Thứ Tư, 25/9/2024
Đời sống
Chủ Nhật, 24/6/2012 11:27'(GMT+7)

Chung sức xây dựng nông thôn mới: Phát huy vai trò làm chủ của nông dân

 Phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới (NTM), thời gian qua, người dân ở các xã trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã tích cực góp công, góp của, hăng hái tham gia làm đường giao thông; xây dựng các công trình công cộng theo tiêu chí NTM. Đặc biệt, hiến đất làm đường, xây dựng các công trình công cộng đã trở thành phong trào phát triển mạnh mẽ tại Hà Nam. Đến nay, tại 54/102 xã xây dựng nông thôn mới có người dân tự nguyện hiến đất với tổng diện tích 151.454 m2, trong đó, có nhiều hộ dân tự nguyện dỡ tường rào đã xây dựng kiên cố, di chuyển công trình phụ, công trình chăn nuôi để nhường lại đất cho việc mở rộng đường làng, ngõ xóm. Trong những địa phương đi đầu phong trào này phải kể đến huyện Bình Lục nhiều nhất tỉnh với hơn 119.000 m2, huyện Lý Nhân hơn 29.300 m2, huyện Thanh Liêm 1.700 m2.

Chương trình xây dựng NTM được các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở của Hà Nam đặc biệt quan tâm và coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt từ nay đến năm 2015 và các năm tiếp theo. Vì thế, ngay từ những ngày đầu thực hiện, công tác quy hoạch và xây dựng đề án đã được triển khai thực hiện đồng bộ ở các địa phương với sự tham gia đóng góp của ngành chuyên môn nên chất lượng quy hoạch đạt khá tốt, có tính khả thi cao và gắn được quy hoạch tổng thể vùng… Công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được triển khai theo hướng lựa chọn ưu tiên các công trình cấp thiết. Trong quá trình xây dựng đã phân định rõ các hạng mục công trình do xã hay thôn, xóm làm chủ đầu tư và quản lý. Đồng thời, tỉnh có cơ chế hỗ trợ bằng nguồn vật liệu đá, xi măng cho xây dựng đường giao thông nông thôn và kiên cố hóa kênh mương. Các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khác cũng được đầu tư xây dựng như trường học, nhà văn hóa, hệ thống nước sạch... Chỉ tính trong năm 2011, tổng nguồn vốn đầu tư cho xây dựng NTM của tỉnh Hà Nam đạt hơn 456 tỷ đồng. Riêng nguồn xi măng hỗ trợ của tỉnh đã cấp cho các địa phương làm đường giao thông và kiến cố kênh mương gần 37 nghìn tấn.

Ngoài việc phát triển phong trào tự nguyện hiến đất một cách sâu, rộng, trong phát triển sản xuất nông nghiệp, tỉnh Hà Nam đã hoàn thành công tác dồn đổi ruộng đất nông nghiệp tại hai xã Vũ Bản (Bình Lục) và Nhân Khang (Lý Nhân) và tiếp tục thực hiện công tác này tại tất cả các xã còn lại, phấn đấu đến năm 2014 cơ bản hoàn thành công tác dồn đổi ruộng đất trên địa bàn tỉnh, đảm bảo sau dồn đổi ruộng đất mỗi hộ chỉ còn 1 thửa, nơi có địa hình khó khăn mới đến 2 thửa/hộ. Tại những xã xây dựng NTM giai đoạn đến năm 2015 cũng đã hình thành được những mô hình sản xuất bước đầu đem lại kết quả tích cực, gồm: 13 mô hình trồng trọt (sản xuất lúa hàng hóa, dưa chuột bao tử xuất khẩu, trồng đậu tương đông…), 4 mô hình chăn nuôi lợn, 2 mô hình chăn nuôi thủy sản, 47 mô hình chăn nuôi lợn bằng đệm lót sinh học... Hiệu quả của chương trình xây dựng NTM được thể hiện rõ qua mức thu nhập bình quân đầu người ở các xã làm điểm tăng lên đáng kể. Cụ thể, xã Đọi Sơn (Duy Tiên) tăng từ 9,8 triệu đồng lên 17,8 triệu đồng/người/năm, xã Nhân Bình (Lý Nhân) tăng từ 10,07 triệu đồng lên 18,3 triệu đồng, xã Tiêu Động (Bình Lục) tăng từ 13,58 triệu đồng lên 18,04 triệu đồng, xã Thi Sơn (Kinh Bảng) tăng từ 9,1 triệu đồng lên 21,5 triệu đồng, xã Thanh Thủy (Thanh Liêm) tăng từ 10,2 triệu đồng lên 16,2 triệu đồng.

Trong thời gian tới, tỉnh Hà Nam tiếp tục huy động, lồng ghép các nguồn lực, nhất là nguồn lực từ cộng đồng nhân dân, đồng thời chú trọng các giải pháp phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân như chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, phát triển chăn nuôi trên đệm lót sinh học...để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và phấn đấu hoàn thành các tiêu chí NTM trong thời gian sớm nhất./.

TTX

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất