Chủ Nhật, 22/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Bảy, 10/8/2013 21:24'(GMT+7)

Hiện thực mới cần những kiến giải mới

Lễ hội Tịch Điền, Hà Nam - nét đẹp văn hóa trở về nguồn cội

Lễ hội Tịch Điền, Hà Nam - nét đẹp văn hóa trở về nguồn cội

 
Luồng sinh khí mới từ Nghị quyết

Tháng 7-1998, Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) ra Nghị quyết về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nghị quyết ra đời có ý nghĩa quan trọng đối với việc định hướng phát triển đời sống văn hoá tinh thần trong xã hội giai đoạn đổi mới và hội nhập quốc tế. 15 năm sau, trong sự phát triển chung của đất nước, nguồn lực văn hóa, mà trước hết là nguồn lực con người ngày càng được phát huy, phát triển toàn diện. Đời sống văn hóa cơ sở phát triển rộng khắp với những phong trào thiết thực mà điển hình là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Quan hệ hợp tác quốc tế về văn hóa ngày càng được mở rộng, qua đó quảng bá rộng rãi hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trên phạm vi toàn thế giới. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị và bản sắc văn hoá các dân tộc thiểu số cũng được quan tâm và coi trọng. Đến nay, Việt Nam đã có 17 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO vinh danh.

Giáo sư Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng: “Kết quả nổi bật của Nghị quyết là phát huy được vai trò cộng đồng và xã hội. Xã hội hóa các hoạt động văn hóa đạt được kết quả ngoài mong đợi, thu hút người dân, cộng đồng tham gia các hoạt động văn hóa. Xuất hiện nhiều phong trào tốt đẹp như: Về nguồn, xóa đói giảm nghèo, khuyến học khuyến tài, vì người nghèo... Đó là những hoạt động hết sức có ý nghĩa”.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII vẫn còn không ít hạn chế, khuyết điểm. Theo Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh, đó là sự xuống cấp về đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đang tác động đến đời sống tinh thần của xã hội; căn bệnh “vô cảm” trong xã hội xuất hiện; hệ giá trị văn hóa truyền thống bị đảo lộn, trong khi những giá trị mới tốt đẹp chưa được khẳng định, mất cân bằng giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần; thành tựu sáng tạo văn học, nghệ thuật chưa nổi bật…

Bên cạnh đó, phong trào "Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa" phát triển chưa đồng đều giữa các khu vực, vùng miền, có lúc có nơi còn biểu hiện của việc chạy theo thành tích, sức lan tỏa của phong trào chưa thực sự bền vững. Ngân sách đầu tư cho lĩnh vực văn hóa còn chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra. Việc bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể chưa thỏa đáng, vẫn còn lúng túng trước mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Hàng loạt các vụ việc vi phạm Luật Di sản liên tiếp xảy ra trong thời gian qua cho thấy, từ chủ trương, chính sách đến việc thi hành vẫn còn những khoảng trống cần được lấp đầy…

Hạn chế trong thành tựu về xây dựng con người

“Nhìn lại 15 năm qua, xây dựng con người là lĩnh vực có quá ít thành tựu. Chúng ta đặt ra 5 đức tính tiêu biểu của con người Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới là: Yêu nước, tự cường, đoàn kết, trung thực, tích cực học tập. Nhưng người Việt bây giờ sính hàng ngoại, một số thanh niên chuyền nhau chiêu trò trốn thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự và đau lòng nhất là bệnh thiếu trung thực. Nghĩa là chúng ta gần như không đạt được tiêu chí nào mà Nghị quyết đề ra về xây dựng con người. Nếu không muốn nói là đã làm ngược lại”- Đó là đánh giá của GS.TS Nguyễn Minh Thuyết.

PGS.TS Phạm Duy Đức, Học viện Chính trị- Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh băn khoăn: “Về vấn đề đạo đức và lối sống, Nghị quyết sau chúng ta nói mạnh hơn Nghị quyết trước. Nhưng vì sao, những vụ án sau lại lớn hơn vụ án trước?”. Ông Đức cho rằng, sở dĩ 15 năm qua, chúng ta chưa thành công trong việc xây dựng con người vì chúng ta chưa nhận ra được những thách thức của sự biến đổi trong thời kỳ hội nhập. Chia sẻ quan điểm này, GS Hoàng Chí Bảo (Hội đồng Lý luận Trung ương) cho rằng: “Mọi phát triển đều mang ý nghĩa là phát triển văn hóa. Văn hóa chính là niềm tin, là điểm tựa và cũng là mục tiêu của phát triển xã hội”. GS Hoàng Chí Bảo lấy ví dụ, nếu văn hóa nghệ thuật được phát triển, các giá trị nghệ thuật sẽ nuôi dưỡng tâm hồn, trí tuệ con người thì chắc chắn, đạo đức xã hội sẽ không suy thoái, không bị tổn thương nghiêm trọng và mọi sự phát triển sẽ bền vững.

Cần một Nghị quyết mới

Sau 15 năm cơ chế thị trường vận hành, lộ rõ cả tác động tích cực lẫn tiêu cực lên đời sống văn hóa xã hội. Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tạo ra những vấn đề mà 15 năm trước chưa xuất hiện. Vì vậy, việc xây dựng một Nghị quyết mới về văn hóa để Ban Chấp hành Trung ương khóa XI ban hành, cho phù hợp với đòi hỏi thực tiễn hiện nay là cần thiết. Đây là ý kiến của nhiều đại biểu đưa ra tại hội nghị.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh kiến nghị: “Cần nghiên cứu ban hành Nghị quyết mới về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam, trong đó chú trọng nội hàm “Xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc Việt Nam tiên tiến, nhân văn” phù hợp với giai đoạn phát triển mới, trong đó làm rõ các nội dung như: Tập trung cho vấn đề “Con người văn hóa - con người Việt Nam”, xây dựng nguồn lực con người mà yếu tố nhân cách là cốt lõi để đối diện với thực trạng suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống có chiều hướng diễn biến phức tạp và áp lực của hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa gia tăng…”.

Đồng quan điểm này, GS Hoàng Chí Bảo cho rằng, nghị quyết mới nếu được ban hành nên dựa trên sự kế thừa tinh thần của Nghị quyết Trung ương 5 và quan trọng hơn là kế thừa toàn bộ trí tuệ của dân tộc và thời đại.

Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh cũng đề xuất Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XI xây dựng và ban hành một nghị quyết mới về văn hóa phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn và xu thế thời đại.

VƯƠNG HÀ-HẠNH AN (Theo QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất