Thứ Hai, 7/10/2024
Tin hoạt động
Chủ Nhật, 15/11/2009 21:24'(GMT+7)

Chưa xứng tầm danh hiệu

Cố đô Huế

Cố đô Huế

Mới đây, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch đã phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Tây Ban Nha tại Việt Nam thực hiện dự án nghiên cứu về khai thác di sản thế giới tại Việt Nam, đã đưa ra những biện pháp về quản lý di sản. Theo các chuyên gia của Dự án, trước tình trạng khai thác di sản chưa hợp lý, biện pháp cấp bách hiện nay là phải có qui định thống nhất về quản lý, phát triển du lịch tại tất cả các điểm di sản. Các di sản cần được quản lý ở cấp quốc gia với một tổ chức riêng đảm nhiệm, chứ không nên chỉ coi đó là một nhiệm vụ quản lý của Cục Di sản văn hóa như hiện nay.

Hiện nay, các di sản thế giới của Việt Nam là đều chưa có qui hoạch phát triển du lịch. Vì thế, nhiều nơi, việc đầu tư phát triển du lịch còn dàn trải, manh mún, một số hoạt động kinh doanh du lịch chưa có sự kết hợp giữa quản lý và phát triển, thậm chí còn thiếu cả qui chế quản lý và tổ chức hoạt động du lịch. Không có chính sách hợp lý, việc huy động cộng đồng tham gia bảo tồn và khai thác tài nguyên du lịch kém hiệu quả, là  một trong những nguyên nhân khiến các di sản thế giới ở Việt Nam đứng trước thách thức như: môi trường du lịch xuống cấp và bị hủy hoại, giá trị bị suy giảm, ảnh hưởng đến mục tiêu phát huy di sản để phát triển du lịch, xóa đói giảm nghèo ở các địa phương.

Dù sức hấp dẫn của các di sản ngang nhau, nhưng thiếu sự thống nhất trong tổ chức quản lý, dẫn đến mức độ phát triển về du lịch lại khác biệt: Vịnh Hạ Long là nơi thu hút lượng khách du lịch lớn nhất trong 5 di sản ở Việt Nam, tiếp đến là Huế và Hội An. Phong Nha - Kẻ Bàng và Mỹ Sơn còn khá khiêm tốn, nhất là Phong Nha - Kẻ Bàng mới chủ yếu là khách nội địa đến tham quan. Nhiều loại hình du lịch đặc thù như sinh thái, tham quan, nghiên cứu các giá trị văn hóa vẫn chưa được quan tâm đúng mức, đặc biệt là ở các di sản thiên nhiên, như du lịch vui chơi giải trí, du lịch nghỉ dưỡng và du lịch tàu biển ở vịnh Hạ Long, hay du lịch sinh thái ở Phong Nha - Kẻ Bàng hoặc du lịch MICE (du lịch kết hợp hội thảo, hội nghị) ở Hội An... nhằm thu hút khách du lịch. Hoạt động du lịch không gắn với công tác bảo tồn, trong khi bảo tồn là điều sống còn của các di sản, đã cho thấy vấn đề quản lý Nhà nước ở khu vực di sản còn có nhiều điều chưa ổn.

Mô hình tổ chức cũng như chức năng của các cơ quan quản lý du lịch ở các di sản cũng khác biệt, tác động không nhỏ đến hiệu quả hoạt động du lịch ở đây. Du lịch chỉ được xem là một trong nhiều hoạt động phát triển ở di sản, nên không có ban quản lý (BQL) riêng, mà chỉ có BQL di sản chung. Là 2 di sản lớn, nhưng cả vịnh Hạ Long và Khu di tích Mỹ Sơn không có bộ phận chuyên quản lý hoạt động du lịch, còn vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng lại có BQL với chức năng quản lý rừng đặc dụng theo Luật Bảo vệ và phát triển rừng…

Bên cạnh đó, nhận thức xã hội, đặc biệt là của chính quyền địa phương có di sản, về vai trò của hoạt động du lịch gắn với mục tiêu bảo tồn các giá trị di sản còn hạn chế, kéo theo việc tổ chức quản lý hoạt động phát triển du lịch ở đây không rõ ràng. Các địa phương chưa khai thác hết giá trị của di sản để xây dựng các sản phẩm đa dạng và hấp dẫn, thậm chí, còn có tình trạng khai thác sai mục đích. Tình trạng “ăn xổi”, “chặt chém” của các dịch vụ du lịch tạo nên ấn tượng xấu với du khách...

Trong khi đó, sự phối hợp giữa Bộ VH, TT&DL, ủy ban UNESCO Việt Nam và chính quyền cấp tỉnh nơi có di sản để xây dựng mô hình tổ chức và các chính sách, giải pháp phát triển du lịch từ phát huy các giá trị di sản, còn hạn chế. Vấn đề cấp thiết đối với cơ quan quản lý trực tiếp các di sản thế giới là phải xây dựng được chiến lược khai thác và phát huy có hiệu quả các giá trị của di sản, để làm căn cứ cho hoạt động quản lý ở khu vực di sản./.

Hà Thanh - Báo TNVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất