Thứ Hai, 25/11/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Tư, 30/5/2012 23:21'(GMT+7)

Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp cán bộ ngành Tuyên giáo tỉnh Bình Phước

Hội nghị báo cáo viên tháng 5 ở Bình Phước. Ảnh minh họa

Hội nghị báo cáo viên tháng 5 ở Bình Phước. Ảnh minh họa

Ngày 14 - 5 - 2011, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 03- CT/TW về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Một trong những nhiệm vụ quan trọng khi thực hiện Chỉ thị này là các cấp ủy, lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị cùng tập thể cán bộ, đảng viên và nhân dân là chủ thể xây dựng các chuẩn mực đạo đức cụ thể của từng ngành. Chuẩn mực ấy phải phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và điều kiện đặc thù của từng nơi theo ngành nghề, vị trí công tác, lứa tuổi, giới tính, đặc điểm xã hội. Đồng thời, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp phải xây dựng thành các khẩu hiệu ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện.

Quán triệt đúng tinh thần chỉ đạo trên và căn cứ vào thực tiễn công tác, đồng thời để góp phần đổi mới công tác tuyên giáo của tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước đã chủ động xây dựng Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ ngành Tuyên giáo tỉnh với năm tiêu chí sau:

1. Bản lĩnh chính trị vững vàng;

2. Nói đúng, hay và thuyết phục; viết thạo, tốt và sắc sảo;

3. Phong cách công tác dân chủ, khoa học và sự thống nhất giữa lý luận với thực tiễn, nói đi đôi với làm;

4. Chủ động tham mưu đúng, dự báo giỏi;

5. Nhân cách trong sáng, tận tụy yêu nghề.

Nội hàm của năm tiêu chí cụ thể là:

Thứ nhất, cán bộ ngành Tuyên giáo phải có bản lĩnh chính trị vững vàng. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về “Công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới” đã khẳng định: “Công tác tư tưởng là công tác đối với con người, phải kết hợp yêu cầu định hướng tư tưởng với sự tự nguyện, giữa lý trí với tình cảm, giữa lời nói và việc làm, giữa xây và chống, lấy xây làm chính, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu của công việc, yêu cầu đầu tiên là người cán bộ tuyên giáo phải có bản lĩnh chính trị. Đó là kiên định mục tiêu, lý tưởng cách mạng đã lựa chọn; trong bất cứ tình huống nào cũng không dao động, giảm sút niềm tin và ý chí chiến đấu; có năng lực làm chủ trong mọi hoàn cảnh, vượt qua khó khăn, thách thức để hoàn thành nhiệm vụ. Đây là chuẩn mực mang tính nguyên tắc xuyên suốt. Muốn có bản lĩnh chính trị vững vàng, cán bộ tuyên giáo phải thường xuyên học tập, với nền kiến thức cơ bản và phải được cập nhật liên tục...

Thứ hai, cán bộ ngành Tuyên giáo phải nói đúng, hay và thuyết phục; viết thạo, tốt và sắc sảo. Theo đó, nói và viết là hai kỹ năng đặc thù của cán bộ làm công tác tuyên giáo, là thước đo chất lượng chuyên môn tốt hay kém, là tiêu chí đánh giá mức độ tinh thông nghề nghiệp. Trong mọi thời điểm, nói trước hết phải đúng: đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đúng với thực tiễn. Nói phải hay: dễ nghe, lưu loát và truyền cảm. Nói phải thuyết phục: gây được ảnh hưởng tích cực tới người nghe và thu hút sự hợp tác của họ để góp phần nâng cao nhận thức, chuyển biến hành vi, thúc đẩy hành động vì mục tiêu. Người cán bộ tuyên giáo phải viết thạo, đó là viết luôn chính xác, đúng và thành thực. Viết tốt và sắc sảo là viết có chất lượng, sâu sắc, có tính chiến đấu và hiệu quả cao.

Thứ ba, cán bộ tuyên giáo phải có phong cách công tác dân chủ, khoa học và sự thống nhất giữa lý luận với thực tiễn, nói đi đôi với làm. Trong đó, phong cách dân chủ hay “cách làm việc dân chủ” là nội dung quan trọng hàng đầu trong tư tưởng Hồ Chí Minh về phong cách công tác. Hồ Chí Minh luôn khẳng định chế độ ta “Dân là chủ” thì cách lãnh đạo cũng phải dân chủ. Mỗi người phải biết cách tập hợp được tài năng, trí tuệ của nhiều người để phấn đấu cho mục tiêu chung, mà muốn làm được như vậy, phải tạo ra được không khí dân chủ thực sự trong nội bộ. “Dân chủ, sáng kiến, hăng hái” - ba điều đó có quan hệ với nhau. Tuy nhiên, phong cách dân chủ không nghĩa là mạnh ai nấy làm, mà phải tuân thủ nguyên tắc: tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách hay còn gọi là nguyên tắc tập trung dân chủ. Đối lập với phong cách dân chủ là phong cách quan liêu, độc đoán, chuyên quyền...

Phong cách khoa học còn gọi là cách làm việc khoa học. Phong cách này đòi hỏi người cán bộ nói chung và cán bộ tuyên giáo nói riêng, trước khi làm việc gì cũng phải có kế hoạch và có mục đích rõ ràng. Để vạch kế hoạch một cách thực sự khoa học, phải xét kỹ hoàn cảnh mà xếp đặt công việc cho đúng. Việc chính, việc gấp thì làm trước. Không có kế hoạch, gặp việc nào làm việc nấy, thành thử việc nào cũng là việc chính nên lộn xộn, không ngăn nắp, vì thế, công việc nhiều khi “không chạy”. Một việc chính có thể có nhiều cách thực hiện và phải nhiều nỗ lực mới hoàn thành được. Với ý nghĩa đó, Hồ Chí Minh luôn yêu cầu: “Chủ trương 1, biện pháp phải 10, quyết tâm phải 20, 30”. Nói quyết tâm phải 20, 30, tức là người yêu cầu cán bộ sau khi đã có kế hoạch phải có quyết tâm thực hiện và phải thực hiện đến nơi đến chốn, không được “đánh trống bỏ dùi”.

Phong cách khoa học còn đòi hỏi người cán bộ tuyên giáo sau mỗi một việc cần phải rút kinh nghiệm tận gốc, xem vì đâu mà đạt kết quả, vì sao mà thất bại, rồi phổ biến những kinh nghiệm đó cho tất cả mọi người, để cùng biết. Từ đó, phát huy ưu điểm, khắc phục nhược điểm.

Thống nhất giữa lý luận với thực tiễn, nói đi đôi với làm: Là cán bộ dứt khoát phải có trình độ lý luận, nhất là cán bộ làm công tác tuyên giáo. Dẫn lời Lênin, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng”. Vì vậy, mỗi người cán bộ phải không ngừng trau dồi lý luận, gắn học tập nghiên cứu lý luận với công việc thực tế của mình, vì “lý luận như cái mũi tên, thực hành cũng như cái đích để bắn, có tên mà không bắn hoặc bắn lung tung, cũng như không có tên”.

Sức thuyết phục, sự lôi cuốn của cán bộ tuyên giáo với cấp dưới và với nhân dân còn ở phong cách “lời nói đi đôi với việc làm”, “nói là phải làm”. Nói đi đôi với làm, không chỉ là một chuẩn mực hành vi đạo đức truyền thống của dân tộc ta mà còn là một nguyên tắc thực hành đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên theo nguyên lý cơ bản của học thuyết Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Nói đi đôi với làm vừa là phong cách công tác, vừa là phương pháp hữu hiệu của người cán bộ cách mạng, giúp cán bộ, nhất là cán bộ tuyên giáo làm tốt nhiệm vụ của công tác tư tưởng. Hồ Chí Minh đặc biệt lưu ý rằng: đối với nhân dân không thể chỉ nói lý luận suông, chính trị suông; nhân dân luôn đòi hỏi và rất cần nhìn thấy lợi ích thiết thực từ những tấm gương sáng, những việc làm mẫu mực của cán bộ, đảng viên, để hướng đến tin tưởng và làm theo.

Thứ tư, cán bộ tuyên giáo phải chủ động tham mưu đúng, dự báo giỏi. Để thực hiện và hoàn thành tốt một trong những chức năng cơ bản của ngành tuyên giáo, cán bộ tuyên giáo phải chủ động tham mưu đề xuất cho đúng, cho trúng, không thụ động ngồi chờ chỉ đạo của cấp trên. Đồng thời, muốn dự báo giỏi cần phải nắm được dư luận xã hội, nắm được xu hướng diễn biến tư tưởng của các đối tượng để có thể tham mưu xử lý, tác chiến đúng hướng và hiệu quả.

Thứ năm, cán bộ tuyên giáo phải có nhân cách trong sáng, tận tụy yêu nghề. Nhân cách của người làm công tác tuyên giáo liên quan tới sự tin cậy của công chúng và sức thuyết phục của lý lẽ, nên đó là yêu cầu cần và đủ. Còn tận tụy yêu nghề là hết lòng hết sức với trách nhiệm nghề nghiệp, không ngại khó, ngại khổ, gắn bó và tâm huyết với ngành tuyên giáo.

Năm tiêu chí trên có mối quan hệ biện chứng với nhau, “kết tinh”, tạo nên chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ ngành Tuyên giáo. Năm tiêu chí đều quan trọng, là mục tiêu phấn đấu rèn luyện của cán bộ tuyên giáo. Để quy định chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp đó đi vào thực tiễn, Ban Tuyên giáo các cấp tỉnh Bình Phước đã tổ chức quán triệt đến tất cả cán bộ, nhân viên trong ngành một cách kịp thời, để triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, không phân biệt chức vụ công tác. Theo đó, từng cán bộ, đảng viên, nhân viên ngành Tuyên giáo tỉnh tự xây dựng kế hoạch cá nhân để rèn luyện, phấn đấu và thông báo cho chi bộ, cho cơ quan biết, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình thực hiện; cán bộ lãnh đạo Ban Tuyên giáo các cấp tự giác, gương mẫu đi đầu trong thực hiện những chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp này.

Kết quả thực hiện các chuẩn mực đạo đức, được thể hiện trong các công việc cụ thể hàng ngày, thường xuyên, liên tục và sự kiên trì phấn đấu trong suốt cuộc đời của cán bộ, nhân viên ngành Tuyên giáo sẽ là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá cán bộ, đảng viên, đánh giá tổ chức đảng và cơ quan, đơn vị trong mỗi dịp sơ kết, tổng kết. Đồng thời, đây cũng là cơ sở để cán bộ, đảng viên và nhân dân theo dõi, giám sát các cán bộ ngành Tuyên giáo tỉnh trong thực hiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của mình ./.

Ths. Trần Tuyết Minh
Phó Trưởng ban Thường trực - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất