, gắn bó trong cuộc sống và có những đóng góp bằng các công trình do chính Chủ tịch Xuphanuvông thiết kế, xây dựng ở Việt Nam.

Hiện nay, chúng ta thật sự vui mừng nhận thấy mối quan hệ đầy ân tình và sinh động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Xuphanuvông đã được phát huy có hiệu quả và ngày càng có nhiều bước tiến bộ mới. Những công lao to lớn, tình cảm thuỷ chung son sắt và tinh thần đoàn kết cao đẹp của Chủ tịch Xuphanuvông dành cho nhân dân Việt Nam vẫn mãi mãi ngời sáng trên con đường xây dựng tình đoàn kết hữu nghị và quan hệ đặc biệt của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước chúng ta.

Một lần nữa, cho phép tôi gửi tới các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào anh em, gửi tới gia đình Cố Chủ tịch Xuphanuvông lời cảm ơn sâu sắc, sự biết ơn chân thành về những đóng góp của Chủ tịch đã dành cho nhân dân Việt Nam. Chúc các đồng chí mạnh khoẻ, chúc hội thảo thành công tốt đẹp.



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.7, tr.113.

[2] Sđd, tr 114

[3] Xem Chủ tịch Hồ Chí Minh với Hoàng thân Xuphanuvông, NXB Thông Tấn, Hà Nội, 2000, tr 48

[4] Dẫn theo Xã luận báo Paxaxôn ngày 13/7/1989 trong cuốn “Ông hoàng đỏ kiên cường”, NXB Sự thật, Hà Nội, 1992, tr 12.

[5] Báo Nhân dân số 14461 ngày 12/1/1995, tr 1,3

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất