Thứ Tư, 27/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Tư, 14/8/2013 16:49'(GMT+7)

Những cản trở trong xây dựng đạo đức, lối sống và nếp sống văn hóa

Một tiết mục múa dân tộc của các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ.

Một tiết mục múa dân tộc của các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ.

Thực trạng đạo đức, lối sống trong xã hội hiện nay sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII tuy có những mặt chuyển biến tích cực, nhưng cũng cho thấy có sự bất cập trong thực hiện định hướng xây dựng nền văn hóa mới.

Trong khi những chuẩn mực đạo đức truyền thống không còn nguyên vẹn và các chuẩn mực đạo đức mới chưa được bộc lộ rõ ràng, khía cạnh tiêu cực đã và đang tác động đến sự biến đổi của đạo đức, lối sống, nếp sống trong xã hội hiện nay. Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII ban hành năm 1998, trong phần đánh giá thực trạng văn hóa nước nhà, cũng nhận định về những mặt yếu kém đã nổi lên trước hết ở nhận thức tư tưởng, đạo đức, lối sống. Sự suy thoái về đạo đức, lối sống được Nghị quyết chỉ rõ: "Tệ sùng bái nước ngoài, coi thường những giá trị văn hóa dân tộc, chạy theo lối sống thực dụng, cá nhân vị kỷ... đang gây hại đến thuần phong mỹ tục của dân tộc. Không ít trường hợp vì đồng tiền và danh vị mà chà đạp lên tình nghĩa gia đình, quan hệ thầy, trò, đồng chí, đồng nghiệp. Buôn lậu và tham nhũng phát triển. Ma túy, mại dâm và các tệ nạn xã hội khác gia tăng. Nạn mê tín dị đoan khá phổ biến. Nhiều hủ tục cũ và mới lan tràn, nhất là trong việc cưới, việc tang, lễ hội...". Ðến hôm nay, sau 15 năm Nghị quyết ra đời, đối chiếu với nhận định trên thì thực trạng đạo đức, lối sống, nếp sống dưới tác động của các mặt trái kinh tế thị trường vẫn không mấy khả quan, thậm chí có mặt còn trầm trọng hơn.

Ði tìm nguyên nhân cho những gì đang diễn ra trong đời sống văn hóa, trong đạo đức, lối sống của xã hội ta hiện nay, cần trở lại với những nguyên lý cơ bản về sự phát triển văn hóa. Văn minh là cơ sở nền tảng của văn hóa, trong đó kinh tế và chính trị là hai yếu tố quyết định. Trước hết, xét về kinh tế: xã hội chúng ta đang phát triển ở trình độ nào của nấc thang tiến bộ? đã phát triển tới trình độ văn minh công nghiệp hay vẫn đang giẫm chân trong văn minh tiền công nghiệp? Với thực tế hơn 70% số dân vẫn đang sống, làm việc ở nông thôn, phương thức sản xuất cũ vẫn chiếm ưu thế, dẫn tới lối tư duy tiểu nông hàng nghìn năm vẫn đang chi phối phần lớn người dân. Xét về mặt chính trị: xã hội ta đã đạt được nhiều tiến bộ. Hệ thống chính trị đã bảo đảm quyền cơ bản của con người. Mọi người dân đều có cơ hội ngang bằng để vươn lên kiếm tìm vị thế mới trong xã hội. Cá nhân được đề cao, tách dần khỏi cộng đồng. Mỗi cá nhân có quyền tự do mưu cầu hạnh phúc riêng. Sự phát triển của xã hội xét dưới góc độ kinh tế và chính trị xuất hiện nghịch lý bên cạnh việc khẳng định quyền cá nhân thì việc đưa ra chế tài cũng như sự tự ý thức về trách nhiệm của cá nhân đối với xã hội dường như không tương xứng.

Tâm thức, đạo đức, lối sống tiểu nông bao gồm cả mặt tích cực và tiêu cực. Mặt tích cực được đúc kết thành hệ giá trị của bản sắc văn hóa dân tộc. Mặt tiêu cực ẩn trong những góc khuất của văn hóa dân tộc cũng là một trong những đặc điểm của văn hóa dân tộc. Nền kinh tế thị trường hiện nay với đặc điểm tự do cạnh tranh là môi trường thuận lợi cho những hạn chế trong đạo đức, lối sống tiểu nông bộc lộ. Phương châm sống "Ðèn nhà ai nhà ấy rạng" trong một bộ phận xã hội đã và đang tiếp sức cho lối sống cá nhân vị kỷ, dẫn lối cho việc thu vén lợi ích cá nhân, "khôn sống mống chết". Tính sĩ diện, ganh đua, ghen tị "một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp" hoặc lễ hội làng mình to hơn làng khác, cỗ nhà mình đầy hơn nhà khác...

Tính ham học, hiếu học của người Việt trong đó có truyền thống tiến thân bằng khoa cử "một người làm quan cả họ được nhờ" đặt trong điều kiện kinh tế cho phép, song song với chính sách Nhà nước về giáo dục đã thúc đẩy các gia đình dồn hết vật lực, tài lực cho con em đi học với mong ước đổi đời. Mặt trái của tình trạng này dẫn tới việc mở tràn lan các trường đại học, gây lãng phí xã hội khi "thầy" nhiều hơn "thợ". Và quá trình này đã không đem lại một xã hội học tập đúng nghĩa tốt đẹp. Do chỉ chú trọng tới mục đích cuối cùng học là bước đệm tiến thân đã dẫn tới tình trạng học giả, bằng thật... hệ thống giáo dục dần xuống cấp. Sự "linh hoạt thích ứng" trong lĩnh vực giáo dục mà cơ chế thị trường là điều kiện, cơ hội, có nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ tư tưởng tiểu nông "được chăng hay chớ" thiếu tầm nhìn bao quát, hoạch định khoa học.  Tâm thức ứng xử "Không ai nắm tay từ sáng đến tối" mà để tìm được "thỏa thuận" có điều kiện và cùng tồn tại dưới các dạng "Dĩ hòa vi quý", "Một điều nhịn, chín điều lành", hay tục "kết chạ"- một kiểu thức "bảo hiểm xã hội" trong đời sống dân gian làng xã... được coi là những ứng xử "thích nghi, thích ứng linh hoạt để tồn tại" của người Việt (dẫn theo PGS. TSKH. Nguyễn Hải Kế) đã khiến những tiêu cực trong đạo đức, lối sống xã hội hiện nay không được ngăn chặn ngay từ đầu; và nền kinh tế thị trường đề cao cạnh tranh là điều kiện thuận lợi, dung túng cho những suy nghĩ và hành vi sai trái đã dẫn đến sự suy thoái ngày càng nghiêm trọng về mặt đạo đức, lối sống hiện nay.

Về mặt quản lý nhà nước, chúng ta đã có nhiều giải pháp về quản lý văn hóa như các quy chế quản lý lễ hội, việc cưới, việc tang; về nhận thức xã hội chúng ta có cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư"... Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai thực hiện, hiệu quả tác động đến đạo đức, lối sống chưa được như mong đợi.

Hiện nay, chương trình "Xây dựng nông thôn mới" đang được triển khai với các tiêu chí đồng bộ về kinh tế, văn hóa, quan tâm toàn diện tới nông dân, nông thôn, nông nghiệp, song song với sự nỗ lực quản lý về văn hóa của Nhà nước, theo chúng tôi đây là một giải pháp toàn diện, chắc chắn sẽ tạo ra những chuyển biến trong đạo đức, lối sống, nếp sống trong xã hội. Với sự đầu tư lớn của Nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn sẽ tạo tiền đề cho tâm thức công nghiệp hiện đại "ăn sâu, bám rễ" trong tâm lý người dân, từng bước được thay thế tâm thức tiểu nông. Chỉ đứng vững trên nền tảng phương thức sản xuất hiện đại, từ đó nhìn lại di sản văn hóa truyền thống, dân tộc chúng ta mới có thể đưa ra những lựa chọn: cái nào cần giữ gìn, trao truyền di sản nào, đào thải hủ tục nào và mới có thể ngăn chặn sự hình thành của các hủ tục mới.

Nhìn ra thế giới, thành tựu phát triển kinh tế, xã hội tại các nước láng giềng là bài học về phát triển bền vững cho chúng ta. Các nước Ðông Á phát triển rất gần gũi với Việt  Nam về văn hóa: Nhật Bản, Hàn Quốc, Xin-ga-po là những thí dụ. Có chăng một hệ chuẩn văn hóa ở các nước Ðông Á phát triển mà về cấu trúc xã hội người ta nói tới gia đình như một hạt nhân. Dù có sự thừa nhận về sự biến đổi kinh tế - khoa học, kỹ thuật, dẫn tới thay đổi không chỉ nếp nghĩ mà còn tác động tới cả hệ thống các giá trị tinh thần và thế hệ trẻ lớn lên trong các điều kiện khác với điều kiện cha ông chúng đã lớn lên và trưởng thành. Chiến lược phát triển nhân tố con người là "phát huy vai trò cá nhân họ trong khuôn khổ gia đình họ, bạn bè và xã hội của họ". Sự phát triển kinh tế thành công ở các nước này cho thấy, việc tìm kiếm duy trì các giá trị đạo đức, lối sống làm nên bản sắc văn hóa của họ đã đi đúng hướng, tạo ra những động lực phát triển to lớn. Tuy nhiên, ý thức được về các giá trị văn hóa dân tộc mình là điều không dễ dàng, còn rất nhiều nước chưa thoát khỏi nghèo đói, và mỗi dân tộc có thể duy trì các giá trị văn hóa cốt lõi của mình, tiếp biến, chuyển hóa các giá trị văn hóa mới để có thể giải quyết các vấn đề đang đặt ra cho quốc gia, dân tộc mình được hay không, điều này phụ thuộc vào chính quốc gia, dân tộc đó và Việt Nam không nằm ngoài quy luật này.

Khẳng định tầm quan trọng của văn hóa truyền thống dân tộc trong phát triển, Ðảng ta trong đường lối phát triển văn hóa đã ban hành Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Vấn đề tôn vinh, bảo vệ bản sắc dân tộc đã được thể hiện rất rõ trong Nghị quyết: "Bản sắc dân tộc bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp nên qua lịch sử hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Ðó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc, lòng nhân ái khoan dung, trọng nghĩa tình đạo lý, đức tính cần cù sáng tạo trong lao động, là sự tế nhị trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống... Bản sắc văn hóa dân tộc còn đậm nét cả trong các hình thức biểu hiện mang tính dân tộc độc đáo". Tuy nhiên, điều này chỉ có thể thực hiện được khi chúng ta dành mọi nỗ lực xây dựng thành công nền tảng xã hội dựa trên công nghiệp hóa, hiện đại hóa để văn hóa dân tộc trong đó có đạo đức, lối sống có thể bộc lộ đầy đủ những giá trị ưu trội, hạn chế nét tiêu cực.

PGS, TS ÐỖ THỊ MINH THÚY/NhanDan


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất