Thứ Hai, 30/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Hai, 9/2/2009 15:59'(GMT+7)

Chương trình Táo quân 2009: Nói thật nhưng khó... mất lòng

Táo quân 2009 lôi cuốn khán giả vì sự hài hước thành công những vấn đề xã hội nổi cộm

Táo quân 2009 lôi cuốn khán giả vì sự hài hước thành công những vấn đề xã hội nổi cộm

Hậu trường Táo quân với những chi tiết cảm động được đạo diễn Đỗ Thanh Hải (quyền giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình VN) kể lại.

Táo quân là công của cả làng báo

* Những loại “muối” nào, theo anh, đã giúp Táo quân năm nay trở nên đậm vị hơn?

- Thay vì đi lại lối quen là hình thức tấu trình đã dần mòn chán, Táo quân 2009 tìm đến một hình thức mới là thi “Hoa Táo”. Nhờ cái tứ quen mà lạ này mà chúng tôi đã có cơ “bày trò” hơn, “phăng” ra nhiều hình thức trình diễn gây được hiệu ứng thị giác mạnh (thể hiện rõ nhất trong màn thi tài năng ứng xử).

Thêm vào đó, chất liệu văn hóa dân gian đậm đặc với tuồng, chèo, cải lương, hát xẩm, ca Huế, chầu văn... theo tôi cũng là một trong những thứ “muối” giàu vi khoáng, vừa phù hợp với hương vị tết cổ truyền vừa giúp sinh động hóa diễn xuất. Với sự vận dụng này, Táo quân 2009 có lẽ xứng đáng được xem là một minh chứng thuyết phục cho thấy: những chất liệu giàu có của văn hóa dân gian một khi biết khéo léo “lựa chiều” sẽ đưa lại hiệu quả thẩm mỹ vô cùng đáng kể.

Ngoài ra, để có được một câu chuyện dày dặn và nóng hổi những vấn đề xã hội nổi cộm trong năm, chúng tôi đã phải dựa vào các bảng tổng kết, bình chọn các sự kiện nổi bật trong năm từ rất nhiều báo bạn. Vì vậy, có thể nói Táo quân còn là công sức của cả làng báo trong một năm chứ không chỉ của riêng êkip thực hiện chương trình, của VTV. Công của chúng tôi chẳng qua là lọc ra những sự kiện nào có thể thổi hài vào đó mà thôi!

Khổ luyện với chương trình “đặc sản”

* Có thế nói chưa bao giờ những gương mặt hài quen thuộc của Táo quân lại được làm mới và cho thấy sự khổ luyện, say nghề của họ đến thế! Hậu trường Táo quân hẳn phải có nhiều chuyện đáng nói?

- Có những cố gắng, những biểu hiện say nghề quả thật là rất cảm động, nhất là khi nhìn từ cương vị một đạo diễn. Chương trình Táo quân hằng năm đều rơi vào dịp các nghệ sĩ hài bận tập vở, chạy sô nhiều nhất... Lịch tập suốt ba tuần ròng, vì vậy đều phải chạy từ 2 giờ chiều đến 11, 12 giờ đêm; hôm tổng duyệt còn kéo dài đến tận 4 giờ sáng. Không ít vai diễn đòi hỏi diễn viên không chỉ diễn xuất kịch mà còn cần học hát và vũ đạo.

Vậy mà ai nấy đều không nề hà và luôn ý thức được trách nhiệm nghệ sĩ của mình trước một chương trình “đặc sản” của VTV. Điển hình là Vân Dung (Táo tiêu dùng), buổi tập cuối cùng trước đêm tổng duyệt bị trúng gió, nôn thốc nôn tháo, đạo diễn bắt về vẫn nán lại ngồi dưới khán phòng làm “quan sát viên” và hôm sau đến sớm để tập lại vai lần nữa.

Cùng thời điểm tập Táo quân, bố của Tự Long ốm phải nhập viện khiến “kép Tư Bền” này lúc nào cũng thiếu ngủ, thế là anh chàng toàn phải tranh thủ ngủ trên ghế vào những lúc chờ đến lượt. Gánh một vai diễn thuộc dạng nặng nhất chương trình (Nam Tào), nhưng cũng là thời điểm cây hài Xuân Bắc đắt sô nhất nên một giờ trước lúc chương trình được ghi hình, vẫn bắt gặp anh đứng náu mình trong một góc hành lang hẹp của cung Việt Xô để tập lại đoạn... tuồng.

Có buổi tập Minh Hằng (Táo điện lực) đã xong phần của mình và được “tha”, vậy mà 11 giờ đêm vẫn thấy một giọng xẩm “nghiệp dư” vang lên từ tầng một (hóa ra chị còn tranh thủ nán lại luyện giọng). Để có một pha diễn nhỏ nhưng rất duyên trong màn hát Lục cúng hoa đăng, NSƯT Chí Trung (Táo giao thông) dù đã có chuyên gia thị phạm riêng, vẫn yêu cầu cho xem băng tư liệu để bắt cho đúng “hồn cốt” của giai điệu...

* Nghe nói Đức Hiệp đã bật khóc vì cơ hội bất ngờ dành cho mình: được mời diễn trở lại trong một chương trình lớn lên sóng truyền hình quốc gia tối 30 tết, kể từ sau sự cố “khói trắng”? Quyết định đó có khó khăn với anh và lãnh đạo đài?

- Sau những ngần ngại lúc đầu, cuối cùng chúng tôi vẫn quyết định dành cho Hiệp một cơ hội vì cho rằng những gì Hiệp cần trả giá cho sai lầm của mình thì Hiệp đã trả giá, lúc này là lúc chúng ta cần mở rộng vòng tay, chứ nếu đơn giản quay lưng thì chẳng hóa lâu nay ta chỉ giỏi nói suông thôi sao.

Cân nhắc có chăng sau đó là nên dành vai nào cho Hiệp. Một trong những Táo quân thì e là không hợp lẽ. Vì vậy vai diễn cho Hiệp (Gia Cát Dự) chính là vai mà lúc đầu không có trong kịch bản. Một vai diễn nhỏ, chỉ như một nét chấm phá nhưng cũng đủ giúp anh bộc lộ được ít nhiều duyên hài riêng của mình và niềm vui được tìm về khán giả. Giao vai cho Hiệp, tôi nói đùa: “Tôi đã đặt cả “sinh mạng” của tôi vào chương trình này, trong đó có vai diễn của ông đấy!”.

Chính vậy trong suốt quá trình tập luyện, Hiệp đã tỏ ra rất tận tụy với vai diễn của mình mà không nề hà so bì vai lớn, nhỏ. Hôm “đóng máy”, anh đứng dậy nói lời cảm ơn mọi người và bật khóc. Riêng các nghệ sĩ Công Lý (Bắc Đẩu) - Xuân Bắc (Nam Tào) - Quốc Khánh (Ngọc Hoàng) và Tự Long (Táo thoát nước), chúng tôi đánh giá rất cao sức bật trong khả năng ứng tác, “xuất khẩu thành... thoại” của họ. Ít ai biết nhiều lời thoại dí dỏm có được trong Táo quân chính là nhờ các “tác giả kịch bản đột xuất” này.

Nói thật nhưng khó mà giận Táo quân được lâu!

Bắc Đẩu (Công Lý) - Nam Tào (Xuân Bắc) và Táo thoát nước (Tự Long) cùng tam ca bài hát Lụt từ ngã tư đường phố

* Anh có nghĩ Táo quân năm nay dễ hút người xem vì gần như được “độc quyền” sóng mà không “đụng” phải cầu truyền hình?

- Giữ được người xem không chạy qua kênh khác cho một chương trình hài kéo dài đến 2 giờ (những năm trước chỉ 90 phút) hoàn toàn là điều không đơn giản. Ranh giới giữa duyên hài và cách chọc cười vô duyên rất mong manh. Thời lượng chiếm sóng vì vậy vừa là cơ hội vừa là thách thức. Có nhiều lý do để lãnh đạo đài quyết định không thực hiện cầu truyền hình năm nay. Nhưng theo tôi, cái mới đáng kể ở đây là thay vì chia sóng cho một mâm cỗ đêm tất niên có quá nhiều món, VTV đã chọn làm một mâm cơm ít món để “vừa miệng” khán giả hơn.

* Nhưng lẽ ra trong mâm cỗ Táo cũng nên có mặt một số cây hài miền Nam như các chương trình Gặp nhau cuối năm trước đây từng làm được?

- Luôn có một bảng phân vai theo kiểu đo ni đóng giày để mỗi nghệ sĩ có thể phát huy duyên hài của mình một cách cao nhất. Kịch bản Táo quân năm nay vì vậy cũng đã có vai dành cho ba cây hài: Hồng Vân, Thúy Nga, Hoàng Sơn. Nhưng tiếc là các vai này về sau đành phải cắt bỏ vì các nghệ sĩ đang cao điểm mùa kịch tết nên không thể thu xếp thời gian được (họ chỉ có thể ra được 3-4 ngày trong khi lịch tập Táo quân đòi hỏi tối thiểu phải một tuần).

* Trở thành nguyên mẫu của những bức “biếm họa” là điều mà hầu như không ai muốn. Trên thực tế Táo quân đã bao giờ gặp phải phản ứng từ các “nguyên mẫu”?

- Có một năm thì phải, và “nạn nhân” là Táo thể thao. Tuy nhiên không có gì gay gắt. Đã đành sự thật thì luôn có thể khiến (ai đó) mất lòng nhưng với bút pháp hư cấu, với giọng điệu và phương thức châm biếm hóm hỉnh nhẹ nhàng, xuất phát từ thiện chí xây dựng hơn là đả phá (không phải ngẫu nhiên mà màn kết của Táo quân bao giờ cũng là bộc lộ tâm thế của xã hội và mong ước của muôn dân), Táo quân theo tôi khó làm ai mất lòng hay giận lâu được.

Dùng tiếng cười để chuyển tải thông điệp thay vì “nghiêm trọng hóa” nó, theo tôi biết, cũng là một cách làm hiệu quả của truyền thông phương Tây và truyền thông hiện đại nói chung. Và chẳng phải là trong cuộc sống, chúng ta cũng vẫn ngại những người hay “trầm trọng hóa” mọi việc đấy sao?

Những “kỷ lục” của Táo quân 2009

- Là chương trình dài hơi nhất từ trước đến nay: 210 phút trên sân khấu và 120 phút khi lên sóng (trước đây chỉ 90 phút).

- Vận dụng nhiều loại hình nghệ thuật nhất: chín loại (tuồng, chèo, cải lương, xẩm, chầu văn, hát then, ca Huế, nhạc kịch, xiếc).

- Có nhiều cố vấn nghệ thuật nhất: mỗi Táo quân có một chuyên gia tuồng, xẩm... đi kèm.

- Là chương trình làm khó các diễn viên kịch nhất vì bắt họ học hát đủ các làn điệu, loại hình cùng nhiều trình thức, vũ đạo nhất.

- Kịch bản được chỉnh sửa, bổ sung nhiều lần nhất.

- Hai diễn viên lập kỷ lục đứng lâu nhất trên sân khấu (ba giờ rưỡi): Xuân Bắc (Nam Tào), Công Lý (Bắc Đẩu).


(Theo Tuổi trẻ online)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất