Thứ Năm, 28/11/2024
Đời sống
Thứ Hai, 11/6/2012 17:1'(GMT+7)

Chung sức xây dựng nông thôn mới: Xanh hóa vùng đất khát Ninh Thuận

Vùng đất ở các xã Nhị Hà, Phước Hà, huyện Thuận Nam, nơi đầu nguồn hồ Tân Giang trước đây là một vùng đất khô cháy, mùa nào người dân cũng phải "gồng mình chờ nước". Khi hồ Tân Giang được xây dựng, đưa vào sử dụng, vùng đất này bốn mùa thấy toàn màu xanh của những cây lúa, cây ngô... Có nước, cuộc sống đồng bào ở Nhị Hà, Phước Hà thay đổi hẳn.Có những hộ thu nhập mỗi năm cả trăm triệu đồng từ sản xuất, chăn nuôi. Ông Tôn Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Nhị Hà phấn khởi nói: "Trước đây người dân Nhị Hà khổ lắm, sản xuất dựa vào nước trời là chính, một năm chỉ được một vụ, có năm được, năm mất. Khi hồ Tân Giang đưa vào sử dụng, diện tích đất sản xuất của xã, nhất là diện tích trồng lúa đã được mở rộng, mỗi năm sản xuất từ 2 đến 3 vụ, từ chỗ đó đời sống bà con xã Nhị Hà được nâng cao. Giờ đây, tỷ lệ hộ đói ở Nhị Hà không còn nữa, hộ nghèo hàng năm giảm 20%". Với dung tích chứa trên 13 triệu m3 nước, tưới cho trên 3000 ha lúa 3 vụ/năm, công trình hồ Tân Giang không những phục vụ nước tưới cho vùng đầu nguồn mà các địa phương vùng hạn khác trong huyện như Phước Nam, Phước Ninh, kể cả một phần diện tích của Phước Hữu, huyện Ninh Phước cũng đã được tô điểm thêm màu xanh do được hượng lợi từ công trình này.

Ở huyện miền núi Bác Ái, gần 8.000 ha đất sản xuất nông nghiệp nay cũng đã được ngọt hóa nhờ hệ thống thủy lợi hồ Sông Sắt. Trước đây, huyện chỉ có 400 ha đất sản xuất chủ động nước, số diện tích còn lại phải bỏ hoang, sản xuất bấp bênh do không có nước tưới. Nhờ Nhà nước quan tâm đầu tư với nguồn vốn hơn 350 tỷ đồng, công trình hệ thống thủy lợi hồ Sông Sắt đã được thi công, với dung tích chứa gần 70 triệu m3 nước, không chỉ cung cấp nước sinh hoạt mà còn tưới cho hàng nghìn ha lúa, hoa màu, mang lại niềm vui cho đồng bào Raglai ở các xã Phước Đại, Phước Chính, Phước Thắng và Phước Tiến. Phòng Nông nghiệp huyện Bác Ái đánh giá, hồ Sông Sắt đưa vào sử dụng đã tác động tích cực đối với đời sống kinh tế, xã hội của đồng bào nơi đây. Ngoài tận dụng nước gieo cấy, đồng bào còn tận dụng nguồn nước khai thác phát triển nuôi trồng thủy sản, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hướng đến phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Với người dân các xã Công Hải, Lợi Hải, Bắc Phong, Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc và xã Phương Hải, Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, công trình thủy lợi hồ Sông Trâu đã mang lại niềm vui lớn, bởi gần 3000 ha đất sản xuất đã được nguồn nước của hồ làm xanh hóa. Với dung tích chứa gần 32 triệu m3 nước, cùng với hệ thống kênh mương dài hàng chục km, đảm bảo tưới tiêu 3 vụ/năm, kể cả trồng rau màu, từ đó người dân yên tâm đầu tư, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nâng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.

Nằm trong chương trình dự án thủy lợi vừa và nhỏ, năm 2011, các công trình chứa nước ở các xã Phước Tân, Phước Trung, huyện Bác Ái; Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn; Phước Nhơn, huyện Ninh Hải; Phước Hữu, huyện Ninh Phước, với kinh phí đầu tư gần 330 tỷ đồng, tổng dung tích khoảng 24 triệu m3, đã đưa vào sử dụng đáp ứng nguồn nước tưới 3 vụ/năm cho gần 3.000 ha đất sản xuất, giúp người dân chủ động sản xuất canh tác. Hiện nay, Ninh Thuận đang chuẩn bị đưa vào sử dụng một số công trình hồ thủy lợi sắp hoàn thành là hồ Sông Biêu ở xã Nhị Hà, huyện Thuận Nam có dung tích gần 24 triệu m3, đáp ứng nguồn nước tưới cho 12.800 ha; hồ Lanh Ra ở xã Phước Vinh, huyện Ninh Phước, có dung tích gần 14 triệu m3, đáp ứng nguồn nước tưới cho hơn 1.000 ha và công trình hồ chứa nước Bà Râu, huyện Thuận Bắc có dung tích chứa 4,64 triệu m3, cung cấp nước tưới cho hơn 300 ha đất sản xuất, đồng thời cung cấp khoảng 1.000 m3 nước/ngày đêm cho sản xuất công nghiệp và phục vụ nước sinh hoạt cho người dân.

Theo đánh giá của Ban Quản lý Dự án ngành Nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Ninh Thuận: Các công trình thủy lợi quan trọng trên địa bàn tỉnh được đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả rõ rệt, diện tích gieo trồng chủ động được nưới tưới đã đạt hơn 80.000 ha. Nhờ đó, nông dân đã mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đời sống người dân đã thay đổi đáng kể. Nhiều mô hình sản xuất đạt 50 triệu/ha, 100 triệu/ha bắt đầu xuất hiện trên những vùng đất hoang hóa, bạc màu.

Ninh Thuận đang tập trung triển khai thi công dự án thủy lợi hồ Tân Mỹ ở xã Phước Hòa, huyện Bác Ái, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư, có dung tích chứa gần 210 triệu m3; dự kiến đưa vào sử dụng vào năm 2015. Đây là một trong những công trình thủy lợi lớn nhất tại Ninh Thuận hiện nay, giải quyết nguồn nước tưới phục vụ sản xuất, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản cho toàn tỉnh.

Những công trình thủy lợi đã và đang được tỉnh đầu tư dựng xây ở vùng đầu nguồn, ngoài thuận lợi tích trữ nước phục vụ cho sản xuất, chăn nuôi... ở vùng hạn, các công trình này còn góp phần không nhỏ trong việc ngăn lũ, chống ngập úng, bảo vệ an toàn cho người dân sinh sống ở các vùng hạ lưu./.

Công Thử - TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất