Xã
hội hiện đại làm biến đổi các chuẩn mực văn hóa gia đình. Những năm gần
đây, sự tôn trọng giá trị gia đình ở nhiều tầng lớp, nhất là thế hệ trẻ
ngày càng bị giảm sút. Phát huy sức mạnh của gia đình không phải chỉ
giữ những giá trị được coi là “thiên đàng của hạnh phúc” mà còn để thúc
đẩy sự phát triển của xã hội.
Trả lại cho gia đình những giá trị đích thực
Nước
ta có khoảng 26 triệu gia đình, tồn tại dưới dạng hai kiểu: Gia đình cơ
bản (hay gia đình hạt nhân) có hai thế hệ, cha mẹ và con cái; và gia
đình truyền thống có cả ông bà cùng sống. Xu thế gia đình cơ bản ngày
càng phổ biến ở đô thị, còn gia đình truyền thống vẫn khá phổ biến ở
nông thôn.
Gia đình là có vai trò
quan trọng trong việc nuôi dưỡng, giáo dục, nâng đỡ suốt đời người; là
môi trường để hình thành và phát triển nhân cách; là nơi để rèn luyện
lối sống có đạo lý, có tình người. Tuy nhiên, những năm gần đây, sự tôn
trọng giá trị gia đình ở nhiều tầng lớp xã hội, nhất là thế hệ trẻ đang
bị giảm sút. Điều này có những nguyên nhân từ cơ sở xã hội, nhận thức và
cũng từ chính bản thân sự kém bền chặt của gia đình. Bởi vậy, để nâng
cao vị trí và vai trò của gia đình trong những điều kiện của xã hội hiện
đại, phải tìm ra phương thức để trả lại cho gia đình những giá trị đích
thực của nó.
Tại hội thảo Xây dựng
văn hóa gia đình trong xã hội đương đại ngày 10.3, theo GS. Đặng Cảnh
Khanh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển, việc gia
đình có thể chiếm được những vị trí cao trong thang bảng giá trị của xã
hội hiện đại hay không tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Đó có thể là kinh tế
gia đình, nhận thức, tình cảm và tâm lý, tình yêu thương và trách
nhiệm, tính huyết thống và sự gắn bó giữa các thành viên trong gia đình;
những tác động từ phía cộng đồng xã hội bên ngoài và tác động từ nội
hàm các mối quan hệ bên trong... Tuy nhiên, về cơ bản, con người chỉ có
thể tôn trọng gia đình khi gia đình thực sự là một tổ ấm.
Sự
tồn tại của gia đình Việt Nam qua nhiều thế hệ đã không chỉ góp phần
vào việc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, mà còn tạo dựng nên
những giá trị Việt Nam đầy bản sắc. Tuy nhiên, xã hội hiện đại đang làm
biến đổi các chuẩn mực văn hóa gia đình. Nâng cao vị thế và vai trò của
gia đình trong giai đoạn hiện nay là việc làm cần thiết. Điều này không
làm trì trệ mà ngược lại tạo cơ sở và động lực cho sự phát triển xã hội.
Giữ gìn và giáo dục những giá trị truyền thống
NGƯT
Nguyễn Hồng Mai, Trường ĐH Văn hóa Hà Nội cho biết, trong những năm gần
đây, trước sự nảy sinh và lan rộng của các mặt tiêu cực trong quan hệ
xã hội, cộng đồng và gia đình, dưới ảnh hưởng của mối quan hệ hàng hóa,
lợi nhuận và xu hướng toàn cầu hóa, nhu cầu gìn giữ và giáo dục các giá
trị gia đình truyền thống cho thế hệ trẻ đã được quan tâm và chú ý sâu
sắc. Tuy nhiên, đến nay, việc gìn giữ và giáo dục các giá trị truyền
thống cho thế hệ trẻ vẫn còn nhiều hạn chế. Chúng ta chưa xây dựng được
những chuẩn mực thống nhất cho các giá trị gia đình truyền thống trên cơ
sở đòi hỏi của nhu cầu thực tiễn, trong khi những tập tục và thói quen
trong các chuẩn mực cũ không còn phù hợp với sự phát triển của gia đình
mới, như nếp sống gia trưởng, thói “ vinh thân phì gia”, một người làm
quan cả họ được nhờ, sự coi thường phụ nữ…
Quyền
Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, PGS. TS. Từ Thị
Loan cho biết, chịu ảnh hưởng của phương thức giáo dục phương Tây hiện
đại, dường như gần đây những nội dung giáo dục về sức khỏe sinh sản, về
tình dục ở phương Đông trong đó có Việt Nam được chú ý nhiều hơn là giáo
dục về tình cảm và đạo lý, những nguyên tắc ứng xử cơ bản trong các mối
quan hệ gia đình. Sự thiên lệch này có thể vô tình làm cho giới trẻ dễ
nhầm lẫn, coi tình dục cao hơn tình yêu, đặt nặng lợi ích cá nhân và xem
nhẹ lợi ích gia đình…
Tuy vậy, TS.
Trần Thị Tuyết Mai, Trường ĐH Văn hóa Hà Nội khẳng định: Môi trường gia
đình ổn định và phát triển lành mạnh sẽ là những điều kiện cơ bản, đảm
bảo giáo dục các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình cho thế hệ
trẻ. Chỉ khi nào được nuôi dưỡng trong một môi trường như vậy, đến lượt
mình, chính các em mới có đủ năng lực để tiếp tục chuyển tiếp ngọn lửa
vĩnh hằng của những giá trị truyền thống đó. Chính vì vậy, bên cạnh các
hình thức truyền thông, giáo dục truyền thống cho các em nhỏ thông qua
các kênh chính thức của nhà nước, các chương trình giáo dục chính quy
trong nhà trường cũng cần được chú ý nhiều hơn. Về phương diện này, thời
gian tới, chúng ta cần có kế hoạch và chương trình hành động cụ thể
hướng vào việc phát huy những ưu thế tích cực của nhà trường, tạo nền
móng vững chắc và lâu dài để nhà trường trở thành một cơ sở gìn giữ và
giáo dục truyền thống hiệu quả.
Hương Sen (Báo ĐBND)