Thứ Hai, 30/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Sáu, 20/2/2009 9:10'(GMT+7)

Chung tay đẩy lùi ô nhiễm văn hóa trong thanh thiếu niên

Xây dựng lối sống văn hóa lành mạnh trong thanh niên. Ảnh minh họa

Xây dựng lối sống văn hóa lành mạnh trong thanh niên. Ảnh minh họa

Ô nhiễm văn hoá cũng được rung chuông báo động đỏ. Lứa tuổi vị thành niên và lứa tuổi thanh niên phạm pháp ngày càng tăng và ngày càng nghiêm trọng. Tuy một số tờ báo đã lên tiếng cảnh báo, nhưng chưa được xã hội quan tâm đúng mức. Có lẽ vì vấn đề tác hại này trừu tượng hơn và biện pháp giải quyết như thế nào là hiệu quả còn khó. Nhưng nên thấy rằng nó sẽ di căn nặng, nếu không có biện pháp phòng ngừa, chữa trị.

Trong những nguyên nhân gây nên tệ nạn này, thì nguyên nhân do ô nhiễm văn hoá độc hại là thấy rõ nhất. Muốn giải quyết được vấn đề, cần tìm hiểu về thanh thiếu niên nhiều hơn.

Thời đại ngày nay, lứa tuổi thanh thiếu niên có những đặc trưng tâm, sinh lý khác trước. Do cuộc sống ngày càng được cải thiện, sự phát triển của tuổi trẻ nhanh hơn. Ngày xưa các cụ nói “nữ thập tam, nam thập lục” (gái 13, trai 16) là nói đến sự bắt đầu của chu kỳ sinh lý, bây giờ ở lứa tuổi này nhiều em đã có sự ham muốn tình dục đầy đủ.

Thanh thiếu niên ngày nay mong bản thân được độc lập sớm. Trước đây, thanh niên tuổi 18 còn nhiều lệ thuộc vào gia đình, bố mẹ nói con lắng nghe. Bây giờ, lớp trẻ được tiếp xúc rộng rãi với xã hội nên việc con cái nghe lời cha mẹ giảm đi, chúng có sự suy nghĩ riêng và nhiều khi thích sống riêng khỏi bố mẹ, do đó bố mẹ nắm được hành vi của con là rất khó. Ý thức sớm độc lập của con có mặt tốt nhưng nhiều khi do suy nghĩ chưa chín chắn mà bỏ nhà ra đi, theo bạn bè xấu rủ rê, trở thành kẻ phạm tội với xã hội.

Trước đây khái niệm giáo dục con cái thường đi theo một công thức: Gia đình + Xã hội + Nhà trường. Công thức này về cơ bản vẫn cần thiết nhưng nội dung đã có sự khác biệt. Nhà trường trước đây quản lý học sinh gần như toàn diện nhưng bây giờ sau giờ học, học sinh làm gì nhà trường không nắm được. Học sinh trước đây hết giờ học là về nhà, bây giờ ngoài giờ học ra, chúng học thêm, đi chơi gì, với ai, bố mẹ khó lòng nắm vững nhất là khi bố mẹ bận rộn làm ăn, công việc suốt ngày, không quản lý được con. Con được tiếp xúc sớm với những kiến thức khoa học, trò chơi hiện đại như sử dụng máy vi tính, internet, trò chơi điện tử, lập trang Web Blog.v.v... Có nhiều bậc cha mẹ không đủ trình độ kiến thức về lĩnh vực này, thấy con suốt ngày ngồi bên máy vi tính là mừng, nhưng có biết đâu nhiều khi chúng tiêu khiển những trò văn hoá độc hại mà không biết.

Về mặt xã hội, trước đây thường dùng các đoàn thể để răn đe hoặc khuyến khích các em, bây giờ vẫn có đoàn, có đội, có hội phụ nữ, người cao tuổi tham gia giáo dục các cháu, nhưng hiệu quả không nhiều. Việc ngăn chặn văn hoá độc hại các đoàn thể khó làm, theo không kịp; trong khi đó việc quản lý văn hoá do các ngành văn hoá, truyền thông làm lại không theo kịp tình hình, có nơi buông lỏng, nên sự xâm nhập văn hoá “bẩn” vào lớp trẻ được sức tung hoành… Tất cả những sự kiện ấy lâu ngày tích hợp lại, dần dần gây ô nhiễm văn hoá nghiêm trọng trong lớp trẻ.

Muốn đẩy lùi ô nhiễm văn hoá cần có sự phối hợp đồng bộ của nhiều ngành, nhiều giới.

- Đầu tiên cần trang bị kiến thức mới cho bố mẹ, để các bậc phụ huynh nắm được nội dung các vấn đề như trò chơi điện tử, game online, sử dụng internet, chát.v.v… biết được cái nào cần phát huy, cái nào cần tránh. Con ngồi trước máy tính “lướt nét” “nháy chuột” trong chốc lát bao hình ảnh hiện ra mà có khi bố mẹ chẳng biết gì. Việc bồi dưỡng kiến thức này nên soạn thành chương trình đơn giản, nói ở các câu lạc bộ hoặc tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng.

- Nhà trường và các đoàn thể tổ chức nhiều trò chơi vui, bổ ích và lành mạnh như thể thao thể dục, ca hát, picnic, tham gia các phong trào tình nguyện và thu hút lớp trẻ thích thú nghiên cứu khoa học, lập thân lập nghiệp mà quên đi những hoạt động sa đoạ, tình dục xấu xa.

- Nhà trường phấn đấu để không có học sinh bỏ học, trốn học; nếu bỏ học do nghèo phải giúp đỡ để các em đến trường; nếu bỏ học trốn học đi đến các quán internet phải phối hợp với gia đình và tìm cách ngăn chặn.

- Củng cố mối quan hệ gia tộc với lớp trẻ như đưa các em về thăm quê, dự hội làng, họp họ, họp đồng hương để gợi cho chúng nhớ đến tình cảm quý mến ông bà, cha mẹ, quê hương, làng xóm.

- Việc chiếu phim trên các đài truyền hình ảnh hưởng nhiều đến suy nghĩ và hành động của thanh thiếu niên vì mỗi kênh truyền hình mỗi ngày chiếu tới 4-5 phim. Nên rà soát hạn chế phim kích dục và bạo lực. Do làm phim Việt Nam để chiếu trên truyền hình đắt tiền hơn mua phim ngoại nhiều, nên đài truyền hình chiếu nhiều phim ngoại. Nếu sáng ngủ dậy mở mắt ra đã thấy phim Trung Quốc, tối trước khi đi ngủ lại xem phim Hàn Quốc hay nước khác, lâu ngày thành quen, không còn giữ được bản sắc dân tộc nữa.

- Trước đây các nhà xuất bản là cơ quan sự nghiệp có thu, bây giờ theo cơ chế thị trường, các nhà xuất bản phải tự hạch toán. Nguồn bản thảo phải dựa vào các nhà kinh doanh sách, việc chọn bản thảo theo “gu” thị trường do họ tổ chức và đề xuất, nhà xuất bản chỉ duyệt nội dung, có lúc sơ hở và bị động trong việc tuyển chọn bản thảo. Nên cấp vốn để nhà xuất bản đầu tư vào công tác tuyển chọn bản thảo sẽ giúp nhà xuất bản chủ động hơn, có thể thanh lý những bản thảo không phù hợp.

- Những văn hoá phẩm độc hại thường từ bên ngoài nhập vào theo con đường lậu, bất hợp pháp; từ trong nước phát ra cũng co,á nhưng ít hơn. Cần bồi dưỡng cho cán bộ quản lý văn hoá, thông tin truyền thông và công an bảo vệ văn hoá có đủ năng lực và đạo đức để quản lý chặt nội dung hoạt động văn hoá. Từ việc cho mở vũ trường, quán karaoke, quán internet, nội dung biểu diễn, đến việc tiêu huỷ những văn hoá phẩm độc hại được quản lý theo quy chế, kiểm tra chặt chẽ, không nương nhẹ, buông lỏng.

- Có những trào lưu văn hoá đầu tiên xuất hiện ở một nước Âu-Mỹ nào đó, về sau bản thân nước ấy thấy không lành mạnh đã ra sức khắc phục. Nhưng sau đó nó lại được du nhập vào nước ta. Hoặc như hiện nay đang xuất hiện những trào lưu mới, chưa biết đúng-sai thế nào thì không nên vội quảng bá trên các phương tiện truyền thông. Ban công tác thanh niên nên có cán bộ chuyên trách nghiên cứu về trào lưu văn hoá của các nước, phân biệt cái đúng, cái sai, học hỏi kinh nghiệm về chống tệ nạn văn hoá (như chống nghiện game online chẳng hạn) để hướng dẫn thanh, thiếu niên đi theo trào lưu đúng mà tránh những cái lệch lạc.

Ngày nay, không thể dùng mệnh lệnh hành chính để ngăn cản, cấm đoán lớp trẻ tiếp cận với những vấn đề mới, có xu hướng lạ đang phổ biến trên thế giới. Truyền bá văn hoá, nghệ thuật trên internet đang phát triển hơn bao giờ hết. Hướng dẫn cái đúng, gạt bỏ cái sai hết sức khó khăn và phức tạp. Nhưng để tệ nạn văn hoá độc hại xâm hại lớp trẻ là nỗi đau và nỗi lo của mỗi gia đình và xã hội. Mong được mọi người chung tay góp sức đẩy lùi ô nhiễm văn hoá độc hại trong thanh thiếu niên và trang bị cho lớp trẻ sự hiểu biết cần thiết, đủ sức đề kháng với các loại văn hóa độc hại./.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất