Các đồng chí: Võ Văn Phuông, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Bùi Thế Đức, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Phạm Mạnh Hùng, Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; đại diện lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị chức năng thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đến dự buổi làm việc.
Với Nghị quyết 29: Giáo dục đã có “đường ra”
Đánh giá chung về thực hiện Nghị quyết 29, Thứ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Phạm Mạnh Hùng chia sẻ: Khi xây dựng Nghị quyết 29, nhiều vấn đề bức thiết của giáo dục đã được nhìn nhận lại, có nhiều nội dung được đề cập từ Nghị quyết Trung ương khóa VIII nhưng vẫn chưa giải quyết được. Nghị quyết 29 tiếp tục giải quyết và đưa ra nhiều luận điểm mới. Trong quá trình thực hiện, ban đầu không tránh khỏi có những lúng túng nhất định trong việc thực hiện nhiều nhiệm vụ mới và khó.
Cho đến nay, sau gần ba năm triển khai thực hiện, ngành Giáo dục và đào tạo đã đạt được những kết quả quan trọng. Công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo đã nhận được sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị; sự đồng thuận của cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân trong cả nước.
Điều đáng mừng là ý thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đối với sự nghiệp giáo dục ngày càng được nâng cao. Nhiều cơ sở giáo dục đã cụ thể hóa Nghị quyết 29 vào các văn bản, kế hoạch phát triển giáo dục của đơn vị. Hệ thống giáo dục quốc dân đã từng bước được hoàn thiện, đảm bảo linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ đào tạo, phù hợ với khu vực và quốc tế đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của nhân dân góp phần hình thành xã hội học tập. Đổi mới chương trình giáo dục, đào tạo ở các cấp học đã được chú trọng thực hiện theo hướng coi trọng phẩm chất, năng lực người học.
Đổi mới phương pháp dạy học, công tác đánh giá, thi cử ở các cấp hoc đã đem lại những kết quả nhất định. Nội dung giảng dạy và kiến thức của học sinh phổ thông toàn diện và gắn bó với thực tiễn hơn. Chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non, chất lượng giáo dục toàn diện học sinh phổ thông được cải thiện; chất lượng học sinh giỏi được giữ vững ở mức cao; chất lượng giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học có bước chuyển biến tích cực, chất lượng nguồn nhân lực và nguồn nhân lực chất lượng cao từng bước đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động.
|
Đồng chí Võ Văn Thưởng phát biểu tại buổi làm việc |
Công bằng xã hội trong giáo dục đã được cải thiện, đặc biệt đối với trẻ em gái, trẻ em người dân tộc và con em các gia đình nghèo. Giáo dục ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa phát triển mạnh và có tiến bộ rõ rệt.
Đồng thời, xây dựng được một đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đông đảo với trình độ ngày càng được nâng cao. Công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý được triển khai gắn kết với đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học ở các cấp, bậc học, ở mọi vùng miền đã được cải thiện. Một số địa phương, một số trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề đã nỗ lực để từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.
Đổi mới về quản lý giáo dục được thực hiện theo hướng tăng cường phân cấp, tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, công khai, dân chủ.
Chất lượng giáo dục được cải thiện, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục được đẩy mạnh; công tác soạn thảo, ban hành văn bản, pháp chế, pháp điển có nhiều chuyển biến tích cực, công tác thanh tra, kiểm tra được tập trung theo hướng thanh tra công tác quản lý nhà nước, tăng cường kỷ cương kỷ luật hành chính; công tác cải cách thủ tục hành chính được quan tâm; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc được triển khai bước đầu có hiệu quả.
Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng nhìn nhận, với Nghị quyết 29, các nút thắt, những điểm nghẽn, những hạn chế, tồn tại đã được nhận diện rõ ràng và từ đó nhìn thấy hướng đi, giải pháp để giải quyết. Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng trích dẫn, gần đây trong một cuộc làm việc, Thủ tướng Chính phủ cũng nhận định rằng: “cho đến nay, giáo dục đã có đường ra”.
Báo cáo cũng nêu rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Đáng chú ý là việc xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết 29 của một số địa phương chưa sát với thực tiễn, thiếu sự chỉ đạo ưu tiên trọng điểm và thiếu chủ động trong việc lồng ghép, huy động các nguồn vốn để triển khai. Công tác tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết 29 còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu. Chất lượng giáo dục đại trà nói chung còn thấp, chưa tiếp cận được với trình độ tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội; công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS và THPT chuyển biến chậm. Chất lượng giáo dục nghề nghiệp và đại học còn thấp. Nhiều học sinh, sinh viên tốt nghiệp còn hạn chế về năng lực tư duy sáng tạo, kỹ năng thực hành, khả năng thích ứng với nghề nghiệp; kỷ luật lao động, tinh thần hợp tác và cạnh tranh lành mạnh chưa cao, khả năng tự lập nghiệp còn hạn chế. Cơ cấu trình độ, cơ cấu ngành nghề, cơ cấu vùng miền chưa cân đối. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục còn nhiều bất cập. Chương trình giáo trình, phương pháp giáo dục chậm đổi mới, chậm hiện đại hóa, chưa phát huy tinh thần tự học và tư duy sáng tạo của người học, chưa gắn kết nghiên cứu khoa học với đào tạo và sản xuất.
Bộ Giáo dục – Đào tạo cũng thẳng thắn nhìn nhận nguyên nhân của những hạn chế được xác định là do công tác chỉ đạo, giám sát triển khai thực hiện Nghị quyết 29 của Bộ Giáo dục – Đào tạo chưa được thường xuyên. Việc tổ chức thực hiện Nghị quyết 29 ở một số nơi chưa đi vào thực chất, còn mang tính hình thức. Một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến Nghị quyết 29, chỉ đạo chưa tích cực; chưa thực sự quan tâm đến việc bố trí nhân lực, vật lực kịp thời và thực hiện chính sách cho giáo dục, ngân sách chi cho sự nghiệp giáo dục còn hạn hẹp, nguồn lực đầu tư hạn chế.
Giáo dục cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và đồng thuận xã hội
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh thêm một số điểm quan trọng trong Nghị quyết 29 mà Bộ đang tập trung nỗ lực thực hiện. Đó là, đổi mới chương trình sách giáo khoa và xây dựng chương trình. Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp cận theo xu hướng hội nhập, áp dụng kinh nghiệm của một số nước vào điều kiện đặc thù của Việt Nam. Bộ trưởng cho biết tháng 9 sẽ ban hành chương trình khung, sau đó sẽ ban hành một số chương trình bộ môn đáp ứng mục tiêu của Nghị quyết 29 là phát triển con người phù hợp với hội nhập. Bộ trưởng cho rằng, tập trung đẩy nhanh tiến độ, cố gắng bám sát các văn bản chỉ đạo nhưng ưu tiên đảm bảo chất lượng là trước hết.
|
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu
|
Về phân luồng, Bộ trường nhìn nhận là “cho đến nay phân luồng chưa thành công so với mục tiêu Nghị quyết đề ra”. Phần lớn học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở là lên thẳng PTTH và Đại học. Bộ đang cố gắng triển khai theo hướng linh hoạt hơn, phối hợp địa phương để việc hoàn thành THPT ở mức độ, học sinh không theo đại học có thể chọn con đường học nghề không cần phải đợi hết cấp 2. Vừa qua, Bộ đã trình Thủ tướng ban hành hệ thống giáo dục quốc dân một cách mạch lạc, hệ thống từ mầm non, phổ thông, đại học đến liên thông giáo dục nghề nghiệp. Trong đó chú trọng liên thông giáo dục nghề nghiệp với đại học để học sinh có thể chuyển từ đào tạo nghề sang đại học và chuyển từ đại học sang đào tạo nghề theo nhu cầu. Học sinh chủ động trong chọn lựa nghề nghiệp, môn học. Hiện Bộ đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương làm thí điểm để nhân rộng.
Bộ trưởng cho biết, một trong những nội dung rất quan trọng là kiểm tra đánh giá thi đến nay đã cơ bản hoàn thiện phương pháp đánh giá, cần chuẩn thêm về chuyên môn còn phương thức đã ổn định. Cho đến thời điểm này, đã chuẩn bị cơ bản ngân hàng câu hỏi thi, hướng dẫn các sở, các trường đồng hành cùng Bộ, tránh được hiện tượng học tủ, học lệch. Các kỳ thi hướng đến minh bạch, nhẹ nhàng, đỡ tốn kém, không căng thẳng, giảm những bức xúc, bất cập mà các kỳ thi trước tạo ra.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng chia sẻ, Bộ vẫn còn lúng túng trong vấn đề tự chủ đại học. Giáo dục đại học thời gian qua đã có chuyển biến đáng kể nhưng so với yêu cầu và hiệu quả còn rất thấp. Phải nâng cao hơn vai trò của Hội đồng trường. Bộ trưởng cho biết, hiện Bộ Giáo dục đào tạo đang nghiên cứu, đề xuất mô hình cho phù hợp. Vừa qua, Bộ có một chương trình khảo sát căn cơ các điều kiện, cơ chế chính sách của các trường ngoài công lập. Tiến tới, tạo điều kiện bình đẳng, không có phân biệt công lập và dân lập trong vấn đề chất lượng để các trường tham gia đào tạo nguồn nhân lực tốt trên cơ sở cạnh tranh lành mạnh.
Về đội ngũ nhà giáo Bộ trưởng cho biết, hiện nay toàn ngành có khoảng 1,4 triệu, trong đó 1,2 triệu là giáo viên, 200 nghìn cán bộ quản lý. Về kỹ năng, phẩm chất nghề nghiệp nhà giáo, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra. Bộ đang rà soát lại toàn bộ chuẩn nhà giáo, áp vào đánh giá trong số 1,4 triệu cán bộ, giáo viên đang ở đâu so với chuẩn đồng thời có giải pháp bồi dưỡng, sử dụng hợp lý. Tuy nhiên, còn vướng ở một điểm là chế độ đãi ngộ. Bộ trưởng cũng cho hay, Bộ Giáo dục đào tạo đang rà soát nghiên cứu, đánh giá, xây dựng luận cứ để xây dựng Luật Nhà giáo. Bộ trưởng đặt vấn đề: Giáo viên công lập hay tư thục đều phải đáp ứng phẩm chất chính trị, đạo đức, nghề nghiệp như nhau, do đó, cần có Luật làm căn cứ pháp lý chuẩn.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng kiến nghị, trong lãnh đạo, chỉ đạo, yêu cầu giáo dục đào tạo địa phương phải vào cuộc hơn, sát sao cụ thể, đưa giáo dục thành một nội dung trên bàn nghị sự để có những quan tâm thấu đáo. Địa phương phải có phần trách nhiệm về giáo dục của địa phương mình, tránh coi giáo dục là việc của Bộ, từ đó chỉ đạo lơ là, không phối hợp. Trong tuyên truyền, cần hướng đến sự đồng thuận của xã hội. Một số biểu hiện "con sâu làm rầu nồi canh" trong ngành giáo dục cần được nhìn nhận khách quan, đúng mức độ, đúng phạm vi. Trong ngành giáo dục còn rất nhiều điển hình tiên tiến cần phải được tôn vinh, nêu gương.
Một số ý kiến đại biểu nêu tại cuộc họp nhấn mạnh đến việc các cơ quan lãnh đạo, quản lý cần định hướng tập trung tuyên truyền những vấn đề lớn, cốt lõi, quan trọng của Nghị quyết 29; tăng cường công tác dự báo, tận dụng tốt các kênh thông tin, đẩy mạnh tuyên truyền gương điển hình tích cực.
Bộ Giáo dục - Đào tạo cần phát huy là vai trò chủ lực trong thực hiện Nghị quyết 29
Đồng chí Võ Văn Thưởng đánh giá cao những kết quả ngành Giáo dục – Đào tạo đã đạt được trong 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29. Đồng chí Võ Văn Thưởng lưu ý, tuy trách nhiệm thực hiện nghị quyết là của cả hệ thống chính trị, nhưng Bộ Giáo dục Đào tạo là nòng cốt, chủ lực, một đầu mối quan trọng nên toàn xã hội luôn tin tưởng dõi theo. Dù cho các bộ, ngành khác phối hợp tốt hay chưa tốt, Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng cần phát huy tốt vai trò chủ lực trong thực hiện Nghị quyết.
Đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh cần tiếp tục quán triệt triển khai mạnh mẽ các quan điểm, mục tiêu nhiệm vụ và giải pháp trong Nghị quyết 29. Đồng thời, chỉ đạo phải quán triệt và làm tốt hơn công tác thông tin, truyền thông đối với xã hội; có chương trình, kế hoạch, bước đi cụ thể và với quyết tâm cao để được sự ủng hộ của toàn xã hội. Đồng chí Võ Văn Thưởng cho rằng, giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc cụ thể ở tầm quan điểm, định hướng của Ban, Bộ rất quan trọng. “Trong sự cố bao giờ cũng có cơ hội để thúc đẩy cải cách, đổi mới, cơ hội làm xã hội hiểu hơn, nhìn nhận đánh giá rõ hơn quan điểm của Bộ, ngành từ đó đồng tình và đồng thuận nhiều hơn”.
Về xây dựng bộ sách Giáo khoa mới, đồng chí Võ Văn Thưởng nhận định “có độ trễ nhất định” với nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan nhưng về cơ bản phải cố gắng khắc phục. Đồng chí Võ Văn Thưởng phân tích, xã hội luôn có đòi hỏi về cả tiến độ và chất lượng. Đạt tiến độ không có nghĩa là bỏ qua chất lượng. Làm nhanh, đạt tiến độ mà không có chất lượng cũng sẽ bị nhân dân phê bình. Đồng thời, có chất lượng mà không đạt tiến độ cũng bị nhân dân chê trách. Khi đưa ra Quốc hội, cử tri bao giờ cũng yêu cầu cả tiến độ và chất lượng. Do đó, phải nỗ lực cố gắng đạt đồng thời cả hai yếu tố. Đồng thời, đồng chí Võ Văn Thưởng cũng nhận định, đối với nhiều kiến thức khoa học tự nhiên, công nghệ… thế giới sử dụng chung các thành tựu, riêng chỉ khác biệt lớn nhất là khoa học xã hội, nhân văn bởi tính đặc thù, khác biệt văn hóa của mỗi quốc gia dân tộc. Vậy làm sao để hài hòa, tiếp thu được phương pháp của thế giới và vẫn có bản sắc riêng, phù hợp với điều kiện của Việt Nam là yêu cầu đặt ra.
Về giáo dục nghề nghiệp, hướng nghiệp tuy đã bàn luận nhiều, nhưng chưa thành công, vậy phải nghiên cứu để đạt kết quả cao hơn, tránh đào tạo lãng phí mà không đáp ứng được yêu cầu của xã hội.
Liên quan tới vấn đề thi cử, đồng chí Võ Văn Thưởng cho rằng, phương pháp, kiểm tra, đánh giá kết qủa các kỳ thi cần tiếp tục nghiên cứu, từng bước hoàn thiện hợp lý hơn, giảm thiểu mệt mỏi và áp lực cho xã hội.
Về đổi mới giáo dục đại học, cao đẳng, đồng chí Võ Văn Thưởng nhận định, chính sách cho các trường đại học ngoài công lập vừa qua là chậm được ban hành, chưa rõ và trong chừng mực nào đó là chưa công bằng, chưa khuyến khích được sự tham gia của toàn xã hội. Về mặt tác động biện chứng, cũng làm chậm sự thúc đổi đổi mới quản trị của trường đại học công lập.
Về vấn đề tự chủ đại học, cần phải tính toán cơ chế hội đồng trường hoạt động. Việc tự chủ về tài chính cả đối với trường công và trường tư cũng phải có chế tài để tránh tạo ra kẽ hở cho những người muốn lợi dụng để làm giàu trong giáo dục. Vấn đề đánh giá chất lượng, kiểm định, xếp hạng các trường đại học như thế nào cũng cần từng bước tham khảo các nước tiến bộ trên thế giới, nghiên cứu, bổ sung. Liên quan công tác tài chính, công tác quản trị, trách nhiệm quản lý nhà nước, bộ, ngành theo hướng tăng quyền tự chủ thì giảm quyền chủ quản. Công tác quản lý nhà nước của UBND các tỉnh, thành phố với hệ thống giáo dục trên địa bàn; công tác quản lý nhà nước đối với các trường có yếu tố nước ngoài, các trường quốc tế; vấn đề chuyển từ quản lý qua quản trị của các cơ sở quản trị đại học… vẫn còn phải nghiên cứu thực hiện cho thống nhất.
Liên quan đội ngũ quản lý và giảng dạy, đồng chí Võ Văn Thưởng cho rằng, thời gian qua đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn cần tập trung đầu tư nhiều hơn nữa nhằm nâng cao năng lực giảng dạy, kỹ năng, trình độ quản lý. Nhiều khi cán bộ giáo viên đạt chuẩn, trên chuẩn, đủ danh hiệu nhưng cộng lại kỹ năng không đạt yêu cầu thì phải tính toán để cho các yếu tố này tỷ lệ thuận với nhau, từng bước nâng cao chất lượng giáo viên.
Về nâng cao thu nhập, đảm bảo đời sống cho cán bộ, giáo viên, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương bày tỏ đây là một “món nợ” không chỉ của ngành Giáo dục mà còn là món nợ của Đảng và Nhà nước đối với các thầy cô giáo. Từ Nghị quyết Trung ương 8 đã đặt ra vấn đề lương phải bảo đảm cho cuộc sống của giáo viên, nhưng qua hơn chục năm vẫn chưa giải quyết được. Do vậy, việc tính toán lại, tham mưu chặt chẽ, ban hành chính sách là yêu cầu cấp bách đặt ra.
Giáo dục lý luận chính trị: học phương pháp tư duy để giải quyết vấn đề
Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến nêu ra xung quanh kiến nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo về rà soát việc xây dựng giáo trình, dạy và học môn Giáo dục lý luận chính trị; đề xuất chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục – đào tạo.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, phải hướng đến tích hợp, liên thông, tránh trùng lắp, mở rộng đối tượng tham gia tiếp thu, phù hợp với học sinh, sinh viên và cả những công dân học thường xuyên, học suốt đời…
Về vấn đề này, đồng chí Võ Văn Thưởng lưu ý, học giáo dục lý luận chính trị không phải để lấy bằng cấp, giáo điều kinh viện, xa rời thực tế mà để học lấy phương pháp tư duy khoa học biện chứng nhằm giải quyết các vấn đề của thực tiễn đặt ra, đáp ứng mong muốn của xã hội. Cho nên việc xây dựng giáo trình, chọn lựa giáo viên cũng phải theo hướng đó.
Tại buổi làm việc, hai bên cũng đã nhìn lại kết quả phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đồng chí Võ Văn Thưởng, đồng chí Phùng Xuân Nhạ cùng bày tỏ phấn khởi trước sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Giáo dục - Đào tạo trong việc thực hiện các nhiệm vụ đổi mới giáo dục đào tạo đang đặt ra. Đồng thời, trên cơ sở đó, chia sẻ, thống nhất, thúc đẩy thực hiện các nội dung theo chức trách, nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao nhằm đạt kết quả tốt hơn trong thời gian tới.
Cao Nguyên