Thứ Tư, 2/10/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Chủ Nhật, 27/5/2012 9:17'(GMT+7)

Nhân rộng mô hình, tôn vinh điển hình

Thực hiện giờ học thanh niên tự quản, cán bộ đoàn cẩn thận chỉnh sửa từng động tác điều lệnh cho ĐVTN.

Thực hiện giờ học thanh niên tự quản, cán bộ đoàn cẩn thận chỉnh sửa từng động tác điều lệnh cho ĐVTN.

Liên tục làm mới chủ đề giáo dục

Trong chuyến công tác mới đây, chúng tôi hết sức ngạc nhiên khi chứng kiến buổi lên lớp đặc biệt với chủ đề: Học Bác cách tiết kiệm thời gian. "Giảng viên" là Thượng sĩ Trần Minh Cường - Đoàn viên thuộc Đoàn cơ sở (ĐCS) Tiểu đoàn 8 - Điển hình tiên tiến về thực hành tiết kiệm thời gian vào việc học tập có hiệu quả. Người học là toàn thể cán bộ, đoàn viên thanh niên (ĐVTN) Đoàn cơ sở Tiểu đoàn 15. Khi buổi học kết thúc, nhiều cán bộ, ĐVTN tỏ ra phấn khởi vì bản thân có thêm nhiều kinh nghiệm hay cho việc học tập và làm theo Bác. Thiếu tá Nguyễn Bá Quốc, Trưởng ban Thanh niên nhà trường cho biết:

- Sở dĩ cơ quan chọn "giảng viên" là các điển hình, xác định nội dung là các chủ đề thiết thực, như: "Học Bác cách tiết kiệm thời gian"; "Học Bác phương pháp xây dựng kế hoạch học tập"; "Học Bác sống có nền nếp";... bởi lẽ, lúc này là thời điểm chín muồi để hướng mạnh việc giáo dục vào đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả "làm theo" của tuổi trẻ. Đó cũng là biện pháp thực hiện nguyên tắc bám sát đối tượng trong giáo dục.

Cũng theo anh Quốc, để bám sát đối tượng giáo dục, thời gian qua, cùng với việc tổ chức học tập các chủ đề do cấp trên quy định, nhà trường còn chủ động bổ sung thêm một số nội dung giáo dục cần thiết trong từng giai đoạn cụ thể. Ví dụ, từ đầu năm 2012, quán triệt tinh thần kết hợp thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", nhà trường coi trọng giáo dục chủ đề: Tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng; đồng thời phát động sâu rộng việc học tập, nghiên cứu tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" của Bác Hồ. Đại tá Lê Quang Phi, Phó chủ nhiệm Chính trị nhà trường khẳng định:

- Sự thay đổi các chủ đề giáo dục như vậy, giúp cán bộ ĐVTN liên tục thay đổi nhận thức, bám sát sự vận động, phát triển của việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của toàn xã hội. Trên cơ sở đó mà xác định mục tiêu, nội dung, phương pháp học tập và làm theo hiệu quả nhất. Bằng cách làm như vậy, đến nay 100% cán bộ, ĐVTN nhà trường đã nắm chắc tư tưởng đạo đức của Bác.

"Khai đất dụng võ" cho mô hình

Không còn câu nệ việc xây dựng các tiêu chí học tập và làm theo Bác như khi thực hiện CVĐ trước kia, hiện tại, quán triệt tinh thần Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị, tuổi trẻ nhà trường đang duy trì việc học tập và làm theo Bác bằng cách xây dựng mô hình điển hình và đẩy mạnh các hoạt động phong trào. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tại, tuổi trẻ nhà trường đã xây dựng được nhiều mô hình hiệu quả như: "Nghiên cứu khoa học giỏi"; "Học giỏi, kỷ luật nghiêm"; "Học thực chất thi thực chất", "5 không", "Thực hành tiết kiệm giỏi"... Nói về kết quả xây dựng các mô hình, anh Quốc cho biết:

- Tất cả các mô hình trên đều hoạt động có hiệu quả. Bởi lẽ, chúng tôi không để các mô hình phát triển tự phát, mà chủ động tạo cơ chế, lập kế hoạch để nó hình thành, phát triển theo quy luật.

Quy luật mà anh Quốc đề cập trên được khái quát thành công thức: "Từ 1 đến n và từ n về 1". Nghĩa là: Từ một mô hình nhân rộng ra nhiều mô hình. Khi các mô hình hoạt động phổ biến, hiệu quả, cơ quan thanh niên lại khái quát, tổng kết từ nhiều mô hình để tạo nên một mô hình mới (khác về chất). Rồi lại tiếp tục nhân rộng. Ví dụ, từ mô hình "Ánh đèn đêm" của một chi đoàn thuộc ĐCS Tiểu đoàn 5 đã phát triển, lan ra 100% tổ chức đoàn trong trường. Quá trình duy trì các mô hình hoạt động, lại xuất hiện thêm nhiều mô hình tương tự như: "Chi đoàn tự học giờ thứ 9", mô hình "Câu lạc bộ giờ thứ 9"... Trên cơ sở đó, cán bộ đoàn nghiên cứu xây dựng nên mô hình: "Chi đoàn tiết kiệm thời gian học tập".

Là người trực tiếp chỉ đạo công tác thanh niên, Đại tá Lê Quang Phi cho rằng:

- Xây dựng mô hình đã khó, nhưng tạo ra môi trường thuận lợi để mô hình phát triển lại càng khó hơn. Chính vậy mà việc định hướng, chỉ rõ nội dung, lĩnh vực xung kích để mô hình "có đất dụng võ" là giải pháp quan trọng và có tính lâu dài.

Thực hiện tinh thần đó, những năm qua, việc "khu biệt" lĩnh vực để tuổi trẻ xung kích học tập và làm theo Bác khá cụ thể, rõ ràng. Trong giảng dạy, đó là việc thực hiện tốt Cuộc vận động: "Nói không với tiêu cực trong thi, kiểm tra và chống bệnh thành tích trong giáo dục". Thực hiện "dạy thực chất, học thực chất". Người giảng viên quyết tâm "không vi phạm đạo đức người thầy", thi đua thực hiện "Mỗi thầy cô giáo là mỗi tấm gương sáng để học viên noi theo"... ĐVTN thực hiện tốt mục đích học tập theo lời dạy của Bác. Quyết tâm "Không chạy điểm xin điểm, không vi phạm quy chế thi, kiểm tra"... Trong xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật đó là việc thực hiện Cuộc vận động: "Thanh niên quân đội mẫu mực xây dựng chính quy"; quyết tâm "Không vi phạm kỷ luật, nói không với rượu bia, thuốc lá, ma túy và tệ nạn xã hội". Cùng với đó, tổ chức đoàn các cấp duy trì nghiêm nền nếp, chế độ: "Chương trình rèn luyện đoàn viên"; đẩy mạnh thi đua rèn đức; đề cao phương châm "Tuổi trẻ sống đẹp, sống có ích"; hướng mọi đối tượng thực hành "Nói lời hay, làm việc tốt"...

- Trong một môi trường như vậy, tuổi trẻ không chỉ được rèn luyện mà còn được "cháy" hết mình với phong trào, được thỏa sức và tích cực thi đua học tập, làm theo tấm gương của Bác mỗi ngày - Thiếu tá Lương Xuân Tính, Bí thư ĐCS Tiểu đoàn 73 phấn khởi cho biết.

Tôn vinh đúng nghĩa

Tối 19-5 vừa qua, sân băng trung tâm Trường Đại học Trần Quốc Tuấn rực rỡ cờ hoa. Đúng 19 giờ, Lễ tôn vinh 10 gương mặt "Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác" bắt đầu với sự tham gia của đông đảo cán bộ, học viên nhà trường. Đại biểu tuổi trẻ một số trường đại học và địa phương kết nghĩa cũng tề tựu chung vui. Thấy chúng tôi tỏ ý ngạc nhiên trước quy mô hoành tráng, dàn dựng công phu của buổi lễ, anh Quốc chủ động giải thích:

- Toàn trường chỉ lựa chọn 10 gương mặt tiêu biểu để tôn vinh. Bởi thế, anh em rất xứng đáng được ngợi ca, ghi nhận. Và một buổi lễ tôn vinh quy mô như thế này là cần thiết...

Nhất trí với ý kiến của đồng chí Trưởng ban Thanh niên, Đại tá Lê Viết Anh, Phó chính ủy nhà trường cho rằng: Mục đích cao nhất của lễ tôn vinh lần này là vừa để ghi nhận, đồng thời cũng là phương thức để tuyên truyền, cổ vũ, động viên những điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo Bác. Đây cũng là biện pháp để giới thiệu, quảng bá giúp các tập thể, cá nhân khác trong toàn trường có điều kiện học tập, làm theo. Chính vậy mà nhiều năm qua, nhà trường coi trọng và tổ chức hoạt động này như một sự kiện không thể thiếu của tuổi trẻ.

Cũng theo Đại tá Lê Viết Anh, việc ghi nhận đóng góp của những điển hình không chỉ đơn thuần diễn ra ở buổi lễ tôn vinh là thôi, mà nhà trường còn "khen thưởng" họ bằng nhiều biện pháp, hình thức khác. Đó là việc Đảng ủy Nhà trường tạo điều kiện và khuyến khích các tổ chức, đơn vị đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nêu gương điển hình trên các phương tiện truyền thông. Đó là việc nhà trường tổ chức biên tập, xuất bản nhiều cuốn sách viết riêng về các điển hình tiên tiến, như: Những người gieo hạt giống tâm hồn (năm 2009); Bộ đội Lục quân làm theo lời Bác (năm 2011)... Đặc biệt, những điển hình được tôn vinh hằng năm còn có nhiều quyền lợi chính trị khác như: Ưu tiên trong bố trí sắp xếp cán bộ, được hưởng những điều kiện, cơ chế thuận lợi trong quá trình phát triển tiếp theo...

Nguyễn Tấn Tuân/QĐND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất