Trong những năm qua, các địa phương trong tỉnh Hoà Bình đã và đang triển khai tích cực, có hiệu quả công tác dồn điền, đổi thửa nhằm xoá bỏ tình trạng ruộng đất manh mún, hình thành mô hình sản xuất theo hướng hàng hoá, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, từ đó giúp nông dân từng bước làm giàu trên chính đồng đất của mình.
Tỉnh Hoà Bình hiện có tổng diện tích đất nông nghiệp là 353.074,93 ha, chiếm 67,61% diện tích đất tự nhiên; trong đó, đất trồng cây hàng năm là 53.833 ha, bao gồm đất trồng lúa gần 30 nghìn ha, đất cỏ dùng vào chăn nuôi 289 ha, đất trồng cây hàng năm khác 23,6 nghìn ha và đất trồng cây lâu năm 11.557 ha. Thực hiện Nghị định 64/CP của Chính phủ, các huyện, thành phố trên địa bàn đã giao khoảng 1.807.506 ha thửa đất nông nghiệp (chủ yếu là đất trồng cây hàng năm) với diện tích 46.012,2 ha cho các gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp, diện tích còn lại do các tổ chức kinh tế, UBND xã quản lý (5%, đất cộng đồng, đất khó giao và đất trồng cây lâu năm). Việc giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ nông dân theo Nghị định 64 đã tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn. Các hộ nông dân sau khi được giao đất đã tự chủ trong sản xuất, đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, sử dụng giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt nên giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích đã không ngừng tăng, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xoá đói, giảm nghèo từng bước nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần của người dân. Cũng từ việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình cùng nhiều chính sách hỗ trợ đã thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nông dân tích cực áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh tăng vụ, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, đảm bảo nhu cầu an ninh lương thực tại chỗ cho người dân.
Hiện nay, công tác dồn điền đổi thửa trên địa bàn tỉnh Hoà Bình đã thực hiện xong tại các xã Dân Chủ (thành phố Hoà Bình, xã Địch Giáo (huyện Tân Lạc), xã Vĩnh Đồng, Sơn Thủy, Nam Thượng và Kim Bôi (huyện Kim Bôi). X ã Vĩnh Đồng đã hoàn thành dồn điền, đổi thửa tại 12/12 xóm với diện tích 198 ha, đạt 100% diện tích đất giao cho các hộ . Trước đây mỗi xóm có từ 12 - 13 xứ đồng, giờ thực hiện dồn điền, đổi thửa còn lại từ 2 - 3 xứ đồng. Công tác dồn điền, đổi thửa đã tiết kiệm chi phí đầu tư, thuận lợi cho thâm canh tăng vụ, giảm ngày công lao động và được nhân dân đồng tình ủng hộ. Nhờ có "cách đi đúng, cách làm trúng", xã Vĩnh Đồng đã đạt được nhiều kết quả về phát triển kinh tế nông nghiệp. Trên địa bàn xã, tỷ lệ diện tích cho thu nhập trên 50 triệu đồng/ha/năm tăng đáng kể, diện tích sản xuất lúa có xu hướng phát triển cả về mô hình và giá trị, thu nhập bình quân gần 35 triệu đồng/ha/năm.
Anh Bùi Văn Bôi ở xóm Chiềng 3, xã Vĩnh Đồng vui mừng cho biết: Trước đây gia đình tôi có 4 - 5 mảnh ruộng rải rác trên các xứ đồng, đến mùa vụ đi tháo nước để làm đất thì các hộ xung quanh đã đóng nước rất bất tiện, giờ dồn về một khoảnh tiện lợi cho gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch. Hiệu quả là sau khi dồn điền, đổi thửa gia đình tôi được nhận 3.500m2 đất canh tác. Năm đầu tiên tôi trồng thử nghiệm 700m2 mía tím thấy hiệu quả, năm thứ 2 tôi trồng 2.800m2 mía tím xen lạc, cho thu nhập gần 40 triệu đồng, còn lại 700m2 trồng luân canh dưa hấu và ngô. Với diện tích đó, áp dụng công thức luân canh 1 lúa + 2 màu, gia đình tôi thu nhập hơn 50 triệu đồng/năm.
Ông Đinh Văn Hoà, Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Hoà Bình cho biết: Sau khi thực hiện thành công việc dồn điền, đổi thửa, tại các địa phương đã xóa bỏ được tình trạng ruộng đất manh mún, tiết kiệm chi phí sản xuất, kết hợp với quy hoạch và xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng. Từ đó tạo điều kiện cho nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Ngoài ra, việc dồn điền, đổi thửa đã tạo cho ruộng đất liền vùng liền thửa, hình thành vùng sản xuất tập trung có sự quản lý. Quá trình thực hiện dồn điền, đổi thửa tại các địa phương được tiến hành dân chủ, trên tinh thần tự nguyện, công khai cùng có lợi, phù hợp với lợi ích chung, bảo đảm đoàn kết cộng đồng, thúc đẩy sản xuất phát triển, không gây xáo trộn trong đời sống người dân.
Thấy được lợi ích trước mắt cũng như lâu dài của việc dồn điền, đổi thửa, ở một số nơi có những nhóm hộ đã tự thống nhất và trao đổi ruộng đất cho nhau. Ruộng đất của các hộ sau khi dồn điền, đổi thửa sẽ tập trung thành khu vực, thuận lợi cho đầu tư thâm canh, chăm sóc, bảo vệ, cải tạo đất, hạn chế tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, từ đó năng suất, sản lượng cây trồng tăng, hiệu quả kinh tế được nâng cao. Sau khi dồn điền, đổi thửa, các tuyến giao thông nội đồng cũng được mở rộng, làm mới, thuận lợi cho việc đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và xây dựng các mô hình sản xuất gắn với vùng sản xuất kinh tế tập trung. Điều tiết nước tưới tiêu thuận lợi, chủ động, không còn tình trạng tranh chấp nước tưới giữa các vùng, tạo tâm lý yên tâm sản xuất, tích cực đầu tư thâm canh, nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả.
Thành công bước đầu trong công tác dồn điền, đổi thửa ở Hòa Bình thể hiện sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo các địa phương, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. C ác cấp ủy, chính quyền đã quán triệt, tuyên truyền và tổ chức thực hiện, từ đó làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nâng cao nhận thức về chủ trương chuyển đổi ruộng đất từ ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn; đồng thời xây dựng đề án, phương án kế hoạch thực hiện công khai, dân chủ để nhân dân bàn bạc, thống nhất, tự giác thực hiện, thực sự phát huy quyền làm chủ của nhân dân./.
Vũ Hà - TTXVN