Thứ Ba, 8/10/2024
Tuyên giáo các cấp
Chủ Nhật, 26/7/2009 21:54'(GMT+7)

Chung sức giữ gìn bờ cõi biên cương

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Hiện nước ta có hơn một nghìn xã, phường (có hơn 400 xã đặc biệt khó khăn) ở vùng biên, bờ biển, hải đảo. Kẻ địch và phần tử xấu đã lợi dụng địa hình hiểm trở, đời sống vật chất của người dân nơi đây khó khăn để tuyên truyền, lôi kéo, kích động, chống phá ta về lĩnh vực tư tưởng, văn hóa... chia rẽ khối đoàn kết dân tộc và gây mất ổn định chính trị. Vậy nên việc đẩy mạnh các hoạt động thông tin cổ động, tuyên truyền giúp bà con thôn, bản vùng sâu, vùng xa biên giới, biển, đảo hiểu chủ trương đường lối của Ðảng, chính sách của Nhà nước ta đặc biệt quan trọng.

Từ tháng 8-2008, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo Ðồn Biên phòng 281 lắp đặt cụm loa truyền thanh (lấy tên Ðài Truyền thanh xã Dào San). Mỗi tuần phát thời lượng 60 phút tiếng dân tộc Mông và tiếng phổ thông. Nội dung phát thanh do Ðồn Biên phòng biên soạn (mỗi tháng phát bốn số) ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, dễ nhớ, phù hợp trình độ của bà con các dân tộc địa phương. Phát thanh viên do cán bộ xã và cán bộ biên phòng đảm nhiệm.

Ðồng chí Ma A Lủ, Trạm trưởng Ðài Truyền thanh xã Dào San, huyện Phong Thổ kể rằng: Chương trình phát thanh hay lắm nhé. Cứ nghe tiếng hát từ đài phát thanh mở đầu chương trình là bà con ở thôn, bản chăm chú nghe. Nhiều bài hát về quê hương, đất nước vui tai lắm. Rồi phần tin tức giúp bà con biết hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, địa phương mình chỉ đạo việc làm kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh bảo vệ vùng đất biên cương. Ðược biết, từ khi thành lập đến nay Ðài truyền thanh xã đã phát được 46 số (gần 3.000 phút) ngoài chương trình ca nhạc, cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng 281 biên tập điểm tin thời sự trong nước; chủ trương, đường lối, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước gồm: Luật Biên giới quốc gia; Luật An ninh quốc gia; Luật Cư trú; Luật Giao thông đường bộ... Nhiều gương người tốt, việc tốt; cách làm hay, mô hình làm kinh tế hiệu quả được các hộ nghèo học kinh nghiệm và áp dụng vào chăn nuôi, trồng trọt giúp cuộc sống gia đình  khấm khá. Ðặc biệt, các bản tin được phát qua hệ thống Ðài truyền thanh đã giúp nhân dân các dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới và cả công dân Trung Quốc hiểu và nắm được vai trò trách nhiệm của người công dân, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước và pháp luật Việt Nam, tích cực cùng Bộ đội Biên phòng tham gia các hoạt động bảo vệ biên giới.

Ðáng chú ý, tùy theo đặc thù của mỗi khu vực vùng biên, mỗi nơi các đồn biên phòng và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có cách làm sáng tạo trong công tác nâng cao hiệu quả hoạt động văn hóa thông tin ở khu vực biên giới. Tại tỉnh Ðác Lắc, nơi có 44 dân tộc cùng chung sống trên địa bàn (đồng bào dân tộc chiếm 30%), với hơn 70 km đường biên, 15 năm qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hơn 400 đợt tuyên truyền các nghị quyết của Ðảng, chủ trương của Nhà nước, củng cố hai chi bộ yếu kém vươn lên khá, tham mưu, bồi dưỡng giúp địa phương kết nạp 25 đảng viên mới; xây dựng mỗi xã biên giới có một đội công tác (từ bảy đến mười đồng chí) thường xuyên bám trụ địa bàn, xóa một thôn trắng đảng viên; vận động 539 em trong độ tuổi đến trường; mở 22 lớp xóa mù chữ cho hơn 500 người và 12 lớp phổ cập giáo dục trung học cho 350 người. Ðã có một phòng khám quân dân y kết hợp tại buôn Yang Phok, xã Krông Na (huyện Buôn Ðôn) định kỳ mỗi tháng khám, chữa bệnh một lần và cấp thuốc định kỳ, hằng năm khám, chữa bệnh cho hàng trăm lượt người, đồng thời xây mới một nhà văn hóa cộng đồng tại buôn Yang Phok... Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã bố trí các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của Trung ương và các tỉnh bạn đến biểu diễn ca nhạc, chiếu phim phục vụ công chúng các xã biên giới và Ðồn Biên phòng. Mặt khác, còn tổ chức nhiều hội diễn, liên hoan văn nghệ quần chúng thu hút nhiều hạt nhân ở cơ sở trong khu vực biên giới tham gia.

Vài năm gầy đây, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ea Súp đã xây dựng được các đội chèo ở các xã Ya Tmốt, Ea Bung, Ia Jlơi; khôi phục lễ hội tung còn, biểu diễn nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống nhằm giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc được bà con các buôn, làng tham gia đông đảo. Riêng Công ty Ðiện ảnh tỉnh Ðác Lắc đã cung cấp nhiều băng vi-đê-ô phim tài liệu, băng ca nhạc có lồng tiếng thuyết minh bằng hai thứ tiếng Việt - Ê Ðê hoặc Việt - M'Nông. Hiện Ðác Lắc đã lấy "Ngày Biên phòng 3-3" hằng năm là Ngày hội văn hóa biên giới.

Tại Trà Vinh, cán bộ chiến sĩ biên phòng tỉnh cùng các ngành chức năng và địa phương phối hợp tuyên truyền, vận động bà con hiểu và thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo. Ðặc biệt là việc tuyên truyền để người dân chống âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch sử dụng thủ đoạn kích động, lôi kéo gây mâu thuẫn giữa nhân dân với chính quyền, xuyên tạc lịch sử hòng chia rẽ tình đoàn kết giữa đồng bào các dân tộc.

Một kinh nghiệm hay của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Ðịnh và Ðồn Biên phòng 316 tổ chức Ðiểm sáng văn hóa biên giới bờ biển tại thôn An Quang, xã Cát Khánh với nhiều hình thức như: Sân khấu ngoài trời, sân bóng đá, bóng chuyền, phòng đọc sách báo, hệ thống truyền thanh... đã tạo điều kiện để Bộ đội Biên phòng và nhân dân các xã ven biển giao lưu, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, bảo tồn gìn giữ các giá trị văn hóa, học tập kinh nghiệm hay trong sản xuất, chăn nuôi, đồng thời nâng cao đời sống văn hóa tinh thần. Mặt khác, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và lực lượng biên phòng đã tham mưu cho các xã xây dựng các quy chế, hương ước để bà con thảo luận, cùng tự giác thực hiện phong trào xây dựng gia đình, xã, thôn, khu phố văn hóa. Hiện toàn tuyến biên giới của tỉnh Bình Ðịnh dài 134 km, có 100% thôn, khu phố đăng ký xây dựng thôn, khu phố văn  hóa với 60% đơn vị đạt chuẩn, 100% các đơn vị Bộ đội Biên phòng đạt tiêu chuẩn đơn vị có môi trường văn hóa./.

(Theo: ND)


 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất