Thứ Hai, 30/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Hai, 9/2/2009 17:42'(GMT+7)

Đầu xuân, thăm từ đường Tam Nguyên Yên Đổ

Từ đường cụ Nguyễn Khuyến mới được phục dựng

Từ đường cụ Nguyễn Khuyến mới được phục dựng

Làng Vị Hạ được cụ Tam Nguyên đưa vào thơ không biết bao nhiêu lần. Đi theo con đường nhỏ từ đầu làng vào hơn 100 m, qua những cái ao quen thuộc của vùng đồng chiêm là đến ngõ nhỏ dẫn vào từ đường. Trúc nay không còn nhiều như xưa, chỉ điểm đôi bụi cây trước cổng. "Ngõ trúc quanh co" dẫn vào một cổng gạch cổ kính.

 

Đón chúng tôi là ông Nguyễn Thanh Tùng, hậu duệ đời thứ năm của cụ Nguyễn. Ông Tùng tự nguyện gắn cả đời mình với mảnh đất hương hoả của cha ông, chăm sóc, gìn giữ nơi là cảm hứng cho Tam Nguyên Yên Đổ sáng tác chùm thơ thu bất hủ.

 

Theo lời giới thiệu của ông Tùng, cái cổng cổ kính được thiết kế nhỏ, nhô hẳn ra ngoài để khẳng định vị trí con trưởng của chủ nhân ngôi nhà, phía trên cùng mặt trước cổng là ba chữ Nho lớn "Môn tử môn" (Cửa ra vào của học trò). Đây cũng là một lời răn dạy nghiêm khắc về đạo làm trò của người xưa. Đó là trước khi vào nhà thầy cho dù là quan lớn hay thứ dân đều phải xuống ngựa, xuống xe, đi bộ vào viếng thầy. Hai bên cổng là đôi câu đối đắp nổi, bậc thềm được xây ba cấp. Lối ra vào là một khuôn hình chữ nhật, các con sơn và những đấu trụ đắp cầu kỳ bằng vữa làm cho mặt phía trước cổng sinh động hẳn lên. Mặt phía trong có một bán mái gác tường ba mặt, lợp ngói nam.

 

Từ đường mới được phục dựng nhưng vẫn giữ nguyên nền cũ, cao chín bậc, có lưỡng long chầu nguyệt. Trước cửa từ đường, rợp bóng hai cây nhãn cổ thụ. Đây là hai cây nhãn thuộc giống nhãn ngon, dùng để tiến vua, được thụ lộc vua ban nên cụ Nguyễn Khuyến đã tự tay trồng ở vị trí rất trang nghiêm, hàng năm hai cây nhãn này vẫn sai trĩu quả.

 

Đằng trước ba gian từ đường có cây vạn tuế và các cây hoa nhài, hoa huệ, hoa hồng... đua nhau nở hoa đưa mùi hương thoảng nhẹ. Tấm ảnh Nguyễn Khuyến đầu đội khăn lượt mặc áo dài, tay nâng chiếc chén hạt mít được đặt trang trọng trong từ đường.

 
Đi sâu vào trong là những nghiên bút, sắc phong, câu đối gợi lên những phút vinh danh khoa bảng một thời của cụ Nguyễn: Tấm biển "Ân tứ vinh quy", "Nhị giáp tiến sĩ" do vua Tự Đức ban cho Tam Nguyên Yên Đổ sau khi đã đỗ đầu ba khoa, trở về quê hương ra mắt dân làng và tạ ơn tổ tiên; bức tượng tạc hình Nguyễn Khuyến chống gậy trúc, dáng vẻ khoan thai thoát tục, mắt ngước nhìn trời xanh được đặt mé phải của hậu cung... Tại đây cũng lưu giữ hai hòm sách và một ống quyển để lưu giữ văn bài mà cậu khóa Thắng (tên tục của cụ Nguyễn) ngày nào còn dùi mài kinh sử.

 
Bước ra khỏi từ đường là "Ao thu" - khung cảnh chính trong chùm thơ thu nổi tiếng của Nguyễn Khuyến, nơi nhà thơ "bất đắc dĩ" lánh xa thế sự. Ngày nay, vẫn "ao sâu nước cả khôn chài cá", vuông vắn, tựa như một chiếc nghiên lặng lẽ khuôn hết bầu trời. Kế bên ao là con lạch nhỏ, nằm song song tựa như một chiếc bút với chiếc nghiên hướng lên trời. Đó là dụng ý xưa của cụ Nguyễn, liên quan tới cách ấn trạch phong thủy, mà ngay bản thân ông Tùng cũng chỉ hiểu rất mơ hồ.

 
Ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết nhiều chuyên gia phong thủy đến đây tham quan và bày tỏ sự thán phục về tài phong thủy của cụ Nguyễn Khuyến. Sống bên từ đường, ông bà Tùng như là những hướng dẫn viên du lịch của khu di tích này. Vợ chồng ông đọc vanh vách những bài thơ của cụ Nguyễn, giải thích cho du khách những câu chuyện, những thâm ý mà không phải ai cũng hiểu được. Phát huy truyền thống hiếu học của dòng tộc, ông Tùng luôn dạy con cháu trong họ cũng như những em học sinh đến thăm từ đường phải tu chí học hành và đề ra mục đích sống của đời mình.

 
Hàng năm cứ đến ngày giỗ cụ Nguyễn (15 tháng Giêng), con cháu vẫn về đông đủ để ôn lại truyền thống hiếu học của dòng tộc và cùng nhắc nhở phát huy truyền thống tốt đẹp ấy. Ông Tùng cho biết, gia đình ông sẽ tiếp tục sự nghiệp trông coi từ đường này để giữ gìn cho hậu thế những kỷ vật về một bậc túc nho đức cao vọng trọng…

 
Với lòng thành kính tưởng nhớ tới bậc danh sĩ trên vùng quê "sông Châu, núi Đọi", vào ngày hôm nay, 15 tháng Giêng, tỉnh Hà Nam long trọng tổ chức Lễ dâng hương kỷ niệm 174 năm ngày sinh và 100 năm ngày mất của Nguyễn Khuyến ngay tại từ đường của Cụ nhằm khơi dậy và phát huy lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước, giáo dục truyền thống văn hiến, hiếu học.

Theo TheThao&VanHoa

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất